Hotline 24/7
08983-08983

3 nguyên tắc cần nhớ khi sống chung với bệnh đái tháo đường

Theo TS.BS Trần Minh Triết - Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập luyện đều đặn, theo dõi đường huyết thường xuyên là những yếu tố quan trọng để kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

1. Chỉ số đường huyết lý tưởng thay đổi theo độ tuổi của người bệnh đái tháo đường

Thưa BS, trong điều trị và kiểm soát đái tháo đường, người bệnh cần duy trì chỉ số đường huyết trong giới hạn lý tưởng nào? Chỉ số này có thay đổi trong trường hợp độ tuổi của bệnh nhân khác nhau không?

TS.BS Trần Minh Triết trả lời: Các hướng dẫn, khuyến cáo điều trị đái tháo đường khuyên bệnh nhân nên giữ mức đường huyết như sau:

- Đường huyết lúc đói: 80 - 130mg/dL. Để người bệnh tự theo dõi và biết được chỉ số đường huyết, có thể đo đường mao mạch, không cần thiết sử dụng đường huyết tĩnh mạch.

- Đường huyết đỉnh sau khi ăn (1 - 2 giờ sau khi ăn) < 180mg/dL.

- Xét nghiệm HbA1c được thực hiện 3 tháng/lần có kết quả < 7%.

Tuy nhiên, đây là những chỉ số động, cần phải cá thể hóa. Đối với những bệnh nhân lớn tuổi, 75 hoặc 80 tuổi chẳng hạn, có nhiều bệnh lý phối hợp sẽ không cần thiết phải đạt mức đường huyết như vừa nêu mà có thể cao hơn: HbA1c khoảng 7,5 - 8%.

Ngược lại, bệnh nhân đái tháo đường trẻ tuổi, thời gian sống vẫn còn nhiều, cần có những mục tiêu tích cực hơn. Do đó, đôi khi bệnh nhân nên đưa HbA1c về dưới 6,5%.

2. Giữ dao động đường huyết nằm trong khoảng cho phép khi điều trị đái tháo đường

Theo BS, những thói quen hay nguyên nhân nào sẽ khiến chỉ số đường huyết của người bệnh liên tục biến thiên? Chỉ số đường huyết không ổn định sẽ gây ra những biến cố nào cho bệnh nhân đái tháo đường?

TS.BS Trần Minh Triết trả lời: Một trong những nguyên nhân khiến chỉ số đường huyết biến thiên là người bệnh chưa có kiến thức đầy đủ về chế độ dinh dưỡng điều độ và đủ chất. Đôi khi người bệnh mắc sai lầm khi kiêng một số nhóm thực phẩm nhưng bù lại bằng các thực phẩm khác không phù hợp.

Có trường hợp người bệnh ăn rất nhiều, sau đó nhịn đói, bỏ bữa trong một khoảng thời gian, lặp lại liên tục. Đây là thói quen chưa đúng tôi nhận thấy nhiều bệnh nhân mắc phải, bác sĩ cần tư vấn rõ hơn cho họ trong quá trình thăm khám.

Thói quen ăn uống không điều độ sẽ khiến đường huyết dao động liên tục: hạ đường huyết do nhịn ăn quá mức, sau đó đường huyết tăng cao do ăn bù lại quá nhiều. Hạ đường huyết cũng ảnh hưởng đến việc điều trị đái tháo đường vì sẽ khiến bệnh nhân có các triệu chứng run tay, hồi hộp, mệt mỏi, nặng hơn là co giật, hôn mê đe dọa đến tính mạng. Tắng đường huyết mất bù dẫn đến tình trạng hôn mê tăng đường huyết cấp tính.

Bệnh nhân nên cố gắng duy trì chế độ dinh dưỡng điều độ nhằm giữ dao động đường huyết nằm trong khoảng cho phép, lý tưởng nhất trong điều trị đái tháo đường.

3. Đường huyết sẽ dao động nhưng chỉ được dao động trong khoảng cho phép

Nếu bệnh nhân không thể duy trì chỉ số đường huyết một cách tuyệt đối, dao động trong khoảng nào là mức có thể chấp nhận được, thưa BS?

TS.BS Trần Minh Triết trả lời: Vì đường huyết thay đổi liên tục nên các hướng dẫn, khuyến cáo đều tư vấn rằng mức đường huyết lúc đói dao động 80 - 130mg/dL là lý tưởng. Có thể thấy các khuyến cáo cũng đưa ra một khoảng chứ không phải một con số nhất định.

Đường huyết sẽ dao động nhưng chỉ được dao động trong khoảng cho phép. Bệnh nhân có thể có mục tiêu riêng mà bác sĩ sẽ tư vấn cho từng trường hợp cụ thể.

4. Tần suất đo đường huyết phụ thuộc vào mức độ kiểm soát và phác đồ điều trị

Bệnh nhân đái tháo đường có thể theo dõi đường huyết tại nhà bằng những cách nào, bao nhiêu lần trong một ngày và thực hiện vào thời gian nào trong ngày sẽ cho kết quả chính xác nhất, thưa BS?

TS.BS Trần Minh Triết trả lời: Người bệnh đái tháo đường nên trang bị máy đo đường huyết cá nhân, hay còn gọi là máy đo đường huyết mao mạch. Hiện nay có rất nhiều phương tiện theo dõi đường huyết. Gần đây, nhiều bệnh nhân đang sử dụng máy đo đường huyết liên tục đeo ở vai.

Khi sử dụng máy đo đường huyết cá nhân, bác sĩ hướng dẫn về tần suất theo dõi đường huyết theo mức độ kiểm soát đường huyết của bệnh nhân, dựa trên các loại thuốc trong phác đồ điều trị... Bệnh nhân tiêm insulin phải đo đường huyết nhiều lần hơn so với những bệnh nhân uống các loại thuốc ít có nguy cơ hạ đường huyết.

Thông thường, bệnh nhân được khuyên đo đường huyết khi đói. Nếu bệnh ổn định, có thể thực hiện 1 - 2 lần/tuần. Những trường hợp đường huyết dao động nhiều, cần phải điều chỉnh, thay đổi lối sống phù hợp để kiểm soát đường huyết, nên phải đo đường huyết với tần suất dày hơn, mỗi ngày 1 lần hoặc 2 ngày/lần.

Có thể kiểm soát thêm đường huyết sau khi ăn khoảng 1 - 2 tiếng để có thể cung cấp các chỉ số cho bác sĩ khi cần điều chỉnh thuốc. Trong một số trường hợp, bệnh nhân phải đo ngay khi có triệu chứng hạ hay tăng đường huyết, không kể đến thời gian, ví dụ run, vã mồ hôi, mệt mỏi...

Tóm lại, bệnh nhân ưu tiên đo đường huyết khi đói, đường huyết sau khi ăn và đường huyết khi có triệu chứng. Tần suất đo phụ thuộc vào mức độ kiểm soát đường huyết cũng như phác đồ điều trị. Bệnh nhân có thể gặp bác sĩ để được tư vấn chi tiết. Không nên đo quá nhiều lần vì có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

5. Chỉ số HbA1c đánh giá mục tiêu điều trị đái tháo đường

Thưa BS, người bệnh đái tháo đường nên kiểm tra HbA1c tại bệnh viện theo tần suất thế nào? HbA1c cho biết những thông tin gì?

TS.BS Trần Minh Triết trả lời: Xét nghiệm HbA1c được hiểu nôm na là chỉ số đường huyết trung bình trong 3 tháng. Do đó cần thực hiện ít nhất 3 tháng/lần. Những trường hợp đường huyết ổn định trong nhiều năm có thể thay đổi tần suất thành 6 tháng/lần.

Chỉ số này cho biết rằng trong 3 tháng vừa qua, đường huyết của bệnh nhân ở mức nào. Trong một thời gian dài, chỉ số HbA1c được xem là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá mức độ đường huyết của bệnh nhân có đạt hay không.

Kết quả HbA1c < 7% là một trong những yếu tố cho thấy bệnh nhân đạt được mục tiêu điều trị.

6. Để đánh giá đường huyết của bệnh nhân, bác sĩ cần căn cứ vào cả quá trình

Nhiều người bệnh cho rằng kết quả đo đường huyết tại nhà bình thường, ổn định thì không cần đến bệnh viện để kiểm tra HbA1c. Quan điểm của BS về vấn đề này như thế nào?

TS.BS Trần Minh Triết trả lời: HbA1c rất quan trọng và đo đường huyết mao mạch tại nhà cũng quan trọng không kém. Bác sĩ cần phối hợp tất cả các chỉ số để đánh giá tình trạng của bệnh nhân.

Đo đường huyết tại nhà cung cấp những thông tin đường huyết dao động trong thời gian chưa đến gặp bác sĩ. Tuy nhiên, sẽ có những ngày đường huyết tăng nhưng người bệnh không biết do không đo đường huyết liên tục ở mọi thời điểm. Lúc này, thông qua chỉ số HbA1c sẽ góp phần khẳng định bệnh nhân đang kiểm soát đường huyết tốt.

Ngược lại, HbA1c là chỉ số đường huyết trung bình. Đôi lúc người bệnh có đường huyết dao động quá mức, thậm chí có những cơn hạ đường huyết hay đường huyết tăng quá cao. Vì thế, khi tính trung bình, chỉ số này có vẻ ổn định nhưng thực tế không phải vậy.

Do đó, để đánh giá đường huyết của bệnh nhân, bác sĩ cần căn cứ vào sự theo dõi cả quá trình gồm theo dõi đường huyết mao mạch tại nhà khi đói, đường huyết sau ăn và HbA1c. Khi tất cả chỉ số đều nằm trong mục tiêu mong muốn mới có thể được xem là lý tưởng.

7. Người bệnh nắm giữ 2 vai trò quan trọng trong điều trị và kiểm soát đái tháo đường

Người bệnh cần tuân theo những nguyên tắc nào để duy trì các chỉ số lý tưởng trong quá trình điều trị đái tháo đường? Khi có sự chênh lệch, làm thế nào để đưa các chỉ số quay về mức an toàn, thưa BS?

TS.BS Trần Minh Triết trả lời: Có 3 phần quan trọng trọng việc kiểm soát tối ưu bệnh đái tháo đường: chế độ dinh dưỡng, chế độ tập luyện và sử dụng thuốc, tái khám, tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Người bệnh đái tháo đường phải đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý: ăn uống điều độ, đúng giờ, đúng bữa, cung cấp cho cơ thể mức năng lượng phù hợp theo khuyến cáo của bác sĩ, đảm bảo đầy đủ thành phần chất dinh dưỡng trong bữa ăn.

Không nên nghe theo những hướng dẫn sai lệch, kiêng khem nhiều loại thực phẩm hoặc nhịn ăn, bỏ bữa sau đó ăn bù quá nhiều dẫn đến đường huyết có sự dao động lớn.

Việc quan trọng thứ hai là duy trì chế độ tập luyện tốt. Người bệnh đái tháo đường được khuyên vận động khoảng 150 phút/tuần, trung bình 30 phút/ngày và 5 ngày/tuần. Đi bộ hoặc đạp xe vừa tăng sự dẻo dai, vừa tăng sức đề kháng cho cơ thể, vừa cải thiện dược tình trạng đề kháng insulin để ổn định đường huyết.

Như vậy, bệnh nhân đảm nhiệm đến 2 vai trò quan trọng trong việc duy trì chỉ số đường huyết lý tưởng. Phần việc của bác sĩ là chỉ định sử dụng thuốc, đặt mục tiêu điều trị, hướng dẫn theo dõi đường huyết. Bác sĩ sẽ đồng hành cùng bệnh nhân để kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường.

Trong quá trình theo dõi đường huyết tại nhà, bệnh nhân cần biết cách xử trí cơn hạ đường huyết. Nếu đường huyết < 70mg/dL, phải lập tức dùng các loại thực phẩm chứa đường như nước ngọt, kẹo, sữa có đường... để vượt qua cơn hạ đường huyết cấp tính. Sau đó cần báo với bác sĩ để tìm nguyên nhân và khắc phục.

Tương tự, khi đường huyết tăng quá cao kèm theo các triệu chứng mệt mỏi, mất nước, cần đến bệnh viện ngay. Đường huyết tăng cao nhưng chưa có triệu chứng vẫn phải báo với bác sĩ.

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa, không để đường huyết quá thấp hay quá cao. Khi sống chung với bệnh đái tháo đường, cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập luyện đều đặn, theo dõi đường huyết thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X