Bệnh lý kênh nhĩ thất cần phát hiện trong bào thai hoặc chẩn đoán sớm sau sinh
Hiệp hội Tim Bẩm sinh Đông Nam Á tổ chức “Hội thảo khoa học nâng cao kết quả điều trị kênh nhĩ thất (AVSD)” tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, đón nhiều chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước đến tham dự và chia sẻ kinh nghiệm trong phẫu thuật điều trị bệnh lý tim bẩm sinh kênh nhĩ thất.
“Hội thảo khoa học nâng cao kết quả điều trị kênh nhĩ thất (AVSD)” diễn ra trong 2 ngày (19 và 20/4/2024) tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM quy tụ các chuyên gia, bác sĩ, phẫu thuật viên tim mạch của Việt Nam và từ nhiều nước Đông Nam Á khác.
Nội dung phiên 1 tập trung bàn luận Kênh nhĩ thất (AVSD): Phôi học và chẩn đoán. Phiên 2 đề cập đến Kênh nhĩ thất (AVSD) - Chiến lược điều trị và phẫu thuật. Phiên 3 là thời gian để các báo cáo viên Chia sẻ kinh nghiệm thực hành lâm sàng AVSD.
Ngày thứ hai của hội thảo mang đến những kiến thức mới về Những kỹ thuật trong phẫu thuật kênh nhĩ thất (AVSD) và thực hành trên mô hình.
TS.BS Cao Đằng Khang - Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim trẻ em, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM - Phó Chủ tịch Liên Chi Hội Tim mạch Nhi và Tim Bẩm sinh TPHCM nhận định: “Thách thức trong điều trị kênh nhĩ thất tại Việt Nam cũng giống như những nước đang phát triển tại khu vực Đông Nam Á. Chúng ta phải làm sao chẩn đoán sớm, có phương pháp điều trị kịp thời.
Trước đây, tại Việt Nam, bệnh lý này thường bị chẩn đoán trễ dẫn đến nhiều trường hợp phẫu thuật can thiệp trễ. Điều này khiến gánh nặng điều trị và vấn đề xử lý biến chứng do điều trị trễ nhiều thêm.
Hiện nay, phương tiện chẩn đoán ở Việt Nam ngày càng tiến bộ, nhiều trường hợp được phát hiện sớm hơn và được điều trị ở thời điểm phù hợp. Chính vì vậy, việc cập nhật về thời điểm điều trị, quy trình mổ và phác đồ phẫu thuật là hết sức hữu ích cho việc điều trị bệnh lý này ở Việt Nam”.
PGS.TS.BS Lê Minh Khôi - Trưởng phòng Khoa học và Đào tạo, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM - Phó Chủ tịch Liên Chi Hội Tim mạch Nhi và Tim Bẩm sinh TPHCM cho biết, bệnh lý tim mạch ở người lớn đã có rất nhiều hội nghị, hội thảo được tổ chức mỗi năm. Trong khi đó, tim bẩm sinh lại ít có cơ hội tổ chức hội nghị khoa học thực sự.
Chia sẻ về lý do chọn chủ đề tim bẩm sinh, đặc biệt là kênh nhĩ thất, PGS.TS.BS Lê Minh Khôi bày tỏ: “Đây là bệnh lý này khá thường gặp. Trong 10.000 em bé sinh ra thì có khoảng 3 em bị tim bẩm sinh kênh nhĩ thất. Nếu được phát hiện từ trong bào thai hoặc phát hiện sớm sau sinh, việc điều trị mặc dù khó khăn nhưng sẽ có kết quả tốt đẹp. Trường hợp phát hiện trễ, bệnh lý sẽ để lại nhiều biến chứng: suy tim, viêm phổi, tăng áp phổi và dẫn đến tiên lượng xấu”.
Theo PGS.TS.BS Lê Minh Khôi, hội thảo này được tổ chức nhằm mục đích cung cấp cho các bác sĩ tim mạch, phẫu thuật viên, người chẩn đoán hình ảnh những kiến thức cơ bản nhất để có thể phát hiện sớm, hiểu rõ bệnh lý, đưa ra những phương pháp chẩn đoán, điều trị đúng nhất, thích hợp nhất cho trẻ.
TS.BS Cao Đằng Khang cho biết, điểm mới của hội thảo lần này là áp dụng phương pháp in 3D mới nhất để tạo ra mẫu vật giống với cơ thể người để các phẫu thuật viên trẻ thao tác, diễn tập dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Về phía chuyên gia quốc tế, BS Sivakumar Silvalingam - Giám đốc phụ trách chuyên môn, Trung tâm Phẫu thuật Tim Bẩm sinh, Viện Tim mạch Quốc gia Malaysia nhấn mạnh, hội nghị đã cung cấp một nên tảng rất tốt cho việc trao đổi kinh nghiệm cũng như kiến thức giữa các chuyên gia trong khu vực và các chuyên gia quốc tế khác. Vị chuyên gia từ Malaysia hy vọng Hiệp hội sẽ tiếp tục hoạt động tích cực hơn để đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân và các chuyên gia trong khu vực.
Thông qua việc tổ chức thành công hội nghị này, PGS.TS.BS Lê Minh Khôi mong muốn tạo nên một mạng lưới trong khu vực và xa hơn là mạng lưới quốc tế để trao đổi, học hỏi lẫn nhau và có thể thực hiện những nghiên cứu quy mô lớn. Từ đó, hình ảnh của ngành tim mạch nhi, tim bẩm sinh Việt Nam có thể vươn ra khu vực, vươn tầm quốc tế.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình