Hotline 24/7
08983-08983

Người trong khu phong tỏa khởi phát các bệnh tiêu hóa ở dạ dày, phải làm sao?

Nên dự trữ thuốc gì để có thể điều trị đau bụng, tiêu chảy ngay tại nhà? Xử lý ra sao nếu bị tiêu chảy nhưng nhà nằm trong khu phong tỏa? Không mua được rau xanh, cần làm gì để phòng ngừa táo bón?... Tất cả những thắc mắc này sẽ được PGS.TS.BS Quách Trọng Đức - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam giải đáp trong bài viết sau.

1. Bị tiêu chảy nên sử dụng thuốc nào và cần thận trọng với thuốc nào?

Thưa PGS, nhiều bạn đọc hỏi AloBacsi về vấn đề nếu bị đau bụng tiêu chảy thì có nên uống thuốc cầm tiêu chảy luôn không hay phải xử lý như thế nào ạ?

PGS.TS.BS Quách Trọng Đức trả lời:

Trên thực tế, phần lớn trường hợp đau bụng, tiêu chảy thông thường chỉ xảy ra thoáng qua và chúng ta chỉ cần điều trị triệu chứng mà thôi.

Theo đó, những thuốc chúng ta có thể dùng là thuốc trong nhóm chống co thắt đường ruột (giúp giảm tình trạng đau bụng), hoăc thuốc có gốc đất sét chẳng hạn như diosmectite có tác dụng làm phân và có thể cải thiện triệu chứng. Phần lớn trường hợp thường thoáng qua nên chúng ta không cần phải dùng đến kháng sinh.

Những loại thuốc cầm chảy rất mạnh như loperamid có thể đem đến hiệu quả ngưng tiêu chảy ngay lập tức. Tuy nhiên, chúng ta cần phải cẩn trọng khi sử dụng cho những người có triệu chứng nghi tắc ruột hoặc ở người lớn tuổi. Đặc biệt, nếu bệnh nhân có những gợi ý nhiễm trùng đường ruột (bệnh nhân có thêm biểu hiện sốt, đi tiêu trong phân có chất nhầy hoặc máu), khi sử dụng thuốc cầm chảy mạnh ở các trường hợp này, tình trạng ứ đọng chất độc có thể làm bệnh tình nặng hơn.

Tuy nhiên, điều quan trọng là trong mùa dịch này, mọi người rất ngại đến bệnh viện. Chính vì vậy, có những trường hợp lẽ ra cần đến bệnh viện nhưng vì lo ngại mà đến trễ. Điều này có thể đưa đến một số biến chứng nghiêm trọng hơn. Ví dụ, người có dấu hiệu đau ruột thừa nếu không kịp đến bệnh viện, xác suất xảy ra biến chứng ruột thừa vỡ mủ cao hơn khi đến trễ khiến cuộc mổ trở nên khó khăn hơn.

Như vậy, chúng ta cần phải cẩn trọng đối với đau bụng và tiêu chảy có các đặc điểm như sau:

  • Đối với trường hợp tiêu chảy là người lớn tuổi, có bệnh nền hoặc nghi bị nhiễm trùng thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
  • Đối với những vấn đề đau bụng, chúng ta phải cẩn trọng trên những trường hợp sau:
    • Nếu người dân bị đau bụng đột phát (trước đó chưa từng đau như vậy) thì đây rất có thể là triệu chứng đau quan trọng. Ngay lúc khởi phát đã đau dữ dội.
    • Đau không nhiều nhưng kéo dài, có khi tới 2 ngày mà không giảm cường độ hoặc có kèm nôn sau đau bụng.
    • Người > 65 tuổi.
    • Người có bệnh nền tim mạch đang phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài.
    • Người bị suy thận
    • Người nghiện rượu, xơ gan.
    • Người đã từng phẫu thuật tiêu hoá trước đây hoặc cẩn trọng.
    • Phụ nữ đang mang thai trong tam cá nguyệt đầu.

Với những trường hợp này chúng ta cần tham vấn ý kiến của bác sĩ sớm hơn.

Tuy trẻ tuổi nhưng PGS.TS.BS Quách Trọng Đức là một trong những chuyên gia giàu kinh nghiệm, chuyên môn trong lĩnh vực Tiêu hóa, đặc biệt là các bệnh liên quan đến trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét, virus HP...

2. Khó mua rau xanh vì giãn cách xã hội, làm sao phòng ngừa táo bón?

Bên cạnh tiêu chảy, táo bón cũng là vấn đề khá nhiều người quan tâm. Đặc biệt là trong thời điểm này việc đi chợ hoặc đi ra ngoài mua rau rất khó khăn, còn tích trữ rau lâu ngày cũng dễ hư hại. Vậy, nếu khó mua được rau xanh thì mọi người nên làm gì để tránh táo bón ạ?

PGS.TS.BS Quách Trọng Đức trả lời: Đây là một vấn đề lớn với các thành phố, đặc biệt TPHCM là một trong những nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất trong việc cung ứng rau, củ, quả.

Thật sự không có một giải pháp nào hoàn hảo trong trường hợp này. Tuy nhiên, chúng ta có thể hạn chế nguy cơ táo bón bằng cách:

Thứ nhất là vận động thể lực thường xuyên. Điều này không chỉ giúp nâng cao sức đề kháng mà còn giúp hệ tiêu hóa chúng ta hoạt động nhiều hơn, nhuần nhuyễn hơn, lưu thông ruột cũng tốt hơn. Một điều dễ thấy là nếu trong nhà có một người bệnh nằm một chỗ hoài thì nguy cơ táo bón nhiều hơn. Do đó, vận động là điều rất quan trọng. Mặc dù hiện nay không thể ra ngoài, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện các bài tập vận động tại nhà vô cùng hiệu quả.

Hai nữa là uống nước. Đây là yếu tố giúp giảm nguy cơ táo bón. Ngoài ra, việc uống nước thường xuyên, làm ẩm vùng họng còn giúp tăng cường khả năng đề kháng của niêm mạc vùng hầu họng với COVID-19. Đó là những yếu tố có thể giúp ích cho chúng ta trong đợt khó khăn này.

Bên cạnh đó, nếu có thể, chúng ta cũng nên dự phòng một số thuốc trị táo bón.

Vận động, tập luyện tại nhà cũng là một trong những biện pháp giúp ngăn ngừa táo bón nếu bữa ăn thiếu rau xanh (Ảnh minh họa)

3. Những loại thuốc tiêu hóa cần chuẩn bị trong thời gian giãn cách xã hội?

Để đối phó với bệnh tiêu hóa khởi phát hay tái phát trong thời gian phong tỏa, cách ly, các gia đình nên chuẩn bị sẵn một số loại thuốc thông dụng nào, có thể uống trong bao lâu, thưa BS?

PGS.TS.BS Quách Trọng Đức trả lời: Chúng ta nên dự trữ một số loại thuốc thông thường cho triệu chứng của đường tiêu hóa trên và đường tiêu hoá dưới.

Đối với nhóm tiêu hóa trên, để phòng ngừa trào ngược dạ dày thực quản có thể lựa chọn một số thuốc dạng gel, có bản chất là alginate hoặc antacid giúp cải thiện triệu chứng ợ chua hoặc triệu chứng đau dạ dày. Hiện có một số thuốc dạng viên nhưng sẽ không có hiệu quả nhanh như thuốc dạng gói. Đó là những thuốc có tác dụng ức chế axit lâu dài, nghĩa là thuốc sẽ không có tác dụng ngay mà sẽ có tác dụng kéo dài. Còn thuốc dạng gel thì sẽ có tác dụng nhanh nhưng chỉ khoảng 2 - 3 giờ là hết tác dụng.

Đối với thuốc tiêu hóa dưới thì chúng ta nên dự trữ thuốc gốc đất sét có thể dùng trong trường hợp tiêu chảy, một số thuốc nhuận tràng, thuốc chống co thắt, các gói oresol.

Chúng ta nên kiểm tra kỹ hạn sử dụng trước khi mua thuốc và dùng thuốc.

4. Người sống trong khu phong tỏa, nên ăn uống, sinh hoạt thế nào để tránh tái phát bệnh tiêu hóa?

Theo BS người ở khu phong tỏa nên có chế độ ăn uống, sinh hoạt thế nào để tránh việc khởi phát, tái phát bệnh tiêu hóa?

PGS.TS.BS Quách Trọng Đức trả lời: Khi chúng ta phải làm việc tại nhà, trong một môi trường bức bối thì thường những khái niệm về thời gian trong ngày bị xáo trộn so với trong điều kiện bình thường. Do đó, lời khuyên về chế độ sinh hoạt ăn uống, chúng tôi nghĩ rằng có một số điểm chính như sau:

  • Tập thể dục: tập các bài tập vận động tại nhà có thể kích thích thêm hệ tiêu hoá làm việc.
  • Tập thở: bài tập thở được khuyến cáo cho các bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng. Tuy nhiên, những người khỏe mạnh cũng có thể áp dụng bài tập này để điều hòa cảm xúc, lo lắng,… hệ tiêu hoá cũng làm việc tốt hơn.
  • Ngủ đủ giấc: nếu ngủ không đủ giấc sẽ gây stress, đồng thời ảnh hưởng rất nhiều đến hệ tiêu hóa.
  • Ăn đều đặn, đủ bữa: do chúng ta chủ yếu ở nhà nên khái niệm thời gian cũng bị xáo trộn, nhiều người có xu hướng đói lúc nào ăn lúc đó. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến nhịp sinh học của cơ thể, triệu chứng tiêu hoá cũng sẽ nặng hơn.
  • Uống nhiều nước.
  • Tránh nằm sau ăn: nằm ngay sau khi ăn có thể làm tăng yếu tố nguy cơ bệnh trào ngược nặng lên. Đây cũng là một trong những bệnh tiêu hoá trên có xu hướng ngày càng tăng ở Việt Nam. Do đó, chúng ta có thể nằm sau khi ăn khoảng 2 - 3 giờ để tránh gặp tình trạng trào ngược.
  • Chú ý thức ăn hư hỏng: do nhiều nhà phải dự trữ thức ăn trong thời điểm dịch bệnh này nên có nhiều thực phẩm để lâu bị hư hỏng, ôi thiu. Nếu không chú ý mà chế biến, người dân có thể bị ngộ độc thực phẩm.

Không nên vừa ăn vừa nằm hoặc nằm ngay sau khi ăn. Đây là nhưng thói quen xấu gây ảnh hưởng hệ tiêu hóa (Ảnh minh họa)

5. Lời khuyên từ chuyên gia giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh đi qua mùa dịch COVID-19

Nhờ PGS có thể gửi một vài lời khuyên ngắn gọn với những người đang ở trong khu phong tỏa nói riêng và tất cả mọi người nói chung, làm sao để “sở hữu” một hệ tiêu hóa khỏe mạnh đi qua mùa dịch ạ?

PGS.TS.BS Quách Trọng Đức trả lời: Để có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh, vấn đề phòng bệnh là vô cùng quan trọng. Bên cạnh sử dụng thuốc, điều chỉnh lối sống như ăn đúng giờ, ngủ đủ giấc, uống đủ nước và vận động thể chất… cũng góp phần không nhỏ giúp bảo vệ hệ tiêu hoá. Đồng thời, tập các bài tập thở cũng sẽ giúp cho chúng ta tránh được sự lo lắng, stress,… giúp cải thiện hoặc tránh các triệu chứng tiêu hóa.

Phần 1: Vì sao căng thẳng trong đại dịch COVID-19 khiến bạn dễ tái phát các bệnh tiêu hóa?

Trân trọng cảm ơn Hội Y học TPHCM và PGS.TS.BS Quách Trọng Đức đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X