Bác sĩ Dương Công Minh - Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố
ThS.BS.CK2 Dương Công Minh - Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế luôn làm cho người đối diện đi từ niềm vui này đến niềm vui khác. Từ thần thái, nụ cười, cách diễn đạt và cả những câu chuyện kể, đều mang lại cảm giác thật tươi mới, đầy những chiêm nghiệm, triết lý sống nhân văn.
1. Truyền năng lượng, tỏa niềm vui qua vũ điệu Salsa
Một buổi tập Salsa tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, chất giọng miền Trung ấm áp của “huấn luyện viên” Dương Công Minh khuấy động bầu không khí: “Trong quá trình tập, mắt cười, miệng cười, tràn đầy năng lượng. Cái mà mình truyền tải là mình vui sống với chính mình thông qua âm nhạc và khiêu vũ. Cho nên các bạn không cần nhảy quá đẹp, chỉ cần vận “nội công” bung năng lượng ra là được rồi.
Bài mình đi gồm có: trái - phải, trước - sau, sau - sau, xéo và…” - Bệnh viện nhi tuyến cuối luôn trong tình trạng quá tải vì số lượng bệnh lên đến hàng nghìn ca mỗi ngày, tưởng rằng các bác sĩ luôn căng thẳng mệt mỏi, nhưng không, ThS.BS.CK2 Dương Công Minh - Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế luôn làm cho người đối diện đi từ niềm vui này đến niềm vui khác. Từ thần thái, nụ cười, cách diễn đạt và cả những câu chuyện kể, đều mang lại cảm giác thật tươi mới, đầy những chiêm nghiệm, triết lý sống nhân văn.
Giải thích về nguồn năng lượng dồi dào của mình, BS Dương Công Minh nói: “Không phải mình có ánh mắt cười, miệng cười, môi cười là từ khi sinh ra đến bây giờ đâu, thật ra là tùy theo từng giai đoạn trong cuộc đời.
Có những giai đoạn rất khó khăn trong cuộc sống, từ bươn chải với đời, lo toan cơm áo gạo tiền đến chuyện học hành, lấy kinh tế ở đâu để chuẩn bị cho học hành, cho sự nghiệp… Có rất nhiều thứ phải lo, những lúc vậy mình không cười nổi đâu”.
Ông nhắc đến một châm ngôn và cũng là tựa cuốn sách “best seller” trên toàn thế giới của tác giả Dale Carnegie: “Quẳng gánh lo đi mà vui sống”. BS Minh cho rằng để đối mặt với bộn bề lo toan thì phải có lộ trình cụ thể, có kế hoạch bài bản và vẫn cười. Bởi thái độ sống là một trong những yếu tố quan trọng quyết định cuộc đời mỗi người.
“Thay vì căng thẳng, lo âu thì chúng ta cố gắng nở nụ cười. Đầu tiên có thể cười gượng gạo nhưng từ từ nụ cười làm cho tinh thần ta phấn chấn lên, thấy thỏa mái lắm. Từ đó tôi nghiệm ra một điều: Hãy cứ cười. Hãy cứ vui. Hãy cứ vận động. Đừng bao giờ để mình rơi vào bế tắc nào đó, một mình mình cô đơn không người đối thoại - là năng lượng tiêu cực dìm mình xuống”.
Đó cũng chính là lý do mà BS Minh trở thành huấn luyện viên nhảy Salsa - một trong những hoạt động thể thao sôi nổi, hưởng ứng phong trào thể dục giữa giờ được BCH Công đoàn bệnh viện phát động nhiều năm nay:
“Khi khiêu vũ, ai cũng có nụ cười trong veo như trẻ con! Vì tất cả đều bỏ buông mọi muộn phiền thông qua vận động cùng âm nhạc.
Các động tác Salsa không chậm rãi từ tốn như Yoga, không quá kỹ thuật như Dance sport, chúng mình tìm đến từ sự ngẫu hứng của các động tác trên nền nhạc Salsa sôi động theo phong cách Zumba.
Vận động theo âm nhạc rất tốt cho sức khỏe, cho hệ tim mạch, tốt cho những ai đang trầm cảm hoặc stress. Quá phù hợp đối tượng làm việc trong môi trường đầy áp lực như ngành y tế luôn!”.
Nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình của vị huấn luyện viên giàu năng lượng tích cực, mỗi thành viên của CLB khiêu vũ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (CCH Dance Club) cũng toát lên thần thái an lành, trong sáng. Sau 60 phút vận động cật lực, chợt nhận ra tâm tịnh, lòng nhẹ như bấc, bước chân về thênh thang…
Xem thêm: TS Lê Khánh Điền: Chinh phục chuyên ngành mới để lấy lại ngôn ngữ cho người đột quỵ
2. Dinh dưỡng sẽ giải quyết được tất cả nếu thực hiện đúng
Trong nhiều năm là bác sĩ dinh dưỡng, ThS.BS.CK2 Dương Công Minh quan sát thấy thực tế là bất cứ bệnh lý nào cũng có thể quật ngã một em bé nếu như ăn uống không đủ chất.
Dinh dưỡng không tốt thì dẫn đến sức khỏe kém. Sức khỏe kém thì hay bệnh, tái nhiễm, càng bệnh bé sẽ càng biếng ăn… Nếu tình trạng đó kéo dài sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng mạn tính, em bé không chỉ thiếu cân nặng mà còn thiếu chiều cao, sức đề kháng kém, bệnh tật lây nhiễm liên tục. Đó là một vòng xoáy luẩn quẩn.
Từ khi có cơ duyên đến với chuyên ngành dinh dưỡng và đào sâu hơn nữa thì thấy rằng dinh dưỡng cực kỳ quan trọng, BS Minh nhận thấy một nghịch lý là hiện nhiều trẻ béo phì nhưng lại suy dinh dưỡng.
Dân gian hay quan niệm rằng, em bé suy dinh dưỡng là gầy nhom, trơ xương. Còn em bé béo phì thì to lớn, má xệ, ngực ngấn mỡ, chơi giỡn chạy nhảy một chút mồ hôi ra như tắm. Vậy làm sao béo phì và suy dinh dưỡng nằm chung trong một nhóm được?
Bác sĩ Minh giải thích từ nguyên theo thuật ngữ y khoa thế giới dịch cụm từ “malnutrition”, thì “nutrition” là dinh dưỡng, còn “mal” là bất bình thường. Trong malnutrition có suy dinh dưỡng, vừa có ốm teo - suy dinh dưỡng, thiếu chiều cao, thiếu cân nặng. Và trong malnutrition - có em bé thừa cân - béo phì. Thừa cân gọi là overweight. Và béo phì gọi là obesity. Cho nên nếu hiểu theo đúng nghĩa từ malnutrition - nghĩa là mất cân đối.
Trong bản thân một đứa trẻ béo phì nhưng không cân đối về các vi chất dinh dưỡng trong cơ thể nên được xem là suy dinh dưỡng, thiếu vi chất. Trên thực tế em bé béo phì chỉ nạp năng lượng rỗng nhiều, mỡ nội tạng, bệnh lý, liên quan đến rối loạn chuyển hóa mỡ… Tuy béo nhưng các bé vẫn thiếu các vi chất khác do ăn uống không đầy đủ, như có thể thiếu vitamin A, thiếu canxi, thiếu kẽm…
Do đó, các bé cần được chăm sóc trên nền tảng dinh dưỡng cân bằng thì mới đủ sức chống chọi với bệnh tật, thoát ra những căn bệnh đe dọa. Dù là bệnh nhẹ đi nữa thì dinh dưỡng cũng rất quan trọng chứ không đợi đến khi bệnh nặng.
3. Làm sao để không còn cuộc chiến trên bàn ăn?
Trên các diễn đàn, các hội nhóm bỉm sữa, rất nhiều bà mẹ than phiền rằng mỗi lần cho con ăn thật sự là một cuộc vật lộn vì con biếng ăn, ngậm mãi không chịu nuốt. Theo BS Dương Công Minh, đó là do hiện nay chúng ta đang đi sai lộ trình trong việc cho trẻ ăn dặm. Phải xây dựng lộ trình và phải tập cho con ăn dặm đúng. Ăn đúng là sao? Con ngồi vào bàn ăn đúng giờ, có kỷ luật, 45 phút mà không ăn xong là ngưng.
Và khi trẻ ăn thì trong nhà không có ipad, iphone, tivi mà chỉ có đối thoại giữa cha mẹ hoặc người thân và trẻ, hãy nói chuyện về món ăn để trẻ cảm nhận được. BS Minh chỉ ra 3 tác hại khi bắt trẻ ăn theo kiểu ép buộc: Thứ nhất, em bé không thích thú nên ăn vào khả năng hấp thụ dinh dưỡng không cao. Thứ hai, bé ăn trong trạng thái bị ép, stress thì lần này ăn nhưng lần sau không chịu ăn. Thứ ba, nếu ăn trong trạng thái bị ép, khóc lóc ói dễ gây ra tình trạng hóc dị vật.
“Phương pháp ăn dặm của chúng tôi đưa ra là cho con ăn thô từ rất sớm, đu đủ, bí đao, khoai lang luộc xong cắt nhỏ bằng ngón tay, để trước mặt để con cảm nhận, cầm, sờ và ăn được. Thứ nữa là các bà mẹ hãy cho con vào bếp cùng, như cho con lặt rau cùng, chọn lấy trứng gà… Có nghĩa là tạo con cảm giác là người trong cuộc - cùng tham gia vào việc chế biến món ăn đó.
Điều quan trọng là luôn tạo ra một không khí vui vẻ, hòa bình, một bữa ăn nhiều màu sắc, nhiều hương vị, cho các con tham gia vào quá trình chế biến món ăn… thì chúng ta sẽ không có những cuộc chiến trên bàn ăn nữa” - BS Minh nhấn mạnh.
Bữa ăn nhiều màu sắc, nhiều hương vị cộng với không khí vui vẻ, đó chắc hẳn cũng là công thức chuẩn mà nhiều người lớn bỏ quên khi công việc cứ cuốn đi. Hãy nhìn “cậu bé” ngoài 50 tuổi Dương Công Minh có được điều đó trong chuyến về quê thăm mẹ:
“Hai chị TiTi và TôTô hỏi thích ăn món chi mấy chị làm. Mình nói thèm ăn: 1/ thịt heo luộc chấm tôm chua, 2/ ruốc kho, 3/ canh chuối nấu ruốc. Thế là được được toại nguyện nhé. Hai Me con cuối tuần hàn huyên rôm rả, món ăn miền Trung mặn mòi.
Càng lớn, đi đâu rồi cũng muốn về thăm Mẹ, ôm Mẹ, ăn bữa cơm nghi ngút khói, ôn kỷ niệm tuổi thơ xưa, kể chuyện ai thương con, ai ghét con, ai bắt nạt con… chỉ để được nghe Me khuyên: cứ sống an yên bằng cái tâm lành là được”.
Xem thêm: ThS.BS Calvin Q Trịnh: Đưa “hiệu chỉnh cơ xương khớp” từ Mỹ về Việt Nam để giúp nhiều người hơn
4. Từ ước mơ làm ảo thuật gia đến vị bác sĩ lan tỏa năng lượng diệu kỳ
Giờ đã là một chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu ở Bệnh viện Nhi đồng Thành phố nhưng ThS.BS.CK2 Dương Công Minh vẫn không quên ước mơ thời thơ bé. “Hồi đó cứ mong đến thứ bảy - chủ nhật được nghỉ học để theo xe anh bán kẹo kéo xem và học lóm làm ảo thuật. Anh bán kẹo kéo thấy mình bám mãi cả năm nên cũng thương tình, chỉ cho một màn ảo thuật “đồng xu biến mất”.
Đó là trò ảo thuật đầu tiên trong đời mình làm và mong ước làm nhà ảo thuật là ước mơ trẻ con. Tuy là ước mơ trẻ con thôi, nhưng mãi ăn sâu trong tâm thức mình và đến bây giờ vẫn mong làm một ảo thuật gia”.
Nhưng vì muốn giúp đời - giúp người, chàng trai Dương Công Minh theo định hướng trở thành bác sĩ, làm những cái thực tế hơn. Ông hay nói đùa với các bạn ngày xưa rằng: “Minh làm bác sĩ sẽ kiêm được ảo thuật gia nhưng nếu làm ảo thuật gia chưa chắc kiêm luôn được nghề y”.
Nhiều năm gắn bó với ngành, trải qua bao nhọc nhằn, rèn luyện đạt đến trạng thái an nhiên, luôn giữ một thần thái vui vẻ, cười tươi, lúc rảnh thì cầm ghi ta đàn hát, hoặc rộn ràng với vũ điệu Salsa, nhưng cũng như bao nhiêu bác sĩ khác, ông cũng còn rất nhiều trăn trở.
“Chúng ta biết rằng ngành y rất đặc thù, rất đặc biệt so với các ngành khác. Bởi vì đối tượng chúng ta can thiệp lên là con người. Do đó, nếu đã chọn dấn thân vào ngành y thì phải yêu nghề, phải toàn tâm toàn ý cho nghề thì mới theo đuổi nổi. Còn nếu chúng ta xem ngành y như ngành kinh tế, vào chỉ để kiếm thu nhập thôi thì rất khó” - BS Minh chia sẻ.
Và ông cũng thẳng thắn rằng không thích ngành y gọi bệnh nhân là “khách hàng”, bởi xem người bệnh như một đối tượng trong môi trường kinh doanh là không đúng: “Tôi dùng từ “bệnh nhân”, để dành cho họ sự trân trọng - sự thương yêu và cố gắng giúp họ thoát khỏi nỗi đau, trở nên hoàn chỉnh hơn, sống hạnh phúc hơn”.
Đồng thời, ông cũng rất trân trọng các bạn trẻ chọn ngành y bởi ngành y vô cùng hay, vô cùng đặc biệt và là ngành nghề hết sức thiêng liêng: “Các bạn sẽ trở thành bác sĩ, góp phần xoa dịu nỗi đau của người bệnh, làm lành vết thương của thế giới.
Điều làm BS Minh trăn trở nữa là lương của ngành y quá thấp so với công sức một bác sĩ dày công học tập và khổ luyện. Tuy nhiên, đã gọi đam mê với nghề thì: “Các bạn trẻ ơi, nếu các bạn thực sự đam mê với ngành y, hãy cố gắng hết sức mình và sẽ luôn có giải pháp để các bạn vượt qua cơm áo gạo tiền, bước tiếp được”- ông chân thành
Cuộc đời BS Dương Công Minh gắn liền với dinh dưỡng, nụ cười, một trái tim rộng mở. Dù lỡ hẹn với ước mơ thuở nhỏ nhưng ông đã là một “ảo thuật gia” xua đi nỗi mệt nhọc bằng cách trao nguồn năng lượng tích cực, tràn đầy tình yêu thương. Mang lại niềm vui và hạnh phúc cho bệnh nhân, cho mọi người là mục đích cao nhất mà ông hướng đến trong cuộc đời này.
Thanh Thanh, Hồng Nhung - AloBacsiGioi.vn
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình