Hotline 24/7
08983-08983

Ở cữ theo khoa học, những tập tục nào cần loại bỏ?

Theo quan niệm xưa, mẹ bầu giai đoạn ở cữ phải kiêng cữ từ việc ăn uống đến vệ sinh cá nhân, thậm chí không được tắm trong 1 tháng sau khi sinh, điều này có thật sự khoa học? Làm thế nào để ở cữ đúng cách, tốt cho cả mẹ và bé? Vấn đề này sẽ được giải đáp bởi BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương - Trưởng khoa Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương.

1. Kiêng khem thời kỳ hậu sản, quan niệm nào cần loại bỏ?

Ngoài việc bổ sung chất dinh dưỡng tốt cho mẹ sau sinh thời kỳ hậu sản, giai đoạn này mẹ sau sinh cần kiêng ăn uống gì cho các mẹ sinh thường và sinh mổ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Theo quan niệm xưa, có rất nhiều vấn đề cần kiêng cữ sau sinh như kiêng ăn, kiêng gió, kiêng nước, kiêng vận động, hiện nay các vấn đề đó không còn phù hợp.

Thứ nhất là kiêng ăn, trải qua giai đoạn mang thai và cuộc sinh, người mẹ đã mất rất nhiều chất dinh dưỡng và sức khỏe suy kiệt, sau sinh tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ, nếu bắt mẹ kiêng quá độ, không đủ nguồn dinh dưỡng dẫn đến suy kiệt, do đó việc kiêng khem này không phù hợp.

Mẹ cần được ăn đủ chất dinh dưỡng thậm chí nhiều hơn trước đây để có nguồn dinh dưỡng cho bé bú, ăn đầy đủ các nhóm như đạm, rau xanh, sữa, nước. Bên cạnh đó, mẹ cần bổ sung thêm canxi có trong sữa, vitamin A, đó là lý do ở bệnh viện các mẹ thường được phát vitamin A sau sinh, ngoài ra, vitamin A cũng có trong các loại thức ăn.

Đồng thời, người mẹ nên bổ sung thêm sắt, bởi vì mẹ sinh thường sẽ mất khoảng 300ml máu, mẹ sinh mổ mất ít nhất 500ml máu, sắt sẽ tạo ra hồng cầu để tái tạo lại lượng máu đã mất. Sắt có trong thuốc sắt, trong các loại đạm, thịt bò.

Cuối cùng, mẹ cần có chế độ tập luyện, vận động và hỗ trợ về tâm lý.

Thứ hai là kiêng nước. Theo ông bà xưa, mẹ sau sinh không được tắm, gội đầu, tuy nhiên sau giai đoạn vượt cạn, cho con bú mẹ có thể vã mồ hôi, sản dịch là máu có thể tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển, nếu không được tắm rửa, vệ sinh, đây là nguồn của ổ vi khuẩn làm phát tán và đưa đến nhiễm trùng hậu sản, do đó người mẹ nên được vệ sinh cá nhân, tắm nước ấm, tắm nhanh, lau khô và sấy khô, giữ ấm. Bên cạnh đó, vệ sinh răng miệng, đánh răng, tự chăm sóc vết thương tầng sinh môn.

Thứ ba là kiêng gió, người mẹ không cần ở trong phòng với em bé suốt 24/24, mẹ có thể đi ra ngoài nhẹ nhàng vận động cùng con. Điều này giúp sản dịch không bị ứ đọng, nếu ứ sản dịch, tạo ra môi trường máu dễ dẫn đến nhiễm khuẩn nội mạc tử cung và nhiễm trùng hậu sản. Nếu mẹ vận động, khí huyết lưu thông, được giao tiếp với nhiều người sẽ giảm trầm cảm, việc ra ngoài cũng là hình thức tập thể dục, hít thở không khí giúp tâm trạng người mẹ thoải mái.

Thứ tư là kiêng vận động, theo quan niệm xưa, nếu mẹ sau sinh vận động sẽ gây hệ lụy đau lưng, điều này không còn phù hợp. Vận động giúp mẹ tránh ứ sản dịch và giảm nguy cơ tạo huyết khối, thuyên tắc mạch máu do huyết khối, giúp mẹ lấy lại sự dẻo dai, có thêm năng lượng, lấy lại vóc dáng sau sinh nhanh hơn.

Vấn đề dinh dưỡng và kiêng khem cho các mẹ sinh thường và sinh mổ được nhiều người quan tâm. Trên nguyên tắc, dinh dưỡng và kiêng khem cho mẹ sinh thường và sinh mổ không khác nhau, các mẹ sau sinh đều cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để phục hồi vết thương, sức khỏe, lượng máu đã mất, dinh dưỡng tạo sữa để nuôi con.

Tuy nhiên, mỗi phương pháp sinh sẽ có một số điểm khác nhau cần lưu ý, đối với sinh qua đường âm đạo, mẹ sẽ có vết cắt nhỏ tại cửa mình, do đó nên vệ sinh để chăm sóc. Đối với sinh mổ sẽ có vết mổ lớn ở bụng, đau hơn và phục hồi lâu hơn so với sinh thường, cần chú ý hơn trong việc chăm sóc.

Tuy nhiên những quan niệm kiêng các loại cam, chanh vì sợ chảy nước vàng, kiêng thịt bò vì sợ lồi thịt cần được hiểu rõ, đối với sản phụ sau sinh, nên bổ sung vitamin C, do đó không nên đánh giá việc hai loại quả này có vị chua, màu xanh, màu vàng gây rỉ dịch, tình trạng này chỉ xảy ra khi có nhiễm trùng vết thương.

Nhiều người cho rằng, ăn thịt bò, rau muống gây sẹo lồi, tuy nhiên phải dựa vào cơ địa từng người, một số người chỉ cần vết mụn hoặc vết trầy nhỏ cũng có thể gây ra sẹo lồi, không liên quan đến việc ăn uống.

2. Khuyến khích vận động sớm sau sinh

Ngoài chế độ dinh dưỡng, mẹ sau sinh thường và sinh mổ cần tập luyện vận động như thế nào để có một sức khỏe tốt nhất, tránh ngồi/ nằm thời gian dài thời kỳ hậu sản?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Sau khi sinh thường hoặc sinh mổ đều cần vận động. Tại Bệnh viện Hùng Vương, quan điểm ngày nay là các mẹ sau sinh nên vận động sớm, tuy nhiên sau khi bắt đầu ngồi dậy phải có người nhà kế bên, tránh tự ngồi dậy gây đau vết mổ, đau tầng sinh môn.

Đối với mẹ sinh ở cửa mình sẽ ít đau hơn và có thể vận động sớm hơn, tuy nhiên người sinh mổ vẫn cần vận động, có người ngồi kế bên hỗ trợ đỡ ngồi dậy để huyết áp ổn định, sau đó từ từ tập đứng lên, cần người dìu đỡ, bởi vì sau sinh mẹ bị mất máu, dễ chóng mặt, có người đỡ để tránh tình huống té ngã xảy ra.

Sau khi đứng lên, cảm thấy ổn định mới bắt đầu tập đi và có người kề bên, mẹ có thể tự vào toilet, đi vệ sinh và vệ sinh cá nhân.

3. Mẹ bầu sau sinh có thể nằm thoải mái mọi tư thế

Tư thế nằm của sản phụ sau sinh thế nào là tốt nhất?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Sản phụ sau sinh có thể nằm bất kỳ tư thế nào bản thân cảm thấy thoải mái, không có tư thế cố định và không thể nằm một tư thế suốt 24 tiếng. Tuy nhiên không nên nằm nhiều, chỉ nằm để nghỉ ngơi, ngủ, tránh nằm cả ngày.

Nên vận động vừa phải trong thời gian đầu, khi vết thương hồi phục và dựa theo khả năng mà mẹ có thể vận động nhiều hơn, ngồi dậy cho con bú, vệ sinh cá nhân và làm một số công việc xung quanh việc chăm sóc em bé.

4. Nhiệt độ phòng lý tưởng cho mẹ và bé là 26-28°C

Nhiệt độ phòng của mẹ và bé sau sinh nên để bao nhiêu độ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Đây là vấn đề quan trọng, em bé ở trong bụng mẹ đã quen với nhiệt độ 37°C, khi ra đời, em bé cần một nhiệt độ gần giống cơ thể mẹ, do đó nhiệt độ phòng lý tưởng là từ 26-28°C. Bên cạnh đó, em bé cần được mặc quần áo dài, đắp khăn mỏng tùy theo nhiệt độ bên ngoài, nhiệt độ này luôn phải ổn định.

Lưu ý, thỉnh thoảng phòng phải có sự thông thoáng khí cho bé có cơ hội trao đổi không khí với môi trường bên ngoài, tránh các phòng quá kín, tối. Nếu có thói quen nằm phòng tối, mẹ sẽ không phát hiện mức độ vàng da của bé, không điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến trí tuệ của bé sau này.

5. Mẹ sau sinh kiêng tắm dễ nhiễm trùng, bệnh về da và ảnh hưởng sức khỏe của bé

Theo quan niệm chăm sóc mẹ sau sinh của ông bà ta ngày xưa, trong thời gian ở cữ người mẹ phải kiêng tắm một tháng đầu sau sinh, quan điểm của BS về vấn đề này như thế nào?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Theo quan điểm của ông bà xưa, có thể xuất phát từ người mẹ sau sinh có mất máu, cơ thể dễ lạnh, do đó nghĩ đến việc kiêng chạm nước. Tuy nhiên thời nay đã có nước nóng, nước ấm, máy sấy, mẹ bỉm có thể gội đầu và sấy khô, sau đó mặc áo khoác để giữ ấm cơ thể, điều này không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ.

Vì vậy không nên kiêng nước, nếu không tắm rửa sản dịch ra vùng cửa mình, vết thương trên bụng đổ mồ hôi nhưng không được vệ sinh tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển, nhiễm trùng vết may tầng sinh môn hoặc vết mổ. Đồng thời, nếu không vệ sinh răng miệng dễ dẫn đến viêm nướu răng và viêm da, dị ứng da.

Bên cạnh đó, nếu mẹ không tắm, khi em bé bú mẹ sẽ tiếp xúc với nhiều nguồn vi khuẩn tồn tại trên da mẹ, sức đề kháng của trẻ yếu không thể chống lại lượng vi khuẩn lớn này.

6. Mẹ sau sinh nằm than có thể bỏng, nghẹt, em bé hôn mê sâu, ảnh hưởng não

Một số vùng vẫn giữ tập tục cho sản phụ nằm than, bác sĩ có ý kiến như thế nào về việc này?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Tập tục nằm than nhằm giữ ấm cho mẹ và em bé, tuy nhiên đã có nhiều trường hợp chịu hậu quả của tập tục này. Đối với người mẹ, do lượng than tỏa nhiệt không đồng đều, một số mẹ vào viện trong tình trạng bỏng toàn bộ vùng tầng sinh môn. Bên cạnh đó, việc đốt than tạo ra khí CO2, CO, đây là những chất độc hại cho đường hô hấp, đặc biệt là CO.

Khi hít khí CO vào phế nang, vào máu, kết hợp với hemoglobin (hemoglobin trong hồng cầu kết hợp với O, vận chuyển oxy tới các cơ quan khác), CO có ái lực gắn kết với oxy gấp 240 lần, nếu CO đã kết hợp với hemoglobin, O không thể gắn vào, người hít phải khí CO dẫn đến ngạt tương tự như ngạt nước.

Có nhiều tình huống mẹ bị mê man, nhưng em bé bị ngạt và hôn mê sâu, chuyển em bé từ tỉnh lên các bệnh viện nhi thành phố đã trong tình trạng rất nặng, có thể tổn thương não. Do đó những biện pháp này cần cân nhắc và suy nghĩ trước khi áp dụng.

7. Khả năng hô hấp của mẹ và bé sau sinh do đốt bồ kết

Trong cách chăm sóc sản phụ thời kỳ hậu sản của ông bà ta ngày xưa thường dùng bồ kết đốt lên và đặt gần chỗ nằm của mẹ và bé, điều này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của sản phụ và trẻ sơ sinh ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Nhiều ý kiến cho rằng bồ kết làm sát khuẩn và thông thoáng không khí, tuy nhiên tương tự với nằm than, đốt cháy bồ kết sẽ tạo ra khí CO và CO2, những loại khí này không tốt cho mẹ và em bé, đặc biệt là nằm trong phòng kín đối lưu không khí, khí CO sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng hô hấp của em bé và người mẹ.

8. Mẹ sau sinh không nên kiêng khem quá nhiều

BS có thể chỉ ra một số sai lầm cần tránh trong việc chăm sóc sản phụ sau sinh?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Sai lầm trong chăm sóc sản phụ sau sinh là kiêng quá nhiều thứ, chỉ cho ăn mặn, ăn khô, uống nhiều nước, tránh các đồ ăn làm lạnh bụng mẹ, lạnh bụng em bé, tránh các loại rau, trái cây. Tuy nhiên người mẹ cần rất nhiều rau và trái cây để bổ sung chất xơ và vitamin, tránh táo bón, cần uống nước, sữa để cung cấp thêm protein và canxi cho mẹ.

Bên cạnh đó, nên bổ sung thêm các nhóm thức ăn như protein, chất béo, chất khoáng, vitamin và rau xanh, đồng thời cần chế biến phù hợp với an toàn thực phẩm, lựa chọn thực phẩm tươi mới và chất lượng tốt, tránh tình huống ngộ độc thức ăn.

9. Vận động sớm, tập Kegel, tái khám đúng hẹn để phòng ngừa sa tạng chậu

Để giảm nguy cơ sa tạng chậu trong tương lai, sau sinh sản phụ cần làm gì và cần trở lại bệnh viện thăm khám vào thời điểm nào, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Để giảm nguy cơ sa tạng chậu trong tương lai, ở mỗi lần sinh các cơ của tầng sinh môn được giãn ra để một em bé từ 2-3kg ra đời, sau đó dần co lại. Tuy nhiên, cơ tầng sinh môn không thể co về nguyên vẹn trạng thái khi chưa sinh em bé, nhưng nếu vận động sớm và tập Kegel sẽ giúp mẹ sau sinh có độ săn chắc vùng sàn chậu.

Thực hiện bài tập Kegel, các mẹ có thể nằm và kê cao chân, nín thóp cơ vùng tầng sinh môn (tương tự cảm giác giữ nước tiểu) trong vòng 10 giây, lặp lại khoảng 10 lần, tập 3-4 lần/ ngày và tăng dần theo thời gian, sau một thời gian sẽ giúp mẹ sau sinh tránh tình trạng sa tạng chậu.

Trước đây, ông bà ta đẻ rất nhiều con, đó là nguyên nhân hiện có rất nhiều người lớn tuổi gặp tình trạng sa tử cung ra ngoài, việc tập các bài vận động từ sớm sẽ giúp hỗ trợ hồi phục tạng chậu và tránh sa tạng chậu về sau.

Lưu ý khi xuất viện, các bác sĩ sẽ hẹn tái khám sau sinh hoặc sau mổ một tháng, các mẹ nên quay lại đúng lịch hẹn để đánh giá tình trạng của bản thân.

>>> Phần 1: Vận động sớm giúp mẹ sau sinh nhanh phục hồi, tránh nhiễm trùng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X