Hướng dẫn chăm sóc và bảo vệ răng sữa cho trẻ
Theo BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến - Quyền điều hành khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, sâu răng là tình trạng báo động cho biết răng của con đang có vấn đề. Cha mẹ cần lưu ý trong quá trình chăm sóc để trẻ có hàm răng khỏe mạnh, không bị mất răng sớm.
1. Răng sữa có đặc điểm gì?
Thưa BS, đặc điểm những chiếc răng sữa của bé là như thế nào ạ?
BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Răng sữa là những chiếc răng đầu tiên mọc trong quá trình hình thành răng của con. Vì có màu hơi trắng đục như sữa nên gọi là răng sữa.
Chiếc răng sữa đầu tiên ba mẹ có thể nhận biết được là từ 4 - 18 tháng tuổi, nếu sau giai đoạn này phụ huynh nên đưa bé đến khám nha sĩ để biết được tình trạng thay răng của con. Hệ răng sữa của con vào khoảng 3 tuổi sẽ có khoảng 20 chiếc răng sữa.
Việc hình thành răng sớm cũng sẽ ảnh hưởng một phần đến việc chăm sóc của phụ huynh đối với trẻ. Trong quá trình chăm sóc răng phải lưu ý đến vấn đề vệ sinh răng cho con vì răng sữa men răng rất mỏng và dễ sâu hơn răng vĩnh viễn.
2. Quá trình mọc và thay răng sữa của trẻ diễn ra thế nào?
Thời gian mọc, cũng như quá trình thay răng sữa của trẻ như thế nào thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Chiếc răng sữa đầu tiên là răng cửa giữa hàm dưới. Răng này mọc từ 4 - 6 tháng tuổi, một số bé có thể mọc muộn hơn hoặc sớm hơn. Tuy nhiên trung bình khoảng tầm 6 tháng là chiếc răng sữa đầu tiên mọc.
Sau đó, những chiếc răng lần lượt mọc lên: răng cửa sữa đầu tiên, răng cửa sữa kế bên, sau đó là những răng cối sữa và cuối cùng là răng nanh sữa.
3. Có phải tất cả trẻ sẽ bị sâu răng?
Sâu răng ở trẻ cũng là một vấn đề mà nhiều ông bố bà mẹ quan tâm. Thưa BS, có phải tất cả trẻ sẽ bị sâu răng và điều này là bình thường hay bất thường?
BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Thứ nhất, sâu răng không phải là tình trạng bình thường, đây là báo động cho biết răng của con đang có vấn đề.
Thứ hai, sâu răng là một bệnh lý, theo khoa học là tình trạng nhiễm khuẩn răng miệng của con. Nói cách khác đây là tình trạng răng của con không hoàn toàn lành mạnh và hình dáng ban đầu bị thay đổi.
Bố mẹ có thể nhận biết qua những hình thái thay đổi như đốm trắng đục chuyển thành màu vàng, màu nâu hoặc những mảng bám đen trên bề mặt răng của con.
4. Những trẻ nào dễ bị sâu răng và mất răng sớm?
Những trẻ nào sẽ dễ bị sâu răng, cũng như mất răng sớm thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Tình trạng sâu răng của bé có liên quan đến việc chăm sóc răng miệng, tuy nhiên cũng có thể xuất hiện ở những bé như:
- Những bé nhỏ có điều trị về nha khoa hoặc y khoa kéo dài.
- Tình trạng bệnh lý của bé cần có những can thiệp đặc biệt như thở máy lâu.
- Bé có bệnh lý về não, về thần kinh cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình bé tự chăm sóc hoặc được chăm sóc răng miệng.
5. Sữa mẹ có phải là nguy cơ gây sâu răng?
Việc các bạn nhỏ bú sữa mẹ có phải là nguy cơ gây sâu răng không ạ?
BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Sữa mẹ hoàn toàn không gây sâu răng. Tuy nhiên khi bú sữa mẹ có kết hợp với sử dụng thức ăn hoặc những chất dinh dưỡng có thành phần bột đường sẽ sinh ra vi khuẩn từ những mảng bám và hình thành nên răng sâu.
6. Có nên cho trẻ sử dụng bình tập uống không?
Nhiều cha mẹ sử dụng bình tập uống như người bạn đồng hành cùng con. Sữa hay bất kỳ loại nước nào cũng đổ vào trong bình và cho trẻ uống. Điều này có nên không và vì sao thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Bình tập uống là một thói quen đối với các phụ huynh hiện đại. Đây là một trong những cách giúp bé hấp thu được dinh dưỡng và hạn chế việc ngậm quá lâu hoặc chứa quá lâu các thực phẩm trong miệng.
Tuy nhiên bình tập uống phải được sử dụng đúng cách. Phụ huynh chỉ nên chứa sữa hoặc nước. Thậm chí buổi tối khi con đã uống sữa, phụ huynh nên thay bình tập bú bằng dung dịch nước trong đó, không nên chứa sữa hoàn toàn.
Trong trường hợp bình tập uống có những dung dịch chứa đường như nước ngọt, nước trái cây thì tình trạng tích tụ đường lâu ngày cũng gây sâu răng cho bé.
7. Cha mẹ cần làm gì để tránh trẻ bị sâu răng hoặc mất răng?
Thưa BS, cha mẹ cần lưu ý những gì để tránh tình trạng con bị sâu răng hoặc mất răng ạ?
BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Chăm sóc răng miệng cho bé sẽ chia thành nhiều giai đoạn.
Đối với bé dưới 1 tuổi, phụ huynh có thể dùng gạt rơ lưỡi để rơ phần nướu và răng cho con.
Khi chiếc răng sữa đầu tiên mọc lên phụ huynh nên chăm sóc bằng cách vệ sinh xung quanh vùng răng mọc và vùng nướu răng của con.
Sau đó, tái khám định kỳ mỗi 3 tháng/lần để giúp trẻ có thói quen tốt khi tiếp xúc với môi trường nha khoa. Bên cạnh đó, bé sẽ được chăm sóc răng miệng sạch hơn, hạn chế sâu răng.
8. Làm sao để vệ sinh răng miệng cho trẻ đúng cách?
Vệ sinh răng miệng cho trẻ như thế nào được xem là đúng cách thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Vệ sinh răng miệng đúng cách là đủ thời gian, đúng thời điểm và đúng phương pháp.
- Không nên đề cập quá nhiều đến vấn đề dùng những loại thực phẩm bổ sung để răng con tốt hơn mà hạn chế số lần đánh răng.
- Sau mỗi bữa ăn, đặc biệt là bữa ăn có chứa đường, phụ huynh nên cho con chải răng.
- Sau bữa chính (bữa sáng, bữa trưa, bữa tối) nên chải răng cho bé.
- Những bữa phụ có chứa quá nhiều đường, phụ huynh cũng nên cho con súc miệng lại bằng nước.
Bên cạnh đó, có thể thực hiện bằng cách dùng gạc rơ mềm, tăm bông hoặc bàn chải mềm để chải sạch mảng bám. Ở độ tuổi này chưa cần thiết dùng kem đánh răng, phải được sử dụng đúng thời điểm và có sự tư vấn của nha sĩ mới có hiệu quả tốt cho con.
9. Nên bổ sung chất gì để răng miệng của trẻ khỏe mạnh?
Các bậc phụ huynh cần lưu ý bổ sung những chất gì để răng miệng của con khỏe mạnh hơn ạ?
BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Đối với quá trình phát triển răng của trẻ, ngoài những thành phần đã cố định hình thành trong quá trình mang thai của mẹ thì những thực phẩm chứa nhiều chất xơ như rau xanh, củ, quả, các loại ngũ cốc cũng sẽ cung cấp thêm các thành phần khoáng giúp răng tốt hơn.
10. Vì sao răng trẻ bị rụng nhiều, cha mẹ cần làm gì để hạn chế tình trạng này?
Các bạn nhỏ đôi khi ngại, xấu hổ với bạn bè vì răng bị rụng nhiều. Thưa BS, vậy vấn đề này là do nguyên nhân nào, cũng như các ông bố bà mẹ cần lưu ý gì để răng của con không bị rụng nhiều như vậy?
BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Khi con bị mất răng quá sớm sẽ dẫn đến không có răng để nhai và việc vệ sinh răng miệng bị cản trở vì nơi lưu trú thực phẩm quá nhiều.
Đa phần những nguyên nhân dẫn đến rụng răng sớm là do vệ sinh răng miệng. Ví dụ, khi có tình trạng sâu răng kéo dài sẽ lây lan từ chiếc răng này đến nhiều chiếc răng khác cũng bị sâu theo. Sau đó dần dần hệ răng (20 chiếc răng sữa) gần như chỉ còn những chiếc răng mọc sau cùng.
Về mặt tâm lý sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến trẻ, bạn bè đồng trang lứa có một hàm răng trắng xinh, còn răng của con tương đối đổi màu và không ăn uống tốt được.
11. Cần lưu ý gì để chăm sóc răng miệng cho trẻ tốt hơn?
Nhờ bác sĩ gửi đến các bậc phụ huynh những lưu ý quan trọng để có thể chăm sóc răng miệng cho con tốt hơn ạ!
BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Từ thời điểm bé bắt đầu mọc chiếc răng đầu tiên, phụ huynh nên chăm sóc răng miệng, chải răng cho con.
Có thể sử dụng những chế phẩm có chất bổ sung cần thiết, tuy nhiên cần đến bác sĩ Răng Hàm Mặt để được khám và tư vấn sử dụng.
Quan trọng nhất là hình thành thói quen tốt cho con, điều này sẽ giúp trẻ duy trì hàm răng khỏe mạnh và phát triển trong giai đoạn đầu đời.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình