Hotline 24/7
08983-08983

Xử trí sao khi bị rối loạn tiêu hóa trong dịp Tết?

Vào dịp Tết mọi người thường mải mê vui xuân mà không để ý nhiều đến sức khỏe, đó cũng là lý do khiến rối loạn tiêu hóa xảy ra. Để đối phó với tình trạng này TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng đã có những chia sẻ bổ ích sau đây.

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Làm sao để không bị rối loạn tiêu hóa trong dịp Tết?

Những ngày Tết thói quen ăn uống, sinh hoạt của mọi người có sự thay đổi, hoặc khi đi du lịch, thưởng thức các món ăn mới lạ khiến nhiều người gặp các vấn đề tiêu hóa như đau bụng, đi cầu phân sống, tiêu chảy… Vậy chúng ta có thể làm gì để đối phó với các tình trạng này?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng:

Rõ ràng Tết sắp đến và không khí Tết cũng đã bao quanh chúng ta. Bên cạnh những niềm vui chúng ta cũng phải đối đầu với nhiều thứ và nhất là sức khỏe trong ngày Tết, vì không ai muốn mắc bệnh trong những ngày này cả. Bởi nếu đầu xuân mà có bệnh thì cả năm sẽ lo lắng.

Do đó, để đảm bảo sức khỏe an toàn đón Tết vui vẻ, trọn vẹn thì chúng ta phải có ý thức bảo vệ sức khỏe của mình.

Trong những ngày Tết, có 2 vấn đề cần lưu ý:

Thứ nhất, Tết ai cũng được nghỉ, cho nên khi xảy ra sự cố về sức khỏe thì rất khó giải quyết.

Thứ 2, Tết thường các gia đình sẽ đi chơi, tổ chức đi du lịch, vì vậy cần biết cách xử trí tốt khi có vấn đề sức khỏe xảy ra để chuyến đi không bị ảnh hưởng và làm mất vui.

Về mặt tiêu hóa, trong ngày Tết chúng ta thường gặp các vấn đề như rối loạn tiêu hóa ở phần tiêu hóa trên như dạ dày và rối loạn tiêu hóa ở phần tiêu hóa dưới là đại tràng, ruột.

Đối với phần tiêu hóa trên sẽ gặp các vấn đề như viêm dạ dày cấp, trào ngược dạ dày, ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa.

Còn ở phần tiêu hóa dưới dễ gặp nhiễm trùng tiêu hóa, tiêu chảy cấp, táo bón.

2. Các loại thuốc tiêu hóa nên có sẵn trong nhà?

BS có thể kể tên các loại thuốc tiêu hóa nên có sẵn trong nhà hoặc mang theo khi du lịch?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng:

Ngày Tết nếu có vấn đề gì xảy ra đối với sức khỏe thì để đi kiếm thuốc uống ngay sẽ khá khó khăn, hay đang đi du lịch cũng khó mua được thuốc liền, do đó tủ thuốc gia đình hoặc túi thuốc gia đình là vô cùng quan trọng.

Trong tủ/túi thuốc gia đình cần:

Thứ nhất, trang thiết bị y tế cá nhân như bông, băng, cồn, oxy già,… hay gần đây có miếng bông gòn thấm cồn cũng dễ mang theo và dự trữ.

Thứ 2, đối với thuốc, trước hết cần lưu ý những bệnh thường xảy ra trong những ngày Tết (bao gồm bệnh đường hô hấp, tiêu hóa) cụ thể là đường tiêu hóa trên ở dạ dày (viêm dạ dày cấp, trào ngược dạ dày, rối loạn khó tiêu) nên dự trữ thuốc chung hòa axit ở dạng viên hay gói đều được, và không cần phải kê toa của bác sĩ.

Bên cạnh đó, liên quan đến trào ngược dạ dày thực quản do chế độ ăn thay đổi trong ngày Tết thì nên dự trữ thuốc Alginate hoặc thuốc ức chế sự tiết axit dạ dày.

Nếu đầy hơi, chướng bụng nên sử dụng thuốc giúp đánh tan bọt khí trong dạ dày như Simethicone.

Đối với đường tiêu hóa dưới những trục trặc có thể xảy ra như nhiễm trùng nhiễm độc tiêu hóa gây tiêu chảy cấp. Lưu ý khi bị tiêu chảy không sử dụng thuốc cầm tiêu chảy, bởi vì đây là phản ứng của cơ thể để thải trừ chất độc ra bên ngoài. Trong trường hợp này tốt nhất nên bù nước bằng cách uống gói Oresol chẳng hạn và sử dụng thêm chất bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa như Actapulgite, Gastropulgite.

Ngoài ra, cũng có thể dự trữ thêm một số chất giảm tiết đường ruột để giảm bớt tiêu chảy trong trường hợp bệnh nhân đi tiêu nhiều.

Ngược lại, nếu táo bón do ăn uống thiếu rau, trái cây, làm vài ngày không đi tiêu được, khiến bụng chướng, khó chịu, thì nên dùng thuốc tăng thẩm thấu hoặc giúp nhuận trường không có tác dụng phụ nhiều.

3. Cách sử dụng các loại thuốc tiêu hóa

Các loại thuốc kể trên có thể sử dụng với liều lượng thế nào, trong thời gian bao lâu ạ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng:

Trong những thuốc tôi đã liệt kê trên, đa phần đều có thể sử dụng mà không cần kê toa. Tuy nhiên, cần lưu ý:

Sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, trong đó đã ghi rõ liều tối thiểu và liều tối đa, đối tượng nào cần lưu ý khi dùng thì phải tuân theo.

Khi dùng nếu thấy triệu chứng không giảm hoặc tăng lên hay xuất hiện dấu hiệu báo động thì cần phải đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay, chứ không được cố sử dụng từ ngày này qua ngày khác.

4. Xử trí sao khi bị tiêu chảy?

Với tình trạng tiêu chảy, có người sẽ uống thuốc cầm tiêu chảy luôn. Song cũng có người cho rằng ráng chịu để đi tiêu cho hết lượng thức ăn có vấn đề thì mới mau khỏi. Xin BS cho ý kiến nên làm sao mới đúng?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng:

Nguyên tắc quan trọng là không được uống thuốc cầm tiêu chảy. Bởi tiêu chảy có nhiều nguyên nhân và đa phần các thuốc này sẽ gây tình trạng liệt ruột, thậm chí có những thuốc chiết xuất từ chất á phiện gây nguy hiểm, nhất là ở trẻ em và người lớn tuổi.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải sử dụng thuốc để kiểm soát tình trạng tiêu chảy. Khi tiểu chảy hay bị mất nước và mất điện giải, nếu không bổ sung kịp thời rất dễ nguy hiểm. Cụ thể, nên uống Oresol là tốt nhất.

Quan trọng hơn hết, nếu các xử lý ban đầu không ổn thì nên đến bác sĩ kịp thời, không cố đến khi bệnh diễn tiến nặng sẽ gây khó khăn cho việc điều trị.

5. Đau bụng uống thuốc paracetamol được không?

Cũng có bạn đọc AloBacsi thắc mắc là đau bụng có uống thuốc paracetamol giảm đau được không? Nhờ BS giải đáp.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng:

Thật ra paracetamol là acetaminophen, đây là chất giảm đau đơn thuần có tác dụng ngoại biên.

Về tác dụng giảm đau, paracetamol tương đối an toàn trong một số trường hợp. Nhưng nếu sử dụng quá liều sẽ gây ảnh hưởng cho gan.

Do đó, mặc dù là thuốc tương đối phổ biến, an toàn giúp giảm đau, hạ sốt so với các thuốc khác nhưng tuyệt đối không được lạm dụng.

Thứ 2, do paracetamol có tác dụng ngoại biên nên thường ít có tác dụng trong trường hợp đau nội tạng như đau do co thắt ở đường tiêu hóa.

Thứ 3, paracetamol chủ yếu có tác dụng hạ sốt, nếu trong trường hợp đau bụng sử dụng sẽ ít có hiệu quả hơn.

6. Tủ thuốc gia đình cần có những gì?

Ngoài các loại thuốc tiêu hóa, tủ thuốc gia đình hay túi y tế cá nhân cần có thêm các loại thuốc, dụng cụ y tế nào nữa ạ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng:

Việc dự trữ thuốc trong tủ thuốc trong gia đình hoặc mang túi thuốc nhỏ đi du lịch là rất cần thiết. Nhưng cần tuân thủ một số điều như sau:

- Không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh hay thuốc có tính chất gây nghiện.

- Nên sử dụng thuốc an toàn và đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Sử dụng thuốc có nguồn gốc rõ ràng, được chỉ định.

- Đảm bảo hạn sử dụng.

- Tuân theo liều lượng của nhà sản xuất.

- Bệnh nhân có bệnh lý mãn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, tiêu hóa mãn tính,… nên dự trữ đủ thuốc để sử dụng trong những ngày Tết, vì nếu ngưng đột ngột sẽ gây ảnh hưởng sức khỏe.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X