Hotline 24/7
08983-08983

Cách giảm căng thẳng, mệt mỏi và tăng cường sức khỏe trong dịp Tết?

Làm như thế nào để giảm căng thẳng, mệt mỏi và có một sức khỏe tốt trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới? Hãy cùng lắng nghe chuyên gia dinh dưỡng BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp chia sẻ.

1. Làm sao đối diện với căng thẳng trong dịp Tết?

Khi chúng ta đón Tết cũng là lúc dịch COVID-19 bắt đầu quay trở lại, như ở Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, … Bác sĩ nghĩ sao về những lo lắng và căng thẳng mà chúng ta phải đối diện trong tình hình trước và sau Tết?

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp:

Tết luôn đem đến niềm vui và hy vọng, mùa xuân cũng tạo cho chúng ta nhiều cảm hứng, do đó khi dịch quay trở lại chắc chắn sẽ khiến mọi người căng thẳng và lo lắng.

Riêng ngành y tế, mặc dù phải căng mình chống dịch nhưng họ lại có sự ủng hộ của rất nhiều ngành và đặc biệt là của người dân.

Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng dù có lo lắng hay căng thẳng vì dịch COVID nhưng nó cũng sẽ không hẳn át đi được sự háo hức chờ đón Tết của mọi người trong lúc này.

Phải nói rằng cứ sát đến Tết, những người làm truyền thông cực kỳ vất vả, vì những lúc mọi người nghỉ Tết thì người làm truyền thông phải liên tục phục vụ rất nhiều chương trình, do đó ngày đêm làm dồn sức nên khá căng thẳng.

Còn lại thì tôi nghĩ sẽ không khá căng thẳng đâu mà, thường chúng ta thường căng thẳng do chuẩn bị Tết, làm sao cho bữa cỗ ngon, bổ nhưng không làm tăng cân sau Tết, … tuy nhiên, thay vào đó chúng ta hãy nghĩ đến việc mình sắp được về quê, được gặp gỡ người thân mà giảm bớt căng thẳng, lo lắng.

Hãy nghĩ đến việc làm sao để ăn Tết thật vui, khỏe, giúp cho mọi người trong gia đình đều vui vẻ để giữ được sức khỏe. Và chắc chắn để phòng ngừa dịch bệnh thì chúng ta nên áp dụng rất nhiều biện pháp. Một trong những biện pháp quan trọng đó là giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và nâng cao sức đề kháng. Bởi có đề kháng tốt mới bớt cảm nhiễm bệnh tật và từ đó vui Xuân tốt hơn.

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc DiệpMC Kim Ánh và BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam (trái qua)

2. Những thay đổi trong Tết gây ảnh hưởng sức khỏe ra sao?

Tết vui thật, nhưng cũng sẽ có nhiều điều làm xáo trộn cuộc sống đời thường của chúng ta như chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, tiệc tùng,…. Bác sĩ có thể chia sẻ những thay đổi đó gây ảnh hưởng như thế nào đối với mọi người ạ?

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp:

Về mặt dinh dưỡng, trong dịp Tết sẽ có một số đặc thù như sau:

Thứ nhất, Tết khiến chúng ta ít vận động, ít làm việc hơn nhưng lại ăn nhiều hơn do có rất nhiều món ngon. Đặc biệt lại có các món năng lượng cao, chất đạm (nhất là chất đạm từ động vật) như thịt kho trứng vịt, giò chả, nem,… hầu như các món này khá nhiều thịt, một số vùng miền lại ăn rất nhiều cá dẫn đến việc mất cân đối xảy ra.

Hoặc các món có nhiều chất bột đường như bánh chưng, bánh tét, xôi, bánh ít, bánh ú, … với nhiều thức uống như nước ngọt, bia, rượu.

Ngược lại, thì mọi người ăn rất ít rau. Như vậy, khả năng mất cân đối dinh dưỡng trong ngày Tết cũng sẽ tăng khá cao.

Thứ 2, Tết có thể gây ra tình trạng biếng ăn ở trẻ em và chán ăn ở người cao tuổi trước, trong và sau Tết.

Thứ 3, dễ bị rối loạn tiêu hóa.

Thứ 4, ngộ độc thực phẩm.

Ngoài ra, đối với những người có bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy gan, suy thận thì với những thực phẩm ngày Tết nếu không cẩn thận sẽ dễ dàng bị tăng đường huyết, tăng huyết áp, chức năng gan thận bị ảnh hưởng, thường sẽ diễn ra sau Tết.

Trẻ em có thể bị ngừng tăng trưởng, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi rất dễ xảy ra tình trạng tăng trưởng chậm đi. Hầu hết trẻ em đều tăng trưởng tốt và tăng cân bình thường, nhưng 1 số trẻ nếu không cẩn thận sẽ bị thiếu cân, và dễ dàng gây suy dinh dưỡng. Hoặc bé nào đang suy dinh dưỡng cũng sẽ suy dinh dưỡng nặng hơn.

Ngược lại, với những bé ăn uống tốt hoặc mũm mĩm sẵn rồi thì dễ bị tăng cân quá nhanh dẫn đến thừa cân hoặc đang thừa cân trở thành béo phì.

Do đó, một số nguy cơ sức khỏe với những người bình thường, trẻ em, có bệnh lý nền vẫn có thể xảy ra trong dịp Tết. Nếu chúng ta không biết cách điều chỉnh chế độ ăn, phối hợp các thực phẩm, món ăn phù hợp trong dịp Tết thì còn dễ dẫn đến việc không vui, áp lực không dám ăn, ăn kiêng quá khiến người cảm thấy không thoải mái, thích thú.

3. Cách giảm mệt mỏi, tăng cường sức khỏe trong dịp Tết?

Sau Tết một số người thấy mình tăng cân, một số người lại thấy mệt mỏi hơn. Vậy làm sao để có sức khỏe tốt, dinh dưỡng như thế nào, giảm mỏi mệt sao trong những ngày Tết, thưa bác sĩ?

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp:

Làm sao để Tết không mỏi mệt, vẫn ăn ngon và sau Tết sức khỏe vẫn tốt, không bị tăng cân, thừa cân,…? Những chuyện này khá dễ dàng thực hiện.

Đầu tiên, cần xác định dù Tết hay không Tết thì cũng phải điều độ trong lối sống. Nghĩa là vẫn duy trì các hoạt động thể lực và hoạt động hàng ngày như những gì trước Tết chúng ta vẫn làm. Sự điều độ này rất quan trọng, vì nếu không điều độ sẽ đẽ rơi vào mỏi mệt.

Ví dụ, bạn có thể làm việc 1 ngày rất nhiều tiếng đồng hồ vào dịp Tết, vậy tại sao bạn không nên dọn dẹp nhà cửa sớm hơn. Thay vì chờ đến 26, 27 mới dọn dẹp thì chúng ta nên dọn từ bây giờ. Do đó, Tết sẽ không phải thức khuya, được ngủ trưa.

Thứ 2, việc duy trì giấc ngủ rất quan trọng. Bởi nếu không ngủ tốt thì rơi vào 2 tình huống: cơ thể không kịp phục hồi sức khỏe và giảm sức đề kháng để chống lại các tác nhân gây bệnh.

Thứ 3, điều độ trong chế độ ăn, bao gồm thời gian, giờ ăn, số lần ăn, số lượng ăn.

Nếu muốn khỏe thì cần cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể theo như cầu bản thân, bao gồm chất đạm, chất béo, chất bột đường, các vitamin, chất khoáng, chất xơ và nước.

Cần cân đối các nhóm thực phẩm. Trong ngày chúng ta sẽ có bữa ăn chính và các bữa ăn phụ. Tất cả bữa ăn chính cố gắng chia đôi phần ăn, 50% sẽ là ngũ cốc, gạo, các loại thực phẩm giàu chất đạm. Trong đó, hơn 25% là cơm hoặc bánh chưng, bánh tét, bún, phở; còn lại dưới 25% là thịt, cá, trứng, đậu, nấm,… Còn 50% còn lại là rau, trái cây, nhưng tính toán sao để rau luôn nhiều hơn trái cây để cân đối.

Ví dụ, cơm 1 chén, rau 2 chén; còn thịt, cá, đậu,.. thì lưng 1 chén, trái cây cây lưng 1 chén. Sự cân đối này giúp cung cấp cho chúng ta nhiều chất khoáng, chất đạm, chất béo, các chất dinh dưỡng khác.

Tiếp theo, làm sao để khỏe hơn và sau Tết vẫn tiếp tục làm việc được? Nếu bạn ăn nhiều thực phẩm có chất chống oxy hóa thì sẽ thấy khỏe hơn.

Khi chọn thực phẩm nhiều đạm và chế biến quá nhiều thì chắc chắn sẽ không có lợi. Do đó, hãy cố gắng cung cấp cho cơ thể nhiều amino axit thiết yếu thì cơ thể sẽ có nguyên liệu để tạo kháng thể, tạo các chất tham gia quá trình chuyển hóa và tạo chất tham gia dẫn truyền thần kinh.

Ngược lại, sẽ có một số chất dễ gây mỏi mệt chúng ta cần bỏ bớt như bia rượu, thuốc lá, thực phẩm giảm muối, đường, chất béo, giảm thực phẩm chế biến sẵn, không đảm bảo an toàn, vệ sinh, … sẽ không có lợi cho sức khỏe.

4. Bổ sung vitamin, khoáng chất, axit amin bằng cách nào?

Không phải lúc nào cơ thể cũng tổng hợp đầy đủ vitamin, khoáng chất, đặc biệt là axit amin. Như vậy, trong dịp Tết muốn bổ sung năng lượng, khỏe khoắn hơn thì cần cung cấp ra sao?

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp:

Chúng ta lưu ý các vitamin trong cơ thể hầu hết không tự tổng hợp được hoặc có thể tổng hợp nhưng không đầy đủ.

Ví dụ, vitamin D có thể tự tổng hợp được trong cơ thể nhưng với điều kiện là phải ăn thực phẩm có vitamin D và có tiền vitamin D sẵn trong người. Dưới tác động của ánh nắng mặt trời thì sẽ chuyển tiền vitamin D đó thành vitamin D, nhưng tác động này không đủ, cho nên sẽ dễ bị thiếu. Chính vì thế, cơ thể chúng ta rất khó tổng hợp đầy đủ nhu cầu vitamin.

Chất khoáng cũng vậy, trong cơ thể chúng ta một số chất khoáng cũng được dự trữ sẵn như canxi được dự trữ sẵn trong xương và răng, khi cần sẽ được đưa ra máu để sử dụng.

Nhưng nếu chúng ra sử dụng phần dự trữ này nhiều quá so với mức chịu đựng cơ thể rất dễ gây loãng xương, trẻ con thì còi xương.

Như vậy, cần phải hiểu mặc dù có dự trữ, mặc dù tổng hợp được nhưng luôn luôn phải đưa vào bằng con đường tự nhiên đó là thực phẩm.

Trong trường hợp, vitamin và chất khoáng bị thiếu sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, gây bệnh vì vitamin, chất khoáng tham gia vào quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng, tham gia vào rất nhiều phản ứng trong cơ thể. Đây là 2 nhóm chất cần lưu ý khi chọn thực phẩm, rau, trái cây có nhiều vitamin, nhưng vitamin cũng có nhiều trong thịt, ngũ cốc.

Chất khoáng thường có nhiều trong thịt, cá, sữa, rau,… nhưng hấp thu và chuyển hóa không thể bằng các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật.

Nếu bạn nằm trong nhóm nguy cơ bị thiếu thì cần bổ sung.

Đối với các amino axit hay còn gọi axit amin, chia ra làm 2 nhóm là nhóm thiết yếu và nhóm không thiết yếu. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu thiết yếu hay không thiết yếu đều rất cần.

Thiết yếu nghĩa là cơ thể không thể tự tổng hợp ra được, cho nên hàng ngày phải đưa vào trong cơ thể thì chúng ta mới có nguyên liệu để tham gia vào các chức năng sống của cơ thể.

Không thiết yếu nghĩa là cơ thể có thể tự tổng hợp ra được.

Hàng ngày mỗi người cần phải ăn thịt, cá, trứng, sữa, nấm, đậu, đỗ để cung cấp chất đạm, từ các chất đạm này sẽ được thủy phân thành các phân tử nhỏ nhất đó là các amino axit.

Mọi người thường nghĩ trong dịp Tết mình sẽ không ăn đủ amino axit, nhưng bình thường bạn vẫn có khả năng ăn không đủ, nhất là ở những đối tượng như ăn kiêng, có các bệnh lý rối loạn chuyển hóa hấp thu chất đạm (bệnh lý gan, thận, đường tiêu hóa), đều có thể bị thiếu hụt.

Ngoài ra, lại có một số người tăng nhu cầu 1 cách sinh lý, ví dụ ở phụ nữ mang thai, trẻ em tăng tưởng, người cao tuổi có nhu cầu thay thế mô tế bào cấu tạo bởi các amino axit đã bị hủy đi trong quá trình sống và chuyển hóa. Những đối tượng này rõ ràng cần bổ sung và bổ sung dưới 2 dạng đó là:

- Chọn các thực phẩm giàu chất đạm. Lưu ý, các amino axit thiết yếu chỉ có trong thực phẩm có nguồn gốc động vật. Nếu chỉ ăn toàn thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật sẽ có nguy cơ đối diện thiếu hụt amino axit thiết yếu. Do đó, có thể bổ sung từ thực phẩm tự nhiên hoặc công thức.

- Sử dụng thực phẩm bổ sung trong nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà mọi người hay gọi là thực phẩm chức năng. Có những thực phẩm đã được bào chế thành các amino axit và chúng ta chỉ cần bổ sung để đảm bảo cân đối cho cơ thể của mình.

5.  Có nên sử dụng sản phẩm dược liệu để tăng cường sức khỏe?

Để tăng cường sức khỏe nhiều người sẽ nghĩ đến những sản phẩm hỗ trợ ăn ngon, dược liệu như: sâm, đông trùng hạ thảo, … những dược liệu này giúp ích thế nào đối với việc tăng cường sức khỏe.

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp:

Hiện, có rất nhiều sản phẩm quý như: nhân sâm, đông trùng hạ thảo,…đây là những dược liệu, thảo dược, thuốc quý có giá trị với sức khỏe được nghiên cứu từ nhiều năm trước và được biết đến từ rất nhiều năm nay. Tuy nhiên, chúng ta khó có khả năng để tiếp cận đến nó vì giá thành thường khá cao.

Thật sự, đây là những vị thuốc quý đã được nêu lên trong y học cổ truyền Trung Quốc, y học phương Đông, cũng như trong những tác phẩm y học nổi tiếng của Việt Nam giai đoạn từ thời các ông tổ của ngành y.

Rõ ràng sâm và đông trùng hạ thảo là những vị thuốc quý và có giá trị với sức khỏe đã được nghiên cứu nhiều và ngay cả dưới cái nhìn của y học hiện đại cũng chứng minh là sâm, đông trùng hạ thảo đều có những tác dụng như sau:

- Nâng cao sức khỏe, giải phóng năng lượng

- Nâng cao sức đề kháng do nó hỗ trợ được hoạt động của hệ thống miễn dịch

- Hỗ trợ điều hòa tim mạch, huyết áp, đường huyết và ngoài ra điều được cholesterol trong máu.

- Một số nghiên cứu đã chứng minh vai trò của đông trùng hạ thảo đối với sức khỏe tình dục của nam giới.

- Đã có những nghiên cứu về vai trò của đông trùng hạ thảo trong việc tác động, hỗ trợ tạo ra kháng thể trong cơ thể; không chỉ giúp khỏe hơn mà còn có thể nâng cao được sức đề kháng của mình.

Nếu bạn có điều kiện và khả năng tiếp cận được những loại thảo dược quý này thì chắc chắn sẽ hỗ trợ thêm cho sức khỏe của chúng ta bên cạnh những chế độ dinh dưỡng, vận động, lối sống, ….

(Còn tiếp)

Trân trọng cảm ơn nhãn hàng Myvita Royal đã đồng hành cùng chương trình.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X