Hotline 24/7
08983-08983

Viêm gan siêu vi: những ai nên tiêm phòng, bao lâu tiêm nhắc lại?

Viêm gan siêu vi là nguyên nhân lây nhiễm gây tử vong đứng thứ hai trên toàn cầu, ngang bằng với bệnh lao… Vậy làm sao để phòng ngừa căn bệnh này? Tiêm phòng viêm gan B, viêm gan A ra sao? Tất cả sẽ có trong chia sẻ của TS.BS Võ Hồng Minh Công - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

1. Viêm gan siêu vi, gan nhiễm mỡ, nhiễm độc aflatoxin là những nguyên nhân dẫn đến ung thư gan hiện nay

Hiện nay tại Việt Nam đâu là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan, thưa BS?

TS.BS Võ Hồng Minh Công trả lời: Tại Việt Nam, ung thư gan đứng hàng thứ 3, cho thấy tỷ lệ ung thư gan chiếm rất nhiều.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư gan và xơ gan như: viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C (virus B, virus C), ngoài ra bia rượu cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xơ gan và ung thư gan.

Một bệnh lý hiện nay đang được nhiều nhà y khoa quan tâm là gan nhiễm mỡ, có thể dẫn đến viêm gan nhiễm mỡ, tới xơ gan và gây ung thư gan. Cuối cùng là nguyên nhân do nhiễm độc aflatoxin.

2. Phòng ngừa virus viêm gan B, C và hạn chế rượu bia để ngăn chặn ung thư gan

Thưa BS, đâu sẽ là những biện pháp có khả năng cao giúp đẩy lùi ung thư gan ạ?

TS.BS Võ Hồng Minh Công trả lời: Có câu “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”, do đó nếu biết đươc ung thư gan nguyên nhân do đâu, cắt được nguyên nhân đó chắc chắn vấn đề ung thư gan sẽ thuyên giảm.

Nguyên nhân gây ung thư gan thường gặp tại Việt Nam hiện nay là nhiễm virus viêm gan B, C và do rượu, do đó cần phòng ngừa các vấn đề này để cơ thể và gan khỏe mạnh, giảm tỷ lệ nhiễm và tỷ lệ ung thư gan.

TS.BS Võ Hồng Minh Công - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

3. Tiêm nhắc lại viêm gan B mỗi 5-10 năm

Về vấn đề tiêm ngừa viêm gan B, hiện nay trẻ mới sinh đã được tiêm ngừa vậy bao lâu trẻ cần tiêm nhắc lại, thưa BS?

TS.BS Võ Hồng Minh Công trả lời: Tiêm ngừa viêm gan siêu vi B nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1991. Em bé sẽ được tiêm ngay sau khi ra đời, tháng thứ 2, thứ 3 và thứ 4, sau đó 5 năm sẽ tiêm nhắc lại.

Tiêm ngừa viêm gan siêu vi B là dùng kháng thể bề mặt của viêm gan siêu vi tiêm vào cơ thể, sau đó cơ thể kích hoạt tế bào lympho B và T, nhận diện và tạo ra kháng thể. Song song với việc tạo ra kháng thể nó cũng sản tinh ra tế bào lympho B và T trí nhớ, tế bào này rất dễ nhận diện viêm gan siêu vi B.

Viêm gan B thường lây truyền qua đường máu, đường tiêm chích, đường tiếp xúc, đường tình dục… khi nhiễm viêm gan B, tế bào lympho B và T sẽ nhận diện và kích hoạt hệ thống miễn dịch chủ động và tạo ra kháng thế nhiều hơn.

Tuy nhiên theo thời gian năm tháng, kháng thể sẽ suy giảm, do đó cần tiêm nhắc lại. Theo nguyên tắc cứ 5-10 năm cần tiêm ngừa viêm gan B nhắc lại để giúp cơ thể tạo ra kháng thể nhiều hơn và cơ thể khỏe mạnh hơn.

4. Phác đồ tiêm viêm gan B hiện nay diễn ra thế nào?

Phác đồ tiêm viêm gan B hiện nay có bao nhiêu mũi và khoảng cách giữa các mũi tiêm là bao lâu, thưa BS?

TS.BS Võ Hồng Minh Công trả lời: Đối với em bé là tiêm ngay sau khi sinh ra và tháng thứ 2, thứ 3, thứ 4. Sau đó mỗi 5 năm tiêm nhắc lại.

Còn đối với người lớn, chưa bao giờ tiêm nhắc lại hoặc không biết bản thân đã tiêm hay chưa sẽ được tiêm ngừa theo phác đồ 0 - 1 - 6. Cụ thể mũi thứ nhất là 0, 1 tháng sau là mũi thứ 2 và 6 tháng sau là mũi thứ 3. Sau đó mỗi 5-10 năm tiêm nhắc lại để giúp cơ thể tạo kháng thể, phòng ngừa viêm gan siêu vi B.

5. Người đã nhiễm viêm gan B thì không cần tiêm ngừa

Cần làm xét nghiệm kháng thể trước khi tiêm viêm gan B, có nhiều người thắc mắc tại sao cần làm xét nghiệm đó mà so với các mũi tiêm vắc xin khác thì không có ạ, thưa BS?

TS.BS Võ Hồng Minh Công trả lời: Đối với viêm gan siêu vi B, đã tiêm và cứ mỗi 10 năm tiêm nhắc lại thì không cần làm xét nghiệm lại viêm gan siêu vi B và kháng thể của nó.

Trường hợp những người quên không biết đã tiêm hay chưa hoặc chưa tiêm, cần xét nghiệm để biết người đó đã nhiễm viêm gan siêu vi B hay chưa và có kháng thể hay không.

Nếu một bệnh nhân đã nhiễm viêm gan siêu vi B mà cơ thể không tự tạo ra kháng thể, khi tiêm vắc xin cũng không có tác dụng. Những người đã nhiễm rồi không cần tiêm ngừa. Những người chưa nhiễm và chưa có kháng thể, việc tiêm ngừa sẽ đem lại lợi ích.

Còn nếu tiêm đại trà, người đã nhiễm viêm gan B phải bỏ ra chi phí để tiêm nhưng không mang lại hiệu quả.

6. Trường hợp nào cần xét nghiệm định lượng kháng thể sau khi tiêm vắc xin ngừa virus viêm gan B?

Xét nghiệm định lượng kháng th sẽ quyết định thời gian tiêm mũi tiếp theo có đúng hay không, thưa BS?

TS.BS Võ Hồng Minh Công trả lời: Đối với những người có nguy cơ cao mới cần đến xét nghiệm định lượng kháng thể để tiêm nhắc lại. Còn nếu muốn tiêm nhắc lại trước thời gian 5-10 năm nên làm xét nghiệm kháng thể, trường hợp kháng thể nhỏ hơn 10 nghĩa là người đó chưa đủ kháng thể thì nên tiêm nhắc lại.

Những người đã tiêm viêm gan B chỉ cần làm theo khuyến cáo tiêm nhắc lại mỗi 5-10 năm.

7. Quên lịch tiêm ngừa viêm gan B mũi 3 có cần quay lại từ đầu phác đồ?

Trường hợp tiêm mũi 1, mũi 2 sau đó vì một số lý do mà không thể tiêm tiếp tục, cách vài tháng sau đó mới bắt đầu tiêm mũi 3, mũi 4 thì có nên tiếp tục tiêm hay quay lại tiêm bắt đầu từ mũi thứ nhất, thưa BS?

TS.BS Võ Hồng Minh Công trả lời: Đối với người lớn theo nguyên tắc 0 - 1 - 6, người bệnh tiêm mũi 1, mũi 2 và sau 6 tháng sẽ tiêm mũi thứ 3, nếu trong thời gian 6 tháng quên lịch tiêm có thể tiêm vào tháng thứ 7, thứ 8, không bắt buộc quay lại từ đầu.

6 tháng sau khi hoàn thành phác đồ tiêm ngừa viêm gan B, người đó cần xét nghiệm lại xem bản thân đã có kháng thể hay chưa. Nếu cơ thể đã tạo ra kháng thể người đó không cần tiêm nhắc lại, chỉ cần tiêm mỗi 5-10 năm.

8. Viêm gan A bùng phát trên người bệnh viêm gan B làm tăng nguy cơ tử vong

Thưa BS, với vắc xin viêm gan A cần tiêm theo độ tuổi hay những ai, người làm nghề nghiệp nào ạ?

TS.BS Võ Hồng Minh Công trả lời: Viêm gan siêu vi A nằm trong hệ thống “kẻ xấu” của con siêu vi. Siêu vi A thường gây ra tình trạng cấp tính nhưng không để lại hậu quả nặng nề, không gây xơ gan hay ung thư gan.

Tuy nhiên nếu siêu vi A bùng phát trên nền viêm gan mạn sẽ làm cho bệnh lý ngày càng trở nặng và tăng tỷ lệ tử vong. Theo một nghiên cứu tại châu Á đối với người có bệnh gan mạn tính, đặc biệt là người bị viêm gan B có sự bùng phát viêm gan A, tỷ lệ bệnh nặng và tử vong tăng gấp 5 lần so với những người không có nhiễm viêm gan siêu vi A bùng phát. Còn tại Mỹ cho thấy nếu những người có bệnh viêm gan B mạn tính kèm viêm gan A cấp tính, tỷ lệ bệnh nặng và tử vong tăng lên gấp 29 lần.

Qua đó cho thấy, viêm gan siêu vi A không ảnh hưởng đến nguy cơ xơ gan và ung thư gan nhưng làm tăng nặng tình trạng bệnh lý gan mạn tính. Do đó nên chích ngừa viêm gan siêu vi A.

- Hiệu quả của vắc xin viêm gan siêu vi A cao như thế nào và kéo dài trong thời gian bao lâu? Có cần xét nghiệm định lượng để xác định hay không, thưa BS?

TS.BS Võ Hồng Minh Công trả lời: Riêng với viêm gan siêu vi A khi đã được tiêm ngừa sẽ tạo ra kháng thể rất lâu dài, có thể kéo dài 10-20 năm, hiện nay tất cả các chuyên gia trên thế giới và tại Việt Nam trong chương trình chích ngừa có khuyến cáo đối với những người đã tiêm viêm gan A sẽ tiêm nhắc lại mỗi 10 năm.

Viêm gan siêu vi A không cần xét nghiệm kiểm tra định lượng vì nó có kháng thể rất lâu dài, mỗi 10 năm có thể tiêm nhắc lại mà không cần xét nghiệm kháng thể

9. Viêm gan siêu vi C có thuốc điều trị đặc hiệu chỉ trong 3 tháng

Thưa BS, tại sao đến nay vẫn chưa có vắc xin ngừa viêm gan siêu vi C ạ?

TS.BS Võ Hồng Minh Công trả lời: Nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đã nhiều lần thực hiện một loại vắc xin viêm gan siêu vi C giúp phòng bệnh, bởi vì viêm gan siêu vi C có thể gây ra viêm gan mạn tính, ung thư gan. Tuy nhiên đến hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu nào thành công.

Mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến năm 2030 phải tạo ra được vắc xin phòng ngừa viêm gan siêu vi C.

Thời gian qua không thể tạo ra vắc xin bởi vì khi nghiên cứu ra một loại vắc xin phải cho ra được 4 loại vắc xin bao gồm: loại làm yếu độc lực của siêu vi C, làm chết siêu vi C, lấy một đoạn của siêu vi C để tạo vắc xin. Ví dụ vắc xin viêm gan B là lấy một đoạn kháng nguyên bề mặt để làm, tuy nhiên các nhà khoa học chưa thể cho ra loại vắc xin phòng ngừa siêu vi C vì mỗi khi sinh ra một thể mới thì kháng nguyên dòng cũ không thể ức chế lại. Đó là lý do đến nay vẫn chưa có vắc xin siêu vi C.

Nhưng với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật như hiện nay, WHO đã đề nghị đến năm 2030 phải có được loại vắc xin ngừa viêm gan siêu vi C, đây là thông tin đáng chờ đợi.

Thực tế, ông trời rất công bằng, đối với viêm gan siêu vi B cần điều trị rất lâu, có thể điều trị cả đời và thời gian trung bình để điều trị là 50 năm mới có thể chữa khỏi, tuy nhiên đã có vắc xin tiêm ngừa cho vấn đề này. Trong khi đó viêm gan C chưa có vắc xin nhưng hiện đã có thuốc điều trị đặc hiệu chỉ trong vòng 3 tháng.

Do đó khi đã phát hiện nhiễm viêm gan siêu vi C thì chỉ cần điều trị khỏi, hạn chế được vấn đề lây nhiễm, hạn chế tổn thương gan do viêm gan siêu vi C.

10. Nhóm người cần tiêm ngừa viêm gan siêu vi

Tầm quan trọng của việc tiêm ngừa viêm gan siêu vi và ai cần tiêm ngừa, thưa BS?

TS.BS Võ Hồng Minh Công trả lời: Đối với trẻ em: hiện nay đã có chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 2 tuổi và tiêm nhắc lại mỗi 5-10 năm.

Đối với người lớn, khuyến khích cần quan tâm đến vấn đề tiêm phòng siêu vi, đặc biệt là bệnh nhân có bệnh gan mạn tính. Việc tiêm phòng sẽ hạn chế được nguy cơ lây nhiễm, giảm tỉ lệ tử vong trên bệnh nhân có bệnh lý mạn tính. Với những người có bệnh lý gan mạn, yếu tố nguy cơ cao cần tiêm ngừa viêm gan siêu vi A và siêu vi B nếu trước đó chưa tiêm phòng và chưa nhiễm viêm gan siêu vi B.

Khi tiêm ngừa viêm gan sẽ góp phần tạo ra miễn dịch cộng đồng giúp cộng đồng ngày càng khỏe mạnh.

Nhóm người cần tiêm phòng siêu vi là tất cả người lớn nếu trước đó chưa tiêm phòng.

Đối với phụ nữ có thai: Hiện nay tỷ lệ nhiễm bệnh trong dân số rất cao (khoảng 8%), do đó phụ nữ mang thai nên đến gặp chuyên gia để kiểm tra xem bản thân có bị nhiễm hay không. Nếu mẹ nhiễm viêm gan siêu vi B phải điều trị để phòng ngừa lây từ mẹ sang con. Từ đó giảm được vấn đề xơ gan và ung thư gan.

Đối với người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần kiểm tra xem bản thân đã tiêm phòng viêm gan siêu vi B hay chưa, nếu chưa tiêm phòng, cần thực hiện tiêm phòng để giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, tránh lây nhiễm từ mẹ sang con.

Đó là tất cả nhóm người cần tiêm phòng. Việc giảm được tỷ lệ lây nhiễm viêm gan B, viêm gan A sẽ làm gan khỏe mạnh hơn, giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư gan tại Việt Nam, đây là vấn đề rất quan trong đối với sức khỏe cộng đồng.

Hi vọng tất cả người lớn nên quan tâm đến việc tiêm phòng không riêng viêm gan B, mà còn bạch hầu, uốn ván, ho gà, đặc biệt là bệnh nhân có bệnh lý mạn tính như COPD, hen suyễn, suy tim…

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X