Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao căng thẳng trong đại dịch COVID-19 khiến bạn dễ tái phát các bệnh tiêu hóa?

Giãn cách xã hội kéo dài vì COVID-19 khiến bạn bức bối, lo lắng, căng thẳng. Tâm trạng đi xuống còn làm cho tình trạng bệnh tiêu hóa với những triệu chứng như đau thượng vị, ợ chua, ợ nóng... của bạn trở nên trầm trọng hơn. Vì sao não và ruột lại có mối quan hệ khắng khít như vậy? PGS.TS.BS Quách Trọng Đức - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam sẽ lý giải vấn đề này trong bài viết dưới đây.

1. Đại dịch COVID-19 tác động thế nào đến các bệnh lý đường tiêu hóa?

Đại dịch COVID-19 đang diễn ra đến năm thứ 2 và khá phức tạp. Theo quan sát của PGS thì tình hình các bệnh về tiêu hóa dạ dày có thay đổi gì so với trước khi đại dịch xảy ra. Cụ thể là những bệnh nào tăng, những bệnh nào giảm ạ?

PGS.TS.BS Quách Trọng Đức trả lời: Đến hiện tại chúng ta chưa có một số liệu ước đoán toàn cảnh về vấn đề này. Tuy nhiên, nhìn chung các bệnh lý tiêu hóa có xu hướng tăng thêm và một số nhóm bệnh tính sau đây cần phải được lưu tâm:

Thứ nhất, bệnh lý COVID-19 cũng có những biểu hiện tiêu hóa, thường gặp nhất là triệu chứng liên quan đến mất vị giác, buồn nôn, nôn, tiêu chảy và đau bụng. Những ước tính trên số liệu tại bệnh viện cho thấy, khoảng 5 - 20% bệnh nhân nhập viện có những triệu chứng này. Do đó, đây là nhóm có thể làm cho triệu chứng tiêu hóa trong dịch bệnh tăng thêm. Hơn nữa, nhiều bệnh nhân COVID-19 xuất hiện triệu chứng tiêu hóa thì sau khi xuất viện tình trạng này vẫn còn dai dẳng, thậm chí có thể kéo dài hơn 3 tháng.

Bên cạnh đó, những triệu chứng tiêu hóa của người không mắc COVID-19 trong thời gian dịch bệnh cũng tăng thêm. Cụ thể, những bệnh thường gặp nhất là về thực quản, dạ dày tá tràng và những triệu chứng của tiêu hóa dưới mà chúng ta hay nghe nhắc đến nhiều nhất là hội chứng ruột kích thích.

Trước mắt số ca bệnh có thể không tăng nhưng nếu kéo dài khó khăn trong cung ứng thực phẩm thì những vấn đề liên quan đến khâu bảo quản, chế biến thức ăn có thể làm tăng bệnh nhân mắc các bệnh đường tiêu hóa.

PGS.TS.BS Quách Trọng Đức - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam

2. Tâm trạng lo lắng ảnh hưởng thế nào đến các bệnh lý đường tiêu hóa?

Dường như khi nỗi lo âu về COVID-19 tăng thì các bệnh trào ngược dạ dày thực quản, táo bón, hội chứng ruột kích thích cũng tăng. Vì sao có hiện tượng này ạ?

PGS.TS.BS Quách Trọng Đức trả lời: Chúng ta thấy rằng, khi có những khó khăn về vấn đề tâm lý chẳng hạn như trầm cảm, lo âu… thì đương nhiên các bệnh lý tiêu hóa cũng sẽ tăng thêm.

Theo các nghiên cứu khoa học, ống tiêu hóa của chúng ta có một hệ thần kinh tại chỗ để chi phối vấn đề bài tiết dịch tiêu hóa, vận động của ống tiêu hóa, cảm nhận triệu chứng đau… Hệ thống này không hoạt động đơn lập mà tương tác 2 chiều với hệ thần kinh trung ương ở não.

Do đó, những bất thường ở chỗ này có thể gây ra sự xáo trộn ở chỗ khác. Vì mối liên hệ khá phức tạp nên chúng ta thấy rằng trong những bối cảnh không chỉ là đại dịch này, mà khi bản thân một người có khó khăn về vấn đề tâm lý như trầm cảm, stress, lo âu… thì có thể làm tăng thêm các triệu chứng đường tiêu hóa.

3. Đau dạ dày do dây thần kinh số 10, hiểu sao cho đúng?

Xin BS nói rõ thêm về vai trò của dây thần kinh số 10? Nhiều trường hợp đau dạ dày không rõ nguyên nhân, người bệnh nghĩ là do dây thần kinh số 10. Điều này đúng không ạ?

PGS.TS.BS Quách Trọng Đức trả lời: Đây là cách nói nôm na cho dễ hiểu, thực tế dây thần kinh số 10 nằm ở đâu trên cơ thể là một kiến thức rất khó giải thích cho người bệnh và những người quan tâm.

Tuy nhiên, cũng có thể nói rằng dây thần kinh số 10 là dây thần kinh chi phối rất quan trọng trong các hoạt động không chủ ý của chúng ta, đặc biệt liên quan đến cảm nhận đau, bài tiết các men tiêu hoá… Như đã nói ở trên, mối tương tác qua lại 2 chiều giữa hệ thần kinh trung ương ở não và hệ thần kinh của ruột rất phức tạp. Theo đó, 2 hệ thần kinh này tương tác qua các đường liên hệ mà trong đó dây thần kinh số 10 là một đường liên hệ rất quan trọng.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu còn cho thấy không chỉ dây thần kinh số 10 mà còn có những hệ thống khác tham gia vào quá trình này. Chẳng hạn như hạ đồi - tuyến yên - thượng thận cũng đóng vai trò quan trọng trong giải quyết stress, truyền thông tin liên lạc 2 chiều giữa những trung khu chịu trách nhiệm xử lý cảm xúc và cảm giác đau, vận động ống tiêu hóa với hệ thần kinh tại ống tiêu hóa ruột của chúng ta.

Hơn nữa, hiện tại có thêm một vai trò quan trọng ngày càng được nhắc đến nhiều hơn của các phổ vi khuẩn thường trú của ống tiêu hóa mà chúng ta thường nghe gọi là các lợi khuẩn. Các vi khuẩn này cư trú ở ruột. Trước đây chúng ta chỉ nghĩ nó có một vai trò là giúp hỗ trợ cho vấn đề miễn dịch tại chỗ và tiêu hóa thức ăn. Tuy nhiên, gần đây nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy các vi khuẩn này cũng có thể tác động ngược lên thần kinh trung ương tại não và gây ra các triệu chứng trầm cảm, lo âu.
Nói tóm lại, khái niệm về dây thần kinh số 10 là cách nói nôm na và chung chung, nhưng thể hiện một vấn đề là có mối liên hệ giữa thần kinh trung ương ở não với thần kinh ở ruột. Theo đó, bất cứ những xáo trộn chỗ này cũng có thể gây ra những xáo trộn ở chỗ còn lại.

PGS.TS.BS Quách Trọng Đức - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam thực hiện chương trình giao lưu trực tuyến cùng AloBacsi

4. Cần nghĩ đến những khả năng nào nếu triệu chứng trên hệ tiêu hóa nặng lên khi bạn ở trong khu cách ly, phong tỏa?

Thưa BS, những người từng mắc bệnh tiêu hóa, dạ dày đang ở khu phong tỏa, cách ly mà có triệu chứng tiêu hóa nặng lên thì những khả năng nào nên nghĩ đến ạ?

PGS.TS.BS Quách Trọng Đức trả lời: Khi bị người bệnh từng mắc các bệnh tiêu hóa đang ở trong khu cách ly, có những triệu chứng nổi trội lên thì điều quan trọng là chúng ta nên xem lại bệnh lý nền của bệnh nhân trước dịch có được kiểm soát tốt hay không.

Chúng ta biết rằng, trong giai đoạn hạn chế đi lại như hiện tại, việc cung ứng thuốc men rất là khó khăn và vấn đề điều trị bằng của bệnh nhân đôi khi bị gián đoạn kèm theo lo lắng, căng thẳng có thể làm nặng thêm triệu chứng tiêu hóa.

Bên cạnh đó, như đã nói ở phần trước, COVID-19 cũng có thể gây ra các biểu hiện tiêu hóa như mất vị giác, buồn nôn, nôn, tiêu chảy và một số trường hợp có thể gây đau bụng. Vì vậy, khi ở trong khu vực cách ly thì có nghĩa là chúng ta đang ở trong môi trường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, nên cũng cần cảnh giác đây có thể là các biểu hiện của bệnh COVID-19.

5. Người mắc bệnh dạ dày, uống nước cam, chanh để tăng sức đề kháng, cần lưu ý gì?

Với người bệnh dạ dày muốn uống nước cam, nước chanh để tăng cường sức đề kháng thì nên uống thế nào là hợp lý?

PGS.TS.BS Quách Trọng Đức trả lời: Trong mùa dịch có rất nhiều người bệnh về tiêu hóa thắc mắc về vấn đề này. Đúng là khi uống quá nhiều đồ chua có thể làm các triệu chứng tiêu hóa nặng lên nhưng điều này không có nghĩa là thức uống chua sẽ gây ra các tổn hại như viêm, loét, các biến chứng tiêu hóa quan trọng. Vì vậy, chúng ta có thể đừng quá lo lắng rằng nếu triệu chứng xảy ra thì bệnh sẽ nặng hơn.
Điều quan trọng nhất là làm sao có thể tăng đề kháng cơ thể nhưng không gặp phải các vấn đề triệu chứng về tiêu hóa. Chúng ta biết rằng, bổ sung nhiều quá cũng chưa hẳn là tốt. Thông thường, chúng ta chỉ cần bổ sung vitamin C khoảng 500 mg/ngày là được, hoặc 1 ly nước cam hoặc nước chanh mỗi ngày.
Đối với những người có triệu chứng tiêu hóa từ trước thì triệu chứng sẽ dễ có xu hướng xuất hiện trở lại hơn những người trước đây không có triệu chứng. Vì vậy, tốt nhất là nên uống nước cam hoặc nước chanh sau mỗi bữa ăn. Tuy nhiên, nếu có tình trạng xót bụng hoặc ợ chua nhiều hơn thì cần phải giảm khoảng 50% lượng dùng mỗi lần và có thể dùng 2 lần trong ngày. Nhưng cần lưu ý, không nên uống vào buổi chiều tối vì sẽ gây khó ngủ, đồng thời triệu chứng trào ngược về đêm có xu hướng nhiều hơn.
Đó là 2 điểm mà chúng ta cần lưu ý để có thể cải thiện đề kháng mà không làm tăng các triệu chứng tiêu hóa.

Phần 2: Người trong khu phong tỏa khởi phát các bệnh tiêu hóa ở dạ dày, phải làm sao?

Trân trọng cảm ơn Hội Y học TPHCM và PGS.TS.BS Quách Trọng Đức đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X