Hotline 24/7
08983-08983

Bí kíp chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà

ThS.BS Nguyễn Trần Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã có những chia sẻ hữu ích về các lưu ý khi chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà, để phụ huynh có thể chăm sóc cho trẻ đúng cách và an toàn.

1. Cách hạ sốt nào hiệu quả cho bé sốt xuất huyết?

Thưa BS, với sốt xuất huyết, hạ sốt là điều vô cùng quan trọng. Nhiều phụ huynh thắc mắc không biết hạ sốt bằng viêm nén, viêm sủi hay bằng phương thức nào sẽ hiệu quả hơn ạ?

ThS.BS Nguyễn Trần Nam trả lời: Đối với những em bé bị sốt xuất huyết, thuốc duy nhất khi đến khám ở bệnh viện bác sĩ cho là thuốc hạ sốt.

Sốt xuất huyết không có thuốc đặc trị, chỉ sử dụng thuốc hạ sốt. Có nhiều hình thức như thuốc gói, thuốc viên, thuốc sủi, thuốc nhét hậu môn,… tất cả đều có hiệu quả như nhau.

Để sử dụng cách thuốc hạ sốt an toàn, thứ nhất nên chọn loại thuốc thành phần paracetamol, giúp giảm sốt và ít biến chứng, đặc biệt là biến chứng liên quan đến sốt xuất huyết và biến chứng của tình trạng sốc sau này.

Thứ hai, phải sử dụng đúng liều, từ 10 - 15mg/kg cho một lần sốt để hạ sốt. Cách mỗi 6 tiếng em bé sốt lại có thể sử dụng.

Thứ ba, mỗi loại thuốc chỉ khác nhau về cách tiện lợi khi sử dụng. Ví dụ, dạng gói khi pha sẽ tan nhanh trong nước và có mùi thơm, vị cam, vị chanh dễ uống; viêm sủi không có vị trái cây nhiều dành cho trẻ lớn, viêm nhét hậu môn dành cho những bé không chịu uống thuốc, không uống được hoặc em bé sợ, ói,… Các thuốc này đều có tác dụng hạ sốt và mỗi lần chỉ sử dụng một loại, không sử dụng cùng lúc.

Một số phụ huynh thấy con sốt nên rất lo lắng và sử dụng thuốc nhét hậu môn cho bé, sau đó cho uống thêm một gói hạ sốt, dẫn đến gấp đôi liều và gây ngộ độc cho bé. Vì vậy, tốt nhất nên sử dụng một loại thuốc hạ sốt phù hợp, đúng liều lượng để đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng đến gan của bé.

2. Chế độ ăn cho bé bị sốt xuất huyết cần lưu ý gì?

Chăm sóc người bị sốt suất huyết nên ăn gì và không nên ăn gì, đặc biệt là với trẻ nhỏ nên cân nhắc chế độ ăn uống như thế nào? Vì sao sốt xuất huyết lại phải kiêng nhiều loại đồ ăn như vậy?

ThS.BS Nguyễn Trần Nam trả lời: Trong giai đoạn sốt em bé đừ, mệt, khuyến khích nên ăn đồ mềm, lỏng, dễ tiêu vì đồ khó tiêu sẽ làm em bé nôn ói, trong khi đó đây lại là dấu hiệu cảnh báo của sốt xuất huyết.

Tuy nhiên, bác sĩ cảnh báo không nên ăn những thực phẩm có màu đỏ hoặc màu đen. Vì nếu bé nôn ói sẽ khó phân biệt đó là màu của thực phẩm hay do bé nôn ra máu. Nôn ra máu cũng là dấu hiệu sốt xuất huyết và làm các bác sĩ khó chẩn đoán, cũng như phụ huynh khó theo dõi.

Phụ huynh thường lo lắng con không ăn được vì mệt nên cố gắng mua “sơn hào hải vị” cho bé ăn nhưng vô tình gây áp lực, đôi khi làm bé sợ và nôn ói.

Lưu ý, nên chia nhỏ bữa ăn, ăn ít và ăn nhiều lần trong ngày sẽ tốt hơn ăn đúng bữa nhưng ăn quá nhiều vì sẽ gây nôn ói, cảm giác khó tiêu, đau bụng cho bé.

3. Trẻ bị sốt xuất huyết có nên kiêng tắm?

Thưa BS, việc kiêng gió, cũng như kiêng tắm cho trẻ sốt xuất huyết thì có cần thiết không ạ?

ThS.BS Nguyễn Trần Nam trả lời: Vẫn tắm cho bé bình thường, đôi khi có thể bật quạt, bật máy lạnh để trẻ dễ chịu.

Một số phụ huynh nghĩ rằng con bị sốt xuất huyết lấy bớt máu ra sẽ đỡ bệnh nên đưa con đi cắt lể. Nhưng với cơ địa dễ chảy máu, cắt lể xong máu chảy không cầm được, sau đó đến bệnh viện với cơ thể chảy máu nhiều nơi.

Hoặc phụ huynh cho rằng bé bị bệnh, trúng gió nên đã cạo gió và tạo thành các vết các nốt bầm lớn trên da, nhưng đây là tình trạng trẻ đang bị chảy máu dưới da.

Một số trường hợp nghĩ con không phải sốt xuất huyết mà đang bị một bệnh khác như mũi họng, tiêu hóa và tự ý ra nhà thuốc hoặc tự lấy thuốc có sẵn ở nhà cho con uống. Khi uống kháng sinh hoặc các thuốc hạ sốt mạnh khác đi kèm, thậm chí kháng viêm sẽ làm chủ quan và chậm trễ trong việc khám và điều trị cho em bé để xác định bệnh sốt xuất huyết, từ đó làm tăng nguy cơ biến chứng của bệnh.

Sốt xuất huyết là bệnh không có thuốc điều trị, chỉ điều trị triệu chứng nên cần hết sức thận trọng, phải chẩn đoán và kiêng những vấn đề này.

4. Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà sao cho đúng?

Khi có chỉ định chăm sóc trẻ tại nhà, phụ huynh cần phải lưu ý điều gì? Khi gặp phải các vấn đề nào cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức?

ThS.BS Nguyễn Trần Nam trả lời: Điều kiện cần để chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà là: Thứ nhất, phụ huynh phải theo dõi được trẻ thường xuyên. Ví dụ, gia đình neo đơn, không có khả năng theo dõi sát dấu hiệu của con hoặc nhà xa, không thể đưa đến bệnh viện là những trường hợp không thể thao dõi tại nhà.

Thứ hai, những trường hợp có thể theo dõi tại nhà phải chuẩn bị thêm nhiệt kế để theo dõi sức khỏe của bé. Khi bé sốt sẽ cho uống thuốc hạ sốt, có thể mua tại nhà thuốc không cần kê đơn.

Thứ ba, đối với những trường hợp sốt xuất huyết, trong những ngày đầu bù nước cho trẻ rất cần thiết (cho trẻ uống nước đủ), khi đó nguy cơ diễn tiến nặng, cô đặc máu của trẻ giảm đi rất nhiều và không cần nhập viện. Bác sĩ sẽ khuyến cáo nên cho trẻ uống nhiều nước như: nước lọc, nước bù điện giải, nước trái cây hoặc ăn canh. Phụ huynh cần lưu ý để chăm sóc và nhắc nhở trẻ thường xuyên.

Một trong những bí kíp theo dõi trẻ sốt xuất huyết có nguy cơ diễn tiến nặng hay không là chúng ta theo dõi màu và số lượng nước tiểu của em bé. Khi uống đủ nước, mỗi 3 - 4 tiếng em bé sẽ đi tiểu một lần, nước tiểu màu trong hoặc vàng nhạt là dấu hiệu cho thấy em bé đang được bù nước đầy đủ. Trong trường hợp cha mẹ thấy 6 tiếng mà em bé chưa đi tiểu, cứ nằm ngủ li bì, không uống nước được, nước tiểu sậm màu là dấu hiệu đang bị cô đặc máu.

Trong trường hợp có những vấn đề bé cần tái khám mỗi ngày (nghĩa là hôm nay đến bác sĩ nói có thể về nhà theo dõi và yêu cầu ngày mai quay lại) nhưng vì bận hoặc nhà xa và không quay lại sẽ làm bé không được xét nghiệm. Trong khi diễn tiến của em bé có xảy ra trên xét nghiệm trước khi biểu hiện triệu chứng, dẫn đến tăng nguy cơ diễn tiến nặng mà chúng ta không phát hiện được.

Bên cạnh đó, có thể tái khám tại cơ sở y tế gần nhất mỗi ngày hoặc một ngày 2 lần để chăm sóc trẻ tại nhà an toàn. Bệnh thường quá tải nên sẽ ưu tiên những em bé có nhu cầu nhập viện vì vấn đề bệnh lý. Khuyến khích phụ huynh có thể chăm sóc trẻ tại nhà trong trường hợp đủ điều kiện theo dõi, để hạn chế quá tải.

5. Trẻ bị sốt có nên truyền nước?

Thưa BS, một số nơi vẫn còn khái niệm khi bị sốt thì phải được truyền nước, bác sĩ có nhận định như thế nào về vấn đề này ạ?

ThS.BS Nguyễn Trần Nam trả lời: Rất nhiều trường hợp sốt đến cơ sở y tế gần nhà, phòng khám, phòng mạch để truyền nước. Điều này lại tạo thêm nguy cơ cho bé. Nên khuyến khích bé uống nhiều nước sẽ tốt hơn so với truyền nước.

Vì khi đó, nguy cơ sốc do truyền nước có thể xảy ra. Một số trường hợp sốc do truyền nước gây ra tình trạng nặng, thậm chí tử vong.

Tâm lý chủ quan khi đã truyền nước sẽ khiến phụ huynh không lưu ý đến những dấu hiệu cảnh báo của bé và làm nguy cơ diễn tiến nặng, cũng như phát hiện bệnh muộn.

>>> Dấu hiệu nào cho thấy tình trạng sốt xuất huyết của trẻ đã trở nặng?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X