Hotline 24/7
08983-08983

4 dấu hiệu cảnh báo ngừng vận động và 4 nội dung giúp cải thiện biến cố đột tử tim

Những trường hợp đột tử trong lúc chơi thể thao liên tiếp xảy ra khiến nhiều người lo lắng. Trong bối cảnh này, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Phó Chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam; Chủ tịch LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM và BS Trần Quốc Tài - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã có những chia sẻ về cách để nhận diện tình huống vận động quá sức và giá trị của điện tâm đồ trong việc phát hiện những bất thường về tim mạch, hô hấp.

4 tác dụng của thể thao đối với bệnh nhân lớn tuổi

Một trong những điểm nổi bật của Hội nghị Khoa học thường niên do Liên chi hội (LCH) Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM tổ chức tại Huế vừa qua là có riêng một phiên về “Thể dục thể thao an toàn cho bệnh nhân hô hấp mạn tính”.

Trước tiên, nhờ PGS chia sẻ thêm về lý do LCH thực hiện một phiên lớn về chủ đề này trong hội nghị khoa học thường niên?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời: Mặc dù là LCH về bệnh lý, chúng tôi vẫn rất quan tâm đến thể dục thể thao cho tất cả bệnh nhân cũng như người dân trong cộng đồng. Thể dục thể thao là loại thuốc tốt nhất.

Riêng đối với bệnh nhân lớn tuổi, thể dục thể thao có đến 4 tác dụng:

- Kiểm soát cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu và béo phì.

- Vận động làm giảm được đến 50% nguy cơ của các bệnh lý mạch vành.

- Hơn thế nữa, người ta thấy vận động làm chậm sự lão hóa của các tế bào; giúp giảm ung thư, cụ thể là ung thư đại tràng, tiền liệt tuyến; giảm loãng xương; giảm trầm cảm; giảm lú lẫn.

- Ngoài ra, những người luyện tập thể thao thường xuyên có thể gia tăng tuổi thọ từ 3 - 7 năm.

Chính vì vậy, mặc dù là một LCH về mặt bệnh lý, chúng tôi rất khuyến khích bệnh nhân và cả cộng đồng tập thể dục, vận động theo cách phù hợp.

Bệnh nhân hô hấp mạn tính tuân thủ điều trị vẫn có thể vận động bình thường

Nội dung của phiên “Thể dục thể thao an toàn cho bệnh nhân hô hấp mạn tính” tập trung khai thác những những khía cạnh nào, thưa BS? Thông qua các bài báo cáo đã đem đến những quan điểm, thảo luận thú vị nào?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời: Bệnh hô hấp mãn tính quan tâm đến 2 nhóm bệnh nhân lớn. Tại Việt Nam, nhóm bệnh nhân bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính thường từ 60 tuổi trở lên. Với các biểu hiện ho, khò khè, khó thở, họ vận động rất khó khăn và miễn cưỡng. Nhưng chúng tôi vẫn cố gắng khuyến khích bệnh nhân tập luyện nhẹ nhàng theo sức mình.

Họ có thể tập khí công, dưỡng sinh,... 30 phút mỗi ngày trong ánh nắng mặt trời trước 8 giờ sáng. Điều này sẽ có tác dụng tích cực cho khả năng hô hấp của người bệnh, giúp người bệnh bớt trầm cảm.

Một điểm quan trọng nữa, trong LCH chăm sóc cho những bệnh nhân hen suyễn và cam đoan với bệnh nhân rằng nếu họ tuân thủ điều trị đúng theo những gì bác sĩ hướng dẫn, họ có thể sống, sinh hoạt, hoạt động, nghỉ ngơi, giải trí bình thường.

Điểm thú vị trong phiên “Thể dục thể thao an toàn cho bệnh nhân hô hấp mạn tính” là chúng tôi đã mời được một bệnh nhân hen tuân thủ điều trị tốt, đã đạt giải 3 marathon. Cô đã trình bày trước hội nghị và nhận được sự yêu thương, cảm động từ mọi người, nhất là nghe câu nói “Một bước chân chạy của bệnh nhân suyễn thì khó khăn hơn người bình thường rất nhiều”.

Thông điệp truyền tải đến cộng đồng là một bệnh nhân hô hấp mạn tính tuân thủ điều trị vẫn có thể vận động được. Điều này không chỉ tốt với bệnh hô hấp mà còn mang lại nhiều lợi ích như đã trình bày.

4 dấu hiệu cảnh báo cần ngưng vận động ngay lập tức

Ngày nay, đột tử xảy ra thường xuyên hơn trên những người trẻ, khỏe mạnh, vận động-thể dục thể thao đều đặn. Vì đâu mà đột tử lại lăm le cả giới trẻ như vậy, thưa BS? Khi nào nên ngừng vận động ngay tức khắc?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời: Hiếm trường hợp người dưới 35 tuổi bị đột tử do tim mạch, tỷ lệ chỉ khoảng 1/50 hoặc 1/200.000. Người lớn tuổi hơn sẽ gặp nguy hiểm nhiều hơn do liên quan đến bệnh lý mạch vành.

Việt Nam có khí hậu nóng nên thường xảy ra tình trạng sốc nhiệt, rối loạn điện giải, chưa kể những chấn thương trong lúc vận động. Bên cạnh đó, tỷ lệ cao huyết áp ở Việt Nam rất cao và rất trẻ, có lẽ do chế độ ăn nhiều muối hơn quy định. Chính vì vậy, người trẻ tuổi vẫn nên kiểm tra sức khỏe, đặc biệt là quan tâm đến huyết áp.

Theo nguyên tắc, những trường hợp đột tử trẻ tuổi có 2 vấn đề: Di truyền và có bất thường trong hệ mạch máu. Khi xuất hiện 4 điểm sau đây, cần phải ngừng vận động ngay tức khắc và tìm kiếm sự trợ giúp của y tế:

- Cảm thấy khó chịu hoặc đau.

- Đau ở ngực hoặc đau ở một vùng khác từ trước ngực lan qua cánh tay, hoặc ở hàm, hoặc ở giữa hai xương bả vai, hoặc ở cổ. Đó là những dấu hiệu có thể liên quan đến nhồi máu cơ tim.

- Rất khó thở.

- Nhịp tim tăng lên rất nhanh và không đều.

Chưa có thống kê cụ thể nhưng có ghi nhận những trường hợp đột tử ở người trẻ

Thực tế BS ghi nhận, tỷ lệ đột tử ở người trẻ khi vận động ở nước ta có gì khác biệt so với các nước khác, về độ tuổi, thời điểm vận động…?

BS Trần Quốc Tài trả lời: Các vấn đề đột tử ở người trẻ xảy ra rải rác với một tỷ lệ thấp, do đó vẫn chưa có những báo cáo về số liệu cụ thể về tỷ lệ đột tử ở người trẻ tại Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây có nhiều ca đột tử trong các giải thi, đặc biệt là các giải marathon.

Cũng đã có những vận động viên chuyên nghiệp đột tử, như trường hợp một vận động viên bơi lội mới hơn 30 tuổi. Trẻ hơn nữa, có trường hợp học sinh lớp 9 tử vong sau khi học thể dục. Những trường hợp này khá rải rác, trong nước và ngoài nước đều có ghi nhận.

Chúng ta cần có những biện pháp để phát hiện kịp thời, ngăn ngừa những tình huống này xảy ra.

4 nội dung giúp giảm đến 90% biến cố về đột tử tim trên vận động viên tại Ý

Trong hội nghị khoa học, BS Quốc Tài tham gia với bài báo báo về kiểm tra sức khỏe trước khi tham gia chạy marathon và các môn thể thao khác.

Một nghiên cứu tại Ý trong bài báo cáo cho thấy kết quả ngoạn mục, khi biến cố về đột tử tim trên vận động viên giảm đến 90%. BS có thể chia sẻ thêm, tại Ý họ đã làm những gì để có được con số đáng chú ý như vậy ạ?

BS Trần Quốc Tài trả lời: Đây là một nghiên cứu đã được tiến hành từ rất lâu, một chương trình dài hơi kéo dài khoảng 25 năm, từ năm 1980 đến năm 2005. Chương trình này áp dụng 4 bước rất đơn giản để sàng lọc toàn bộ vận động viên trẻ từ 12 - 35 tuổi.

Đầu tiên, vận động viên hoặc người tập luyện được thăm khám với bác sĩ, hỏi về tiền căn gia đình: Trong gia đình có người thân trực thuộc (bố mẹ, anh chị em) đã bị đột tử hoặc bị bệnh lý nhồi máu cơ tim sớm trước 50 tuổi hay không? Bản thân vận động viên, người tập luyện có tiền căn hay được chẩn đoán bệnh lý tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch không?

Nội dung thứ hai, bác sĩ tiếp tục hỏi về những tình trạng nghiêm trọng khi tập luyện: Trước đây đã từng ngất hay gần như ngất trong lúc luyện tập không? Có bị đau ngực, có cảm giác khó chịu ở vùng ngực hay không? Có bị khó thở không tương xứng với mức độ tập luyện, chẳng hạn cảm thấy rất mệt dù chỉ tập nhẹ? Có cảm thấy hồi hộp, nhịp tim không đều hay không?

Sau khi hỏi, bác sĩ sẽ thăm khám, tập trung nghe tim, phổi để tìm những bất thường trong âm thổi ở tim. Ở bước này bác sĩ sẽ bắt mạch ở đùi và thăm khám cơ xương khớp.

Xét nghiệm cuối cùng rất đơn giản là điện tâm đồ 12 chuyển đạo. Điện tâm đồ giúp bác sĩ nhanh chóng xác định 13 dấu hiệu gợi ý cho những bất thường sớm không phát hiện được trong thăm khám.

Tổng kết lại, sau khi áp dụng chương trình với 4 nội dung như trên, qua 25 năm đã thu được kết quả ngoạn mục, khi biến cố về đột tử tim trên vận động viên giảm đến 90%.

Những lợi ích của nghiệm pháp CPET trong vận động, thể dục thể thao

Theo BS đánh giá, với khả năng và nguồn lực hiện nay tại Việt Nam, chúng ta có thể làm những gì để giảm biến cố đột tử khi vận động, đột tử khi tham gia thể thao, thưa BS? Và đâu là những khó khăn cần vượt qua để biến những điều này khả thi?

BS Trần Quốc Tài trả lời: Đối với câu hỏi này, tôi cảm thấy chúng ta có thể tự tin vì 4 nội dung đã trình bày ở trên, Việt Nam đều có khả năng làm được. Các bạn trẻ, những người đang tập luyện có thể dễ dàng gặp được chuyên gia. Nếu các bạn có các triệu chứng hay có tiền căn đã nêu, nên tìm đến các chuyên gia tim mạch, hô hấp, thể dục thể thao để nhanh chóng định hướng vấn đề bất thường.

Việc nhận diện để phát hiện và chỉ định những xét nghiệm sâu hơn đặt ra vai trò cho người bác sĩ. Khi đến gặp bác sĩ và chuyên gia vận động, với tình hình hiện tại, chúng ta không chỉ dừng ở điện tâm đồ mà còn có những công cụ cao cấp hơn.

Hiện tại, cao cấp nhất là xét nghiệm nghiệm pháp gắng sức tim mạch - hô hấp, viết tắt là CPET. Với nghiệm pháp CPET, chúng tôi không chỉ theo dõi tim mạch, điện tâm đồ mà còn theo dõi cả hô hấp, chuyển hóa, thần kinh cơ từ lúc nghỉ ngơi đến lúc gắng sức tối đa.

Nghiệm pháp này là một công cụ đánh giá rất tốt về mặt gắng sức và đưa ra những lời khuyên cho quá trình tập luyện.

Marathon không phải môn thể thao dành cho tất cả mọi người

Trên cương vị là Chủ tịch LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM, LCH có những dự định nào nhằm giúp cộng đồng nhận thức về đột tử khi vận động, tham gia thể thao cũng như triển khai các hoạt động nhằm giảm tỷ lệ xảy ra biến cố này?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời: Chúng tôi mong muốn lan tỏa những thông tin này trong cộng đồng để càng nhiều người biết càng tốt. Việc đầu tiên chúng tôi đã làm là kết hợp với AloBacsi thực hiện các chương trình như thế này.

Việc thứ hai, chúng tôi mở rộng liên kết với các hội khác, đặc biệt là Hội Y Học Thể Thao. Họ có vị trí đúng đắn nhất để đưa ra những thông tin liên quan.

Thứ ba, chúng tôi muốn liên kết với những đơn vị phụ trách vận động viên, đặc biệt trong bộ môn bóng đá vì nguy cơ đột tử trên sân bóng là cao nhất. Điều quan trọng nhất khi tuyển chọn vận động viên là chọn đúng. Nếu chọn người có những bất thường về di truyền, về cấu trúc hay có những tiền căn mà không phát hiện sớm thì sẽ gây nguy hiểm cho chính vận động viên và tốn tài lực của chính phủ.

Chúng tôi mong rằng các đơn vị tổ chức giải marathon lớn cũng sẽ liên kết được với các đơn vị y tế. Những người tham gia marathon phải đăng ký. Từng có trường hợp một người 53 tuổi tử vong khi tham gia Ultra Marathon. Người này đã có bệnh nền từ trước và có viết giấy cam kết.

Điều này có thể tránh được những nguy cơ pháp lý cho đơn vị tổ chức nhưng chưa làm tròn trách nhiệm. Không phải ai cũng được phép tham gia marathon. Phải tuyển chọn và có các bước thăm khám như BS Tài đã đề cập. Lý tưởng nhất là làm nghiệm pháp CPET, đặc biệt với những người trung niên có bệnh nền như cao huyết áp, tiểu đường, béo phì, tim mạch, mỡ máu...

Dù rất mong muốn mọi người dân đều tham gia vận động vì mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng phải đặc biệt cẩn thận, nhất là đối với hoạt động kéo dài, gắng sức, mạnh như marathon. Đây không phải là môn thể thao mà tất cả mọi người có thể tham gia được.

>>> 96% trường hợp đột tử trong thể thao, thi đấu do tim mạch

>>> Bộ xét nghiệm cơ bản tầm soát nguy cơ đột tử khi chơi thể thao

>>> Làm sao phát hiện bệnh lý tiềm ẩn, đề phòng đột tử khi tham gia thể thao?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X