Hotline 24/7
08983-08983

Thai phụ bị nhau tiền đạo - nhau cài răng lược có thể ngưng tim trên bàn mổ do mất máu quá nhiều

Nhau cài răng lược là mối nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi, đặc biệt vấn đề này còn có mối liên quan mật thiết với nhau tiền đạo vì hai tình trạng này đều có thể xuất hiện trên cùng một thai phụ. Tất cả các vấn đề trên sẽ được PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang và BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương chia sẻ sau đây.

1. Sinh mổ nhiều lần tăng nguy cơ bị nhau cài răng lược

Nhau tiền đạo và nhau cài răng lược có mối liên kết với nhau như thế nào, thưa BS? Có phải bất kỳ mẹ bầu nào bị nhau tiền đạo cũng đều bị nhau cài răng lược hay có những yếu tố nào thúc đẩy trở thành nhau cài răng lược ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương - Trưởng khoa Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Nhau tiền đạo ở vị trí phía trước thai che một phần cổ tử cung hoặc bám thấp đoạn dưới tử cung, là nói về bất thường của vị trí nhau bám. Còn đối với nhau cài răng lược như chiếc cài tóc răng lược, có độ bám rất chắc và khó bóc ra, cho biết tình trạng bánh nhau đã bám sâu và chắc vào trong cơ tử cung.

Khi em bé ra đời, bánh nhau phải bong ra hoàn toàn tử cung mới gò lại và cầm máu. Một số trường hợp bánh nhau bám rất chặt và không tự bong được, thậm chí bóc nhau rất khó khăn và trường hợp này bị ra máu lượng lớn, đó gọi là nhau cài răng lược. Hiểu rõ hơn đó là bất thường về độ xâm lấn của bánh nhau vào trong cơ tử cung, trong khi bình thường bánh nhau không xâm lấn vào vị trí này mà chỉ bám trên bề mặt niêm mạc nội mạc cổ tử cung và được bong ra dễ dàng sau khi mẹ sinh em bé.

Qua đó cho thấy nhau tiền đạo là bất thường về vị trí nhau bám, còn nhau cài răng lược là bất thường về vị trí nhau xâm lấn. Đây là hai tình huống khác nhau, tuy nhiên có thể xảy ra trên cùng một thai phụ và có mối liên quan mật thiết với nhau. Những trường hợp vị trí nhau bám bất thường, đặc biệt là những người đã từng mổ sinh nhiều lần tăng nguy cơ phôi làm tổ ở vị trí sẹo mổ cũ, đây là vị trí không giống mô bình thường, từ đó các gai nhau sẽ lan sâu vào cơ cổ tử cung để tìm kiếm nguồn máu nuôi em bé, những trường hợp này dễ dẫn đến nhau cài răng lược.

Các nghiên cứu cho thấy số thai phụ bị nhau cài răng lược sẽ tăng theo số lần mổ sinh của thai phụ đó, đặc biệt là những thai phụ vừa có yếu tố mổ sinh kèm nhau tiền đạo, nguy cơ nhau cài răng lược cao hơn rất nhiều.

Trường hợp bị nhau cài răng lược thường có tiền sử mổ sinh nhiều lần; có nhau tiền đạo hoặc nhau cài răng lược trong lần mang thai trước; lần mang thai này có nhau tiền đạo hoặc đa thai; thai phụ có các tổn thương phải can thiệp trên lòng tử cung trước đó như đã nạo phá thai nhiều lần, từng mổ bóc nhân xơ trong cơ tử cung là các yếu tố nguy cơ cao dẫn tới rau cài răng lược.

2. Nhau cài răng lược và nhau tiền đạo là “anh em ruột”

Ngoài nhau tiền đạo, còn những nguyên nhân nào đưa đến nhau cài răng lược, thưa BS? Như vậy, những phụ nữ mang thai nào sẽ có nguy cơ gặp tình trạng này cao hơn ạ?

PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang - Trưởng khoa Sanh, Bệnh viện Hùng Vương, Chủ nhiệm Bộ môn Sản - Phụ khoa, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trả lời: Nhau cài răng lược và nhau tiền đạo là “anh em ruột”, có nhiều sự liên đới mật thiết, những nguyên nhân gây ra nhau tiền đạo đều có trong nhóm nguyên nhân dẫn đến nhau cài răng lược.

Tuy nhiên hai vấn đề này có sự khác biệt về vị trí bánh nhau bám sâu hơn, một thai kỳ bình thường bánh nhau và tử cung không bị dính chặt, sau khi sinh ranh giới giữa bánh nhau và bà mẹ (hồ huyết) được tróc ra và có hiện tượng chảy máu sau khi xổ bánh nhau. Còn đối với nhau cài răng lược sẽ bám sâu vào trong cơ tử cung, mức độ bám sâu được chia ra theo độ dày của cơ tử cung, nếu bám 1/3 tính từ trong ra ngoài được gọi là accreta, bám 2/3 gọi là increta, và nếu bám xuyên hết cơ tử cung, thậm chí có thể ăn vào cơ quan xung quanh tử cung như bóng đái, ruột… đây là thể nặng nhất của nhau cài răng lược được gọi là percreta.

Như vậy những tử cung có sẹo liên quan trong lòng tử cung, bánh nhau bám lên vùng có sẹo tạo  khả năng ăn sâu rất lớn.

Ví dụ một thai phụ trước đó có u xơ tử cung nằm sâu trong lòng tử cung gây băng kinh, cường kinh. Các bác sĩ phải mổ để bóc u xơ làm phạm vào trong lòng tử cung và phải khâu phục hồi. Đến khi người phụ nữ mang thai, bánh nhau bám vào vị trí sẹo có khả năng lớn gây ra nhau cài răng lược.

Hoặc trường hợp người từng nạo phá thai gây ra sẹo trong lòng tử cung. Một số người bị viêm sinh dục trong lòng tử cung gây ra các vết sẹo nặng, vì vậy bánh nhau bám sâu vào cơ tử cung. Những người mổ sinh có vết sẹo ở vị trí mổ lấy em bé, mang thai lần kế tiếp bánh nhau bám vào vị trí sẹo, nguy cơ bị cả nhau tiền đạo và nhau cài răng lược rất thường gặp vì đây là sẹo phổ biến do xu hướng mổ sinh trên thế giới ngày càng tăng.

Trước đây theo thống kê cứ 10.000 ca có thai mới có 1 ca nhau cài răng lược, nhưng hiện nay tỷ lệ này đã tăng lên cứ 1.000 ca là có 1 ca bị nhau cài răng lược, tỷ lệ tăng gấp 10 lần so với 15-20 năm trước.

Về vấn đề quản lý nhau tiền đạo sẽ liên quan đến quản lý nhau cài răng lược. Cụ thể, trong nhau tiền đạo được quản lý với một chương trình đặc biệt hơn các vấn đề khác. Một thai phụ bình thường không bị nhau tiền đạo trong thai kỳ vợ chồng có thể gần gũi, nhưng nếu bị nhau tiền đạo vấn đề này không cho phép vì gây ra nguy cơ chảy máu.

Nhau tiền đạo có thể ra huyết bất cứ thời điểm nào nên thai phụ và gia đình phải chuẩn bị tâm lý đón một em bé non tháng, mẹ bị chảy máu bởi vì nhau tiền đạo, đặc biệt là thể nhau tiền đạo trung tâm hay nhau cài răng lược nếu ra máu nhiều có thể không cầm được, khi đó phải mổ để cầm máu cứu bà mẹ. Trường hợp này nếu em bé không quá non tháng và đã có sự chuẩn bị cho phổi của em bé (do em bé có nguy cơ tử vong cao khi sinh non) sẽ cứu được bà mẹ và em bé.

Vì vậy các bác sĩ phải lên kế hoạch chuẩn bị phổi cho em bé, chích thuốc kích thích trưởng thành phổi thai bắt đầu từ tuần thai thứ 24 trở đi, thậm chí phải bảo vệ não bộ em bé, giảm cơn co tử cung sinh lý… Tất cả các vấn đề trên đều được lồng ghép trong chương trình quản lý nhau tiền đạo.

Ngoài ra cần xác định nhóm máu của thai phụ, 4 nhóm máu thường gặp gồm O, A, B và AB, trong đó nhóm máu AB là nhóm máu có tỷ lệ thấp trong cộng đồng (nhóm máu hiếm), đặc biệt nếu bệnh nhân có thêm nhóm máu thể Rh- (đa phần người Việt Nam thuộc Rh+), gom các yếu tố ở một thai phụ nhóm máu AB (Rh-) bị nhau tiền đạo không có chuẩn bị trước, cho dù đến bệnh viện kịp thời, được mổ, kiếm máu truyền vẫn có thể không cứu được.

Nếu máu mất quá nhiều, không truyền được máu và đúng nhóm máu có thể ngưng tim trên bàn mổ… Vì vậy phải có sự chuẩn bị, biết nhóm máu, xác định có nhóm máu hiếm hay không, nếu thai phụ có nhóm máu hiếm cần đi khám ở đơn vị nào có thể liên hệ đến ngân hàng máu lớn và có người tình nguyện hiến máu vì đó là các nguồn máu sống và nhóm máu hiếm, có thể liên hệ hiến máu trong các trường hợp đặc biệt. Các vấn đề này đều nằm trong chương trình quản lý nhóm thai phụ nhau tiền đạo và nhau cài răng lược bởi vì phải đối đầu với vấn đề chảy máu.

Một vấn đề tiếp theo cần đối diện là thai phụ phải sinh mổ vì bị nhau tiền đạo trung tâm, không thể sinh thường, khi đó cần sắp xếp lịch mổ và cơ sở mổ lấy thai vì không phải bệnh viện nào cũng có thể thực hiện.

Nơi có thể mổ lấy thai cho thai phụ bị nhau tiền đạo phải có nhóm phẫu thuật viên được đào tạo chuyên sâu về mổ cho những tình huống liên quan đến nhau tiền đạo và nhau cài răng lược, khi đó mới có thể giúp giữ được tử cung cho mẹ, thậm chí trong tình huống đặc biệt phải cắt tử cung cũng không làm tăng thêm nguy cơ do cắt phạm đến các cơ quan khác, vì khi đó phải mổ trong tình trạng cấp cứu, vừa chảy máu ồ ạt, giữ tử cung, đảm bảo được tim không bị ảnh hưởng bởi vấn đề mất máu… rất nhiều vấn đề liên quan đặc biệt tới nhóm bệnh lý này, đó là vai trò quan trọng của sự nguy hiểm đối với vấn đề nhau bám bất thường (nhau tiền đạo) và còn nguy hiểm hơn, tăng cấp độ hơn đối với tình huống nhau cài răng lược.

>>> Chảy máu ồ ạt do nhau tiền đạo gây nguy hiểm tính mạng cho cả mẹ và thai nhi

>>> Mẹ bầu bị nhau tiền đạo, nhau cài răng lược có bảo tồn được tử cung không?

>>> Khi có chẩn đoán nhau tiền đạo, nhau cài răng lược mẹ bầu cần làm gì?

Chương trình Radar Sản phụ khoa do Bệnh viện Hùng Vương phối hợp cùng AloBacsi thực hiện, phát sóng định kỳ vào thứ 4 của tuần 1 và tuần 3 mỗi tháng trên các nền tảng của AloBacsi và Bệnh viện Hùng Vương.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X