Bộ xét nghiệm cơ bản tầm soát nguy cơ đột tử khi chơi thể thao
Cần lựa chọn môn thể thao phù hợp, tầm soát sức khỏe, nhận tư vấn từ chuyên gia trước tập luyện, giúp ngăn rủi ro nguy hiểm có thể xảy ra. Đó là nhìn nhận của các chuyên gia về Hô hấp - PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, Y học thể thao - BS Phan Vương Huy Đổng và Tim mạch - TS.BS Nguyễn Ngọc Phương Thư và TS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư trong chương trình Đột tử khi chơi thể thao: "Tử thần" ẩn mình ở đâu? phát trên AloBacsi.
1. Chỉ khoảng 10% sống sót nếu ngưng tim trong lúc tập luyện
Nhiều trường hợp đột ngột ngã quỵ khi tham gia thể thao, may mắn được cứu sống nhưng vẫn còn đó nhiều tình huống đáng tiếc.
- Sơ cứu đúng cách kịp thời quan trọng như thế nào trong việc tăng cơ hội cứu sống nạn nhân trong những tình huống này ạ?
- Các bước sơ cứu người đột ngột ngã quỵ khi tham gia thể thao như thế nào? Lưu ý cần tránh những gì trong quá trình sơ cứu, thưa BS?
TS.BS Nguyễn Ngọc Phương Thư - Trưởng Trung tâm Kỹ năng và Sáng tạo mô phỏng lâm sàng, Phó Trưởng Bộ môn Y học giấc ngủ, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trả lời: Việc sơ cứu đúng cách một nạn nhân ngã quỵ khi tập luyện thao vô cùng quan trọng. Đầu tiên, cần gọi người trợ giúp, không nên cấp cứu một mình, nếu xung quanh có người, nên hô to, nếu không có người, nên dùng điện thoại di động, mở to loa ngoài, gọi tổng đài cấp cứu 115, điều này giúp rảnh tay để hồi sinh tim phổi cho nạn nhân theo hướng dẫn của tổng đài.
Thứ hai, cần sử dụng máy khử rung tự động bên ngoài cho bệnh nhân càng sớm càng tốt, thực hiện theo hướng dẫn của máy khử rung đó để giúp gia tăng cơ hội sống còn cho nạn nhân.
Thứ ba, nhận diện nhanh nạn nhân bị đột quỵ, các dấu hiệu giúp nhận diện: một là, lay gọi, nạn nhân không đáp ứng; hai là, quan sát không thấy nạn nhân thở. Tuy nhiên, không nên mất quá nhiều thời gian để chẩn đoán nạn nhân đó có bị ngừng tim hay không, bởi vì, thời gian lúc này là sự sống.
Khi nạn nhân ngừng tim, lượng máu đưa lên não bị giảm đột ngột, sau 4 phút, não bị tổn thương nghiêm trọng, sau 10 phút được xem là chết não. Nếu không kịp thời sơ cứu, theo thống kê từ các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ sống sót của những nạn nhân bị ngừng tim trong lúc tập luyện chỉ khoảng 10%. Do đó, việc CPR - hồi sinh tim phổi vô cùng quan trọng, đồng thời phải khử rung bằng máy tự động bên ngoài càng sớm càng tốt.
2. Chọn môn thể thao phù hợp khả năng, chuẩn bị nền tảng thể lực để ngăn rủi ro
Làm thế nào để phòng ngừa biến cố đột tử khi tham gia thể dục thể thao, thưa BS?
BS Phan Vương Huy Đổng - Chủ tịch Liên chi hội Y học thể thao TPHCM trả lời: Theo ông bà ta “té chỗ nào đứng lên chỗ đó”, nguyên nhân do đâu sẽ khắc phục ở đó. Đầu tiên, phải có kiểm soát, tầm soát, qua chương trình của AloBacsi, bác sĩ khuyến cáo đến các vận động viên theo con đường tập luyện nghiêm túc, có hai nhóm: trẻ tuổi (<35 tuổi) và nhóm lớn tuổi (>35 tuổi), nên đi kiểm tra sức khỏe, loại test để kiểm tra khả năng tim phổi của mình là CPET.
Hy vọng, chương trình sẽ liên lạc với các chuyên gia về CPET để có các cơ sở tin cậy, giúp người tập luyện thể thao được kiểm tra chính xác. Khi thực hiện kiểm tra CPET, người tập luyện sẽ có các thang đo, thước đo an toàn bước đầu.
Thứ hai, khi lựa chọn môn thể thao, cần có sự tư vấn của chuyên gia. Ví dụ, người đó không có nguy cơ đột tử, nhưng khi bị té có thể dẫn đến đột tử. Ví dụ, khi tham gia tập luyện, chơi thể thao, xương khớp yếu, bị vấn đề xương khớp, mặc dù vấn đề tim mạch rất tốt, khi người chơi ngã xuống, sinh ra đột tử do sang chấn nặng dẫn đến biến chứng.
Do đó, ngoài việc kiểm tra CPET, nên kiểm tra thêm về thần kinh, đây là vấn đề quan trọng để tiếp cận các môn thể thao, bởi vì, có một số môn thể thao càng nhanh, càng mạnh, càng tốc độ, đòi hỏi sự phản xạ về thần kinh phải tốt, độ nhạy về xương khớp.
Vấn đề về tập luyện thể thao để ngừa đột tử, đột quỵ, cần xem lại sức lực của bản thân có thể đạt tới đâu thì tập tới đó, sức thi tới đâu, chỉ nên thi tới đó. Với phong trào “Run to life - Chạy để vui sống”, nhưng bác sĩ luôn nói vui là “Run to die”, đừng chạy để chết. Bởi vì, không nên thấy người khác chạy được là bản thân chạy được, phải lượng sức.
Tiếp theo, cần đánh giá nơi tập luyện, thi đấu có phù hợp với bản thân, một người vùng xứ nóng qua xứ lạnh, tập trong môi trường khắc nghiệt, phải tốn 1-2 tuần lễ để quen với khí hậu. Ví dụ như đội bóng của Việt Nam, qua một môi trường khắc nghiệt, phải tập luyện 5-7 tuần để có thể quen khí hậu, không thể đến và thi đấu liền ngày hôm sau, môi trường tác động gây ảnh hưởng rất nhiều.
Điều quan trọng là năng lượng và dinh dưỡng phải được chuẩn bị đầy đủ, dù tất cả đều tốt nhưng nếu không có năng lượng, như một chiếc xe không có năng lượng, chạy cũng chết máy. Đó là những điều bác sĩ khuyến cáo người tập luyện để phòng ngừa nguy cơ và rủi ro của bản thân.
Ngoài việc biết khả năng của bản thân, chọn môn chơi phù hợp, phải chuẩn bị về nền tảng thể lực và đánh giá được cung đường chạy và quá trình thi đấu có phù hợp hay không, nghĩa là phải có sự tư vấn của chuyên gia, không nên làm theo đám đông vì rủi ro rất cao.
3. Cố lướt qua tín hiệu của cơ thể là điều vô cùng nguy hiểm
Vấn đề là nhiều người không có biểu hiện gì bất thường ngay cả khi gắng sức. Điều này dễ dẫn đến tâm lý chủ quan khi vận động.
- Nhưng liệu có thực sự là cơ thể không phát đi tín hiệu nào cho thấy đang có vấn đề, thưa BS?
PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch Lâm sàng TPHCM trả lời: Cơ thể vẫn phát ra tín hiệu khi vượt ngưỡng, nhưng đôi khi, bản thân thấy người xung quanh chạy, vẫn ráng chạy, nghĩ bản thân chỉ hơi mệt và cố gắng lướt qua, đó là điều nguy hiểm.
Nếu thấy tức ngực, khó thở, thở rít, choáng váng, thấy mệt thì nên ngừng. Đôi khi quá vui trong đám đông đang chạy, bản thân sẽ có xu hướng ráng chạy theo, người xung quanh chạy được, bản thân cũng chạy được và cố gắng vượt qua, lướt qua giai đoạn đó, điều này vô cùng nguy hiểm.
Khi đo CPET cho bệnh nhân, test tim mạch hô hấp gắng sức, trên điện tâm đồ đã phát hiện các dấu hiệu bất thường như rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, giảm huyết áp hoặc có dấu hiệu thiếu máu cơ tim. Mặc dù bệnh nhân đã tăng lên khó thở nhưng nói với bác sĩ là vẫn được, họ có thể đạp thêm được. Do đó, cơ thể vẫn phát ra tín hiệu nhưng cần người bệnh lắng nghe và không được cố lướt qua những tín hiệu đó, vô cùng nguy hiểm.
- BS đánh giá, những biểu hiện nào cảnh báo bệnh lý Tim mạch, Hô hấp được cơ thể phát đi nhưng thường bị chúng ta phớt lờ, dù là nhỏ nhất ạ?
PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời: Có thể bệnh nhân thấy bắt đầu khó thở, tức ngực, nghe tiếng rít, choáng váng, đau ngực, đó là những dấu hiệu cảnh báo bệnh nhân nên dừng lại.
4. Có bệnh nền hoặc triệu chứng của bệnh, cần gặp bác sĩ tư vấn trước khi tập
Để phát hiện sớm các bệnh lý Tim mạch, Hô hấp tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến đột tử khi vận động, chúng ta cần tầm soát như thế nào, thưa BS?
TS.BS Nguyễn Ngọc Phương Thư trả lời: Bệnh lý tim mạch, hô hấp tiềm ẩn là một trong những nguy cơ dẫn đến đột quỵ khi tham gia thể thao, do đó, cần có biện pháp tầm soát để tập luyện vừa an toàn, vừa hiệu quả. Bác sĩ nhấn mạnh thông điệp “Vừa vận động nhưng phải hiệu quả”, được xem như liều thuốc rẻ tiền nhất, hiệu quả nhất và an toàn nhất cho tất cả các bệnh mạn tính không lây, do đó, khuyến khích tất cả mọi người nên vận động.
Vấn đề là vận động như thế nào cho an toàn. Để vận động an toàn, cần trả lời được ba câu hỏi: Thứ nhất, người đó có tập luyện thể dục, thể thao hàng ngày hay không? Đặc biệt, việc tập thể thao hàng ngày này phải tập đúng cách, để dễ nhớ, có thể nhắc đến quy tắc 3-5-7, nghĩa là 30 phút mỗi lần tập, 5 ngày/tuần và đạt tần số tim 170 - tuổi, đây là quy tắc dễ nhớ.
Thứ hai, người đó có bệnh lý hô hấp, tim mạch, chuyển hóa hoặc thận, bệnh nền hay không?
Thứ ba, có triệu chứng nào gợi ý đến bệnh hô hấp, tim mạch, chuyển hóa tiềm ẩn hay không?
Đối với những người tập luyện đều đặn hàng ngày, không có bệnh lý nền về thận, hô hấp, tim mạch, chuyển hóa, không có bất kỳ triệu chứng nào, người đó không cần thăm khám và có thể tập luyện được ngay ở cường độ trung bình.
Đối với những người tập luyện mỗi ngày nhưng có bệnh nền tim mạch, hô hấp, thận, chuyển hoá, nếu có một xét nghiệm trước đó trong vòng 12 tháng bình thường, có thể tập luyện ngay với cường độ trung bình, nhưng nếu tập luyện ở cường độ nặng, cần đánh giá lại.
Mặc dù người đó có tập luyện mỗi ngày, nhưng nếu có triệu chứng của bệnh lý nền của tim mạch, hô hấp, thận, chuyển hóa, những trường hợp đó cần đến khám bác sĩ để tư vấn cường độ vận động phù hợp và an toàn.
Nhóm người không tập luyện đều đặn thường xuyên, mỗi ngày và không có bệnh nền về tim mạch, hô hấp, thận, chuyển hóa và không có triệu chứng, có thể tập luyện ngay nhưng chỉ nên tập ở ngưỡng bắt đầu với cường độ nhẹ, sau đó tăng dần khi người bệnh dung nạp.
Khi không tập luyện mỗi ngày nhưng có bệnh nền hoặc triệu chứng của các bệnh nền đó, để tập luyện an toàn, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn chương trình vận động phù hợp.
5. Các khuyến cáo về tầm soát với những nhóm người muốn tham gia thể thao
Nhiều người cho rằng, như vậy nếu muốn tầm soát hết các yếu tố nguy cơ thì phải đến nhiều chuyên khoa, e ngại tốn kém tiền bạc và thời gian. Nhờ BS đưa ra lời khuyên:
- Cụ thể, một người muốn khám, tầm soát nguy cơ để có lời khuyên từ chuyên gia để tham gia thể thao an toàn, khỏe mạnh sẽ được thăm khám, chỉ định thực hiện các cận lâm sàng nào?
TS.BS Đặng Huỳnh Anh Thư - Phó Trưởng bộ môn Sinh lý - Sinh lý bệnh miễn dịch, Đại học Y Dược TPHCM trả lời: Để tầm soát hết tất cả các yếu tố nguy cơ, sẽ không có đầy đủ phương tiện và chi phí cho việc này, bởi vì, trong y khoa, không có gì là tuyệt đối. Tuy nhiên, có thể tầm soát các yếu tố nguy cơ thường gặp để dẫn đến đột tử trong quá trình tham gia tập luyện thể dục, thể thao.
Theo các khuyến cáo, cần đi từng bước: Đầu tiên là hỏi bệnh sử bản thân và gia đình người bệnh; tiếp theo là chỉ định cận lâm sàng cơ bản như điện tâm đồ, siêu âm tim, X-quang phổi, hô hấp ký nếu người bệnh có gợi ý về các triệu chứng thở hoặc khò khè. Các cận lâm sàng trên đều nằm trong gói khám tổng quát định kỳ hàng năm, nhưng mọi người chưa thực sự lưu tâm đến vấn đề kiểm tra tầm soát định kỳ hàng năm này.
Nếu đang có ý định bắt đầu tham gia tập luyện thể dục, thể thao, nên mạnh dạn làm bộ xét nghiệm này vì hàng năm đều cần phải làm định kỳ, đó là những cận lâm sàng cơ bản nhất.
Đối với vấn đề chi phí, các cận lâm sàng này không tốn quá nhiều, về hô hấp ký, siêu âm tim sẽ khoảng 300.000 VNĐ/ 1 xét nghiệm; điện tâm đồ khoảng 50.000 VNĐ; X-quang khoảng 100.000 VNĐ… Tổng cộng cho việc thực hiện các xét nghiệm trên khoảng 750.000 VNĐ, có thể bằng một cái áo, một chiếc đầm của các chị em, điều đó không quá nhiều cho việc kiểm tra sức khỏe định kỳ 1 năm.
Với những người tham gia thể thao lớn tuổi, trong Hiệp hội Thể thao Hoa Kỳ và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo, nên thêm một bước phía sau các xét nghiệm trên là làm trắc nghiệm gắng sức, việc này sẽ tùy thuộc vào độ tuổi, cường độ tập luyện, khả năng tập luyện trước đó của bệnh nhân mà người ngày có tiếp tục được chỉ định làm trắc nghiệm gắng sức hay không.
Ví dụ như nguy cơ bị đột tử khi tham gia thể thao ở một người tham gia tập luyện thường xuyên sẽ thấp hơn so với một người chưa từng tập luyện và đột ngột tham gia tập luyện ở cường độ cao.
Vậy nên, ở một người đang tham gia tập luyện thường xuyên, trên cận lâm sàng cơ bản có bệnh lý hô hấp hoặc tim mạch mà không có triệu chứng, nhưng mong muốn tập luyện ở cường độ cao, hoặc có triệu chứng, thì bước tiếp theo của các cận lâm sàng dành cho nhóm người này sẽ là trắc nghiệm gắng sức.
Còn đối với người không tập luyện thường xuyên, các khuyến cáo được mở rộng hơn, nghĩa là ngay khi không có các bệnh lý hô hấp, tim mạch thông qua cận lâm sàng ban đầu mà mong muốn tập luyện ngay ở cường độ cao, tốt nhất cần thực hiện bước kế tiếp của trắc nghiệm gắng sức.
Phần 1: 96% trường hợp đột tử trong thể thao, thi đấu do tim mạch
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình