Hotline 24/7
08983-08983

Có phải người trẻ dễ rơi vào bế tắc? Làm sao nhận biết con trẻ đang trầm cảm?

Tự tử là nguyên nhân gây tử vong thứ 2, đối với nhóm tuổi từ 15 - 29 trên thế giới, chỉ sau tai nạn giao thông. Có phải giới trẻ đang ngày càng dễ rơi vào bế tắc và có hành động dại dột? Mời quý vị khán giả cùng nghe chia sẻ của BS Trương Hữu Khanh.

1. Nguyên nhân dẫn đến tự tử ở giới trẻ

Cuộc sống ngày càng hiện đại, giới trẻ có nhiều điều kiện hơn để được học tập, vui chơi và phát triển, thế nhưng tại sao ngày càng có nhiều bạn trẻ bị tìm đến cái chết? Nguyên nhân dẫn đến tự sát ở các bạn trẻ ngày nay là gì?

Thông thường, tự tử là sự bế tắc. Nghĩa là bản thân họ không tìm được lối thoát, không tìm ra được cách giải quyết hợp lý nhất. Những vấn đề họ đang gặp và mức độ bế tắc tới mức họ muốn giải thoát bằng cách không tồn tại. Họ nghĩ rằng nếu không tồn tại thì họ sẽ không phải đối mặt với những bế tắc đó.

Nguyên nhân chính là họ không muốn tồn tại, đó là điều rất đau lòng. Cuộc sống mà mỗi người có được đều rất khó khăn và hầu như mọi bế tắc đều có cách giải quyết. Những bế tắc này đều ngắn hạn và không kéo dài vĩnh viễn, vậy tại sao mình không thể giải quyết được? Vấn đề là mình rất khó chia sẻ với ai, những người xung quanh chưa tìm hiểu được hoặc không đồng cảm được. Cuối cùng, những bế tắc đó dẫn đến tự tử.

Thưa BS với một sự việc khó khăn thì nhiều người coi là bình thường, còn đối với những bạn trẻ đã gặp tổn thương về mặt tâm lý trong thời gian dài, đó có thể là một "giọt nước tràn ly", khiến họ cảm thấy không đáng được yêu thương, mất niềm tin vào cuộc sống để tìm tới cái chết. Vậy nguyên nhân thường gặp là gì? Có phải nguyên nhân từ gia đình chiếm tỷ lệ cao không ạ?

Tự tử ở người trẻ thì tùy thuộc vào độ tuổi. Thông thường, nguyên nhân tự tử ở tuổi học trò không phải do áp lực cuộc sống mà chủ yếu là áp lực học hành và xung đột giữa bản thân với gia đình. Thứ hai là khía cạnh tình cảm, có thể bị mất mát tình cảm nào đó hoặc có thể do bạn trẻ sống ảo quá nhiều. Những mất mát tình cảm trên mạng xã hội sẽ rất khó lấy lại.

2. Gia đình cần làm gì để làm chỗ dựa tinh thần cho trẻ

Nhiều trường hợp các bạn đổ bệnh thậm chí trầm cảm vì bị bố mẹ ép học và so sánh với “con nhà người ta”. Xin hỏi BS trong những trường hợp này bố mẹ nên làm gì để vừa giúp con học tập tốt vừa có thể động viên là chỗ dựa tình thần cho con lúc khó khăn vì chính gia đình là nơi cuối cùng mà con trẻ có thể dựa vào?

Phụ huynh thường xem con cái là sự sở hữu và áp đặt, khiến trẻ không có được sự thoải mái và tự do. Nếu cha mẹ xem con cái là người bạn thì sẽ thân thiết với con theo kiểu khác, mong muốn con phát triển theo kiểu khác. Tại vì khi mình nghĩ con cái là sở hữu thì mình sẽ áp đặt, mong muốn con theo khuôn mẫu. Đương nhiên, con nít vẫn phải được giáo dục trong tính kỷ luật.

Nếu cha mẹ không sở hữu con, là một người bạn của con, sẵn sàng chia sẻ và tôn trọng con, thì khi đó mới lắng nghe được tâm sự và ước muốn của con.

Nếu mình sở hữu con thì không thể lắng nghe con nói và con bạn sẽ co lại, có thế giới riêng. Hiện nay, thế giới riêng là thế giới ảo.

Bậc cha mẹ cầu mong con mình giỏi giang hơn người khác là tâm lý bình thường. Nhưng nếu cha mẹ đánh giá con mình thấy hơn người khác là phương pháp để trẻ cố gắng vươn lên là hoàn toàn thất bại.

Cha mẹ phải biết kỹ năng của con mình để phát triển tối ưu kỹ năng đó, chứ không phải mang con ra so sánh với người khác.

Theo tôi, những điều học được trong trường không quan trọng bằng ứng xử và sự thích nghi khi con cái rời xa gia đình bước vào cuộc đời. Chúng ta biết rằng, có người học rất giỏi nhưng ra trường không thành đạt, nhưng có người học rất bình thường nhưng họ ứng xử và hòa nhập tốt với cộng đồng thì họ rất thành đạt. Vì vậy, cha mẹ không nên xem việc học quan trọng hơn việc ứng xử xã hội. Như vậy, trẻ sẽ rất vui vẻ khi tham gia học tập.

3. Sự ảnh hưởng của mạng xã hội đối với giới trẻ

Mạng xã hội là một con dao 2 lưỡi, vừa đem lại lợi ích về kiến thức nhưng lại tách rời những người trẻ xa cách với gia đình. Nhiều người cho rằng: “chính mạng xã hội đã đẩy con tôi đến đường cùng”, vậy thưa BS lỗi ở đây là do ai ạ?

Mạng xã hội đúng là con dao hai lưỡi. Nếu mình bỏ mạng xã hội thì sẽ thiệt thòi rất nhiều, bởi mình có thể kiếm được rất nhiều kiến thức ở đó. Nhưng sẽ rất nguy hiểm cho người không biết phân tích thông tin. Như vậy, nói mạng xã hội xấu thì cũng không đúng, làm sao mình có thể kiếm được nhiều người thầy trong thời gian nhất định. Cho nên, mình phải xác định, mạng xã hội là cung cấp kiến thức chứ không cung cấp thông tin.

Nếu bạn là người giỏi phân tích thông tin thì hãy tìm thông tin trên mạng xã hội. Nhưng bạn là người không đủ sức phân tích thông tin nhưng vẫn đi theo thông tin đó thì bạn sẽ trở thành người sống ảo.

Gia đình cũng không thể cấm con mình tham gia mạng xã hội, tiếp cận công nghệ. Cha mẹ phải hiểu nhu cầu thực sự của con mình để chọn cho con kiến thức chứ không phải thông tin từ mạng xã hội. Cha mẹ phải phân tích cho con mình hiểu thông tin đúng sai như thế nào, khi nào cần, khi nào chưa cần, như vậy mới giúp trẻ an toàn trong không gian kỹ thuật số.

4. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị trầm cảm

Thưa BS có quan niệm cho rằng: “Ngày xưa ông bà khổ đến mấy cũng chịu được, sao ngày nay mới khổ một tí trẻ đã than”, nhiều bạn trẻ ngày nay tự cho mình rơi vào trầm cảm. Vậy làm sao để chúng ta có thể nhận biết 1 bạn trẻ thực sự rơi vào trầm cảm, đang có hướng bế tắc và dần dần đi vào tự tử ạ?

Nếu chú ý quan sát thì điều này thực sự không quá khó. Bởi vì trẻ em phát triển theo từng mốc và biểu hiện khá dễ nhận biết. Chẳng hạn, một đứa trẻ đang vui tươi, linh hoạt; tự nhiên buồn đi và thiếu linh hoạt. Cha mẹ cần phải tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ có sự thay đổi đó. Một sự thay đổi về trạng thái tinh thần và tâm lý của trẻ là phải được đặt một câu hỏi rằng đó là vì độ tuổi hay trẻ có sự bất thường về tư duy. Nếu cha mẹ thấy những sự thay đổi ở trẻ là bình thường thì sẽ mất đi cơ hội truyền đạt kiến thức cho em bé.

Ngày xưa, cuộc sống rất đơn giản. Sự văn minh vừa có mặt hại, vừa có mặt lợi. Nếu mình sống không văn minh thì sẽ không phát triển được sự tìm tòi của bản thân, không có không gian giải trí; những điều đó sẽ an toàn cho cuộc sống dân dã. Do đó, hiện nay mình không thể trách được mạng xã hội, vấn đề là phụ huynh phải cân bằng để bảo vệ con em và chính mình trước mạng xã hội.

5. Vai trò của gia đình trong sự phát triển của trẻ

Ngày nay các bạn trẻ đến trường thì tình trạng bị bắt nạt xảy ra khá nhiều nhưng phụ huynh lại quá bận rộn với cuộc sống và quên rằng con mình đang cần bố mẹ ở bên cạnh. Trong trường hợp này thì làm sao để bố mẹ nhận ra? Vai trò của bố mẹ trong việc ở cạnh con trong suốt quá trình phát triển và khi đến trường?

Việc bị bắt nạt khi đi học thì vai trò quan trọng nhất là nhà trường. Nhiều khi giáo viên thấy việc bắt nạt trong lớp là việc bình thường và không ngăn chặn thì nó sẽ trở thành xu thế. Một em bé chịu đựng sự bắt nạt nhưng không thể chia sẻ với ai thì chắc chắn nó sẽ chịu đựng suốt. Vì vậy vai trò của nhà trường là rất quan trọng.

Việc bắt nạt có thể từ lớp này sang lớp khác, khối này sang khối khác. Nhà trường cần phân biệt việc đùa giỡn với bắt nạt. Hiện nay trong trường học đang thiếu mảng công tác xã hội, những người có thể hiểu được tâm lý của học sinh.

Những bạn trẻ bị bắt nạt phải chia sẻ với gia đình để được bảo vệ. Người lớn phải tìm hiểu nguyên nhân và giải quyết mâu thuẫn cho trẻ ngay từ đầu.

6. Gia đình nên dạy con ở tuổi vị thành niên sao cho đúng?

Người xưa vẫn có câu “thương cho roi cho vọt” tuy  không nói thành lời nhưng mà bố mẹ vẫn rất yêu con, thế nhưng các bạn trẻ ngày nay lại cho rằng là bố mẹ không hiểu được mình. Vậy bố mẹ cần giáo dục con thế nào cho đúng nhất là ở tuổi vị thành niên?

Bố mẹ cần chấp nhận tuổi vị thành niên là trái tính trái nết. Mình phải xác định điều này thì mới giáo dục trẻ được. Đó là sự thay đổi về hormon, nhận thức của trẻ và giai đoạn này chỉ kéo dài trong 1 khoảng thời gian nhất định.

Đây là độ tuổi mà việc dạy trẻ rất khó, phải vừa nhu vừa cương. Nếu nhu quá thì trẻ sẽ hư, cương quá thì sẽ tạo khoảng cách với trẻ. Quan trọng nhất là cha mẹ phải xem trẻ như người bạn, không xem trẻ là sở hữu thì khi đó mới có được sự chia sẻ của trẻ với mình.

7. Lời khuyên dành cho các bạn tuổi vị thành niên

Quả là không có gì bằng việc thay đổi nhận thức, từ chính các bạn trẻ. Cuộc sống không màu hồng, cũng không phải đen xám, mà có nhiều màu sắc thú vị khác nữa. Nhờ Bs có thể gửi một vài lời khuyên đến các bạn trẻ đặc biệt là các bạn ở tuổi vị thành niên.

Chúng ta biết rằng, gần như mọi bế tắc đều có cách giải quyết. Nếu mình không thể chia sẻ thì phải chia sẻ với người khác để họ giúp mình giải quyết vấn đề. Nếu mình không thể chia sẻ với người thân thì hãy chia sẻ với bạn bè, chuyên gia tâm lý để học chia sẻ cho mình cách giải quyết. Thời gian của nỗi buồn rồi sẽ qua đi và sẽ có nhiều thứ khác lấp đầy những tổn thương đó. Vì vậy, đừng vì những nỗi buồn đó mà co mình lại và không tìm những niềm vui khác.

Cuộc sống mà chúng ta có được là sự may mắn, vậy nên đừng từ chối sự may mắn đó. Tất cả những người thân xung quanh đều thương yêu mình và đôi khi một số biểu hiện sẽ khiến mình hiểu lầm.

Nếu như không thể chia sẻ cùng người thân, thì có đường hotline nào để các bạn trẻ giải tỏa nỗi buồn và căng thẳng không ạ?

Trên radio cũng có những chương trình về tâm lý và mình có thể gửi thư về chương trình để chia sẻ. Nên nhớ rằng nỗi buồn càng giữ trong lòng sẽ làm bản thân buồn thêm, nên phải chia sẻ với người khác.

8. Lời khuyên cho phụ huynh trong việc giáo dục con

Con cái không phải là vật sở hữu, phụ huynh không nên xem nó là vật sở hữu. Nếu cha mẹ xem trẻ là người bạn, tôn trọng và không nhu nhược thì sẽ có được đứa trẻ như mình mong muốn.

Mỗi trẻ có năng khiếu khác nhau, sự sáng tạo khác nhau, có sự hấp thụ kiến thức khác nhau. Cha mẹ không nên so sánh con mình với con người khác. Sự ứng ngoài xã hội mới là yếu tố quyết định sự thành đạt, vì vậy cha mẹ không nên áp lực việc học hành cho trẻ.

Minh Huy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X