Hotline 24/7
08983-08983

Thoái hóa cột sống: Nguyên nhân và triệu chứng

Thoái hóa cột sống được xác định là một bệnh lý mãn tính, tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng lại dai dẳng, ảnh hưởng rất nhiều đến vận động và sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.

1. Thoái hóa cột sống là gì?

Thoái hóa cột sống là tình trạng khi lớp sụn khớp mòn dần, các đầu xương đốt sống sẽ trực tiếp ma sát với nhau khi cơ thể vận động và gây viêm, từ đó dẫn đến sưng bao hoạt dịch khớp và khô khớp do dịch khớp tiết ra bị hạn chế. Ngoài ra, sự ma sát của các đầu xương còn góp phần hình thành gai xương tại đây. Gai xương phát triển quá mức lại tiếp tục cọ xát gây ảnh hưởng đến xương đốt sống, rễ thần kinh và các mô mềm xung quanh.

Cấu tạo của cột sống gồm 33 đốt sống xếp chồng lên nhau. Trong đó:

Dễ bị thoái hóa nhất là các đốt sống L1 - L5 nằm ở khu vực thắt lưng nên còn được gọi là thoái hóa cột sống thắt lưng.

Đoạn đốt sống C5 - C7 cũng rất dễ bị thương tổn dẫn đến bào mòn. Tình trạng này gọi là thoái hóa cột sống cổ.

Ngoài ra, tuy không thường xảy ra nhưng các đốt sống ngực (T1 - T12) vẫn có nguy cơ bị thoái hóa.

2. Nguyên nhân gây ra thoái hóa cột sống

Nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh thoái hóa cột sống là do sự lão hóa tự nhiên của cơ thể. Tuổi càng cao, cấu trúc xương khớp càng suy yếu, nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Chính vì vậy, đối tượng người trung niên, cao tuổi thường có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất.

Trên thực tế, không ít người mắc thoái hóa cột sống khi tuổi còn rất trẻ. Nguyên nhân gây bệnh không chỉ là tuổi tác mà còn có thể do một số nguyên nhân khác. Phổ biến nhất là các nguyên nhân:

- Ảnh hưởng của công việc: Các công việc phải ngồi/đứng nhiều hoặc mang vác vật nặng dễ làm cột sống bị tổn thương. Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài gây nên thoái hóa cột sống.

- Cân nặng: Cân nặng là một trong những nguyên nhân gây ra thoái hóa cột sống. Theo lý giải của các chuyên gia, trọng lượng cơ thể càng lớn thì cột sống sẽ phải chịu nhiều áp lực hơn, từ đó dễ gây thoái hóa cột sống.

- Chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống hàng ngày nếu thiếu các dưỡng chất cần thiết cho quá trình phát triển xương khớp như Canxi, Vitamin... có thể gây nên tình trạng loãng xương, đẩy nhanh tốc độ thoái hóa cột sống.

- Ảnh hưởng của giới tính: Nguy cơ mắc bệnh thoái hóa cột sống ở nam giới thường cao hơn nữ giới. Nguyên nhân được đưa ra là do nam giới thường phải bê vác vật nặng, từ đó khiến cột sống chịu nhiều tổn thương hơn.

- Chấn thương: Các chấn thương vùng cột sống do tai nạn lao động, giao thông… không được xử lý tận gốc sẽ là tác nhân gây ra thoái hóa cột sống.

- Di truyền: Trong gia đình có người mắc bệnh về cột sống thì nguy cơ mắc thoái hóa cột sống của các thành viên sẽ cao hơn người bình thường.

Xem thêm: Những thắc mắc thường gặp về thoái hoá khớp

3. Triệu chứng bệnh thoái hóa cột sống

Tùy thuộc vào vị trí cột sống bị thoái hóa mà triệu chứng của bệnh có đặc trưng riêng. Thoái hóa cột sống có triệu chứng ở 2 vị trí mắc bệnh phổ biến nhất là cổ và thắt lưng.

a. Triệu chứng thoái hóa cột sống thắt lưng

- Đau nhức vùng lưng: Đây là triệu chứng phổ biến nhất ở những người bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng. Tần suất và cường độ đau nhức phụ thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh. Các cơn đau sẽ dữ dội hơn khi thời tiết thay đổi thất thường hoặc khi người bệnh hoạt động gắng sức.

- Tê bì chân: Thoái hóa cột sống thắt lưng sẽ gây nên tình trạng tê bì ở cả 2 chân. Triệu chứng gây khó khăn trong hoạt động thường ngày của người bệnh.

- Vận động hạn chế: Thoái hóa cột sống thắt lưng gây ra những chèn ép lên dây thần kinh vận động. Tình trạng này diễn ra lâu ngày gây ra những tổn thương vĩnh viễn ở chi dưới. Người bệnh có thể bị yếu cơ, bại liệt.

b. Triệu chứng thoái hóa cột sống cổ

- Đau, cứng vùng cổ: Tình trạng đau nhức ở giai đoạn đầu có thể diễn ra đột ngột. Nếu không ngăn chặn từ sớm, người bệnh có thể không thực hiện được các cử động như xoay đầu hoặc nghiêng đầu…

- Suy giảm sức lực ở tay, vai: Vai và tay (bao gồm cả phần cánh tay) là khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp khi người bệnh mắc thoái hóa cột sống cổ. Lực ở tay và vai sẽ dần suy giảm khi bệnh trở nặng. Nặng hơn, người bệnh có thể không cầm nắm hoặc mang vác được đồ vật.

- Chóng mặt, đau đầu: Triệu chứng xảy ra khi rễ dây thần kinh bị chèn ép do tác động của thoái hóa cột sống. Người bệnh có thể ngất xỉu khi bệnh trở nặng.

 - Mất cảm giác: Tình trạng xảy ra khi thoái hóa cột sống cổ ở giai đoạn nặng. Người bệnh sẽ bị mất cảm giác, gặp khó khăn trong việc cảm nhận ngoại cảnh bên ngoài.

4. Các biến chứng thoái hóa cột sống khi không được điều trị sớm

Nếu không được kiểm soát và điều trị hiệu quả kịp thời, các đốt xương sống bị thoái hóa có thể kéo theo hàng loạt biến chứng nghiêm trọng xảy ra. Trong đó, phổ biến nhất là:

a. Gai cột sống

Khi lớp sụn khớp bị bào mòn, cơ thể sẽ tiến hành cơ chế tự chữa lành thương tổn bằng cách kích thích gai xương hình thành tại đây. Sự phát triển của gai cột sống không chỉ làm biến dạng đầu xương đốt sống mà còn có khả năng ảnh hưởng đến mô mềm và rễ thần kinh xung quanh.

Xem thêm: Điều trị thoái hóa khớp gối bằng y học cổ truyền

b. Thoát vị đĩa đệm

Thoái hóa cột sống cũng có thể gây tổn thương đĩa đệm. Mỗi đĩa đệm đều có phần nhân nhầy bao bọc bởi lớp bao xơ bên ngoài. Khi lớp bao bên ngoài bị rách hoặc nứt do tổn thương, nhân nhầy sẽ thoát ra và khiến đĩa đệm trượt khỏi vị trí ban đầu, dẫn đến tình trạng thoát vị đĩa đệm.

Trong một số trường hợp hiếm gặp, thoát vị đĩa đệm còn có thể tác động lên đám rối thần kinh đuôi ngựa (cauda equina), dẫn đến biến chứng mất kiểm soát ruột, bàng quang hoặc thậm chí là rối loạn chức năng tình dục.

c. Chèn ép rễ thần kinh

Gai xương và đĩa đệm bị thoát vị có khả năng chèn vào các rễ thần kinh gần đó gây đau và tê ngứa tay chân, đôi khi còn dẫn đến một số vấn đề nghiêm trọng hơn như:

- Đau thần kinh tọa.

- Hội chứng cổ vai gáy.

- Thương tổn thần kinh vĩnh viễn gây tàn phế.

d. Một số biến chứng khác

Bệnh nhân bị thoái hóa xương sống đôi lúc còn phải đối mặt với những vấn đề như:

- Đau đầu, chóng mặt do các động mạch gần đốt sống bị chèn ép.

- Chèn ép tủy sống dẫn đến đau yếu tứ chi, vận động khó khăn hoặc thậm chí là liệt.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X