Hotline 24/7
08983-08983

Dấu hiệu nào cho thấy tình trạng sốt xuất huyết của trẻ đã trở nặng?

ThS.BS Nguyễn Trần Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã chỉ ra các dấu hiệu đặc trưng trong từng giai đoạn của bệnh sốt xuất huyết để phụ huynh có thể theo dõi trẻ và đưa đến bệnh viện kịp thời.

1. Vì sao một số trẻ mắc sốt xuất huyết được chỉ định chăm sóc tại nhà?

Nhiều phụ huynh nghĩ rằng con của mình mắc sốt xuất huyết  nhưng không có vấn đề gì đáng quan tâm nên được được chỉ định chăm sóc tại nhà, điều này có đúng không ạ?

ThS.BS Nguyễn Trần Nam trả lời: Một số trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết được chỉ định điều trị và chăm sóc tại nhà, tuy nhiên cũng có những trường hợp bác sĩ yêu cầu nhập viện.

Nhiều phụ huynh lo lắng không biết cách xử trí khi chăm sóc tại nhà mà bé trở nặng hoặc bận rộn và không thể chăm sóc tốt cho bé.

Đối với các em bé bác sĩ yêu cầu về nhà là các trường hợp được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết nhưng chưa đến ngày diễn tiến nặng.

Nếu bé sốt ngày thứ nhất hoặc ngày thứ hai và đến khám tại bệnh viện, được chẩn đoán sốt xuất huyết thì bé đang trong giai đoạn sốt và ít biến chứng. Do đó, bé có thể về nhà và chăm sóc theo dõi tại nhà.

Tuy nhiên, có những trường hợp sốt ngày thứ nhất, ngày thứ 2 nhưng vẫn phải nhập viện. Trường hợp này có thể không do biến chứng của sốt xuất huyết mà do bé sốt quá cao có nguy cơ co giật hoặc bác sĩ đánh giá phụ huynh, người nuôi dưỡng bé không đủ khả năng chăm sóc tại nhà, không thể theo dõi để phát hiện biến chứng của bé thì bác sĩ sẽ khuyên nhập viện để bé được theo dõi tốt hơn và dễ dàng xử lý trong trường hợp diễn tiến nặng.

2. Sốt xuất huyết có mấy giai đoạn và cần lưu ý gì trong các giai đoạn này?

Như vậy, diễn tiến của sốt xuất huyết có những giai đoạn và những điểm nào đáng lưu ý cho trẻ ạ?

ThS.BS Nguyễn Trần Nam trả lời: Sốt xuất huyết có 3 giai đoạn:

3 ngày đầu tất cả các trường hợp sốt xuất huyết đều có sốt và sốt rất cao.

Khi đó các em bé rất mệt mỏi do bệnh sốt xuất huyết có thể biểu hiện bằng triệu chứng sốt, nhức đầu, đau nhức cơ thể, đau khớp, đau cơ,…

Một số trường hợp bé ho, chảy nước mũi hay đau bụng, ói… và dễ nhầm lẫn sang bệnh lý đường tiêu hóa, hô hấp, dẫn đến bỏ sót giai đoạn đầu, không được đưa đến cơ sở y tế để chẩn đoán sốt xuất huyết. Trong khi 3 ngày đầu đã có thể chẩn đoán được bệnh sốt xuất huyết.

3 ngày tiếp theo (giai đoạn nguy hiểm), bệnh có thể diễn tiến các biến chứng nặng, xảy ra tình trạng xuất huyết (chảy máu) bất thường như chảy máy chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, tiêu ra máu, tiểu ra máu hoặc các bé lớn, độ tuổi vị thành niên có thể ra máu âm đạo bất thường ngoài chu kỳ kinh.

Một biến chứng nguy hiểm và thường gặp khác ở trẻ là biến chứng sốc do giảm thể tích, cô đặc máu do tình trạng thất thoát huyết tương.

Khi con sốt phụ huynh rất lo lắng và khi trẻ hết sốt sẽ cảm thấy yên tâm hơn. Tuy nhiên nếu trẻ hết sốt mà có biểu hiện không vui vẻ, mệt hơn, đừ hơn và có những biến chứng của sốt xuất huyết thì phụ huynh phải lưu ý, không nên bỏ qua các dấu hiệu này.

Sau ngày thứ sáu là giai đoạn hồi phục. Các em bé không bị biến chứng hoặc có biến chứng trong giai đoạn này sẽ bắt đầu hồi phục hoặc tỉnh táo hơn, khỏe hơn, thèm ăn và cảm thấy dễ chịu hơn.

ThS.BS Nguyễn Trần Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

3. Vì sao trẻ nhũ nhi có nguy cơ mắc sốt xuất huyết và trở nặng cao hơn?

Vì sao bé nhũ nhi (dưới 1 tuổi) lại có nguy cơ mắc sốt xuất huyết cao, cũng như tình trạng trở nặng cao hơn thưa BS?

ThS.BS Nguyễn Trần Nam trả lời: Đối với những em bé nhũ nhi (dưới 1 tuổi) khi bị sốt xuất huyết thì nguy cơ diễn tiến khá nặng và điều trị khá khó khăn.

Thứ nhất là do em bé nhỏ, thể tích tuần hoàn (thể tích máu) rất ít và chỉ cần giảm thể tích, cô đặc mức độ nhẹ so với người lớn cũng sẽ rất nặng so với trẻ và có nguy cơ sốc.

Thứ hai, đáp ứng truyền dịch, cấp cứu sẽ khó khăn. Vì em bé nhỏ ven rất bé nên khi chích thuốc, truyền nước, truyền thuốc khó khăn hơn so với trẻ lớn.

Ở những trẻ nhũ nhi nguy cơ xuất huyết cao hơn trẻ lớn vì khi em bé mắc sốt xuất huyết, tiểu cầu (chất giúp bé cầm máu) giảm rất nhanh, khi đó bé sẽ có nguy cơ chảy máu, thậm chí chảy máu nhiều như chảy máu mũi hoặc nôn ra máu, đi tiêu ra máu.

4. Trẻ bị sốt xuất huyết bao lâu sẽ khỏi, khi nào cần nhập viện hoặc theo dõi tại nhà?

Thưa BS, trẻ bị sốt xuất huyết trong thời gian bao lâu sẽ khỏi hoàn toàn, trong trường hợp nào trẻ cần phải nhập viện điều trị và trường hợp nào có thể điều trị tại nhà ạ?

ThS.BS Nguyễn Trần Nam trả lời: Đối với trường hợp sốt xuất huyết sẽ có những mốc, ngày bệnh. Ngày bệnh được tính từ thời điểm sốt đầu tiên, ví dụ trẻ bị sốt vào chiều thứ 2 thì qua chiều thứ 3 sẽ tròn 24 tiếng là ngày sốt thứ nhất và tính đến những ngày sốt tiếp theo.

Đây là điều phụ huynh phải lưu ý, vì đa phần phụ huynh đưa con đến khám sẽ nói bé sốt 2, 3 ngày hoặc sốt 5, 6 ngày nhưng không biết chính xác.

Các bác sĩ sẽ căn cứ vào triệu chứng sốt đầu tiên và đưa ra dữ liệu tham khảo. Nếu em bé đến khám vào những ngày nguy hiểm của bệnh (ngày thứ 4, 5, 6) thì cần phải thận trọng.

Đối với những ngày này có thể sáng vừa xét nghiệm nhưng chiều phải xét nghiệm lại để kiểm tra. Với các kết quả xét nghiệm này, bác sĩ sẽ tìm những dấu hiệu liên quan đến tình trạng cô đặc máu hoặc xuất huyết để quyết định cho trẻ nhập viện.

Trong 3 ngày đầu phụ huynh có thể theo dõi bé và điều trị tại nhà. Tuy nhiên những ngày kế tiếp bé có thể xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo vào diễn tiến nặng như đừ hơn mặc dù hết sốt, buồn nôn và nôn nhiều (ăn vào hoặc ngồi không vẫn buồn nôn), cảm giác đau bụng vùng bên phải.

Trường hợp nặng hơn sẽ có những dấu hiệu của quá trình cô đặc máu như tay chân nổi đỏ nặng hơn. Hoặc có triệu chứng xuất huyết như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn có lẫn máu, đi tiêu phân màu đen hoặc đỏ, những trẻ lớn chưa đến chu kỳ nhưng lại ra máu kinh là những trường hợp xuất huyết bất thường.

Một số ít trường hợp sẽ có biểu hiện tổn thương gan, tổn thương thận, tổn thương não, co giật hoặc hôn mê. Hoặc có tình trạng cô đặc máu và giảm tiểu cầu gây xuất huyết. Đối với những trường hợp này dù gia đình bận rộn hay nhiều lý do khác, vẫn bắt buộc cho bé nhập viện để bác sĩ can thiệp điều trị, bù dịch.

Dù bé chưa có các biểu hiện này nhưng qua kết quả xét nghiệm bác sĩ nhận thấy tình trạng cô đặc máu cao hơn so với bình thường hoặc tình trạng giảm tiểu cầu hoặc tiên lượng trong vòng 24 giờ kể từ lúc xét nghiệm em bé có nguy cơ vào giai đoạn nặng thì bác sĩ sẽ bắt buộc nhập viện để can thiệp điều trị. Tránh tình trạng em bé sốc ở nhà mới đến bệnh viện, khi đó thời gian từ lúc vào sốc đến lúc can thiệp quá dài, không đảm bảo an toàn cho bé.

Vì vậy, đối với những trường hợp em bé có dấu hiệu cảnh báo: đau bụng, buồn nôn, nôn, đi tiểu ít hoặc chảy máu bất thường, trên kết quả xét nghiệm có tình trạng cô đặc máu, giảm tiều cầu thì bắt buộc phải nhập viện.

Nếu bé đến ngày thứ 4, thứ 5 không có các biểu hiện này và việc theo dõi hằng ngày đối với bác sĩ qua các xét nghiệm không thấy sự bất thường của nguy cơ cô đặc máu hoặc giảm tiểu cầu và được bù nước tích cực qua đường uống (uống nước đầy đủ và tốt) thì vẫn có thể theo dõi tại nhà. Lưu ý, bé phải được tái khám thường xuyên, theo dõi mỗi ngày trong giai đoạn nguy kịch, cho đến qua ngày thứ 6 của bệnh.

Qua ngày thứ 6 những dấu hiệu hồi phục giúp phụ huynh yên tâm là em bé có những đỏ da ở cẳng chân, bàn chân hoặc bàn tay hoặc em bé cảm giác ngứa. Khi em bé ngứa là dấu hiệu hồi phục, bé mô tả như có con gì bò ở chân, tay gây ngứa và đỏ hay gãi là qua giai đoạn nguy hiểm và có thể yên tâm hơn cho các bé.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X