Hotline 24/7
08983-08983

Điều trị và phòng ngừa thoái hóa cột sống

Thoái hóa cột sống là chứng bệnh xương khớp rất phổ biến ở những người thuộc tuổi trung niên hoặc người già. Nếu không có các biện pháp điều trị kịp thời sẽ gây ra các ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng vận động.

1. Tổng quan về thoái hóa cột sống

Bệnh thoái hóa cột sống do quá trình lão hóa tự nhiên xảy ra ở hệ thống cột sống và thường gặp ở đốt sống lưng, đốt sống cổ. Như chúng ta đã biết, cột sống đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp nâng đỡ toàn bộ cơ thể, kết hợp hoạt động cùng các khớp xương khác như xương sườn, xương chậu, tạo thành khung xương cơ bản. Do vậy, tình trạng thoái hóa diễn ra ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng sinh hoạt hàng ngày.                       
Toàn bộ cơ thể người có khoảng 32 đến 34 đốt sống nối dài từ xương sọ đến xương chậu, được ngăn cách bởi đĩa đệm. Trong đó, bất kỳ vị trí nào đều cũng có thể bị thoái hoá. Hai vị trí thường gặp tình trạng thoái hoá nhất là thoái hóa cột sống ở cổ và ở thắt lưng. Loại bệnh này thường dễ mắc phải ở người từ 35 đến 40 tuổi trở lên, đa phần là nam giới. Theo thống kê của bộ y tế, hầu như không có trường hợp nào mắc bệnh dưới 30 tuổi.

2. Nguyên nhân gây thoái hóa cột sống

Để phòng ngừa và điều trị thoái hóa cột sống, nắm được nguyên nhân gây bệnh là rất quan trọng, từ đó ngăn chặn ảnh hưởng xấu đến cột sống, giảm tình trạng lão hóa. Khi đó, dù không thể ngăn chặn hoàn toàn quá trình lão hóa nhưng làm chậm, cải thiện được triệu chứng bệnh đáng kể. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra thoái hóa cột sống bao gồm:

a. Nguyên nhân nguyên phát

Quá trình lão hóa tự nhiên là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh thoái hóa cột sống. Theo đó, tuổi tác càng cao thì cấu trúc cột sống sẽ càng suy yếu, với các biểu hiện như bao xơ đĩa đệm dễ bị rách vỡ, đĩa đệm bị mất nước, dây chằng bị xơ hóa hoặc các mô sụn bị hao mòn.

Thông thường, bệnh có diễn biến nhanh hay chậm phụ thuộc vào lối sống sinh hoạt và chế độ ăn uống của mỗi người.

- Thói quen sinh hoạt: Tư thế nằm gối quá cao, ngồi gù lưng, gập cổ hoặc tập luyện thể thao không đúng cách là các yếu tố thúc đẩy nhanh quá trình thoái hóa ở cột sống.

- Chế độ dinh dưỡng: Chế độ ăn uống không đủ dưỡng chất, lạm dụng các loại thức ăn chế biến sẵn và thiếu hụt lượng sắt, canxi, vitamin trong cơ thể là nguyên do làm khởi phát những bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là thoái hóa cột sống.

b. Nguyên nhân thứ phát

Ngoài nguyên nhân lão hóa tự nhiên thì còn có những nguyên nhân thứ phát khiến cột sống bị ảnh hưởng sau đây:

- Tính chất công việc: Những người thường xuyên phải mang vác vật nặng, ngồi hoặc đứng quá lâu, những người ít vận động, những người làm văn phòng phải thường xuyên làm việc với máy tính hay những công nhân may,… là những đối tượng dễ mắc thoái hóa cột sống nhất. Việc phải ngồi làm việc nhiều giờ mỗi ngày ở trong một tư thế sẽ gây áp lực đến cột sống, đặc biệt là lưng và vùng cổ đều là các nguyên nhân gây ra thoái hóa cột sống.

- Do chấn thương: Các chấn thương trong quá trình sinh hoạt, vận động hoặc bị ngã do tai nạn nếu không được điều trị dứt điểm, đều có thể khiến cột sống bị thoái hóa.

- Các nguyên nhân khác: Bệnh lý béo phì, những người thường xuyên sử dụng chất kích thích (thuốc lá, rượu bia…).

Xem thêm: Cách kiểm soát tình trạng thoái hóa khớp gối tại nhà hiệu quả

3. Triệu chứng thoái hóa cột sống

Thoái hóa cột sống sẽ có nhiều mức độ cũng như các triệu chứng khác nhau. Việc phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn đầu sẽ giúp cho quá trình chữa trị đạt hiệu quả và nhanh chóng dứt điểm. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào vị trí bị bệnh sẽ có các triệu chứng riêng.

Có hai dạng thoái hóa thường gặp nhất là thoái hóa đốt sống cổ và đốt sống lưng với những biểu hiện sau:

a. Thoái hóa cột sống cổ

Đau nhức vùng vai gáy: Cơn đau thường bắt đầu xuất hiện ở vùng cột sống cổ với mức độ âm ỉ hoặc từng cơn. Khi người bệnh ngửa - ngập - xoay cổ, hắt hơi hoặc thời tiết thay đổi thì cơn đau sẽ tăng lên. Lâu dần toàn bộ vùng cổ, vai gáy và cánh tay của bệnh nhân cũng sẽ bị đau nhức theo.

Cánh tay và các đầu ngón tay bị tê mỏi, có giảm giác như kiến bò. 

Khi cột sống cổ bị thoái hóa nặng sẽ khiến bệnh nhân khó cử động được tay, hoa mắt, ù tai, hay bị nhức đầu và yếu cơ. Từ đây khả năng cử động của cánh tay và vùng vai gáy bị giảm sút đáng kể.

b. Thoái hóa cột sống lưng

Xuất hiện cơn đau thắt lưng âm ỉ, kéo dài trong nhiều tuần, càng về sau sẽ càng thấy đau rõ rệt hơn.

Cơn đau có thể tăng lên khi người bệnh vận động, thực hiện các tư thế như uốn cong, xoay người hoặc nâng vác đồ vật.

Khi tình trạng chuyển biến trở nên nghiêm trọng, các cơn đau ở lưng có thể lan xuống chân, gây tê liệt và mất thăng bằng khi di chuyển.

Thoái hóa đốt sống lưng gây mất kiểm soát ruột hoặc bàng quang, kèm theo cơn đau co thắt cơ bắp.

Khi có triệu chứng như đau thắt lưng hoặc đau vùng cổ gáy, người bệnh nên đến cơ sở y tế khám để loại trừ các nguyên nhân gây đau khác như ung thư di căn, viêm. Tùy thuộc vào mức độ thoái hóa của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thoái hóa cột sống phù hợp.

4. Các phương pháp điều trị thoái hóa cột sống

Các lựa chọn chữa trị thoái hóa cột sống phổ biến bao gồm:

a. Sử dụng thuốc kê toa

Bác sĩ sẽ đánh giá lối sống, mức độ nghiêm trọng của triệu chứng thoái hóa cũng như bệnh sử của bệnh nhân trước khi kê toa bất kỳ đơn thuốc nào. Để hạn chế tác dụng phụ của thuốc, người bệnh nên báo với bác sĩ về những loại thuốc đang dùng, bao gồm cả vitamin và chất bổ sung, thực phẩm chức năng.

b. Tập vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu là yếu tố không thể thiếu trong mọi phác đồ điều trị thoái hóa đốt sống. Chăm chỉ tập luyện đều đặn với cường độ thích hợp có thể giúp tăng cường sức mạnh và cải thiện tính linh hoạt ở các cơ vùng cổ, lưng. Điều này có tác dụng hỗ trợ duy trì chức năng của cột sống, đồng thời giảm bớt áp lực lên đĩa đệm cũng như các khớp đốt sống, qua đó thuyên giảm các triệu chứng thoái hóa.

Các bác sĩ thường khuyến khích bệnh nhân nên tập với chuyên gia vật lý trị liệu chuyên nghiệp để được hỗ trợ xây dựng chương trình luyện tập phù hợp giúp nâng cao sức bền, tăng biên độ vận động và cải thiện sức khỏe tổng thể. Ngoài ra, người bệnh cũng nên tiếp tục duy trì thói quen tập luyện này ở nhà sau khi chương trình tập vật lý trị liệu kết thúc.

Xem thêm: Vì sao càng ngày càng dễ bị thoái hóa khớp?

c. Một số phương pháp điều trị nội khoa khác

Bên cạnh việc dùng thuốc và tập vật lý trị liệu, bệnh nhân cũng có thể tìm đến sự trợ giúp từ những phương pháp dưới đây để kiểm soát và đẩy lui các triệu chứng đau nhức, tê cứng khó chịu liên quan đến thoái hóa cột sống, ví dụ như:

- Kích thích thần kinh bằng xung điện qua da (TENS).

- Trị liệu thần kinh cột sống (chiropractic).

- Châm cứu.

- Xoa bóp, massage.

- Tiêm khớp (corticosteroid, tế bào gốc, huyết tương giàu tiểu cầu PRP…).

d. Phẫu thuật cột sống

Đây có thể xem là lựa chọn điều trị cuối cùng, thường được chỉ định trong các trường hợp sau:

- Bệnh nhân không đáp ứng tốt với phác đồ điều trị nội khoa và phục hồi chức năng sau ba tháng

- Người bệnh có biểu hiện bị chèn ép rễ thần kinh hoặc tủy sống.

- Bệnh nhân có dấu hiệu trượt đốt sống độ 3 - 4.

- Đĩa đệm bị thương tổn nặng nề, cần được thay đĩa đệm nhân tạo.

- Đau thần kinh tọa lâu ngày hoặc hẹp ống sống nghiêm trọng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày.

Nguyên nhân các chuyên gia ít khi đề xuất chữa thoái hóa cột sống bằng phẫu thuật là do phương pháp điều trị xâm lấn này có thể gây ra một vài biến chứng nguy hiểm cho người bệnh sau đó, chẳng hạn như xuất huyết nội, nhiễm trùng và thậm chí là tổn thương thần kinh vĩnh viễn…

5. Phòng ngừa thoái hóa đốt xương sống

Cột sống bị thoái hóa theo thời gian là hệ quả tất yếu không thể ngăn ngừa. Tuy nhiên, sớm phát hiện các triệu chứng thoái hóa cột sống và tiếp nhận điều trị hiệu quả ngay từ đầu có thể giúp kìm hãm bệnh tiến triển, đồng thời hạn chế rủi ro phát sinh biến chứng. Bên cạnh đó, mọi người cũng cần:

- Thay đổi các tư thế xấu khi hoạt động cũng như nghỉ ngơi.

- Cố gắng rèn luyện thể chất với các bài tập tốt cho cột sống.

- Tránh những tư thế, hoạt động khiến cột sống quá tải.

- Đi khám cột sống định kỳ hoặc bất kỳ lúc nào có biểu hiện đau lưng và cổ bất thường, đặc biệt là những người thường xuyên lao động nặng.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X