Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn: Ước vọng một vòng vi phẫu kết nối, để mỗi bác sĩ trở thành chuyên gia của nhau

Niềm hi vọng của người bị liệt và các dị tật cũng như những di chứng về chấn thương - BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn, Bệnh viện Nhân dân 115 đang trên hành trình một vòng vi phẫu kết nối, nhân bản các chuyên gia vi phẫu.

BS Viễn ước mong tỉnh nào cũng làm được kỹ thuật cao này, để đem lại những điều kỳ diệu giúp trả lại những chức năng cần thiết, chỉnh sửa những di tật ngoại hình của người bệnh không may mắn và điều quan trọng nhất là lấy lại sự tự tin cho người bệnh về thể xác cũng như trong tâm hồn của họ.


 

Chìm đắm trong ca vi phẫu hơn 10 tiếng, quên đói, quên mệt

Lịch làm việc của vị chuyên gia vi phẫu hầu như kín mít với các ca phẫu thuật phức tạp và kéo dài đã được lên trước vài tháng, cùng với lịch dạy và chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện vào những ngày cuối tuần. Vì vậy, những ai muốn gặp BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn - Phó khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân 115 tại khoa chấn thương chỉnh hình cũng nên hẹn trước, bởi anh thường xuyên phải đi mổ.

Nhiều khi khách tới nhà riêng của BS Viễn mặc dù có hẹn trước nhưng chỉ gặp bà nhạc mẫu và vẫn câu nói: “Viễn đi mổ chưa về, không biết giờ này đã ăn gì chưa…”. Đó là nỗi lo thường trực, bởi nhiều bữa bà dọn cơm sẵn, anh con rể không về ăn do các ca mổ kéo dài.

Thời gian đầu BS Nguyễn Cao Viễn về bệnh viện, chưa xây dựng được đội ngũ như bây giờ. Mỗi ca mổ vi phẫu nối chi thể (tay, chân, ngón...) đứa lìa thường rất dài, có thể từ 5-9 tiếng tùy vào các tổn thương, hơn nữa nhưng ngày đầu các phương tiện hỗ trợ phẫu thuật còn khó khăn và chưa đầy đủ.

Nhiều khi BS Viễn vừa đi làm về chưa kịp nghỉ ngơi, nhận được điện thoại từ bệnh viện kíp trực cấp cứu báo vào mổ khẩn bởi chi thể đứt lìa đã gần quá thời gian bảo quản, vậy là phải vội vàng chạy vào bệnh viện cho kịp phẫu thuật, nếu không chi đó sẽ bị hư làm cho người bệnh bị cụt vĩnh viễn.

Vi phẫu là lĩnh vực đòi hỏi sự tỷ mỉ, khéo tay, kiên nhẫn và tinh tế những ca mổ vi phẫu thường kéo rất dài tùy vào loại phẫu thuật mà đòi hỏi quá trình bóc tách tìm mạch máu thần kinh rất khó khăn và nguy hiểm, sau đó phải chuyển hoặc nối với một vị trí mới để tái tạo đưa lại chức năng. Thời gian cuộc mổ như vậy thường kéo dài 6-8 tiếng, có khi có những biến thể bất thường phải chuyển phương án khác khiến ca mổ có thể kéo dài hơn 10 tiếng.

Một ca phẫu thuật bình thường có thể khoảng 2-3 tiếng sau đó bác sĩ được nghỉ ngơi, còn thời gian ca mổ vi phẫu, khi khâu nối hoặc bóc tách dưới kính hiển vi, bác sĩ và kíp mổ sẽ phải đứng hoặc ngồi một tư thế rất mệt.

Đau chân, mỏi khớp, giãn tĩnh mạch chi là những vấn đề phẫu thuật viên thường xuyên đối mặt. Tuổi nghề của một phẫu thuật viên vi phẫu thường khó kéo dài, bởi ở độ tuổi trẻ có thể lướt qua nhưng bước vào trung niên hoặc lớn hơn thì cơ thể mệt mỏi khá nhiều nếu cường độ làm việc cao và khá phá sức.

Mổ vi phẫu là phải đeo kính lúp hoặc nhìn qua kính hiển vi. Kính lúp thì tương đối dễ chịu và có thể nhúc nhích được. Còn nhìn qua kính hiển vi, phẫu thuật viên phải ngồi đơ như tượng, bởi kính này có biên độ phóng đại (6-10-20 lần) to hơn kính lúp rất nhiều, nếu cử động dù chỉ một chút cũng làm hình ảnh phẫu trường trước mắt xê dịch nhiều, rất khó chịu.

Ca mổ dài như thế nhưng đa số phẫu thuật viên ở Việt Nam sẽ lựa chọn mổ hoàn tất mới nghỉ, là “làm luôn một lèo”, nhịn luôn không ăn uống gì. Còn một số bác sĩ trên thế giới nếu ca mổ dài thường nghỉ ngơi, ăn uống sau đó vào mổ tiếp, trong thời gian đó bệnh nhân thì vẫn còn mê.

Lúc trước còn đi học và phụ Thầy của tôi - BS Võ Văn Châu, nhiều khi thầy không ra nghỉ ngơi mà giải quyết cơn đói theo cách riêng: Ông cắm dây dịch truyền vào chai nước ngọt hay hộp sữa, đầu kia đưa vào miệng để hút, cứ vậy ngồi làm từ sáng tới chiều, kết thúc ca mổ mới đi ăn”.

Tập trung cao độ quên cả đói, mệt, kết thúc ca mổ bác sĩ mới “xụi lơ”. Nhưng nỗi nhọc nhằn này cũng mau chóng tan biến nếu ca mổ thành công, còn ngược lại sẽ là gánh nặng tâm lý rất lớn: “Cơn mệt và buồn sẽ kéo dài 2-3 ngày, có khi cả tuần, cả tháng. Bởi vì cả ekip đã dồn toàn lực vào ca mổ, nếu thất bại thì ngoài cái mệt của thể chất còn cái mệt dai dẳng của tinh thần nữa” - BS Viễn giải thích.

Vì vậy, để hạn chế tối thiểu thất bại, bác sĩ vi phẫu buộc phải lên kế hoạch và làm rất tỉ mỉ, chính xác, không cho phép mình cẩu thả. Và một tố chất không thể thiếu, đó là kiên trì. Kiên trì học hỏi, kiên trì không bỏ cuộc trước thất bại, kiên trì theo đuổi một công việc cực nhọc mà thù lao chưa tương xứng.

Xem thêm: Bác sĩ Dương Công Minh - Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

Vi phẫu đem lại sự tự tin trong tâm hồn người bệnh

Công việc cực nhọc, thù lao không cao, động lực để các bác sĩ vi phẫu tiếp tục công việc là: “Qua năm tháng, chính sự phục hồi của người bệnh làm cho mình thấy kích lệ rất lớn và sẵn sàng tiếp nhận những ca khó hơn và thử thách lớn hơn” - BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn chia sẻ.

Có thể thấy, vi phẫu chỉnh hình là một chiếc phao cứu cánh sau cùng cho những tổn thương rất nặng nề.

Với những bệnh nhân bị di chứng bỏng (co rút toàn bộ mặt cổ và ngực không thể ngước lên hoặc ăn uống được, tay chân cũng bị co rút cũng không thể cầm nắm được), hoặc bệnh nhân ung thư sau điều trị như (phẫu trị , xạ trị bị tổn thương hệ thống hạch gây phù nề toàn bộ tay hoặc chân)… chính vi phẫu có thể phục hồi lại được những tổn thương đó, đưa lại chức năng và chất lượng cuộc sống cho người bệnh rất tốt.

Với những người bị tai nạn lao động hoặc tai nạn sinh hoạt chẳng may mất toàn bộ ngón tay, hoặc những di chứng tổn thương phức tạp bàn tay, chính vi phẫu có thể chuyển ghép được các vạt da, hoặc chuyển các ngón chân lên làm các ngón tay để đưa lại chức năng lao đông và thẩm mỹ cho người bệnh. Có người bị mất 1 chân, đồng thời liệt 2 tay, sau khi mổ vi phẫu, 2 tay cử động được, cuộc đời bước sang trang mới. Có người bị tai nạn dập nát chân đi không được, phải ngồi xe lăn không thể đi lại, sau phẫu thuật mặc dù hơi khập khiễng nhưng đã đi lại được trên chính đôi chân của mình.

Nhiều trường hợp bị liệt mặt mấy chục năm, mặc cảm không dám cười, vi phẫu có thể lấy lại nụ cười cho họ.

Còn những bệnh nhân ung thư phù tay phù chân, mặc áo hay xỏ chân vào ống quần hết sức chật vật, sau phẫu thuật ghép hạch bạch huyết bằng vi phẫu, tay chân giảm bớt độ phù, thoải mái bước ra đường, trở lại sinh hoạt thường nhật.

Rất nhiều điều vi phẫu đã làm được, biến những điều không thể trước đây thành có thể. BS Viễn nhấn mạnh: “Quan trọng nhất là sau phẫu thuật đã đem lại được sự tự tin trong tâm hồn của họ, điều này rất quan trọng, bởi khi tâm hồn họ cảm nhận được sự tiến bộ trên cơ thể hồi phục thì điều đó mới mang lại hạnh phúc thực sự”.

Tiếng lành đồn xa, bệnh nhân tìm đến hoặc được đồng nghiệp giới thiệu tới BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn càng nhiều, càng tăng độ khó.

Có người bị viêm xương gần 20 năm, đã mổ cả chục lần vẫn tái lại, đi đến đâu cũng được khuyên cắt chân. BS Viễn giải thích: “Bởi điều trị viêm xương hiện nay vẫn còn rất khó, vì vậy để tránh tốn kém cho người bệnh nhiều đồng nghiệp khuyên bệnh nhân cắt chân làm chân làm chân giả cho mau lành và đỡ tốn kém nhưng bệnh nhân không muốn”.

BS Viễn sau khi hội chẩn và quyết định cắt phần xương viêm nhiễm đó đi, sau đó cắt chuyển đoạn xương, chỉnh hình lại, kết quả là bệnh nhân đã lành, cẳng chân dần hồi phục, đi lại được.

Tâm lý của những trường hợp mổ nhiều lần rất nặng nề do trải qua nhiều đau đớn nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn, điều này làm cho người bệnh mang tâm lý chán nản.

“Khi họ đến với tôi, họ đã nghèo về nhiều thứ. Đầu tiên về kinh tế đã kiệt quệ, thân thể thì bệnh tật, quan trọng nhất là tinh thần xuống và tâm hồn đầy hồ nghi. Vì vậy họ đặt hy vọng vào lần điều trị này, làm cho tôi khá áp lực.

Thực tế tôi cũng như các đồng nghiệp của tôi thôi không giỏi hơn, nhưng tôi luôn tin vào những điều tốt đẹp rồi sẽ đến với người bệnh. Bởi bên cạnh họ ngoài sự cố gắng của bác sĩ thì luôn có những thiên thần hỗ trợ.

Tôi luôn cầu nguyện trước khi mổ, mong những thiên thần đó giúp đỡ, bởi những thử thách của họ đối với người bệnh đã đủ. Cũng chính điều đó giúp cho tôi và người bệnh của tôi luôn được may mắn”.

BS Viễn chia sẻ “Tôi là người may mắn. Sinh ra trong trong một gia đình gia giáo, đi học gặp toàn những thầy cô tuyệt vời, truyền đạt cho tôi thật nhiều kiến thức. Khi đi làm thi luôn gặp được những đồng nghiệp tốt. Về với gia đình, tôi có được người vợ luôn chia sẻ với công việc của mình. Chính vì vậy tôi muốn mang sự may mắn này để chia sẻ với mọi người, bởi tôi mang ơn quá nhiều”.

Xem thêm: TS Lê Khánh Điền: Chinh phục chuyên ngành mới để lấy lại ngôn ngữ cho người đột quỵ

Chàng họa sĩ muốn theo ngành kiến trúc nhưng cơ duyên lái qua vi phẫu

Lớn lên ở một huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh Đắc Lắc, Nguyễn Cao Viễn chứng kiến những người bị sốt cao hoặc bị bệnh được khiêng trong võng, 2 đầu cột vào 2 tay cầm chiếc xe đạp, dắt đi khoảng 30-40km mới tới được bệnh viện, tới nơi không chắc còn sống.

Thời đó còn còn nghèo lắm chưa có xe công nông, trạm y tế chỉ vài y sĩ phụ trách cả vùng, điều trị được một ít bệnh hay chấn thương đơn giản nên gia đình nào cũng mong trong nhà có người học y, để yên tâm cho cuộc sống của gia đình chứ không phải nhìn vào danh lợi của nghề bác sĩ”, đó cũng là lý do bố mẹ và gia đình muốn Nguyễn Cao Viễn thi vào trường y, chứ thật lòng thì chàng trai có tài vẽ đẹp thích theo ngành kiến trúc hơn.

Khi đã là sinh viên trường Đại học Y dược Huế, anh nhận vẽ tranh truyền thần, vẽ ảnh thờ, chép tranh, vẽ tranh sơn dầu… để trang trải chi phí sinh hoạt. Hồi đó, bộ phim Titanic (1997) đang làm mưa làm gió, nhiều người hâm mộ 2 nhân vật Jack và Rose và thế là họ đặt vẽ 2 tấm trang băng sơn dầu...

Những buổi chiều thảnh thơi, anh xách ba lô ra đồng vẽ phong cảnh. Huế trong mắt Nguyễn Cao Viễn là vùng đất của nghệ thuật, nơi sản sinh nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi và đây cũng là nơi của những tài năng. Sau này, cuộc sống bận rộn ở Sài Gòn và lịch phẫu thuật dày đặc không cho phép anh thả hồn vào tranh nữa.

Năm 2003, BS Nguyễn Cao Viễn vào TPHCM theo lời hướng nghiệp của người cậu là bác sĩ Võ Văn Toàn, đồng thời là giảng viên Đại học Tây Nguyên. Lúc ấy, Viễn còn “mê” các thầy mổ tim và ngoại tổng quát nhưng người cậu nhìn ra vi phẫu đem lại nhiều cái hay cho cuộc sống này nên định hướng cháu mình đi theo. Đây cũng là người thầy đầu tiên trong nghề của BS Viễn.

Khi đến Sài Gòn, người thầy cầm tay chỉ việc cho anh bước vào Chấn thương chỉnh hình là PGS.TS.BS Cao Thỉ ở Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tiếp theo, BS Viễn được thầy Võ Văn Châu nguyên trưởng khoa Vi phẫu - tạo hình Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM, một trong những người đặt nền móng cho vi phẫu tại Việt Nam dìu dắt.

BS Viễn vẫn nhớ: “Thầy Châu dạy tôi về vi phẫu, tạo hình và rất nhiều thứ trong cuộc sống ngoài chuyên môn. Thầy rất hay dạy chúng tôi về cuộc sống, Thầy luôn giản dị, gần gũi. Tôi thấy Thầy giống như người truyền đạo về vi phẫu, Thầy đã làm cho vi phẫu trở nên vô cùng đẹp đẽ, làm cho học trò đam mê, thích thú vi phẫu”.

Đến khi về khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nhân dân 115, BS Viễn được gặp thầy Phú. TS.BS Nguyễn Đình Phú lúc đó là trưởng khoa, ông hết sức tin tưởng và tạo điều kiện cho đồng nghiệp, đàn em triển khai rất nhiều kỹ thuật phức tạp.

Về sau này, BS Nguyễn Cao Viễn lại có cơ duyên theo học Giáo sư Rene Esser (người Pháp) trong 12 năm. Đây cũng là người thầy đã truyền dạy rất nhiều kiến thức về chỉnh hình cũng như chấn thương, người đã thay đổi suy nghĩ và phong cách làm việc của BS Viễn, giúp anh trở nên chuyên nghiệp hơn.

GS Rene là một người thầy đã đi nhiều nơi trên thế giới, ông cũng là nguyên trưởng khoa Đại học Stanford (Mỹ), rất giàu kinh nghiệm chỉnh hình các dị tật, BS Viễn đam mê thêm mảng này.

Nếu tôi không có những người thầy đứng ra đỡ đầu thì mình không bao giờ làm được như hôm nay” - BS Viễn luôn nhớ ơn các thầy của mình, dù đến nay người còn người mất.

Hành trình một vòng kết nối để các bác sĩ vi phẫu trở thành chuyên gia của nhau

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn cho biết, vi phẫu là một chuyên nghành đòi hỏi phải có sự kiên trì và thời gian đào tạo khá lâu. Ở giai đoạn đầu, bác sĩ vi phẫu phải nối cho được mạch máu và thần kinh trong cấp cứu để cứu sống chi thể. Giai đoạn tiếp theo là vi phẫu tái tạo, đòi hỏi người có kinh nghiệm hơn, đào tạo lâu hơn. Vi phẫu tái tạo đưa lại chức năng nên đòi hỏi người từng trải nhiều hơn mới đưa ra được chỉ định đúng đắn. Vì vậy để đào tạo được một bác sĩ vi phẫu lành nghề là tương đối lâu và đầy khó khăn, bởi không phải lúc nào cũng có điều kiện để làm đầy đủ.

Người đam mê vi phẫu rất nhiều nhưng số lượng bác sĩ làm được vi phẫu thực thụ không nhiều, bởi con đường này không dễ đi, nhất là với người trẻ. Một bác sĩ mất 12 năm để có bằng và chứng chỉ hành nghề chuyên ngành, trong 12 năm đó gần như không kiếm ra tiền, nếu có cũng chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống.

Sau khi có chứng chỉ hành nghề mới bắt đầu chình thức con đường làm việc, nếu chỉ làm thuần túy vi phẫu thi không đủ để lo cuộc sống. Lúc này không ai muốn gia đình phải chu cấp thêm nữa, vì vậy vừa kiếm sống vừa lo trau dồi nghề nghiệp. Muốn thành thạo phải thêm 5 - 10 năm, đồng thời bác sĩ phải ở trong môi trường làm nhiều về vi phẫu mới thành công được.

Để mở rộng mạng lưới bác sĩ vi phẫu, cứ ngày nghỉ phép hay cuối tuần, BS Viễn lại đi đến các bệnh viện bạn để đào tạo, chuyển giao: “Chuyên gia dù giỏi đến mấy cũng không thể cùng lúc đi đến nhiều tỉnh. Tôi chỉ mong mỗi bệnh viện có được 1-2 bác sĩ vi phẫu. Nếu người này đi công tác hay đi học, hoặc gặp ca khó thì đồng nghiệp ở các bệnh viện gần nhau có thể chạy qua hỗ trợ.

Như vậy, trong mạng lưới, mỗi bác sĩ vi phẫu đều trở thành chuyên gia của nhau. Nếu các bạn trẻ đi theo vi phẫu thì hãy giữ vững niềm đam mê, kiên trì của mình thì chắc chắn sẽ thành công”.

Đến giờ, group vi phẫu đã có trên 2000 thành viên là các bác sĩ và nhân viên y tế có cùng mối quan tâm. Một vòng vi phẫu của BS Viễn kết nối được các tỉnh miền Nam và một vài tỉnh miền Trung, hành trình vẫn còn rất dài.

Đi giảng dạy trong nước hay đi giao lưu học hỏi ở nước ngoài, vị bác sĩ 20 năm kinh nghiệm luôn mang theo khối tài sản quý giá nhất, đó là dữ liệu các ca phẫu thuật anh đã thực hiện được lưu lại một cách đầy đủ và chi tiết, mỗi danh mục lên đến vài trăm ca bệnh. BS Viễn xem đó là tài sản lớn nhất của mình.

Người bệnh là tài sản quý giá nhất của bác sĩ vi phẫu” - đối với BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn là vậy. Sau ca mổ, họ về nhà luyện tập phục hồi rồi quay lại tái khám để bác sĩ đánh giá lại kết quả phẫu thuật, thành công hay thất bại đều là kinh nghiệm quý.

Còn nhớ, có lần làm mất điện thoại, BS Viễn tiếc hùi hụi vì mất liên lạc với bệnh nhân của mình, bởi nhiều người xuất viện là về luôn, bác sĩ thuyết phục dữ lắm mới chịu tái khám. Nếu một ca phẫu thuật mà bệnh nhân không tái khám thì người bác sĩ sẽ mất đi một dữ liệu và kinh nghiệm hết sức quý để mình trưởng thành hơn trong nghề nghiệp.

Số điện thoại của BS Viễn cũng rất dễ tìm trên các trang tin y tế, bởi anh không nề hà giải đáp, tư vấn cho tất cả bệnh nhân. Nhưng cũng nhiều người thắc mắc sao gọi mãi bác sĩ không nghe máy thì chắc chắn lúc đó vị cứu tinh cho người bị liệt đang chìm đắm trong ca mổ vi phẫu rồi.

Hồng Nhung - AloBacsiGiỏi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X