Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao quý ông mất quyền kiểm soát “cậu nhỏ”, trên bảo dưới không nghe?

Bên cạnh yếu tố tâm lý, tác dụng phụ của thuốc, lối sống kém lành mạnh thì việc mắc hội chứng chuyển hóa cũng có mối liên hệ mật thiết khiến các quý ông gặp rắc rối với khả năng cương cứng khi quan hệ tình dục, hay còn gọi là rối loạn cương dương.

4 lý do khiến các quý ông mất quyền kiểm soát “cậu nhỏ”

Trong buổi trò chuyện về chủ đề Nỗi niềm “Trên bảo dưới không nghe” được tổ chức tại Bệnh viện Bình Dân vào ngày 1/7/2023, ThS.BS Lê Anh Tuấn - khoa Nam học cho biết, trong quan hệ tình dục yếu tố cương cứng của “cậu nhỏ” đóng vai trò quan trọng, không chỉ là sự thăng hoa mà trên hết là mối quan hệ hôn nhân gia đình. Do vậy, khi hiểu rõ về cơ chế của rối loạn cương sẽ giúp các quý ông dễ dàng nhận biết bệnh để đến khám và điều trị kịp thời. 

 ThS.BS Lê Anh Tuấn - khoa Nam học - Bệnh viện Bình Dân

“Cương là hiện tượng dồn máu đến dương vật, vì vậy khi cơ chế mạch máu lên hệ thần kinh bị tổn thương sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn cương. Hay nói cách khác, rối loạn cương là tình trạng không thể duy trì hoặc đạt được sự cương cứng đủ để có thể quan hệ tình dục”.

Theo ThS.BS Lê Anh Tuấn, có nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn cương, dẫn đến các quý ông “mất quyền” kiểm soát dương vật (không cương lên được) ngay cả khi có sự kích thích và ham muôn tình dục.

Trong đó, có 4 nguyên nhân, yếu tố thường gặp nhất. Một là ảnh hưởng tâm lý (stress, lo lắng, trầm cảm). Hai là vấn đề mạch máu (tắc nghẽn mạch máu) với những nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng này gồm rối loạn lipid máu, tiểu đường… Ba là tác dụng phụ của thuốc (ví dụ như thuốc tăng huyết áp, thuốc chống trầm cảm, rối loạn giấc ngủ hay rối loạn lo âu). Bốn là lối sống không lành mạnh (lạm dụng rượu bia, thuốc lá, ít vận động).

Quý ông bị rối loạn cương, cần tầm soát hội chứng chuyển hóa

Rối loạn cương cũng có mối liên quan rất mật thiết với hội chứng chuyển hóa (một tập hợp nhiều bệnh lý gồm bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì, rối loạn mỡ máu…). Thực tế, hội chứng chuyển hóa được xem là yếu tố nguy cơ của rất nhiều bệnh lý, gây ra nhiều biến chứng và thường gặp nhất ở nam giới đó là rối loạn cương dương.

“Khi bệnh nhân đến phòng khám, mối quan tâm lớn nhất của họ là “tôi muốn được cương cứng”. Khi đó, chúng tôi cần phải khảo sát và thực hiện nhiều loại xét nghiệm. Bởi vì rối loạn cương, nhất là ở bệnh nhân lớn tuổi có thể tiềm ẩn những bệnh lý như tiểu đường, béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu… Nếu không quan tâm đến vấn đề này thì bệnh nhân sẽ khó đáp ứng được trong quá trình điều trị” - ThS.BS Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Sở dĩ hội chứng chuyển hóa có thể gây ra rối loạn cương bởi cơ chế tổn thương mạch máu và cơ chế ảnh hưởng lên thần kinh. Ngoài ra còn có vấn đề về hormone, hội cứng chuyển hóa thường đi kèm với suy giảm testosterone tự nhiên của bệnh nhân (nghĩa là các tinh hoàn không thể tự sản xuất testosterone tự nhiên). Do vậy, khi testosterone giảm, các hoạt động cương cũng sẽ giảm theo.

Testosterone ở nam giới cũng như rối loạn cương gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của các quý ông, từ cảm giác mệt mỏi, đến nguy cơ loãng xương và yếu tố bệnh tim mạch sẽ cao hơn người bình thường. Đặc biệt, ở những bệnh nhân tiểu đường, nồng độ testosterone càng thấp thì việc điều trị tiểu đường của bệnh nhân càng khó khăn.

ThS.BS Lê Anh Tuấn cho rằng: “Bệnh nhân sẽ không tử vong do rối loạn cương nhưng sẽ tử vong do các hội chứng chuyển hóa kèm theo. Một nghiên cứu khoa học cho rằng, khi bệnh nhân có triệu chứng rối loạn cương, sau 3-5 năm sẽ có nguy cơ bệnh lý về mạch vành. Nguy cơ này là nguyên nhân gây đột quỵ khiến cho bệnh nhân tử vong. Như vậy, có thể thấy rằng, rối loạn cương chính là một yếu tố cảnh báo về các sức khỏe của bệnh nhân”.

Hội chứng chuyển hóa có mối liên quan mật thiết với rối loạn cương dương

Chuyên gia thông tin thêm, hiện nay xu thế điều trị rối loạn cương là sử dụng nội tiết testosterone để điều trị cho bệnh nhân tiểu đường, giúp cho việc hoàn cương và điều trị testosterone của bệnh nhân hiệu quả hơn.

Trong quản lý rối loạn cương, phải tiếp cận bệnh nhân một cách toàn diện và phối hợp điều trị với nhiều chuyên khoa khác. “Bởi vì một số loại thuốc tim mạch, tiểu đường có thể gây ra rối loạn cương nhưng bệnh nhân không bỏ được vì nguy cơ tim mạch rất cao. Điều này đòi hỏi người thầy thuốc cần trao đổi với bệnh nhân và bác sĩ chuyên khoa để mang lại hướng điều trị tối ưu nhất.

Song song đó, những yếu tố khác như bệnh lý tăng huyết áp cũng rất cần sự theo dõi sát sao trong việc điều trị bằng thuốc, để tránh tình trạng tắc nghẽn mạch máu và đồng thời hỗ trợ bệnh nhân dùng thuốc để ổn định tình trạng cương.

Rối loạn cương dương cũng cần theo dõi định kỳ như bệnh lý mạn tính khác

ThS.BS Lê Anh Tuấn khuyến cáo, khi mắc phải rối loạn cương dương, nghĩa là bệnh nhân đã có vấn đề sức khỏe cơ thể. Khi đó, bệnh nhân cần tầm soát tất cả những bệnh lý liên quan có khả năng dẫn đến rối loạn cương. Nhất là nhóm hội chứng rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì…

“Khi kiểm soát được các yếu tố trên, việc điều trị rối loạn cương ở bệnh nhân lớn tuổi sẽ dễ dàng hơn. Trong khi đó, ở những bệnh nhân trẻ tuổi, đa phần nguyên nhân xuất phát từ tâm lý, lối sống kém lành mạnh. Vì vậy, hiện nay, bệnh nhân trẻ tuổi bị rối loạn cương có xu hướng gia tăng. Bệnh viện Bình Dân đã ghi nhận nhiều người ở độ tuổi rất trẻ nhưng lại mắc những bệnh lý như người lớn tuổi” - ThS.BS Lê Anh Tuấn dẫn chứng.

Buổi sinh hoạt được Bệnh viện Bình Dân tổ chức định kỳ hàng tháng nhằm cung cấp nhiều thông tin, kiến thức hữu ích cho cộng đồng, bệnh nhân

Song song với việc điều trị, kiểm soát các nguyên nhân từ bệnh lý trong nhóm hội chứng rối loạn chuyển hóa, các quý ông cần phải duy trì cuộc sống lành mạnh, chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục đều đặn, giảm cân nếu cần thiết và hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá. Cùng với đó, cần theo dõi định kỳ, vì tình trạng rối loạn cương cũng giống như các bệnh lý mạn tính khác như tiểu đường, tăng huyết áp, đòi hỏi bệnh nhân phải theo dõi định kỳ.

Mời xem thêm:

>>> Sau 3-5 năm bị rối loạn cương, nam giới có nguy cơ mắc bệnh mạch vành, đột quỵ

>>> Người trẻ vẫn có nguy cơ rối loạn cương do bệnh tiểu đường, béo phì, cao huyết áp, mỡ máu

>>> Thuốc bổ thận tráng dương: Thực hư ông uống, bà khen, cả xóm thèm?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X