Hotline 24/7
08983-08983

Làm sao phát hiện bệnh lý tiềm ẩn, đề phòng đột tử khi tham gia thể thao?

Tham gia thể dục, thể thao rất tốt để bảo vệ sức khỏe, tuy nhiên với nhiều người khi vận động không hợp lý sẽ dẫn đến các tác dụng ngược, thậm chí dẫn đến quỵ, đột tử do gắng sức. Trong bài viết dưới đây, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, BS Phan Vương Huy Đổng, TS.BS Nguyễn Ngọc Phương Thư, TS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư sẽ chia sẻ những thông tin hữu ích về tầm soát sức khỏe trước và sau khi tham gia vận động thể dục, thể thao.

1. Vai trò của nghiệm pháp gắng sức - CPET trong việc đánh giá các vấn đề về Tim mạch, Hô hấp

Trong các chương trình trước, PGS Tuyết Lan đã đề cập đến nghiệm pháp gắng sức - CPET là một giải pháp “vàng” để xác định ngưỡng tập luyện. Nhân số phát sóng hôm nay, nhờ chuyên gia chia sẻ thêm:

- CPET sẽ cho chúng ta biết những thông tin gì về sức khỏe ạ?

- CPET đóng vai trò quan trọng ra sao trong việc đánh giá các vấn đề Hô hấp và Tim mạch?

- Từ đó mang lại lợi điểm như thế nào trong việc xây dựng chế độ tập luyện cho từng cá nhân (bao gồm cả người khỏe mạnh và người có sẵn bệnh lý Tim mạch, Hô hấp) thưa BS?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch Lâm sàng TPHCM trả lời: CPET là từ viết tắt của Cardiopulmonary Exercise Testing, trong tiếng Việt gọi là kiểm tra tim mạch, hô hấp gắng sức. Trong sinh lý học và các thăm dò chức năng, những bài test gắng sức, test thử thách được xem là cao cấp nhất. Ông bà ta thường có câu “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, khi chúng ta không thực hiện các bài kiểm tra về sức khỏe bản thân, ai cũng sẽ cảm thấy cơ thể mình khỏe mạnh. Nhưng khi thực hiện nghiệm pháp CPET, chúng ta sẽ có thể phân ra được 6 mức độ về sức khỏe và điều quan trọng nhất là phát hiện được những bệnh lý tiềm ẩn thông qua bài test kiểm tra này.

Về tim mạch, khi làm CPET, bệnh nhân sẽ được đo điện tâm đồ 12 kênh, đo huyết áp liên tục và được hỏi về tình trạng khó thở. Về hô hấp, CPET sẽ đo được hô hấp ký, đường công lưu lượng thể tích, sự chuyển hóa, lượng oxy hấp thu và CO2 thải ra. Nếu cao cấp hơn có thể đo được cả khí máu động mạch và lactic acid về chuyển hóa.

Khi có chỉ định, 6 nhóm bệnh nhân như BS Phương Thư hay BS Anh Thư đã đề cập trước đó, chỉ có duy nhất 1 nhóm là không cần thực hiện kiểm tra, đó là nhóm người luyện tập thường xuyên, đúng tiêu chuẩn 3-5-7, không có bệnh lý và triệu chứng, đây là những đối tượng có thể tham gia hoạt động ngay. Đối với 5 nhóm còn lại, tất cả đều nên thực hiện nghiệm pháp gắng sức CPET.

>>> 96% trường hợp đột tử trong thể thao, thi đấu do tim mạch

CPET không phải là bài test đầu tiên, như BS Anh Thư đã đề cập, trong các phương pháp kiểm tra như điện tim, siêu âm tim, X-quang phổi và hô hấp ký, CPET nằm ở mức thứ 2. Trên thực tế, ở nước ngoài, phương pháp kiểm tra sức khỏe này có chi phí rất cao, nhưng ở Việt Nam chi phí thực hiện thấp hơn, giao động trong khoảng từ 1,8 - 2 triệu, người bệnh đã có thể thực hiện được một dạng test cao cấp.

>>> Bộ xét nghiệm cơ bản tầm soát nguy cơ đột tử khi chơi thể thao

Nếu để in đầy đủ, cần đến 60 trang để có thể diễn giải hết tất cả những thông tin mà CPET có thể thực hiện được. Vì đây là một nghiệm pháp gắng sức, do đó sẽ rất nguy hiểm trong quá trình thực hiện. Chính vì vậy, những cơ sở thực hiện nghiệm pháp CPET phải có máy móc chính xác và đội ngũ nhân viên y tế được trang bị về kiến thức. CPET là dạng bài test về hô hấp duy nhất bắt buộc phải có bác sĩ phải đứng bên cạnh. Nếu ở những dạng test khác chỉ cần kỹ thuật viên hướng dẫn cho người bệnh, thì đối với CPET phải có bác sĩ đứng bên cạnh và người bác sĩ này cần biết về hồi sức cấp cứu nếu có vấn đề xảy ra.

Nghiệm pháp CPET có thể phát hiện được những bệnh lý tiềm ẩn, về mặt tim mạch, có thể phát hiện tình trạng rối loạn nhịp tim, dấu hiệu thiếu máu cơ tim hoặc tăng hay hạ huyết áp một cách bất thường. Điều đáng lo lắng nhất là khi người bệnh xuất hiện những dấu hiệu này, bác sĩ sẽ phải ngừng thực hiện bài test và cho bệnh nhân nằm theo dõi gần như cấp cứu.

Nhiều bệnh nhân cho rằng bản thân mình vẫn khỏe, khi ở nhà tập luyện được nhiều hơn và đây chính là nguyên do chúng ta có thể thấy những người đột quỵ thậm chí là bác sĩ đột ngột ngã quỵ trong lúc chơi tennis. Nguyên nhân một phần là do cơ thể có bệnh lý tiềm ẩn nhưng không được phát hiện.

Về mặt hô hấp, có thể bị đóng, tắc nghẽn đường thở trong lúc vận động. Nếu không có bệnh lý nền, không phải là hen xuyễn, đường thở có thể tự mở ra trở lại. Tuy nhiên, nếu đó là hen xuyễn, khi kích lên một cơn hen, có thể gây co thắt toàn bộ đường dẫn khí của người bệnh. Nếu bệnh nhân không kịp xử lý tức thời, đường thở có thể co thắt đến mức không thể thông khí được và gây tử vong.

Người bệnh cũng có thể bị đóng dây thanh, cũng như cửa cổng nhà, khi đóng lại, đường dẫn khí không thể lưu thông được nữa. Đây là những tình trạng liên quan đến hô hấp có thể phát hiện được trong lúc vận động.

Như vậy, ngoài việc phát hiện được các bệnh lý tiềm ẩn, bác sĩ còn sử dụng CPET để định mức độ vận động phù hợp đối với từng bệnh nhân. Để kiểm tra, người thực hiện cần vận động trong một thời gian, sau đó hệ tuần hoàn không cung cấp đủ oxy cho cơ thể, từ việc chuyển hóa hữu khí, tức là có đủ oxy sẽ bước qua giai đoạn chuyển hóa yếm khí. Lúc này cơ thể sẽ không đủ oxy để sử dụng, đây chính là một mốc quan trọng để xác định cường độ vận động cho người thực hiện nghiệm pháp CPET.

Khi chúng ta tiếp tục vận động, mức gắng sức sẽ lên thêm một mức, theo chuyên khoa chúng tôi gọi là ngưỡng thông khí hai, sau đó tiếp tục lên một đỉnh nữa. Vậy khi thực hiện CPET, các bác sĩ sẽ định ra được ba mốc VT1, VT2 và đỉnh. Dựa trên tất cả các thông tin này, bác sĩ sẽ cho toa tập luyện phù hợp trên từng bệnh nhân. Sau khi được kê toa tập luyện, sau một thời gian áp dụng, thông thường là 12 tuần, vận động viên vẫn nên quay lại để đánh giá xem hiệu quả tập luyện như thế nào.

Như BS Phương Thư đã đề cập, vận động, tập luyện là một phương thức, là dạng thuốc điều trị khá tốt với chi phí thấp nhất. Chính vì vậy, chúng ta nên quay lại kiểm tra xem thời gian tập luyện trong một khoảng thời gian dài có tác động như thế nào đối với tim mạch, hô hấp, chuyển hóa, xem mức vận động của cơ thể đã tăng lên hay chưa. Do đó, trước khi vận động hãy luôn nhớ rằng luôn phải giữ an toàn và hiệu quả, không thể chỉ chăm chú vào thành tích và đích đến mà quên mất sự an toàn của sức khỏe.

2. Nếu đã thực hiện CPET, liệu có cần kiểm tra bằng các cận lâm sàng khác không?

Xin hỏi BS, nếu đã thực hiện CPET rồi, có cần kiểm tra bằng các cận lâm sàng khác như đo điện tim, siêu âm tim, hô hấp ký…? Ngược lại, nếu đã thực hiện các cận lâm sàng khác, liệu việc thực hiện CPET có còn cần thiết?

TS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư - Phó Trưởng bộ môn Sinh lý - Sinh lý bệnh miễn dịch, Đại học Y Dược TPHCM trả lời: Nếu đã thực hiện CPET, hiển nhiên các cận lâm sàng ban đầu như điện tim, siêu âm tim và hô hấp ký đã được thực hiện trước đó. Lý do là vì điện tim, siêu âm tim và hô hấp ký là những cận lâm sàng ban đầu để bác sĩ ngồi CPET xem xét người tham gia tập luyện này có nằm trong nhóm chống chỉ định không thể thực hiện CPET hay không. Do CPET là một trắc nghiệm gắng sức, nghĩa là bác sĩ sẽ cho bệnh nhân vận động lên mức gắng sức tối đa nhất của cơ thể họ.

Mức gắng sức sẽ tùy thuộc vào độ tuổi, chiều cao, cân nặng và thể lực của người thực hiện, vì vậy để có thể gắng sức được cần có bằng chứng rằng người này đang ở trong tình trạng ổn định, không phải đang trong tình trạng cấp tính.

Những trường hợp không thực hiện được CPET hay gọi là chống chỉ định, bao gồm bệnh nhân đang ở trong tình trạng bệnh động mạch vành cấp hay người này có bằng chứng của việc hẹp những nhánh mạch vành lớn, ở mức độ nhiều hoặc có những tình trạng hẹp, hở van tim nặng, tình trạng loạn nhịp tim nguy hiểm.

Sau khi thực hiện những xét nghiệm cận lâm sàng, nghiệm pháp CPET liệu có còn cần thiết hay không? Những cận lâm sàng ban đầu như điện tim, siêu âm tim, hô hấp ký, đây chính là những kiểm tra được thực hiện khi bệnh nhân ngồi nghỉ, nghĩa là ở trạng thái tĩnh tại. Nghiệm pháp CPET sẽ cực kỳ quan trọng, để chúng ta có thể phát hiện rằng sẽ có những người chỉ xuất hiện triệu chứng khi vận động gắng sức, đặc biệt là khi tham gia thể thao.

Ví dụ như người tham gia cảm thấy khó thở, nặng ngực khi mới vừa tham gia chạy trên một đoạn đường ngắn, không tốn quá nhiều công, rõ ràng các triệu chứng xuất hiện không tương xứng với công vận động viên tham gia chạy thực hiện. Những kiểm tra cận lâm sàng khi tĩnh không thể trả lời được nguyên nhân gây khó thở bất chợt, lúc này CPET là một lợi thế, vậy có thể xác định được nguyên nhân khó thở không rõ nguyên do của người tham gia vận động, sẽ tìm ra được những vấn đề gây cản trở trong hoạt động của bệnh nhân.

Ví dụ như xuất hiện loạn nhịp trong quá trình gắng sức, bệnh nhân có thể đáp ứng huyết áp bất thường trong quá trình gắng sức, có thể tăng lên quá mức hoặc tụt huyết áp. Về hô hấp, bệnh nhân sẽ có những chiến lược thở không phù hợp, chỉ có trên CPET mới có thể phát hiện những vấn đề mà hô hấp ký bình thường không phát hiện được, đây chính là những ưu điểm của CPET.

Như đã thảo luận ban đầu, việc thực hiện các kiểm tra sẽ tùy thuộc vào độ tuổi, tần số, cường độ tập luyện trước đó và tùy thuộc vào triệu chứng mà người tham gia tập luyện sẵn có để có thể chỉ định làm CPET.

3. Trước và trong thực hiện nghiệm pháp CPET cần lưu ý những gì?

Vậy cụ thể, những ai cần thực hiện CPET? Trước và trong khực hiện CPET cần chú ý những gì ạ?

TS.BS Nguyễn Ngọc Phương Thư - Trưởng Trung tâm Kỹ năng và Sáng tạo mô phỏng lâm sàng, Phó Trưởng Bộ môn Y học giấc ngủ, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trả lời: Như PGS.BS Tuyết Lan và TS.BS Anh Thư đã đề cập, 5 nhóm đối tượng sau đây nên thực hiện CPET:

- Đầu tiên là những người khó thở không rõ nguyên nhân.

- Thứ hai là để xác định mức độ, khả năng gắng sức của họ cũng như là mức độ nặng của hạn chế gắng sức.

- Thứ ba là dùng CPET để xác định mức độ vận động chính xác. Vì ưu điểm của CPET so với những nghiệm pháp gắng sức khác như điện tâm đồ gắng sức, có được ngưỡng thông khí 1 và 2. Hai ngưỡng thông khí này không phụ thuộc vào mức độ gắng sức của người bệnh, hoàn toàn độc lập nên đây là một điểm có thể xác định chính xác ngưỡng tập luyện.

- Thứ tư là để phân tầng nguy cơ cũng như tiên lượng cho những bệnh lý tim mạch như suy tim, van tim hoặc tăng áp động mạch phổi.

- Nhóm cuối cùng là bệnh tim bẩm sinh, sẽ đánh giá chỉ định phẫu thuật cũng như theo dõi đáp ứng của điều trị và để thực hiện CPET.

Trong ngày thực hiện nghiệm pháp CPET, đầu tiên người bệnh nên mặc quần áo rộng rãi, tốt nhất là quần áo thể thao và mang giày thể thao. Haikhông nên uống những loại thức uống như rượu hoặc loại nước có chứa cafein trong ngày thực hiện CPET. Ba không hút thuốc lá trong vòng 8 tiếng trước đó. Bốn là tùy theo bệnh nền của người bệnh và mục đích làm CPET, có thể dùng hoặc không cho một số loại thuốc và ngừng trong một khoảng thời gian nhất định. Bác sĩ chỉ định thực hiện CPET sẽ nói rõ cho người bệnh về việc có cần phải ngưng loại thuốc nào hay không và ngưng trước khi thực hiện CPET trong bao nhiêu giờ.

Trong ngày tiến hành thực hiện CPET, người bệnh nên đến sớm trước khoảng 15 phút để có được một tình trạng sinh hiệu ổn định trước khi thực hiện. Những biểu hiện trong thời gian kiểm tra sẽ giúp bác sĩ theo dõi các đáp ứng trong quá trình thực hiện CPET, tăng/giảm phù hợp hoặc không với mức gắng sức.

Nếu người bệnh cảm thấy không khỏe trong ngày thực hiện, cần nói rõ cho bác sĩ và nên hẹn làm vào một ngày khác, không nên cố gắng thực hiện khi cơ thể chưa sẵn sàng. Bên cạnh đó, nên ăn nhẹ khoảng 3 tiếng trước khi làm CPET để có đủ năng lượng và gắng sức theo yêu cầu.

4. Bất kỳ bộ môn thể thao nào trước khi tập luyện cũng đều cần tầm soát sức khỏe để đảm bảo an toàn

Theo BS, có phải bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi nào cũng đều tầm soát sức khỏe, bệnh lý để tập luyện thể thao an toàn? Và có phải bất kỳ bộ môn thể thao nào trước khi tập luyện cũng đều cần tầm soát sức khỏe?

BS Phan Vương Huy Đổng ­- Chủ tịch Liên chi hội Y học thể thao TPHCM trả lời: Về tầm soát sức khỏe, không nhất thiết chỉ có tim mạch và hô hấp. Theo góc nhìn của một bác sĩ Y học Thể thao, ví dụ khi chúng ta đi làm sẽ có sơ yếu lý lịch, hoặc khi làm về khoa học sẽ phải nộp lý lịch khoa học, vì vậy khi tập luyện thể thao, mỗi chúng ta cũng cần có một hồ sơ cho sức khỏe. Vậy người tập luyện thể dục, thể thao cần đi tầm soát để tạo cho mình một hồ sơ về sức khỏe.

Việc tầm soát không chỉ bao gồm các vấn đề về tim mạch, hô hấp, còn có thể đánh giá về thần kinh, nội tiết, xương khớp và một số bệnh lý về chuyển hóa khác, đây chính là một phương pháp thăm khám tổng quát chung để kiểm tra về sức khỏe cơ thể mỗi người, một “bản đồ” chung, trong đó sẽ có những nguy cơ rủi ro cao.

Nếu có ý định bắt đầu một môn thể thao bất kỳ, mang tính chất nghiêm túc và tập luyện thực sự, không phải chỉ tập luyện trong vòng 5 - 10 phút thì nên đi kiểm tra sức khỏe một lần trong đời để có được một nền tảng cơ bản ban đầu cho sức khỏe. Cụ thể cho từng môn thể thao, vào thời điểm nào và sẽ tùy theo hoàn cảnh.

Trước đó, PGS Tuyết Lan có đề cập đến việc những nhóm người không có tiền căn về bệnh nền và tập luyện thường xuyên 3-5-7 thì không cần thực hiện tầm soát. Theo cá nhân tôi, nếu đã có triệu chứng, việc điều trị sẽ không đạt được hiệu quả cao.

Trên thực tế, những vận động viên thể thao chuyên nghiệp sẽ không xuất hiện triệu chứng và sẽ đột ngột ngã quỵ trên sân đấu. Ví dụ chúng ta có thể nhìn vào hình mẫu của các câu lạc bộ quốc tế thế giới, không chỉ riêng bóng đá, ở tất cả các môn thể thao khác, ngoài các điều khoản về chuyển nhượng, kỹ năng,… bắt buộc vận động viên phải có kiểm tra sức khỏe để được vào đội tuyển của câu lạc bộ đó. Nhiều trường hợp với hợp đồng trị giá lên đến trăm triệu đô được trì hoãn lại để vận động viên điều trị các bệnh lý như tim mạch, trầm cảm hay tâm thần, sau đó mới có thể quay trở lại ký hợp đồng.

Chính vì vậy, theo tôi nếu phân chia nhóm người tập thể thao chuyên nghiệp, việc tầm soát là bắt buộc. Trong tầm soát, CPET có vai trò quan trọng, vì nghiệm pháp này sẽ test được độ vận động được đẩy lên ngưỡng tối đa của vận động viên trước tham gia hoạt động thể dục, thể thao.

Đối với người tập luyện thể thao thông thường, sẽ được chia thành 2 nhóm, nhóm A là nhóm người tập có bệnh lý nền, cho dù người bệnh có điều trị hay chưa điều trị, ổn định hay chưa. Hai là nhóm người chưa từng có một phát hiện gì về vấn đề sức khỏe, trường hợp này có thể tập luyện bình thường. Trong quá trình tập luyện nếu nhận thấy có biểu hiện hay nghi ngờ 1 vấn đề nào đó nên đến viện kiểm tra ngay về tim mạch, xương khớp, thần kinh hay các vấn đề về biến dưỡng, đây là những kiểm tra cơ bản nhất của một người khi vận động.

Trên thực tế, việc thực hiện tầm soát đầu tiên sẽ dựa vào độ tuổi để kiểm tra, người lớn tuổi nên thực hiện tầm soát sớm để đánh giá sức khỏe, với người trẻ khỏe nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường cũng nên đi kiểm tra ngay. Thứ hai là dựa vào môn thể thao tham gia, nếu chơi những môn tiêu hao nhiều năng lượng, khối lượng vận động lớn và mức độ tập càng nhiều cần thực hiện tầm soát trước khi tham gia.

Đối với những người có bệnh nền cần kiểm tra ngay trước khi quyết định tham gia bất kỳ một hoạt động thể dục, thể thao nào. Một số người mắc bệnh nền nhưng kiểm soát và điều trị rất tốt, sau một thời gian ổn định cho tình trạng sức khỏe bệnh lý của mình và quay lại tập luyện tốt hơn cả những người không có bệnh nền.

Ví dụ như một trường hợp bệnh nhân của PGS Tuyết Lan, có bệnh lý hen suyễn nhưng đạt được giải 3 trong cuộc thi chạy marathon, rất đáng khâm phục nhờ được theo dõi và điều trị rất tốt. Đây là một ví dụ cho thấy việc kiểm tra, tầm soát không phải chỉ là dự đoán, còn điều trị, giúp đỡ và tạo một con đường cho chúng ta vận động thể dục, thể thao một cách an toàn.

5. Nghiệm pháp CPET có hiệu lực “vĩnh viễn” không?

Các cận lâm sàng thực hiện để tầm soát nguy cơ, bao gồm CPET có hiệu lực “vĩnh viễn” không, thưa BS? Hay đến khi nào chúng ta cần thực hiện lại ạ?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời: Thực tế, không có điều gì là cố định, tất cả mọi thứ đều sẽ có sự biến chuyển theo thời gian. Ví dụ khi làm một CPET ban đầu để xác định có bệnh lý tiềm ẩn hay không, mức độ tập luyện là bao nhiêu, cường độ là như thế nào? Những vấn đề này sẽ được bác sĩ kê toa vận động. Sau đó, nếu cẩn thận, sau 3 tháng có thể đến viện để kiểm tra lại, nếu mọi thứ diễn ra vẫn rất tốt và người vận động viên muốn nâng cấp việc vận động của mình, hãy kiểm tra đều đặn mỗi 3 tháng là bài tập của chúng ta đã phát huy hiệu quả. Nếu không, ít nhất nên kiểm tra lại 1 năm 1 lần.

Ở nước ngoài, nghiệm pháp CPET vẫn đứng sau các phần kiểm tra khác như BS Anh Thư đã đề cập. Các xét nghiệm về điện tim, siêu âm tim, hô hấp ký, X-quang phổi luôn đứng trước CPET, vì phương pháp này có chi phí rất cao tại nước ngoài. Nhưng tại Việt Nam, chi phí cho nghiệm pháp CPET thấp và được thực hiện cùng bác sĩ chuyên khoa, vì vậy tôi mong rằng thầy Đổng sẽ giúp cho việc kiểm tra sức khỏe của các vận động viên, những người muốn tập luyện một cách nghiên túc tiếp cận với nghiệm pháp CPET.

Hiện nay, tại TPHCM đã có 3 - 4 nơi thực hiện nghiệm pháp CPET. Chúng ta luôn hy vọng rằng cả xã hội đều vận động, tham gia các hoạt động thể dục, thể thao vì điều này rất tốt nhưng để an toàn và đạt hiệu quả tối ưu, nên kiểm tra trước khi tham gia bất kỳ một vận động nào. Như thầy Đổng đã đề cập, mỗi người cần có một lý lịch sức khỏe và cao cấp nhất là CPET.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X