Hotline 24/7
08983-08983

96% trường hợp đột tử trong thể thao, thi đấu do tim mạch

Đột tử là vấn đề đang rầm rộ tại các giải đấu thể thao, chạy marathon trong thời gian gần đây. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất là do tim mạch, thứ hai là hô hấp. PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, BS Phan Vương Huy Đổng, TS.BS Nguyễn Ngọc Phương Thư, TS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư đã đồng hành cùng AloBacsi để giải đáp về vấn đề này.

1. Tai nạn xảy ra do quản lý rủi ro chưa tốt

Trên phương diện của chuyên gia về Y học thể thao, những tai nạn đáng tiếc liên quan đến tập luyện thể thao có nhiều khả năng xuất phát từ các tình huống nào, thưa BS?

BS Phan Vương Huy Đổng ­- Chủ tịch Liên chi hội Y học thể thao TPHCM trả lời: Tai nạn là một rủi ro do vấn đề quản lý rủi ro chưa tốt. Quản lý rủi ro đối với người tập luyện thể thao là việc kiểm soát sức khỏe trước tập luyện, đặc biệt ở những người tập luyện thể thao dạng nghiêm túc, tập thường xuyên, tập kéo dài, nhóm người này cần được kiểm soát.

Trên thực tế, việc kiểm soát sức khỏe, lượng giá của nhóm người tập này chưa tốt, vì vậy, khi để hở ra một khoảng là “lực bất tòng tâm”. Người tập luyện chưa đủ sức lực để tập luyện môn thể thao đó, chưa phù hợp nhưng vẫn cố tập luyện sẽ gây ra rủi ro và dẫn đến các trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Khi chơi thể thao, tập luyện, những vấn đề như chấn thương, đột quỵ, đột tử có thể xảy ra, đặc biệt là những môn thể thao đòi hỏi sự vận động lớn như chạy Marathon, chạy bộ leo núi hay đua xe đạp đường trường… Sự chăm sóc của y tế vô cùng quan trọng và xử trí tình huống xảy ra. Nếu chăm sóc y tế và xử trí tình huống chưa tốt, rủi ro và hậu quả xảy ra sẽ nghiêm trọng hơn.

Về chương trình tập luyện của người chơi thể thao, mỗi người là một thể khác nhau, dù cùng tuổi, cùng cân nặng, nhưng khả năng chịu áp lực và bệnh lý tiềm ẩn bên trong sẽ khác nhau. Tuy nhiên, theo khuynh hướng so đo tự nhiên “anh tập được tôi cũng tập được”, đây là lỗ hổng rất lớn, chính vấn đề này cần xây dựng cá thể hóa trên nền tập đối với những người tập luyện có tính nghiêm túc, kéo dài, còn với những người tập luyện 5-10 phút/ngày và không thường xuyên, rất ít xảy ra rủi ro.

Việc xây dựng chương trình cá thể hóa trên nền tập cần có sự đánh giá của chuyên gia, sau khi đánh giá, kiểm soát, chuyên gia sẽ đưa ra chương trình phù hợp, đánh giá hoặc khuyến cáo có nên chơi hay tập luyện được hay không và tập trong bao nhiêu phút.

Mỗi người đều cần cố gắng nhưng cần đảm bảo trong giới hạn, không nên cố quá dẫn đến trường hợp đáng tiếc là “quá cố”. Bản thân người tập luyện, cần xây dựng chương trình tập luyện cho bản thân, chia làm 2 phần, bao gồm: xây dựng chương trình tập luyện do chuyên gia đưa ra; người tập phải trải qua việc tập luyện, tích lũy năng lượng phù hợp, từ đó, khi tập luyện, thi đấu sẽ có đủ sức vượt qua cuộc chiến một cách an toàn.

Về truyền thông, về tổ chức, những người tập luyện thể thao, chơi thể thao, ví dụ như chạy Marathon, trong thời gian từ đầu năm đến nay rất rầm rộ, có thể tính đến hàng chục cuộc chạy, đó là quá nhiều, bên cạnh đó đã có những rủi ro xảy ra.

Việc truyền thông, quảng bá những tác dụng của việc chạy bộ đều đem lại lợi ích rất tốt, tuy nhiên, tất cả cần nhìn vấn đề hai mặt, khi tổ chức và phát triển, cần lường trước những vấn đề có thể xảy ra, nếu công tác tổ chức thúc đẩy theo chiều “cố lên”, mà không giáo dục sẽ xảy ra những biến cố đáng tiếc.

Điển hình như AloBacsi là một chương trình “cực kỳ tốt” cho người tập luyện thể thao nếu xem được chương trình này. Đây là một dạng giáo dục truyền thông giúp mọi người hiểu biết, việc này hiện đã làm nhưng chưa được rầm rộ, hy vọng trong tương lai, AloBacsi sẽ làm nhiều chương trình tương tự.

Đối với công tác của một nhà tổ chức thi đấu hay các cuộc tập luyện, đặc biệt là những môn thi đấu ngoài trời, có nhiều rủi ro, nếu nhà tổ chức thi đấu không đánh giá được hết các vấn đề có thể xảy ra (đường chạy, sân bãi, thời tiết thất thường) sẽ có nguy cơ đưa đến tai nạn đáng tiếc cho người thi đấu.

Nguyên nhân gây ra các rủi ro có rất nhiều, những vấn đề có thể thay đổi được, hãy cố gắng thay đổi.

TS.BS Phan Vương Huy Đổng ­- Chủ tịch Liên chi hội Y học thể thao TPHCM 

2. Tim mạch là nguyên nhân lớn nhất gây đột tử khi chơi thể thao

Những trường hợp đột tử ghi nhận gần đây đa số là người trẻ, trong đó nhiều người ở tuổi đôi mươi.

- Nguyên nhân/ yếu tố nào đưa đến trường hợp đột tử ở người trẻ xảy ra trong lúc đang chơi thể thao như vậy ạ?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch Lâm sàng TPHCM trả lời: Những trường hợp đột tử trong thể thao, thi đấu, 96% do nguyên nhân tim mạch, 4% do hô hấp. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra vấn đề này, dù là người trẻ nhưng có thể tăng huyết áp khiến họ không ngờ tới. Hoặc có những bất thường trong động mạch; tập luyện, thi đấu quá sức, nghĩa là cơ thể chưa tập luyện đạt đến mức độ đó nhưng cố quá sức, gây ảnh hưởng đến tim mạch.

Về hô hấp, vấn đề nguy hiểm nhất là lên cơn hen ở những người không kiểm soát hen tốt nhưng vẫn thi đấu trong môi trường không an toàn, không phù hợp như quá lạnh, quá khô hoặc quá nóng. Hay ngay ở trong hồ bơi, có hợp chất Chlorine kết hợp với Amin tạo thành hợp chất rất độc. Vì vậy, vấn đề đột tử khi chơi thể thao có thể xảy ra ngay trên người trẻ tuổi.

- Tỷ lệ đột tử tăng cao ở những nhóm người nào, thưa BS?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời: Nguyên nhân lớn nhất gây ra đột tử khi chơi thể thao là tim mạch, sau đó đến hô hấp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nguyên nhân khác như say nắng, chấn thương. Vì vậy, dù trẻ tuổi vẫn có khả năng đột tử, nhiều nhất là các cầu thủ bóng đá, chủ yếu do tim mạch.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch Lâm sàng TPHCM

3. Đột tử được cấp cứu sớm có thể cứu sống người bệnh

Thực tế, nhiều trường hợp khi câu chuyện đáng tiếc xảy ra mới được xác định có bệnh lý trước đó, nạn nhân biết hoặc không biết mình mắc bệnh. Phổ biến nhất liên quan đến Tim mạch.

- Xin hỏi BS, người mắc bệnh Tim mạch có thể đối diện các biến cố nào khi tham gia thể thao?

TS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư - Phó Trưởng bộ môn Sinh lý - Sinh lý bệnh miễn dịch, Đại học Y Dược TPHCM trả lời: Nguyên nhân để xảy ra các biến cố khi tham gia thể thao, tỷ lệ do nguyên nhân tim mạch là cao nhất. Tỷ lệ để xuất hiện các biến cố khi tham gia thể thao ở người có bệnh lý nền tim mạch cao hơn rất nhiều so với người không có bệnh nền tim mạch trước đó.

Vì vậy, với những người có bệnh lý nền tim mạch có thể xảy ra các biến cố: Thứ nhất, các biến cố về bệnh mạch vành cấp như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim. Trong quá trình vận động, tim sẽ co bóp mạnh hơn, tăng tần số để cung cấp máu cho cơ thể trong quá trình gắng sức, như vậy sẽ tăng nhu cầu sử dụng oxy của cơ tim. Ngược lại, giảm đi thời gian tưới máu mạch vành vào tâm trương. Vì vậy, đây là bối cảnh đẩy người bệnh vào tình trạng thiếu máu cơ tim cấp.

Bên cạnh đó, còn xảy ra tình trạng nứt vỡ các mảng xơ vữa có trước của bệnh nhân, tăng hoạt hóa tiểu cầu, dẫn đến thành lập các cục huyết khối, đưa bệnh nhân đi vào bệnh cảnh của nhồi máu cơ tim cấp.

Thứ hai, loạn nhịp thất nguy hiểm, là tình trạng tiết ra chất Catecholamin, là một hoạt chất giao cảm được tiết trong quá trình gắng sức, đồng thời, còn có sự chuyển dịch giữa các ion, điện giải trong cơ thể người như Kali, Natri. Những rối loạn này trên một bệnh lý nền trước đó, dễ dàng đẩy bệnh nhân vào tình trạng rối loạn nhịp nguy hiểm, nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể đột tử.

Thứ ba, tình trạng tăng huyết áp khẩn cấp hoặc cấp cứu, hai vấn đề này có thể dẫn tới nguy cơ đột quỵ. Cần phân định giữa hai khái niệm đột quỵ và đột tử, trong đó, đột quỵ là tình trạng tắc mạch máu não và dẫn tới tổn thương nhu mô não, bệnh nhân có thể méo miệng, liệt nửa người nhưng tim còn đập. Còn đột tử là tình trạng tim ngưng co bóp đột ngột, ngưng đập đột ngột không lường trước, những bệnh nhân đột tử nếu được cấp cứu sớm, vẫn có thể cứu sống người bệnh.

Thứ tư, hạ huyết áp, tình trạng này có thể xảy ra khi người tham gia tập kết thúc động tác tập gắng sức một cách đột ngột, điều này sẽ làm giảm quá trình đưa máu trở về tim, giảm các tiểu động mạch dẫn tới hạ huyết áp, có thể đẩy tới tình trạng giảm tưới máu mạch vành và có thể đưa bệnh nhân vào các biến cố của bệnh mạch vành cấp.

- Cụ thể, những bệnh lý Tim mạch nào có mối liên quan chặt chẽ với nguy cơ đột tử trong khi hoạt động thể thao ạ?

TS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư trả lời: Nhóm nguyên nhân tim mạch có mối liên quan chặt chẽ với đột tử trong tham gia tập luyện thể thao có sự phân định rõ theo nhóm tuổi, khác biệt giữa nhóm tuổi trẻ (<35 tuổi) và nhóm người lớn tuổi (>35 tuổi). Như vậy, nhóm người lớn tuổi, nguyên nhân cao nhất là bệnh mạch vành, quá trình nứt vỡ các mảng xơ vữa sẽ đẩy vào bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp.

Còn với nhóm trẻ tuổi, sẽ là các nhóm của bệnh lý tim mạch bẩm sinh, di truyền, bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim thất phải gây nên loạn nhịp; hoặc bệnh nhân có hẹp hở van tim như hẹp van động mạch chủ, sa van hai lá; các bệnh lý tim di truyền như hội chứng Marfan, hội chứng QT kéo dài, hội chứng Brugada…

Việc phân định nhóm nguyên nhân ở các nhóm tuổi khác nhau có ý nghĩa rất quan trọng. Ví dụ, một người tập luyện đang có bệnh mạch vành, hoặc có nguy cơ cao gây bệnh mạch vành, theo nhiều nghiên cứu chứng minh, việc tập luyện thể thao sẽ giúp nhóm người này cải thiện triệu chứng, giảm dự hậu. Do đó, các khuyến cáo khuyên người bệnh nên tập luyện, vì lợi ích thu được cao hơn nguy cơ có thể xảy ra.

Ngược lại, đối với nhóm các bệnh lý tim mạch di truyền, việc tập luyện chưa được chứng minh cải thiện dự hậu, do đó, cần có kế hoạch tập thể thao một cách bài bản, đúng cách, ngăn ngừa các yếu tố có thể xuất hiện ở các nhóm bệnh nhân di truyền này.

TS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư - Phó Trưởng bộ môn Sinh lý - Sinh lý bệnh miễn dịch, Đại học Y Dược TPHCM 

4. Lên cơn hen khi đang vận động nhanh, mạnh có thể nguy hiểm tính mạng

Bên cạnh Tim mạch, bệnh lý phổi - hô hấp cũng là mối nguy tiềm ẩn khi chơi thể thao.

- Nhờ BS chia sẻ thêm, bệnh lý phổi - hô hấp làm gia tăng các biến cố nào khi tập luyện thể dục thể thao, vận động gắng sức?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời: Khi thở bình thường, chỉ cần thông khí khoảng 5 lít/phút, nhưng khi vận động sẽ thở rất nhanh và sâu hơn, một số trường hợp cần phải thở bằng miệng, lúc này đường hô hấp trên không làm ấm và không làm ẩm kịp, không làm khí kịp, dẫn đến vấn đề luồng khí đi xuống dưới có thể khô, lạnh và bẩn, gây kích thích hô hấp. Trên niêm mạc hô hấp chịu những tác động vật lý, làm rối loạn tính thẩm thấu của các tế bào, kích thích hệ thần kinh, gây co thắt đường thở.

Vì vậy, khi vận động, đặc biệt là vận động quá nhanh, quá mạnh, không biết cách ngậm miệng để thở mà thở bằng miệng, điều này sẽ gây co thắt đường dẫn khí. Co thắt đường dẫn khí xảy ra ở hầu hết các dạng vận động, nhưng nếu trên một bệnh nhân có nền hen suyễn, có thể gây kích cơn hen suyễn.

Co thắt đường dẫn khí có thể tự mở ra, nhưng nếu lên cơn hen, lúc đó cần sự can thiệp của thuốc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Còn về dây thanh, là một hệ thống nằm ở đường hô hấp trên và có thể bị kích thích. Một số trường hợp bị đóng dây thanh trong lúc vận động, tình trạng này như việc đóng cửa nhà, khi đó, bệnh nhân sẽ rít lên và không thể thở được. Đó là những trường hợp rất nguy hiểm, đặc biệt là với các bệnh nhân hen suyễn không tập luyện trước đó, vận động quá mức, hô hấp không đúng cách và không kiểm soát hen, đó là những nguy cơ rất cao đối với trường hợp đột tử do hô hấp.

- Cụ thể, các bệnh lý nào sẽ có mối liên quan mật thiết nhất ạ?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời: Vấn đề đáng sợ nhất là kịch phát cơn hen, co thắt đường thở, kịch phát do vận động trên nền bệnh hen không được kiểm soát tốt.

5. Nhịp tim tối đa tăng quá mức, có dấu hiệu mệt, khó thở, tức ngực, choáng, cần ngưng ngay

Ngoài vấn đề sức khỏe tiềm ẩn của mỗi cá nhân.

- Theo BS, những bộ môn thể thao nào có thể đưa đến các nguy cơ đột tử cao hơn ạ?

- Thói quen, cách luyện tập là sai lầm có thể đưa đến các tai nạn, đột tử đáng tiếc ạ?

BS Phan Vương Huy Đổng trả lời: Đột tử ngoài nguyên nhân do nội tại là các bệnh lý tiềm ẩn về tim mạch, môn thể thao cũng có quyết định đến vấn đề này. Mỗi môn thể thao có cường độ vận động khác nhau, không phải tất cả các môn thể thao đều có nguy cơ gây đột tử. Ví dụ, những môn thể thao như bóng bàn, việc gây ra đột tử là không có, kể cả khi người chơi bộ môn này có bệnh lý tim mạch cũng rất khó xảy ra rủi ro.

Tuy nhiên, những môn thể thao nặng, đòi hỏi khối lượng vận động lớn, cường độ, thời gian vận động kéo dài, ví dụ như Marathon: H marathon, siêu marathon, Ultra marathon… chạy vượt địa hình, 3 môn phối hợp - Ironman, là các môn thể thao có cường độ vận động rất cao. Đặc biệt, người chơi sẽ tập chạy trong thời tiết bất lợi, chạy băng đồng, bơi, dưới trời nắng, thời tiết nóng ẩm trong vùng nhiệt đới như tại Việt Nam, rủi ro sẽ rất cao.

Ngoài ra, những môn khác như đạp xe đạp đường trường, đạp xe đạp leo núi. Trong đó, bộ môn đạp xe đạp leo núi gây áp lực lớn lên tim, những hộ môn này thi đấu kéo dài nhiều tiếng và cường độ thi đấu cao. Thời gian thi đấu kéo dài, vấn đề đột tử không chỉ là ở tim mà sẽ có nhiều nguyên nhân phối hợp như rối loạn điện giải, mất nước, tụt năng lượng đường.

Môn thể thao có cường độ nặng tiếp theo được xem là “vua” của làng thể thao - bóng đá. Đây là bộ môn xuất hiện nhiều hình ảnh cầu thủ ôm ngực, ngã gục ra và đi cấp cứu, may mắn sẽ thoát khỏi cái chết nhưng nhiều trường hợp đã ra đi, vấn đề này đã gặp phải ở rất nhiều cầu thủ nổi tiếng trên thế giới.

Một số môn thể thao khác như quyền anh hạng nặng, tại Việt Nam không có bộ môn này nhưng tại nước ngoài, chế độ tập rất khốc liệt, năng lượng rất lớn và những người tập quyền anh hạng nặng hình ảnh của họ rất khủng khiếp, vượt trội. Một số môn khác như leo núi cũng có thể gây ra đột tử.

Cần lưu ý, rủi ro trong các môn thể thao sẽ phụ thuộc vào ba đại lượng: Thứ nhất, cường độ vận động (công suất), người chơi môn thể thao đó với cường độ như thế nào. Thứ hai, tần suất (số lần tập trong một tuần), nếu tập quá nhiều trong một tuần, không có thời gian nghỉ ngơi, cơ thể sẽ không phục hồi. Thứ ba, khối lượng vận động (công năng) trong một lần tập, ví dụ như kế hoạch chỉ tập 1 tiếng - 1,5 tiếng, người tập đã tập đến 3 tiếng. Ba yếu tố trên góp phần quyết định đến rủi ro cao và đột tử khi chơi môn thể thao đó.

Để biết được bản thân có gặp nguy hiểm khi chơi bộ môn thể thao đó hay không, có nhiều cách tính. Khi chơi một môn thể thao, những dấu hiệu cho thấy bạn nên dừng lại: Một là dấu hiệu về tim mạch, lấy nhịp tim - số tuổi = nhịp tim tối đa, nghĩa là ngưỡng tối đa của cơ thể về nhịp tim, thông thường, có thể tạm xem đó là kết quả, vẫn có sai số xảy ra.

Ví dụ, nhịp tim là 220 - 40 tuổi = 180, với những người chỉ tập luyện thông thường, nhịp tim tăng 50-60%, điều này không ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu tập khiến nhịp tim lên 70%, vấn đề xảy ra là mức độ trung bình, nếu người tập có bệnh nền, cần thận trọng. Khi tập, nhịp tim lên 80%, giai đoạn này bắt đầu nguy hiểm, cần cảnh giác, đặc biệt là những người có bệnh nền, phải cảnh giác, cẩn thận, có dấu hiệu phải ngưng ngay. Còn với người khỏe mạnh, vẫn có thể tiếp tục đẩy lên.

Nếu tập tới ngưỡng 90% của nhịp tim tối đa cho phép, đây là ngưỡng vô cùng nguy hiểm, chỉ cần thấy các dấu hiệu: mệt, khó thở, tức ngực, choáng, cần ngưng ngay. Đó là khuyến cáo để người tập có cảnh giác trước.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X