Hotline 24/7
08983-08983

Vận động sớm giúp mẹ sau sinh nhanh phục hồi, tránh nhiễm trùng

Theo BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương - Trưởng khoa Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương, việc vận động sớm vô cùng quan trọng đối với mẹ sau sinh, giúp phục hồi nhanh chóng, tránh ứ sản dịch gây nhiễm trùng. Bên cạnh đó, các vấn đề cần lưu ý trong thời kỳ hậu sản cũng được nữ chuyên gia đề cập dưới đây.

1. Thời kỳ hậu sản là gì?

Đầu tiên xin hỏi BS, thời kỳ hậu sản kéo dài trong bao lâu và được chia thành những giai đoạn nào?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Thời kỳ hậu sản được tính từ sau khi sản phụ sinh xong, hoàn tất sổ thai và sổ nhau. Thời gian hậu sản kéo dài 6 tuần, đây là thời gian người mẹ hồi phục lại các thay đổi trong giai đoạn mang thai trở về bình thường.

2. “Hậu sản” và “chu sinh” giống hay khác?

Khái niệm “hậu sản” và “chu sinh” có giống nhau không?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Hậu sản và chu sinh là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Trong đó, hậu sản được tính từ khi người mẹ sinh đến sau 6 tuần; chu sinh là xung quanh thời điểm sinh, tính từ trước khi sinh 12 tuần và sau sinh 1 tuần.

3. Cơ thể người mẹ thay đổi thế nào trong thời kỳ hậu sản?

Mẹ sau sinh sẽ có những thay đổi gì về cơ thể trong thời kỳ hậu sản, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Sau sinh người mẹ chuyển từ giai đoạn mang thai đến thời kỳ hậu sản, dần trở về giai đoạn gần như bình thường trước khi mang thai.

Trong giai đoạn này có những vấn đề đặc biệt quan trọng, thứ nhất là sự co hồi của tử cung, tử cung trước khi mang thai chỉ bằng khoảng 2 ngón tay, khi mang thai sẽ tăng kích thước “bụng vượt mặt”. Sau khi sinh, tử cung co lại bằng kích thước trước khi mang thai.

Bên cạnh tình trạng tử cung co hồi, giai đoạn hậu sản sẽ xuất hiện tiết sản dịch, trong những ngày đầu, sản dịch có màu đỏ đậm và tiết nhiều, sau đó giảm dần và hết trong 6 tuần.

Giai đoạn này có những thay đổi ở người mẹ giúp mẹ tạo và tiết sữa để nuôi con, đồng thời có sự thay đổi về thể hình thể, người mẹ bắt đầu gọn gàng, săn chắc hơn và có các đáp ứng của cơ thể sau sinh, hồi phục và giảm thay đổi sinh lý trong thời gian mang thai.

4. 4 vấn đề mẹ dễ gặp phải thời kỳ hậu sản

Bước vào giai đoạn thời kỳ hậu sản, sản phụ dễ gặp các căn bệnh nào?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Thời kỳ hậu sản quan trọng không kém so với giai đoạn chuyển dạ sinh, sản phụ có thể gặp các tình trạng băng huyết sau sinh, băng huyết sớm trong vòng 24 giờ sau sinh hoặc băng huyết muộn.

Trong đó, băng huyết sớm là tình trạng chảy máu hơn 500 ml trong vòng 24 giờ; còn sau 24 giờ được gọi là băng huyết muộn. Nếu băng huyết, chảy máu nhiều sẽ nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ. 

Tình trạng thứ hai là nhiễm trùng hậu sản bao gồm nhiễm trùng niêm mạc tử cung, nhiễm trùng vết mổ (nếu người mẹ sinh mổ).

Tình huống thứ ba, có thể xuất hiện vấn đề nhiễm trùng tiểu sau sinh.

Một vấn đề quan trọng là giai đoạn này, người mẹ bắt đầu thích nghi cuộc sống chăm lo cho con, thay đổi hormon nội tiết, dễ bị stress, trầm cảm nếu không nhận được sự hỗ trợ của người thân, của chồng và những người trong gia đình.

5. Trầm cảm, băng huyết, nhiễm trùng, các vấn đề nguy hiểm cho mẹ sau sinh

Đâu là căn bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khoẻ của sản phụ sau sinh?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Tất cả các bệnh lý xảy ra ở giai đoạn sau sinh đều có thể nguy hiểm cho người mẹ, đặc biệt là băng huyết - một tai biến sản khoa.

Có thể đánh giá mức độ quan trọng hàng đầu. Khi chảy máu nhiều, người mẹ có thể tụt huyết áp, rối loạn dư lượng tuần hoàn, nguy hiểm tính mạng. Nhiễm trùng cũng là tình trạng đe dọa không kém, nhiễm trùng hậu sản, viêm nội mạc tử cung, nhiễm trùng vết mổ có thể đưa đến nhiễm trùng toàn thân.

Tâm lý và tình thần của người mẹ cũng cần được quan tâm trong thời kỳ hậu sản, đây là vấn đề rất được quan tâm sau này. Giai đoạn này, người mẹ cạn kiệt sức lực do phải chăm con, lo lắng bé bú được hay không, lo cho tình trạng của trẻ, nếu không có sự hỗ trợ của người thân và chồng, mẹ không được ngủ và nghỉ ngơi đầy đủ, dễ bị stress và trầm cảm, đặc biệt là trầm cảm sau sinh dễ dẫn đến tổn hại cho em bé và chính người mẹ đó.

6. Các dấu hiệu cảnh báo bất thường sau sinh mẹ phải quay lại bệnh viện ngay

Các căn bệnh này có những phương pháp nào điều trị và có thể cải thiện sức khỏe trong thời gian bao lâu?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Tất cả các bệnh nguy hiểm cho người mẹ trong giai đoạn hậu sản đều có thể can dự và cải thiện. Đối với băng huyết sau sinh có thể dự phòng bằng cách tăng gò tử cung ngay từ giây phút đầu tiên khi em bé sổ thai chào đời, sử dụng oxytocin để giúp gò tử cung.

Phương pháp thứ hai là khi mẹ cho bé bú, giúp người mẹ kích thích oxytocin nội sinh và giúp tử cung co hồi tự nhiên.

Biện pháp thứ ba, tư vấn cho mẹ các triệu chứng cần quay lại bệnh viện ngay như ra máu âm đạo nhiều, ra sản dịch nhiều, mệt, chóng mặt.

Đối với vấn đề nhiễm trùng, nếu sản phụ có tình trạng sốt sau sinh, sản dịch có mùi hôi, tiểu rát buốt, vết thương tầng sinh môn sưng đau, vết mổ nề đau và chảy mủ là các dấu hiệu mẹ cần quay lại bệnh viện ngay để bác sĩ xử trí kịp thời. 

7. Theo dõi huyết áp và chăm sóc vết thương, vết mổ ở người mẹ sau sinh

Dạ thưa BS, hiện tại có những mẹ sinh thường hoặc sinh mổ, vậy việc chăm sóc cho sản phụ sinh thường hoặc sinh mổ có điểm gì khác?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Sản phụ có thể sinh qua ngả âm đạo hoặc sinh mổ tùy theo diễn tiến cuộc sinh và sức khỏe của em bé.

Sau sinh, người mẹ cần được theo dõi mạch, huyết áp, nếu sản phụ sinh thường phải chăm sóc vết thương ở tầng sinh môn và chăm sóc vết mổ nếu sản phụ sinh mổ. Các sản phụ đều được hướng dẫn biện pháp theo dõi và vận động sớm.

8. Vận động sau sinh giúp mẹ phục hồi nhanh chóng, tránh nhiễm trùng

Trong giai đoạn đầu sau sinh, việc đi lại vẫn còn khó khăn, đặc biệt đối với mẹ sinh mổ, vậy thời gian này việc vệ sinh cá nhân của mẹ cần thực hiện và lưu ý như thế nào?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Sau sinh, người mẹ thường có tình trạng đau vết may tầng sinh môn nếu sinh qua cửa mình hoặc đau vết mổ nếu sinh mổ, tuy nhiên việc vận động vô cùng quan trọng.

Theo quan niệm xưa, mẹ cần nghỉ ngơi để tránh hệ lụy sau này như đau lưng, các ảnh hưởng… đó là quan niệm sai lầm.

Theo y học hiện đại, người mẹ cần được vận động sớm tránh sản dịch ứ đọng, có thể tự ngồi dậy, tự vệ sinh cá nhân, đó là cách giúp mẹ hồi phục nhanh chóng, tránh các nguy cơ nhiễm trùng.

9. Dinh dưỡng thời kỳ hậu sản cần lưu ý gì?

Chế độ dinh dưỡng tốt nhất đối với mẹ sinh thường và mẹ sinh mổ trong thời kỳ hậu sản cần lưu ý những gì?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Trong thời gian hậu sản, ngoài việc nạp dinh dưỡng thêm cho mẹ, còn cần lấy dinh dưỡng để nuôi em bé khi nuôi con bằng sữa mẹ, do đó nhu cầu dinh dưỡng này tăng lên khoảng 500 kcal so với thời gian mang thai.

Các bữa ăn của người mẹ được cung cấp nhiều hơn gồm 3 bữa chính và 3 bữa phụ. Các nhóm thức ăn chính là đạm, chất béo, tinh bột, rau xanh, sữa, canxi. Trong đó, lượng đạm cần nạp đối với người mẹ đang cho con bú trung bình một ngày từ 80-100gr, các thực phẩm giàu đạm như thịt bò, thịt gà, thịt heo, các loại cá, trứng…

Chất béo nên lựa từ thực vật hoặc mỡ cá sẽ tốt hơn chất béo động vật. Bên cạnh đó, rau củ, trái cây cũng đóng vai trò quan trọng trong thành phần dinh dưỡng của mẹ sau sinh, cung cấp chất xơ, vitamin, tránh tình trạng táo bón cho sản phụ sau sinh.

Ngoài ra, để có sữa cho bé bú, sản phụ cần bổ sung đủ nước, ít nhất 2-2,5 lít nước/ngày, bên cạnh nước khoáng, cần bổ sung thêm các loại nước ép, đặc biệt là sữa. Nhu cầu sữa của người mẹ cần rất nhiều, ít nhất 700 ml/ngày, giúp mẹ bổ sung canxi, protein và phù hợp với chế độ nuôi con hoàn toàn bằng sữa.

>>> Phần 2: Ở cữ theo khoa học, những tập tục nào cần loại bỏ?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X