Cách kiểm soát tình trạng thoái hóa khớp gối tại nhà hiệu quả
Thoái hóa khớp gối là bệnh mãn tính, nếu không được điều trị và kiểm soát tốt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc và cuộc sống của người bệnh.
Thoái hóa khớp gối là hệ quả của tình trạng mất cân bằng giữa quá trình tổng hợp - phân hủy của sụn và xương dưới sụn. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi nhưng đang có xu hướng trẻ hóa bởi một số yếu tố như di truyền, chuyển hóa, chấn thương…
Nếu không sớm được điều trị, kiểm soát tốt, hiện tượng này có thể dẫn đến nhiều biến chứng khôn lường (nhuyễn hoá sụn khớp, xơ hoá xương dưới sụn, hình thành gai xương…), từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc và cuộc sống hàng ngày của người bệnh.
Thoái hóa khớp gối là một bệnh mãn tính, phát triển chậm, dai dẳng và hầu như không thể chữa khỏi hoàn toàn. Việc áp dụng các biện pháp điều trị chỉ giúp kiểm soát các triệu chứng lâm sàng và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Ngoài việc điều trị bằng phương pháp nội khoa, nhiều người bệnh còn tìm đến các cách chữa thoái hóa khớp gối tại nhà.
Chữa thoái hóa khớp gối tại nhà được đánh giá là an toàn cao, đơn giản, áp dụng được cho nhiều đối tượng. Biện pháp này không chỉ giúp giảm đau, cứng khớp và một số triệu chứng kèm theo, còn hạn chế việc lạm dụng thuốc Tây trong thời gian dài, tránh những tác dụng không mong muốn.
Để đạt được kết quả điều trị tốt nhất, người bệnh cần kết hợp với việc sử dụng thuốc, vật lý trị liệu theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Vì các phương pháp điều trị tại nhà chỉ có tác dụng làm giảm bớt tình trạng bệnh, phụ thuộc vào các phương pháp này có thể khiến bệnh nặng hơn, gây khó khăn cho việc điều trị
Dưới đây là một số biện pháp điều trị thoái hóa khớp gối tại nhà phổ biến:
1. Tập luyện thể dục thường xuyên
Tập thể dục là một trong những cách chữa thoái hóa khớp gối hiệu quả, kể cả đối với những người lao động chân tay. Hoạt động thể chất với cường độ thường xuyên và phù hợp giúp kéo giãn các cơ bắp bị căng và giải phóng các rễ thần kinh và mạch máu bị chèn ép. Ngoài ra, tập thể dục còn giúp khớp tiết ra chất nhờn ổn định, nâng cao sự dẻo dai, linh hoạt của khớp gối.
Tuy không mang lại hiệu quả nhanh chóng nhưng tập thể dục được coi là giải pháp tối ưu cho những người bị thoái hóa khớp gối và các vấn đề về xương khớp khác. Theo các chuyên gia Cơ xương khớp, hoạt động thể chất thường xuyên không chỉ có lợi cho xương khớp mà còn giúp kiểm soát cân nặng, cải thiện sức khỏe tim mạch, giải tỏa căng thẳng và điều hòa hoạt động tiêu hóa.
Vì vậy, người bệnh nên dành 20 - 30 phút mỗi ngày để thực hiện một số bài tập thể dục nhẹ nhàng như bơi lội, yoga, đạp xe, đi bộ, chạy bộ,… để cải thiện bệnh lý và sức khỏe. Ngoài ra, bạn có thể tập một số động tác vật lý trị liệu để giúp kéo giãn các cơ và giải phóng các rễ thần kinh bị chèn ép.
Xem thêm: Vì sao càng ngày càng dễ bị thoái hóa khớp?
2. Thay đổi tư thế, thói quen xấu
Trên thực tế, thoái hóa khớp gối có thể xảy ra do thói quen lười vận động, vận động quá sức, sai tư thế trong thời gian dài và một số thói quen xấu khác. Vì vậy, bên cạnh việc tập luyện, người bệnh cần chủ động thay đổi tư thế vận động sai, điều chỉnh một số thói quen xấu để bảo vệ hệ xương khớp, đồng thời hạn chế tình trạng đau nhức khớp gối.
Cần thay đổi một số thói quen xấu và tư thế xấu để cải thiện tình trạng bệnh, bao gồm:
- Đối với nhân viên văn phòng, cần ngồi đúng tư thế, điều chỉnh ghế, bàn, máy vi tính cho phù hợp với chiều cao của mình. Khi ngồi làm việc chú ý thẳng lưng, giữ thẳng cổ, vai và không bắt chéo chân.
- Hạn chế tối đa việc mang vác vật nặng hoặc dùng sức quá mạnh. Nếu lao động chân tay, bạn nên sử dụng các thiết bị hỗ trợ, điều chỉnh tư thế mang vác để giúp giảm áp lực lên khớp gối, thắt lưng và khớp háng.
- Sau 1 - 2 giờ làm việc, người bệnh nên đi lại nhẹ nhàng khoảng 5 - 10 phút để giúp thư giãn cơ, khớp. Bên cạnh đó, tránh căng thẳng quá mức vì căng thẳng là một trong những tác nhân làm giảm quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng đến khớp gối (tăng nguy cơ thoái hóa khớp).
- Tránh đi giày cao gót. Thay vào đó, bạn nên ưu tiên những đôi giày có độ cao vừa phải (khoảng 5cm), giày vải, đế bằng để giảm áp lực lên khớp gối và khớp háng. Ít ai biết rằng, thói quen đi giày cao gót chính là nguyên nhân khiến vùng thắt lưng và hai chi dưới bị đau nhức. Nếu duy trì thói quen này trong thời gian dài có thể gây ra một số vấn đề như thoái hóa khớp cổ chân, khiến tình trạng thoái hóa khớp gối trở nên trầm trọng hơn, suy giãn tĩnh mạch chi dưới…
- Không lạm dụng rượu, ma túy và hút thuốc. Những thói quen xấu này có thể khiến các triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp trở nên trầm trọng hơn và làm tăng nguy cơ mắc hàng loạt các vấn đề về xương khớp khác.
- Thay đổi các hoạt động làm tăng áp lực lên khớp gối và hệ cơ xương khớp như bắt chéo chân, duỗi thẳng chân, khom lưng, ngồi xổm, duy trì một tư thế quá lâu...
- Nên làm việc từ 7 - 8 tiếng mỗi ngày để hạn chế tình trạng căng thẳng quá mức. Vì căng thẳng có thể khiến các triệu chứng đau nhức ở khớp gối trở nên trầm trọng hơn, đẩy nhanh quá trình thoái hóa, làm chậm tốc độ hồi phục ở khớp bị tổn thương.
3. Kiểm soát cân nặng
Thống kê cho thấy, tỷ lệ người thừa cân - béo phì đang có xu hướng gia tăng do nhiều nguyên nhân và yếu tố khác nhau. Không chỉ ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng, thừa cân - béo phì còn là một trong những nguyên nhân gây ra các vấn đề về xương khớp, trong đó có thoái hóa khớp gối.
Vì vậy, để cải thiện các triệu chứng bệnh lý, người bệnh cần kiểm soát cân nặng thông qua chế độ dinh dưỡng và luyện tập khoa học. Ưu tiên sử dụng nhóm thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng ít calo như rau xanh, thịt gà, ngũ cốc, cá, các loại hạt,… Đồng thời hạn chế tối đa thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, đường, chất bảo quản và gia vị.
Trong trường hợp bạn có chỉ số BMI vượt mức cho phép, cần đến gặp bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn cách xây dựng chế độ ăn uống khoa học và luyện tập. Tuyệt đối không nhịn ăn để giảm cân. Ăn kiêng quá mức có thể khiến sức khỏe suy giảm, cơ thể mệt mỏi, giảm hiệu quả công việc. Hơn nữa, sau khi giảm cân, cơ thể thường có xu hướng ăn nhiều hơn khiến cân nặng đột ngột tăng trở lại.
Xem thêm: Những thắc mắc xoay quanh tình trạng thoái hóa khớp gối
4. Nghỉ ngơi hợp lý giúp cải thiện bệnh
Nghỉ ngơi tại chỗ được coi là một trong những cách giảm đau và bảo vệ khớp gối hiệu quả. Vì khi nghỉ ngơi, các khớp được thư giãn, giảm tình trạng cứng cơ, từ đó cải thiện các biểu hiện bệnh lý. Vì vậy, những người bị thoái hóa khớp thường được khuyến khích nghỉ ngơi khi cơn đau bùng phát. Theo đó, người bệnh nên nghỉ ngơi hoặc tốt nhất là nằm nghỉ ngơi nếu có thể.
Khi cơn đau thuyên giảm, bạn nên đi lại nhẹ nhàng để hạn chế tình trạng cứng khớp. Tránh nằm bất động một chỗ quá lâu (trên 2 ngày), vì tình trạng này có thể khiến các khớp bị căng cứng, khó vận động, đi lại.
Ngoài ra, trong thời gian bùng phát cơn đau, người bệnh nên tránh làm việc quá sức, thực hiện các hoạt động cường độ cao để hạn chế tổn thương và đẩy nhanh quá trình thoái hóa. Người bệnh có thể dùng nẹp để giúp khớp ổn định, hạn chế các hoạt động ảnh hưởng đến khớp gối, hoặc có thể dùng nạng để di chuyển dễ dàng hơn.
5. Liệu pháp nóng/lạnh
Thoái hóa khớp gối có biểu hiện đau tại chỗ, cảm giác nóng rát, đôi khi cứng khớp làm hạn chế khả năng vận động. Lúc này, người bệnh có thể chườm nóng hoặc chườm lạnh để cải thiện. Liệu pháp này có tác dụng cải thiện tình trạng đau nhức, khó chịu tạm thời, an toàn, lành tính và có thể áp dụng cho mọi đối tượng.
a. Liệu pháp chườm nóng
Liệu pháp nhiệt có tác dụng làm thư giãn các khớp, giảm căng cơ, tăng cường lưu thông máu đến các khớp. Từ đó, hỗ trợ cải thiện hiệu quả tình trạng đau nhức xương khớp, giảm cứng khớp, sưng tấy viêm nhiễm ở khớp và hỗ trợ phục hồi chấn thương nhanh chóng. Ngoài ra, liệu pháp này còn có hiệu quả trong việc tăng sức bền và tăng phạm vi vận động cho bệnh nhân.
Để chườm nóng, người bệnh dùng túi chườm nóng khoảng 70 độ và chườm trực tiếp lên khớp gối. Thực hiện 3 - 4 lần mỗi ngày. Ngoài ra, người bệnh có thể dùng sáp ấm bôi lên các khớp bị đau hoặc tắm bằng nước ấm mỗi ngày để cải thiện các biểu hiện bệnh lý.
b. Chườm lạnh
Liệu pháp lạnh có tác dụng hạn chế lưu thông máu đến khớp gối, giảm sưng đau, sưng đỏ do bệnh lý gây ra. Để thực hiện chườm lạnh, người bệnh chỉ cần cho vài viên đá lạnh vào túi chườm và chườm lên vùng bị đau. Thực hiện từ 15 - 20 phút, thực hiện ngày 2 - 3 lần để đạt hiệu quả tốt nhất.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình