Những thắc mắc xoay quanh thoái hoá cột sống
Thoái hóa cột sống là bệnh lý xương khớp mãn tính xảy ra ở độ tuổi trung niên. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa cột sống ở người trẻ có xu hướng gia tăng và để lại nhiều biến chứng khó lường.
1. Thoái hóa cột sống là gì?
Bệnh thoái hóa cột sống do quá trình lão hóa tự nhiên xảy ra ở hệ thống cột sống và thường gặp ở đốt sống lưng, đốt sống cổ. Như chúng ta đã biết, cột sống đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp nâng đỡ toàn bộ cơ thể, kết hợp cùng các xương khác như xương sườn, xương chậu, tạo thành khung xương cơ bản. Do vậy, tình trạng thoái hóa diễn ra ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng sinh hoạt hàng ngày.
Trước đây, thoái hóa cột sống chủ yếu gặp phải ở người lớn tuổi nhưng những năm gần đây, số người trẻ mắc bệnh ngày càng nhiều, đây là hệ quả của lối sống thiếu lành mạnh.
2. Có mấy dạng thoái hóa cột sống?
Tùy thuộc vào vị trí thoái hóa các đốt sống trên cơ thể, bệnh được chia thành 3 dạng cơ bản:
a. Thoái hóa cột sống thắt lưng
Khi bị thoái hóa cột sống thắt lưng, cơn đau buốt di chuyển đến các đốt sống lưng phía dưới, lan đến vùng mông, hông, chân,… Cơn đau thường nặng hơn vào ban đêm hoặc khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi, , kéo dài đến vài tuần gây khó chịu, Cơn đau có thể lan xuống hai chân, gây tê liệt hoặc mất thăng bằng khi di chuyển.
Các vị trí lưng thường bị ảnh hưởng như: thoái hóa đốt sống L5 - S1, thoái hóa cột sống thắt lưng L1 - L5. Đây là những vị trí thường xuyên chịu nhiều áp lực sức nặng của cơ thể dồn vào, đồng thời ổn định chức năng cột sống của cơ thể.
b. Thoái hóa cột sống cổ
Các biểu hiện khi bị thoái hóa cột sống cổ như cứng, đau cổ gây khó xoay đầu, yếu vai, suy giảm khả năng dùng lực cánh tay và ngón tay. Hơn nữa khu vực cổ có nhiều các dây thần kinh và dây chằng, khi bị tổn thương dễ xảy ra tình trạng mất cảm giác, tê bì tay.
Đốt sống cổ gồm 7 đốt từ C1 đến C7, đảm nhiệm vai trò nâng đỡ đầu, điều khiển của động xoay, giữ thăng bằng cơ thể, bảo vệ hệ thống thần kinh dẫn truyền từ não tới các bộ phận khác. Chính vì vậy, khi bị thoái hóa đốt sống cổ sẽ ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác hơn.
c. Thoái hóa đốt sống ngực
Dạng thoái hóa này ít gặp hơn hai loại ở trên. Đốt sống ngực từ đốt T1 - T12, nối liền với đầu của các xương sườn tạo thành khung xương lồng ngực. Thoái hóa đốt sống ngực thường gây các triệu chứng như đau cứng lưng, đau nặng hơn khi hoạt động. Bệnh có thể gây hẹp ống sống ở phần trên và giữa của lưng, dẫn đến chèn ép tủy sống và rễ thần kinh, tê tay chân, rối loạn dáng đi…
Xem thêm: Điều trị và phòng ngừa thoái hóa cột sống
3. Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị thoái hóa cột sống?
Thoái hóa là quá trình tự nhiên làm suy giảm chức năng của các bộ phận trên cơ thể, kể cả cột sống. Theo thời gian, xương và sụn khớp bị tổn thương, khả năng chịu lực yếu dần. Thoái hóa cột sống sẽ tiến triển nặng dần theo tuổi tác và khi có sự tác động của một số yếu tố nguy cơ như:
- Lao động nặng, mang vác quá sức hoặc lao động ngay từ nhỏ, quá sớm.
- Tập luyện quá độ, không đúng phương pháp.
- Ngồi quá nhiều hoặc làm việc luôn trong một tư thế, ít thay đổi.
- Tăng cân mất kiểm soát.
- Điều kiện sống khó khăn, ăn uống không đủ chất.
4. Thoái hóa cột sống có nguy hiểm không?
Thực tế, tình trạng này không trực tiếp đe dọa tính mạng người bệnh nhưng lại là căn nguyên dẫn đến một số bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cuộc sống.
- Gai cột sống: Tình trạng này đây đau buốt vùng cổ và thắt lưng sau đó lan ra tay và làm bệnh nhân hạ huyết áp, khó thở. Gai cột sống không thể chữa khỏi hoàn toàn, chỉ có thể áp dụng các biện pháp làm giảm triệu chứng bệnh.
- Đau dây thần kinh tọa: Gây đau nhức cột sống, cẳng chân, xương đùi, mắt cá chân,… Bệnh có thể khỏi theo thời gian nhưng cũng cần được thăm khám để tình trạng mau chóng cải thiện.
- Cong vẹo cột sống: Ảnh hưởng đến cấu trúc cột sống, gây ra nhiều cơn đau ở lưng và thắt lưng. Đôi khi bệnh nhân còn bị căng cơ, căng khớp. Mặt khác tình trạng này còn có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của tim và phổi.
Tình trạng thoái hóa cột sống vốn là bệnh lý mãn tính và sẽ diễn biến âm thầm cả về mức độ và triệu chứng. Khi bệnh đã ở cấp độ nặng, bắt đầu xuất hiện biến chứng thì rất khó điều trị triệt để.
5. Chẩn đoán thoái hóa cột sống bằng cách nào?
Ngoài dựa trên các triệu chứng lâm sàng, các bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh thoái hóa cột sống bằng cách yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm hình ảnh như:
- X-Quang: Chụp X-quang giúp bác sĩ kiểm tra liệu cột sống có bị tổn thương về xương, gai đốt xương, mất đĩa hoặc sụn hay không.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): nhằm xác định những tổn thương ở đĩa đệm và vị trí dây thần kinh cột sống bị thoát vị.
- Một số xét nghiệm khác: điển hình như xét nghiệm máu nhằm loại trừ các bệnh lý gây đau cột sống như viêm cột sống dính khớp, lao cột sống.
Xem thêm: Những thắc mắc xoay quanh tình trạng thoái hóa khớp gối
6. Phòng ngừa thoái hóa cột sống như thế nào?
Thoái hóa cột sống là một quá trình diễn biến tự nhiên theo tuổi tác mà không có yếu tố nào có thể ngăn chặn. Tuy nhiên, chúng ta có thể làm chậm quá trình này bằng cách thay đổi lối sống, ăn uống khoa học và luyện tập thể dục thường xuyên như:
- Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất tốt cho xương khớp vào bữa ăn hằng ngày như vitamin D, vitamin C, Canxi hoặc Magie.
- Bổ sung Glucosamine từ các loại thực phẩm chức năng.
- Uống nhiều nước lọc, tối thiểu 1,5 lít - 2 lít/ngày
- Không dùng các chất kích như thuốc lá, rượu bia, cà phê.
- Hạn chế các công việc nặng nhọc, dùng sức nhiều, chú ý điều chỉnh tư thế, giảm các áp lực dồn lên cột sống.
- Thường xuyên thay đổi tư thế khi ngồi nhiều, khoảng 60 phút nên đứng lên đi lại để cột sống và xương khớp được thư giãn.
- Giữ cho tinh thần thoải mái, kiểm soát căng thẳng và áp lực bằng cách đọc sách, nghe nhạc, dạo phố, đi du lịch.
- Tập luyện thường xuyên và đúng cách các bài tập như bơi lội, đi bộ, thể dục nhịp điệu để tăng năng lượng, tăng cường cơ bắp và cải thiện độ linh hoạt của các khớp xương.
- Kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý.
- Thực hiện các bài tập giúp chữa thoái hóa cột sống, tăng cường độ dẻo dai của cơ thể.
Thoái hóa cột sống có thể phòng ngừa và điều trị nếu người bệnh phát hiện sớm và tuân thủ điều trị.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình