Chảy máu ồ ạt do nhau tiền đạo gây nguy hiểm tính mạng cho cả mẹ và thai nhi
Nhau tiền đạo là tình trạng không quá phổ biến trong thai kỳ nhưng có thể gây nguy hiểm tính mạng cho cả mẹ và bé nếu không phát hiện sớm, dẫn đến chảy máu ồ ạt. Mời bạn đọc cùng tìm hiểu vấn đề này qua chia sẻ của các chuyên gia Bệnh viện Hùng Vương - PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang và BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương.
1. Mỗi năm ước tính có khoảng 5.000 người bị nhau tiền đạo
Chúng ta phải hiểu sao cho đúng về nhau tiền đạo, thưa BS? Tình trạng này có phổ biến trong thai kỳ?
PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang - Trưởng khoa Sanh, Bệnh viện Hùng Vương, Chủ nhiệm Bộ môn Sản - Phụ khoa, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trả lời: Tử cung của người phụ nữ có hình dạng giống một chiếc túi lộn ngược, miệng túi hướng ra ngoài vào trong phía âm đạo, đó là đường đi của em bé từ trong buồng tử cung ra ngoài. Nhau tiền đạo nghĩa là bánh nhau nằm phía trước, chặn đường đi ra ngoài của em bé.
Về mặt chuyên môn, tỷ lệ mắc nhau tiền đạo khá thấp, trong 1.000 người chỉ có khoảng 3-5 người có nguy cơ gặp vấn đề này. Ở người bình thường sau khi em bé đã sinh ra và cắt dây rốn, bánh nhau mới được ra khỏi cơ thể người mẹ.
Vị trí bánh nhau tiền đạo nằm gần lỗ cổ tử cung, thậm chí bịt hẳn cổ tử cung đối với những tình huống nghiêm trọng, khi đó người mẹ không thể sinh được. Theo góc nhìn chuyên môn, nếu bánh nhau nằm cách cổ tử cung 2cm được xếp vào các hình thức nhau tiền đạo.
Tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 1.000.000 em bé được sinh ra, với tỷ lệ sinh này ước lượng trung bình sẽ có khoảng 5.000 người có thể mắc tình trạng nhau tiền đạo mỗi năm ở nước ta.
2. Dùng chất kích thích, nạo thai, sinh mổ nhiều lần… là yếu tố nguy cơ của nhau tiền đạo
Những nguyên nhân nào đưa đến nhau tiền đạo, thưa BS? Những người nào thì sẽ có nguy cơ gặp phải tình trạng này hơn ạ?
BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương - Trưởng khoa Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Nhau tiền đạo là tình trạng bánh nhau bám ở vị trí bất thường, bình thường bánh nhau sẽ bám ở vị trí mặt trước, mặt sau hoặc trên đáy tử cung, khi em bé ra đời bánh nhau sẽ bong ra. Nhau tiền đạo bám ở vị trí đoạn dưới, che bít một phần, toàn bộ hoặc bám thấp vị trí đoạn dưới tử cung, việc này phụ thuộc vào quá trình phôi làm tổ, trứng gặp tinh trùng tạo thành hợp tử phát triển thành phôi, khi phôi vào trong buồng tử cung bám vào vị trí nào làm tổ thì nhau thai sẽ bám vào vị trí đó, vì vậy rất khó kiểm soát vị trí phôi bám.
Đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể gây ra nhau tiền đạo, tuy nhiên có những trường hợp có yếu tố nguy cơ như: thai phụ lớn tuổi; người đã sinh nhiều lần; có tiền căn sảy thai hoặc nạo phá thai nhiều lần; người có tổn thương trên nội mạch tử cung như đã từng có tiền căn bóc nhân xơ tử cung, từng mổ sinh, đặc biệt người mổ sinh càng nhiều lần nguy cơ nhau tiền đạo càng cao. Hoặc trong các trường hợp điều trị hiếm muộn, trường hợp đa thai như song thai, tam thai sẽ có nguy cơ bị nhau tiền đạo cao hơn người bình thường. Người mẹ có sử dụng chất kích thích như cocaine, thuốc lá… là những người có yếu tố nguy cơ cao của nhau tiền đạo.
3. Nhau tiền đạo thuộc nhóm nguy hiểm nhất đối với thai kỳ nguy cơ cao
Nhau tiền đạo có thể xuất hiện từ giai đoạn nào của thai kỳ? Những nguy cơ, rủi ro nào mẹ và bé có thể phải đối diện nếu bị nhau tiền đạo, thưa BS?
PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang trả lời: Phôi sau khi thụ tinh ở bên ngoài tử cung, nằm ở khoảng 1/3 vòi trứng, sau đó trứng thụ tinh di chuyển dần vào và làm tổ trong lòng tử cung, vị trí phôi bám sẽ là nơi phát triển thành bánh nhau, người mẹ không thể lựa chọn vị trí phôi bám không nằm trong vùng bất thường, ngay cả khi phải can thiệp bằng phương pháp kỹ thuật cao như thụ tinh ống nghiệm, khi chuyển phôi vào buồng tử cung cũng không thể đảm bảo việc đưa vào đúng đáy hay không nằm ở vị trí bám thấp.
Khi vị trí nhau đã bám thấp, thai phụ không thể tự phát hiện, đến thời điểm bắt đầu đi khám trong những tuần đầu tiên để xác định túi thai đã có trong lòng tử cung hay chưa, nghĩa là sau quan hệ có khả năng có thai, người phụ nữ trễ kinh, đến khoảng 1-2 tuần khi thai đã đậu, khi đó mới có thể định vị được 1 phần vị trí của túi thai.
Phần lớn trường hợp thai bình thường sẽ nằm vị trí cao, còn những trường hợp thấy túi thai đóng ở vị trí thấp, gần lỗ cổ tử cung, đó là những dấu hiệu cho bác sĩ đặt vấn đề liệu có nhau bám vị trí bất thường. Từ đó cho thấy việc phát hiện nhau thai bám ở vị trí bất thường phải dựa trên hình ảnh học thông qua phương tiện có thể thực hiện nhiều lần và được xem là an toàn hiện nay đó là siêu âm.
Chảy máu là mối nguy hiểm lớn nhất của nhau bám bất thường. Nguyên nhân chảy máu do nhau bám ở vị trí bất thường, độ sâu, dễ bong tróc, đặc biệt vào tam cá nguyệt thứ 3 khoảng 26-27 tuần, qua tuần lễ thứ 29 trở đi, các cơn co tử cung sinh lý, đặc biệt là vùng gần lỗ cổ tử cung khiến bánh nhau di chuyển, thậm chí tách ra, lúc này máu giao tiếp giữa mẹ và con (hồ huyết, vùng trao đổi chất giữa mẹ và thai nhi) sẽ chảy máu.
Thông thường vấn đề chảy máu sẽ xảy ra nhiều lần, lâu dần lượng máu chảy ra càng nhiều, mức nghiêm trọng nhất là chảy máu ồ ạt, nếu không đến bệnh viện kịp có thể nguy hiểm đến tính mạng cho cả mẹ và con. Do đó nhau tiền đạo được xếp vào nhóm được xem là nguy hiểm nhất trong nhóm thai kỳ nguy cơ cao, và sản khoa sẽ có các kế hoạch để dự phòng vấn đề này và xử khi tình huống ra máu bất thường cho thai phụ.
Tóm lại cần phát hiện và có kế hoạch chuẩn bị cho tình huống bất ngờ xảy ra.
4. Khám thai định kỳ để tầm soát vị trí bánh nhau, bất thường và sự phát triển thai nhi
Mẹ bầu có thể nhận diện nhau tiền đạo qua các dấu hiệu cảnh báo nào? Khi có những triệu chứng này, mẹ bầu sẽ được thăm khám ra sao và chẩn đoán nhau tiền đạo qua những phương tiện nào?
BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Phương pháp chẩn đoán nhau tiền đạo chủ yếu ngày nay là hình ảnh siêu âm. Trên lâm sàng và thăm khám thông thường có thể phát hiện nhau tiền đạo nhưng khi đó đã là dấu hiệu giai đoạn muộn. Nghĩa là khi thai phụ có ra máu âm đạo (ít hoặc nhiều), lượng máu đó có thể đỏ tươi hoặc máu cục, kèm theo đau bụng hoặc cơn gò, thậm chí không có cảm giác đau bụng, lúc này đã đến giai đoạn bánh nhau bị bong tróc gây chảy máu ra ngoài.
Tình huống ra máu sẽ tùy từng thời điểm, có thể ra ít và tự cầm máu nhưng nhau tiền đạo luôn luôn có khuynh hướng ra máu tái phát nhiều đợt, những đợt sau ra máu nhiều hơn đợt trước, và thời gian ra máu ngày càng gần lại, không ai dự đoán được mức độ chảy máu của mỗi lần, có thể chảy lượng ít, hoặc ra máu 10 - 15 phút, thậm chí chảy máu ồ ạt từ 300 - 500ml máu.
Do đó nếu không đi khám, chỉ dựa trên các triệu chứng lâm sàng như chảy máu hay ngôi thai, cụ thể đến 3 tháng cuối thai kỳ, thai nhi thay đổi tư thế và xoay xuống dưới, có câu “ngôi thuận là ngôi đầu” để em bé dễ dàng sinh ra. Nhưng khi nhau tiền đạo, bánh nhau che kín cổ tử cung làm chặn lối ra của em bé, không bình chỉnh được tốt và có tình trạng thai nhi ở ngôi mông, ngôi ngang.
Lời khuyên đối với các thai phụ là nên đi khám thai theo lịch hẹn của bác sĩ, hiện nay siêu âm là phương pháp hữu hiệu, an toàn và hiệu quả để tầm soát vị trí bánh nhau, bất thường thai, phát triển của thai.
- Như vậy một thai phụ đi thăm khám ngay từ những ngày đầu bắt đầu có dấu hiệu mang thai thì đến tuần thai thứ bao nhiêu có thể phát hiện nhau tiền đạo, thưa BS?
BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Trong giai đoạn sớm khi khám thai có thể thấy túi thai ở vị trí bám thấp hoặc vị trí bánh nhau bám thấp, tuy nhiên khoảng từ tuần 18 đến tuần 22 là thời điểm siêu âm thường quy để khảo sát hình thái bất thường của thai, đồng thời bác sĩ sẽ siêu âm đến vị trí nhau thai và thông tin cho mẹ biết được vị trí này có bám thấp hay không.
Theo thời gian khi em bé phát triển, tử cung sẽ lớn lên, đoạn dưới tử cung kéo dài ra, một số tình huống bánh nhau được kéo dài dần, khi đó khoảng cách mép dưới bánh nhau so với tử cung có thể kéo dài ra, đến thời điểm kế tiếp từ khoảng 28 đến 32 tuần sẽ siêu âm để kiểm tra lại vị trí nhau bám. Thực tế bác sĩ luôn kiểm tra vấn đề này mỗi lần siêu âm nhưng kèm theo đó họ có kiểm tra thêm vị trí bờ dưới bánh nhau so với lỗ cổ tử cung, nếu khoảng cách này dưới 20mm gọi là nhau bám thấp, bám sát lỗ trong cổ tử cung gọi là nhau bám mép, che một phần gọi là nhau tiền đạo bán trung tâm, che bít hoàn toàn gọi là nhau trung tâm.
Tóm lại bắt đầu từ thời điểm từ 18 - 22 tuần thai khi siêu âm hình thái thường quy đã có được hình ảnh của siêu âm bánh nhau, vị trí có nghi ngờ bám thấp hay không, sau đó các bác sĩ vẫn tiếp tục đánh giá vị trí bánh nhau. Thời điểm từ 28 - 32 tuần có thể nhìn rõ nhất vị trí bánh nhau. Giai đoạn tiếp theo đến khi kết thúc thai kỳ vẫn tiếp tục thực hiện siêu âm để khẳng định vị trí bánh nhau.
5. Thăm khám tối thiểu 3 lần/ thai kỳ để tầm soát nhau tiền đạo và bất thường thai
Tất cả phụ nữ mang thai (không có yếu tố nguy cơ, không có triệu chứng bất thường) có cần khảo sát/tầm soát vấn đề nhau tiền đạo? Nếu có thì tuần thai nào là phù hợp để kiểm tra, thưa BS?
PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang trả lời: Hiện nay trong các chương trình về quản lý thai quốc gia, liên quan đến các bước thăm khám được yêu cầu trong một thai kỳ phải thăm khám tối thiểu 3 lần gồm 3 tháng đầu thai kỳ, 3 tháng giữa thai kỳ và gần ngày sinh.
Trung bình mỗi thai phụ nếu đi khám đúng theo lịch trình sẽ khoảng 8-9 lần (mỗi tháng 1 lần). Trong 3 lần khám tối thiểu, lần đầu sẽ xác định có thai hay không; đơn thai hay song thai; thai có nằm đúng vị trí hay không như trong lòng tử cung, ngoài tử cung… ; vị trí túi thai ở thấp hay không, nếu gần lỗ cổ tử cung nghĩa là có nguy cơ của nhau tiền đạo hay vị trí bám của nhau bất thường.
Chi phí cho mỗi lần siêu âm tương đương “2 cốc trà sữa” khoảng 100.000 VNĐ - 200.000 VNĐ, theo một số khảo sát chi phí này không quá mắc đối với sự an toàn của mẹ và thai nhi.
Trong lần khám thứ 2 người mẹ sẽ siêu âm vào thời điểm từ 20-24 tuần, vì giai đoạn này ngoài đánh giá vị trí bánh nhau còn kiểm tra chiều dài của cổ tử cung để sàng lọc và phát hiện trường hợp sinh non, đây là vấn đề chiếm tỷ lệ cao hơn nhau tiền đạo với 10% trong các thai kỳ. Đồng thời tiếp tục kiểm tra hình thái học của em bé, các khiếm khuyết ở hộp sọ, cột sống, tim, các chi…
Lần thứ 3 là vào thời điểm gần sinh (khoảng 2-3 tuần trước ngày dự sanh), lúc này các bác sĩ sẽ kiểm tra lại các bất thường của nhau bám. Cụ thể khi thai được 30 tuần trở đi, tử cung bắt đầu có các cơn co sinh lý giúp đoạn dưới tử cung mỏng và dài ra, vì vậy vị trí mép dưới bánh nhau so với lỗ trong tử cung lúc này có thể thay đổi về khoảng cách.
Vị trí bám của bánh nhau không thay đổi, do lỗ trong cổ tử cung giãn mỏng tạo cảm giác về hệ quy chiếu dài ra và cách xa mép dưới của bánh nhau. Do đó cần làm lại để xác định mép dưới bánh nhau có gần lỗ trong của cổ tử cung hay không, nếu cách dưới 20mm được xác định là nhau tiền đạo.
Khi bị nhau bám bất thường bệnh nhân sẽ lo lắng, tuy nhiên nếu có sự hiểu biết về vấn đề này sẽ giảm bớt một phần so với những người hoàn toàn không hiểu về nhau tiền đạo. Đây là điều các bác sĩ mong muốn thông qua các chương trình truyền thông về y tế để truyền tải thông điệp có tính liên quan đến tình trạng được cho là rất nguy hiểm, tuy nhiên các bác sĩ cố gắng giải thích để thai phụ, người thân, cộng đồng hiểu được vấn đề liên quan tình trạng nhau bám ở vị trí bất thường gọi là nhau tiền đạo.
>>> Mẹ bầu bị nhau tiền đạo, nhau cài răng lược có bảo tồn được tử cung không?
>>> Khi có chẩn đoán nhau tiền đạo, nhau cài răng lược mẹ bầu cần làm gì?
>>> Thai phụ bị nhau tiền đạo - nhau cài răng lược có thể ngưng tim trên bàn mổ do mất máu quá nhiều
Chương trình Radar Sản phụ khoa do Bệnh viện Hùng Vương phối hợp cùng AloBacsi thực hiện, phát sóng định kỳ vào thứ 4 của tuần 1 và tuần 3 mỗi tháng trên các nền tảng của AloBacsi và Bệnh viện Hùng Vương.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình