Xử trí đúng cách khi bị hóc dị vật
Hóc dị vật đường thở là một trong những tình huống nguy hiểm đe doạ tính mạng, song có thể xử lý được tại nhà. Trong bài viết dưới đây, ThS.BS Trần Ngọc Tường Linh - Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã hướng dẫn nhiều cách sơ cấp cứu hóc dị vật đơn giản, hiệu quả, dễ áp dụng.
1. Trẻ em thường bị hóc dị vật đường thở còn người lớn thường hóc dị vật đường ăn
Tại nơi BS đang công tác, các ca người lớn bị hóc dị vật thường được đưa đến bệnh viện trong tình trạng như thế nào? Đối với người lớn, những ai có nguy cơ hóc dị vật cao hơn?
ThS.BS Trần Ngọc Tường Linh trả lời: Dị vật đi vào cơ thể có thể rơi vào đường ăn hoặc đường thở và gây những biến chứng nặng nề cho cơ thể.
Dị vật đường thở chủ yếu xảy ra ở trẻ em. Theo nghiên cứu ghi nhận, trên 95% trường hợp hóc dị vật đường thở xảy ra ở trẻ em dưới 4 tuổi.
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM là bệnh viện người lớn, trong các ca hóc dị vật chúng tôi tiếp nhận, đa số là dị vật đường ăn.
Người cao tuổi bị suy giảm nhận thức, mất răng khiến thức ăn không được nhai kỹ. Bệnh nhân có thể nuốt nhầm cả xương cá, hạt trái cây... Người bệnh có dụng cụ tháo lắp trong miệng như dụng cụ răng giả tháo lắp có thể nuốt phải dị vật do quên hoặc trong lúc cười.
Một số trường hợp người nhà chia thuốc cho bệnh nhân nhưng để nguyên cả vỏ. Khi bệnh nhân nuốt cả viên thuốc và vỏ sẽ gây ra dị vật đường ăn.
Những người có thói quen ngậm tăm sau khi ăn, ngậm tăm khi ngủ hoặc sau khi uống rượu bia, trong lúc vô thức, dị vật có thể đi vào trong cơ thể. Thậm chí một số người không nhớ việc đã nuốt tăm.
Khác biệt giữa người lớn và trẻ em trong hóc dị vật đó là trẻ em thường bị hóc dị vật đường thở còn người lớn thường hóc dị vật đường ăn. Dị vật đường ăn ngoài các loại hạt, xương cá, còn có các dụng cụ như tăm, vỏ thuốc, răng giả.
2. Lưu ý khi ho kéo dài, đau bụng âm ỉ không rõ nguyên nhân
Xin hỏi BS, những dấu hiệu nào cảnh báo cho cộng đồng về tình trạng hóc dị vật mà đôi khi chính bản thân bệnh nhân cũng không nhận ra?
ThS.BS Trần Ngọc Tường Linh trả lời: Đa số trường hợp dị vật đường ăn hoặc đường thở xảy ra sẽ có những triệu chứng rất rầm rộ. Dị vật đường thở có thể gây cấp tính về mặt khó thỏ, họ sặc sụa, tím tái. Dị vật đường ăn làm cho người người bệnh bị nuốt đau dữ dội, không ăn uống được.
Những triệu chứng này dễ dàng giúp người bệnh có thể tìm đến cơ sở y tế được lấy dị vật ra ngay.
Tuy nhiên, một số trường hợp triệu chứng không rầm rộ, dị vật đi sâu vào đường ăn/đường thở một cách âm thầm. Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã ghi nhận một vài trường hợp dị vật đường thở bỏ quên, người bệnh có triệu chứng ho, khạc đàm kéo dài.
Dị vật đường ăn mắc kẹt lâu trong cơ thể gây đau âm ỉ vùng thực quản, đoạn cổ hoặc đoạn ngực, đau sau xương ức... Dị vật đi xa hơn trong ống tiêu hóa có thể khiến bệnh nhân bị đau bụng âm ỉ.
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM và các đơn vị bạn đã ghi nhận một số trường hợp người bệnh nuốt tăm tre và để quên trong cơ thể. Bệnh nhân có tình trạng đau âm ỉ vùng bụng kéo dài từ vài tuần. Khi bệnh nhân đến bệnh viện, bác sĩ phát hiện dị vật tăm tre đã xuyên thủng thành ống tiêu hóa vùng bụng. Trong lúc khai thác bệnh sử, người bệnh không nhớ rõ sự việc xảy ra khi nào.
Người bệnh có thể có triệu chứng ho kéo dài vài tháng đến vài năm, không tìm ra nguyên nhân. Kết quả chụp CT cho thấy bệnh nhân bị hóc hạt sapoche trong đường thở.
Ho kéo dài không xác định nguyên nhân, đau âm ỉ vùng bụng... là những triệu chứng cảnh báo mà người dân có thể lưu ý và đến bệnh viện kiểm tra.
3. Biến chứng hóc dị vật có thể gây tử vong
Hóc dị vật không được xử trí kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nào, thưa BS?
ThS.BS Trần Ngọc Tường Linh trả lời: Hóc dị vật đường ăn và đường thở được xem là một cấp cứu trong y khoa. Đường thở có liên quan trực tiếp đến đường hô hấp của người bệnh. Dị vật đường thở xảy ra có thể gây dị vật đường thở cấp tính.
Tình trạng khó thở này có thể làm người bệnh suy hô hấp, ngưng hô hấp, thậm chí gây tử vong. Chính vì thế, khi xảy ra hóc dị vật đường thở, người thân phải thực hiện sơ cứu hoặc bản thân người bệnh phải biết cách tự sơ cứu để tống dị vật ra ngoài, phục hồi lại khí đạo, tránh biến chứng suy hô hấp và tử vong.
Khi người bệnh đã có thể thở lại được, vẫn nên tới cơ sở y tế để lấy dị vật ra ngoài. Dị vật để lại trong đường thở có thể xảy ra đáp ứng viêm vùng đường thở, gây tình trạng phế quản phế viêm hoặc nặng hơn là viêm phổi, dẫn đến tử vong về sau.
Đối với hóc dị vật đường ăn, triệu chứng có thể không rầm rộ như dị vật đường thở. Hiếm khi dị vật đường ăn có thể gây khó thở nghiêm trọng. Dị vật đường ăn nếu nhẹ thường gây nuốt vướng, nặng hơn sẽ làm bệnh nhân nuốt đau, không ăn uống được.
Nếu xử trí tốt, lấy được dị vật ra ngoài sẽ giúp bệnh nhân dễ chịu hơn. Không lấy được dị vật hoặc người bệnh cố ý không đến bệnh viện, dị vật sẽ gây viêm nhiễm tại vùng thực quản. Đầu tiên là thực quản vùng cổ, sau đó gây áp xe cổ. Dị vật xa hơn ảnh hưởng đến ngực, gây viêm trung thất, viêm áp xe trung thất.
Dị vật đâm xuyên ra ngoài gây thủng màng phổi, tràn mủ màng phổi. Trên đường đi, dị vật có thể gây ra thủng những mạch máu quan trọng như động mạch cảnh sang động mạch chủ, động mạch thân cánh tay đầu gây chảy máu ồ ạt.
Dị vật đi vào ống tiêu hóa vùng bụng sẽ gây thủng ống tiêu hóa vùng bụng, viêm phúc mạc.
Tất cả các biến chứng vừa nêu đều rất nặng nề, nếu bị bỏ qua có thể dẫn đến tử vong.
4. Các biện pháp dân gian có thể đẩy dị vật vào sâu hơn, biến chứng nặng nề hơn
Thưa BS, các mẹo dân gian khi bị hóc dị vật như dốc ngược người bị hóc, để xương cá trên đầu, nhờ người đẻ ngược vuốt cổ... có thể áp dụng được không?
ThS.BS Trần Ngọc Tường Linh trả lời: Khi bị hóc dị vật, bệnh nhân hoặc người thân thường có thói quen cố gắng nuốt một thứ gì đó vào cơ thể, chẳng hạng nuốt cơm, nuốt rau... để đẩy dị vật trôi đi. Một số người dùng tay móc dị vật ra ngoài.
Tất cả những hành động trên đều được khuyến cáo là không nên thực hiện, đặc biệt là dùng thức ăn để làm trôi dị vật. Điều này có thể khiến dị vật đi vào sâu hơn, khó lấy ra hơn và làm tổn thương, biến chứng nặng nề hơn.
Các phương pháp dân gian ít có hiệu quả trong các trường hợp hóc dị vật. Bác sĩ luôn khuyến cáo người bệnh không nên thực hiện các biện pháp này.
5. Hướng dẫn thực hiện các kỹ thuật sơ cứu hóc dị vật
Thưa BS, biện pháp sơ cứu nào là đúng và cần được áp dụng trong những trường hợp bị hóc dị vật?
ThS.BS Trần Ngọc Tường Linh trả lời: Biện pháp sơ cứu quan trọng khi gặp dị vật đường thở là tống dị vật ra ngoài, hay còn gọi là nghiệm pháp Heimlich.
Trong trường hợp trẻ lớn hoặc người lớn bị hóc dị vật và có người thân bên cạnh, người thân sẽ đứng phía sau bệnh nhân, đặt nắm tay trái ở phía dưới xương ức, dùng tay phải đặt lên tay trái và dùng hết sức để đẩy lực hướng lên trên, vào trong để đẩy cơ hoành lên trên, tống dị vật ra ngoài. Thực hiện liên tục từ 5 - 6 lần.
Nếu bệnh nhân là trẻ nhỏ, hãy sử dụng nghiệm pháp vỗ lưng, ấn ngực: Đặt trẻ nằm sấp dọc theo cánh tay, đầu thấp, người cấp cứu đặt tay dọc lên đùi mình và dùng gót bàn tay còn lại vỗ nhẹ lên lưng trẻ vùng giữa hai xương bả vai từ 3 - 5 lần.
Nếu trẻ vẫn chưa khạc dị vật ra được, lật ngược trẻ lại, đặt nằm dọc trên đùi ở tư thế đầu thấp. Dùng 2 ngón tay ấn vào vùng xương ức của trẻ từ 2 - 3 lần.
Luân phiên thực hiện đến khi trẻ có thể khạc ra ngoài.
Nếu không có ai ở cạnh, người bệnh có thể đứng dựa vào ghế hoặc thành lan can, đặt nắm tay vào dưới xương ức và đẩy cơ thể vào lực đỡ nhằm tống dị vật ra ngoài.
Nếu người bị hóc dị vật đã bất tỉnh, hãy đặt người bệnh nằm xuống sàn, người sơ cứu quỳ gối, hai đầu gối đặt mé ngoài gối của nạn nhân. Đặt 2 bàn tay chồng lên nhau, đặt gót bàn tay lên vùng dưới xương ức, đẩy theo chiều từ dưới lên trên và từ ngoài vào trong để đẩy dị vật ra ngoài.
Khi người bệnh đã bất tỉnh, bên cạnh việc tống dị vật ra ngoài, cần phải hà hơi thổi ngạt. Nếu bệnh nhân không có dấu hiệu hô hấp, phải hà hơi 2 lần và nhấn tim 30 lần. Thực hiện luân phiên nghiệm pháp đẩy tống dị vật ra ngoài, nghiệm pháp hà hơi thổi ngạt, xoa bóp tim ngoài lồng ngực để bảo đảm được hô hấp tuần hoàn, đẩy dị vật ra ngoài.
Song song đó, cần phải gọi cấp cứu để nhận được sự hỗ trợ.
6. Cách sơ cứu hóc dị vật đường ăn đơn giản nhất là đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế
Cụ thể hơn, nhờ BS giải thích, nghiệm pháp Heimlich và biện pháp vỗ lưng ép ngực sẽ được sử dụng trong tình huống thế nào? Người thực hiện cần lưu ý những vấn đề gì?
ThS.BS Trần Ngọc Tường Linh trả lời: Dị vật đường thở làm tắc nghẽn đường khí đạo. Phương pháp tống dị vật ra ngoài, phục hồi đường khí đạo để đảm bảo hô hấp là điều quan trọng mà bất kỳ ai cũng nên biết cách thực hiện.
Nghiệm pháp Heimlich áp dụng đối với người lớn và trẻ lớn, vỗ lưng ấn ngực được thực hiện cho các trẻ nhỏ dưới 1 tuổi.
Sơ cứu hóc dị vật cho người lớn: Dùng nắm đấm tay phải đưa vào dưới xương ức và dùng cánh tay trái để ép hai xương ức từ dưới lên trên, từ ngoài vào trong 5 lần liên tiếp để tống dị vật ra ngoài.
Trong trường hợp không có người bên cạnh, người bệnh có thể đứng tựa vào ghế hoặc lan can, đưa nắm tay vào dưới vùng xương ức và đẩy mạnh lên. Thực hiện từ 5 - 6 lần để đẩy dị vật ra ngoài.
Thế nhưng động tác này lại khá mạnh so với trẻ nhỏ. Do đó, với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, đặt trẻ nằm sấp dọc theo cánh tay, đầu thấp, người cấp cứu đặt tay dọc lên đùi mình và dùng gót bàn tay còn lại vỗ nhẹ lên lưng trẻ vùng giữa hai xương bả vai từ 5 -6 lần.
Nếu trẻ vẫn chưa khạc dị vật ra được, lật ngược trẻ lại, đặt nằm dọc trên đùi ở tư thế đầu thấp. Dùng 2 ngón tay ấn vào vùng xương ức của trẻ từ 3 -5 lần. Luân phiên thực hiện cho đến khi tống được dị vật ra ngoài.
Nếu người bị hóc dị vật đã bất tỉnh, hãy đặt người bệnh nằm xuống sàn, người sơ cứu quỳ gối, hai đầu gối đặt mé ngoài gối của nạn nhân. Đặt 2 bàn tay chồng lên nhau, đặt gót bàn tay lên vùng dưới xương ức, đẩy theo chiều từ dưới lên trên và từ ngoài vào trong để đẩy dị vật ra ngoài qua đường miệng.
Khi người bệnh đã bất tỉnh, cần quan sát kỹ đường hô hấp. Nếu người bệnh không thở, phải kết hợp với hà hơi, thổi ngạt, đồng thời gọi cấp cứu hỗ trợ.
Đối với dị vật đường ăn, việc sơ cứu đơn giản nhất là đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Đừng cố gắng khạc, móc họng hay nuốt thêm bất cứ thứ gì để tránh đẩy dị vật vào sâu hơn.
7. Các trường hợp hóc dị vật cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được xử trí đúng cách
Sơ cứu dị vật có yêu cầu về “thời gian vàng” không, thưa BS? Nếu có thì thời gian tốt nhất để sơ cứu là bao lâu?
ThS.BS Trần Ngọc Tường Linh trả lời: Dị vật đường thở có thể gây tắc nghẽn đường thở cấp tính, suy hô hấp. 4 phút không được cung cấp oxy có thể dẫn đến chết não. Trong trường hợp hóc dị vật đường thở, cần nhanh chóng phục hồi đường hô hấp cho người bệnh.
Hãy dùng nghiệm pháp Heimlich để tống dị vật ra ngoài càng sớm càng tốt. Sau đó đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ phục hồi đường hô hấp, tránh các biến chứng nặng nề đến cơ thể.
Riêng với dị vật đường ăn, do triệu chứng không rầm rộ nên thời gian sơ cứu cũng không quá cấp bách. Những người bị hóc dị vật đường ăn nên cố gắng nhanh chóng đến cơ sở y tế để lấy dị vật ra ngoài.
Đa số các trường hợp dị vật đường ăn đều tương đối an toàn, nếu dị vật không đi quá xa, quá sâu vào cơ thể.
8. Lấy dị vật ra rồi, có cần đến bệnh viện không?
Bệnh nhân đã tự lấy được dị vật hoặc đã đến cơ sở y tế để lấy dị vật có thể yên tâm chưa, hay cần theo dõi ra sao, thưa BS?
ThS.BS Trần Ngọc Tường Linh trả lời: Dù đã tự lấy được dị vật, người bệnh vẫn nên đến cơ sở y tế để kiểm tra một cách chắc chắn. Đôi khi bệnh nhân bị hóc nhiều hơn 1 dị vật hoặc chỉ lấy được 1 phần dị vật.
Một số trường hợp, dị vật đã gây ra biến chứng tại chỗ, việc đơn thuần lấy dị vật ra vẫn chưa đủ để khắc phục. Dù đã lấy dị vật ra, người bệnh vẫn cần đến cơ sở y tế để tầm soát, kiểm tra lại những biến chứng, dị vật còn sót lại.
9. Phòng ngừa hóc dị vật trong sinh hoạt thường ngày
Xin hỏi BS, người dân cần làm gì để có thể hạn chế tình trạng hóc dị vật xảy ra trong cuộc sống, sinh hoạt thường ngày?
ThS.BS Trần Ngọc Tường Linh trả lời: Đối với người lớn, để phòng ngừa hóc dị vật, việc tập trung khi ăn uống là rất quan trọng. Qua các trường hợp lâm sàng, tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm phòng tránh, giảm tỷ lệ xảy ra hóc dị vật.
Nếu có người thân lớn tuổi đã mất răng, giảm nhận thức, cần phải chuẩn bị thức ăn thật kỹ: lọc sạch xương cá, loại bỏ hạt trái cây.
Các bệnh nhân có sử dụng dụng cụ răng giả tháo lắp, cần tháo răng trước khi đi ngủ, hạn chế đeo răng qua đêm. Bệnh nhân có thể dùng răng giả cố định để an toàn hơn.
Khi chia thuốc, nên bóc vỏ trước khi cho vào hộp. Nên bỏ thói quen ngậm tăm sau khi ăn, sau khi uống rượu bia hoặc ngậm tăm trong khi ngủ.
Chúng tôi ghi nhận một số trường hợp hút trân châu, rau câu với lực hút quá mạnh, khiến thực phẩm đi vào cơ thể. Nên dùng muỗng thay vì các loại ống hút lớn.
Chú ý, tập trung trong các sinh hoạt hằng ngày sẽ phần nào giảm được tỷ lệ hóc dị vật.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình