Hotline 24/7
08983-08983

Các bước sơ cứu ban đầu khi xảy ra tai nạn điện giật

Điện giật là tai nạn sinh hoạt thường gặp ở trẻ em bởi tính tò mò luôn muốn tìm cầm nắm hoặc sờ vào các thiết bị điện trong nhà. BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM cho biết, phát hiện sớm, sơ cứu ban đầu sớm là chìa khóa quan trọng để giúp hạn chế những tác hại do điện giật gây ra cho trẻ.

1. Nhanh chóng tách nạn nhân ra khỏi dòng điện

Xin hỏi BS, việc xử lý cấp cứu người bị điện giật nhanh chóng, hiệu quả từ đầu sẽ đem đến cơ hội sống như thế nào cho nạn nhân?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu tách nạn nhân ra khỏi dòng điện kịp thời sẽ không xảy ra vấn đề ngưng tim hay để lại nhiều vết bỏng. Nạn nhân bị điện giật tại nhà nhưng không ngã xuống dẫn đến chấn thương sọ não thì hiếm khi tử vong.

2. KHÔNG dùng tay không chạm vào người bị điện giật

Những điều quan trọng cần nhớ khi tiếp cận người bị điện giật là gì, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi phát hiện người bị điện giật, phải tìm cây gỗ hoặc nhựa để gạt dây điện ra khỏi nạn nhân hoặc nhanh chóng cúp cầu dao điện. Tuyệt đối không chạm vào người nạn nhân bằng tay không vì dễ bị truyền điện.

Sau đó, cần quan sát nạn nhân về tri giác và mức độ vết bỏng do điện giật để có hướng xử lý tiếp theo.

Nếu nạn nhân còn tỉnh táo thì tình huống không nguy hiểm đến tính mạng.

3. Khi nào cần đưa nạn nhân đến bệnh viện?

Bước sơ cứu tiếp theo cho người bị điện giật ra sao? Nếu nạn nhân còn tỉnh táo thì có cần đưa đến bệnh viện hay không?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, không cảm thấy tức ngực, khó thở thì chỉ cần quan sát vùng da tiếp xúc với dòng điện. Nếu vết bỏng bị khô, loét thì nên đến bệnh viện để được nhân viên y tế hỗ trợ xử trí.

Nếu vết bỏng ở mức độ nhẹ nhàng, chỉ cần xử lý như vết bỏng thông thường là ổn.

4. Lắp ổ điện xa tầm với của trẻ nhỏ

Trong sinh hoạt gia đình, cần chú ý những vấn đề gì để tránh bị điện giật? Gia đình có trẻ em cần phải đặc biệt lưu ý những gì, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi làm việc tiếp xúc với điện, chúng ta phải hết sức cẩn thận, xem xét mạch điện có bị hở không, nguồn điện có bị chập không.

Trẻ em thường có một thói quen rất lạ, nhất là những bạn đang tập đi đó là nhìn thấy bất cứ lỗ nào cũng muốn thọc tay vào. Chính vì vậy, cần phải lắp ổ điện an toàn để trẻ không thể cho tay vào hoặc lắp ổ điện ở cao hơn tầm với của trẻ để giảm bớt nguy cơ trẻ bị điện giật.

Trẻ có thể bị điện giật từ những thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính bảng. Trẻ nhỏ cầm vào phần sạc điện thoại bị hở sẽ bị điện giật.

Người lớn trong nhà phải chú ý theo dõi để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X