Những thắc mắc xoay quanh tình trạng thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương sụn khớp, kèm phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch khớp do quá trình tái tạo sụn khớp không kịp để bù vào lớp sụn đã mất theo thời gian.
1. Thoái hóa khớp gối là tình trạng bệnh như thế nào?
Thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương sụn khớp và xương dưới sụn, kèm theo phản ứng viêm, giảm thiểu lượng dịch khớp. Bình thường, sụn khớp nguyên vẹn, trơn láng và cấu trúc xương dưới sụn ổn định.
Tuy nhiên, khi khớp bị thoái hóa, sụn khớp bị bào mòn, xù xì và nặng hơn có thể trơ ra đầu xương dưới sụn. Đồng thời, vùng xương dưới sụn cũng thay đổi cấu trúc dẫn đến phản ứng tạo các chất gây viêm, xuất hiện các triệu chứng như đau, sưng tấy.
Khớp giúp các chi, cột sống di động hàng ngày mà không bị tổn thương. Đó là nhờ sụn khớp và dịch khớp làm giảm sự ma sát giữa hai đầu xương gắn nhau ở khớp. Theo thời gian, lớp sụn khớp dần bị thoái hóa, trở nên xù xì và mỏng đi khiến cho khớp không thể vận hành tốt. Đồng thời, phần xương dưới (lớp) sụn cũng bắt đầu thay đổi cấu trúc và hình dạng, bị xơ hóa, mật độ khoáng và sự bền chắc giảm sút rõ rệt, xuất hiện các vết nứt nhỏ.
Đối với trường hợp nặng, sụn có thể mỏng đến mức không thể che phủ toàn bộ đầu xương. Khi vận động, xương dưới sụn bị cọ xát vào nhau, thậm chí bào mòn lẫn nhau khiến người bệnh cảm thấy vô cùng đau đớn.
2. Nguyên nhân gây ra thoái hóa khớp gối là gì?
Việc nhận biết được nguyên nhân gây bệnh là vô cùng cần thiết. Dựa trên nguyên nhân sẽ giúp người bệnh có thể ngăn ngừa và phòng tránh sớm căn bệnh này. Bệnh thoái hóa khớp gối được chia làm hai loại chính là thoái hóa nguyên phát và thoái hóa thứ phát. Mỗi loại lại được gây ra bởi những nguyên nhân khác nhau. Cụ thể:
a. Thoái hóa nguyên phát
Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thoái hóa khớp gối nguyên phát bao gồm:
- Tuổi tác: Bệnh chiếm phần lớn ở người cao tuổi, nhất là người bệnh từ 60 tuổi trở lên. Bệnh có thể gặp ở một hoặc nhiều vị trí khớp khác nhau, quá trình phát triển chậm theo thời gian. Nguyên nhân là do ở người cao tuổi các sụn khớp bị bào mòn, khả năng gánh chịu lực giảm và độ đàn hồi kém.
- Nội tiết tố thay đổi: Khi cơ thể mắc phải một số bệnh lý như đái đường, mãn kinh khiến nội tiết tố trong cơ thể bị suy giảm. Điều này gây ra các bệnh về xương khớp, đây cũng là nguyên nhân lý giải cho việc tại sao nữ giới chiếm tỉ lệ lớn trong số những người bệnh bị thường bị thoái hóa khớp gối.
- Yếu tố di truyền: Trong gia đình, nếu như bố mẹ, anh chị em ruột bị mắc bệnh thoái hóa liên quan tới xương khớp vùng gối thì bạn cũng sẽ có khả năng cao bị mắc phải bệnh lý này.
b. Thoái hóa thứ phát
Khác với thoái hóa nguyên phát, thoái hóa thứ phát có thể gặp ở mọi độ tuổi với nhiều nguyên nhân khác nhau như:
- Giới tính: Bệnh hay gặp ở nữ giới, nguyên nhân thường do sự thay đổi nội tiết tố và estrogen.
- Chủng tộc: Các nghiên cứu chỉ ra rằng người châu Phi có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp gối lớn hơn so với các chủng tộc khác, đặc biệt là nữ giới.
- Do các chấn thương: Tai nạn giao thông, chơi thể thao hay hoạt động mạnh là những nguyên nhân thường thấy dẫn tới các chấn thương tại vùng khớp gối. Những chấn thương này mang tới những biến chứng như: Rách dây chằng, u bao hoạt dịch, viêm gân bánh chè, viêm khớp…..
- Thừa cân, béo phì: Tình trạng thừa cân béo phì khiến cơ thể luôn phải gánh trọng lượng lớn, gây áp lực lên xương khớp. Lâu ngày khiến xương khớp bị đè nén, biến dạng.
- Do yếu tố bẩm sinh: Một số ít người bệnh bị viêm khớp, thoái hóa khớp gối do yếu tố di truyền, bẩm sinh khiến khớp gối bị quá duỗi, bị quay vào trong…..
- Thiếu vitamin D: Thiếu D cũng dẫn tới tình trạng loãng xương, viêm xương khớp, trong đó có viêm khớp gối. Tình trạng viêm nhiễm, tổn thương khớp gối nếu không được điều trị triệt để, tận gốc dễ dẫn tới thoái hóa khớp gối.
Xem thêm: Dấu hiệu nhận biết thoái hóa khớp gối
3. Biểu hiện của thoái hóa khớp gối như thế nào?
Người bị bệnh thoái hóa khớp nói chung và phần khớp gối nói riêng thường có các triệu chứng sau:
a. Đau vùng khớp gối
Đây được xem là triệu chứng nổi bật và thường thấy nhất ở nhiều người bệnh. Các cơn đau có tính cơ học, xuất hiện khi người bệnh hoạt động, vận động hay thay đổi tư thế. Cơn đau giảm dần khi người bệnh nghỉ ngơi, có tư thế nằm, ngồi phù hợp. Tuy nhiên các cơn đau chỉ thuyên giảm về mức độ và vẫn tái phát thường xuyên. Mức độ có thể âm ỉ hoặc đau nhói với mức độ đau tăng dần.
b. Dấu hiệu cứng khớp
Hiện tượng cứng khớp xuất hiện nhiều vào buổi sáng khi vừa ngủ dậy hoặc sau một giấc ngủ dài. Phần khớp gối co cứng, người bệnh khó hoạt động, cần thời gian xoa bóp để giãn cơ, khớp để khớp có thể hoạt động bình thường. Hiện tượng cứng khớp thường diễn ra trong khoảng 20 - 30 phút.
c. Khớp có tiếng kêu khi hoạt động
Khi người bệnh ngồi xuống đột ngột khi đang đứng sẽ nghe thấy tiếng kêu từ vùng khớp gối. Tiếng kêu này dễ phát hiện và là triệu chứng ban đầu cho căn bệnh thoái hóa khớp ở vùng gối.
Ngoài ra để chắc chắn hơn, người bệnh có thể tiến hành thăm khám để xác định rõ bệnh lý. Bác sĩ chuyên khoa sẽ đặt 4 ngón tay xung quanh phần xương bánh chè và tiến hành di chuyển bánh chè theo trục của xương để phát hiện tiếng kêu. Người bị thoái hóa sẽ có tiếng lại xạo khi di chuyển xương bánh chè.
d. Các hoạt động liên quan tới vùng chân, gối bị hạn chế
Người bệnh khó duỗi, gặp khó khăn trong việc co khớp gối và khó khăn khi di chuyển. Ngoài ra cảm giác đau nhói khi ngồi, đi cũng phổ biến và kèm theo sự co cơ.
e. Biến dạng vùng gối
Người bệnh sẽ sờ thấy phần gai, xương chồi ra xung quanh khớp gối. Khi nhấn tay vào thấy sự bập bềnh của xương bánh chè trong dịch khớp.
4. Thoái hóa khớp có nguy hiểm không?
Thoái hóa khớp nếu không được điều trị và chẩn đoán kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Bệnh gút (gout): Đây được xem là biến chứng của thoái hóa khớp, tình trạng này dẫn đến sự thay đổi ở sụn dẫn đến việc hình thành các tinh thể urat natri trong khớp dẫn đến mắc bệnh gout và sưng đau.
- Trầm cảm và lo âu: Nhiều nghiên cứu nhận thấy rằng những cơn đau do viêm khớp thoái hóa có liên hệ mật thiết với chứng trầm cảm lo âu, nhiều bệnh nhân chia sẽ họ có lo lắng về mặt tinh thần khi mắc bệnh.
- Tăng cân: Khi các khớp bị sưng đau dẫn đến người bệnh có xu hướng ít vận động lại, điều này dẫn đến nguy cơ béo phì do thiếu vận động.
- Rối loạn giấc ngủ: Những cơ đau khiến người bệnh trở nên khó khi vào giấc ngủ và có được một giấc ngủ ngon và sâu.
- Vôi hóa sụn khớp: Thoái hóa xương khớp hình thành các tinh thể canxi lắng đọng trong sụn. Vôi hóa sụn khớp làm cho tình trạng viêm trở nên nặng hơn, có thể dẫn đến những cơn đau cấp tính.
Các biến chứng viêm khớp thoái hóa khác gồm:
- Xương bị hoại tử.
- Gãy xương.
- Chảy máu hoặc nhiễm trùng.
- Gân và dây chằng quanh khớp bị tổn thương.
Xem thêm: Chẩn đoán và điều trị thoái hóa khớp gối
5. Làm thế nào để phòng ngừa thoái hóa khớp gối?
Các biện pháp phòng ngừa thoái hóa khớp như sau:
- Duy trì cân nặng lý tưởng để hạn chế trọng lượng của cơ thể gia tăng áp lực lên hệ thống dây chằng và xương khớp. Áp dụng các biện pháp giảm cân khoa học nếu cần.
- Vận động đúng tư thế. Tăng cường luyện tập thể dục thể thao để tăng cường sự dẻo dai và chắc khỏe của xương.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học: Hạn chế đồ chiên xào rán, thực phẩm có chỉ số đường huyết cao. Tăng cường bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho xương, sụn khớp nhằm thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào, ngăn ngừa quá trình thoái hoá xảy ra.
- Ngay khi xuất hiện các triệu chứng thoái hoá khớp ở giai đoạn sớm, cần tiến thành thăm khám để có phác đồ điều trị thích hợp.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình