Quá trình xây dựng và phát triển Ngân hàng sữa mẹ BV Hùng Vương diễn ra thế nào?
Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Hùng Vương ra đời muộn nhất, giữa đại dịch COVID-19, nhưng quy mô lớn nhất trên tổng 5 ngân hàng sữa mẹ tại Việt Nam. Vậy để phát triển như hiện nay, Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Hùng Vương đã vượt qua những khó khăn gì? Cùng tìm hiểu qua chia sẻ của TS.BS Phan Thị Hằng và BS.CK2 Bùi Thị Thủy Tiên.
1. Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Hùng Vương ra đời trong giai đoạn COVID-19
Nhân chương trình hôm nay, BS có thể chia sẻ cho quý khán giả về cơ duyên cũng như hành trình xây dựng Ngân hàng sữa mẹ - Bệnh viện Hùng Vương?
TS.BS Phan Thị Hằng - Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Hoàn cảnh ra đời của Ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Hùng Vương khá đặc biệt, không ai quên được hình ảnh mùa dịch COVID-19. Xuất phát từ năm 2021, thời điểm này số trẻ được sinh ra tăng đột biến cùng nhu cầu nuôi dưỡng trẻ lớn lên, do mẹ nhiễm bệnh, các trẻ đều phải cách ly riêng.
Số lượng trẻ gia tăng hơn gấp đôi, gấp ba, lúc đó các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương rất mong mỏi có được ngân hàng sữa mẹ. Giai đoạn này, giám đốc bệnh viện có cơ duyên trao đổi và ngỏ ý các băn khoăn với bà Nguyễn Thị Lệ, hiện đang là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TPHCM. Bà đã trăn trở và ngay ngày hôm sau kết nối Bệnh viện Hùng Vương với nhà hảo tâm để có thể xúc tiến việc xây dựng công trình ngân hàng sữa mẹ tặng cho Bệnh viện Hùng Vương.
Trong thời điểm đại dịch COVID-19, bên cạnh công tác phòng chống dịch, việc xây dựng ngân hàng sữa mẹ vẫn tiếp tục được triển khai. Mặc dù Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Hùng Vương được tiến hành rất gấp rút, khẩn trương nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng và tiến độ. Đến đầu năm 2022, cơ sở vật chất ngân hàng sữa mẹ gần như hoàn chỉnh, thời gian này dịch bệnh đã giảm, bệnh viện dần hoàn thiện về cơ sở vật chất và thiết bị máy móc.
Ngày 6/8/2022, Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Hùng Vương được ra đời với dấu ấn đã kinh qua mùa dịch COVID-19, đây là kỷ niệm không bao giờ quên của cả bệnh viện. Ngân hàng sữa mẹ đã tiếp sức cho nhiều trẻ sinh non, cực non tại Bệnh viện Hùng Vương và các nơi khác chuyển đến.
2. Những khó khăn khi phát triển Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Hùng Vương từ ngày đầu
Đồng hành cùng Ngân hàng sữa mẹ đã mang lại cho BS những cảm xúc đặc biệt nào? BS có thể chia sẻ thêm một số câu chuyện - kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình tiếp nhận sữa hiến tặng từ các bà mẹ tại Bệnh viện Hùng Vương ạ?
BS.CK2 Bùi Thị Thủy Tiên - Trưởng khoa Khoa sơ sinh - Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Những ngày đầu khi được ban giám đốc phân công hoàn thành ngân hàng sữa mẹ, chúng tôi rất lo lắng vì đứng trước nhiều vấn đề: Nguồn sữa từ đâu? Nhân lực ở đâu? Làm sao để bảo quản được sữa đã thanh trùng để mang đến cho em bé sử dụng được sữa vô khuẩn? Nhưng sau đó mọi thứ đều ổn định và ngân hàng sữa mẹ đã hoạt động đến nay được 2 năm, vận hành trơn tru.
Bên cạnh đó, từ ngân hàng sữa mẹ có thể nhận thấy tỷ lệ nuôi sống trẻ non tháng tại Bệnh viện Hùng Vương ngày càng nâng cao, đây là niềm hãnh diện của bệnh viện.
Giai đoạn đầu khi xin nguồn sữa từ các bà mẹ rất khó khăn, vì ban đầu chưa quen nên các mẹ không cho. Sau đó các bác sĩ vận động, tư vấn, đặc biệt là những mẹ nhiều sữa tại khu Kangaroo của bệnh viện, con bú dư sữa nên xin các mẹ này. Ngoài ra, xung quanh các mẹ có rất nhiều trẻ không có sữa, từ đây họ hiểu được bản thân có thể giúp đỡ. Sau một thời gian quen dần, đến nay những mẹ dư sữa thường sẽ hiến tặng cho bệnh viện.
3. Khó khăn về quy trình xử lý sữa giai đoạn đầu của Ngân hàng sữa mẹ
Những khó khăn, thách thức trong việc vận hành nhuần nhuyễn Ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Hùng Vương? Bệnh viện đã vượt qua những rào cản này như thế nào ạ?
TS.BS Phan Thị Hằng trả lời: Để thành lập ngân hàng sữa mẹ, bên cạnh việc xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị, Bệnh viện Hùng Vương may mắn có nhà hảo tâm hỗ trợ. Bên cạnh đó còn có sự đóng góp lớn từ vai trò của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Tổ chức A&T, đặc biệt là Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, PGS.TS.BS Trần Thị Hoàng - Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã vào TPHCM cùng tham gia hướng dẫn trực tiếp.
Để vận hành một ngân hàng sữa mẹ không chỉ có cơ sở vật chất mà còn cần đào tạo, tập huấn, huấn luyện, bên cạnh là một đội ngũ ekip từ Đà Nẵng, Tổ chức A&T, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cùng tham gia hỗ trợ.
Bệnh viện Hùng Vương đã tổ chức các lớp tập huấn tại bệnh viện và cử người ra Đà Nẵng để học thực tế, đến Bệnh viện Từ Dũ tham khảo quy trình, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm đã thành công của các cơ sở để rút ngắn khoảng cách.
Thời gian đầu, khi bà mẹ vắt sữa để hiến tặng, bệnh viện có tư vấn hướng dẫn cho mẹ phải vắt sữa đúng cách để không bị vấy nhiễm nguồn sữa từ quá trình thao tác trữ sữa (không phải các tác nhân gây bệnh lý như HIV, giang mai). Ví dụ như các con vi khuẩn trên bàn tay, da… nếu không biết cách loại bỏ ngay từ đầu cũng trở thành điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát sinh.
Ban đầu tỷ lệ nhiễm khuẩn sữa thô khá cao, chiếm khoảng 40%, nghĩa là xin được 10 lít phải bỏ 4 lít vì không đạt. Nhưng sau này, sữa thô hiến tặng đạt tiêu chuẩn dần gia tăng. Đồng thời, quy trình tại bệnh viện xử lý một cách nhuần nhuyễn, do đó tỷ lệ sữa sau khi thanh trùng từ khi sinh đến khi sử dụng đạt được 85-90%. Điều này vô cùng quý, vì xin được từng giọt sữa đã quý, nếu xin xong không sử dụng được sẽ rất lãng phí.
Để làm được điều đó, nhân viên bệnh viện phải đến từng nhà để tư vấn, hướng dẫn cách vắt sữa đúng, trữ sữa theo dướng dẫn để không bị vấy nhiễm, do ở nhà các mẹ thường sử dụng tủ lạnh. Thông thường bệnh viện sẽ cung cấp vật liệu như chai sữa hoặc hộp để chứa sao cho phù hợp, hướng dẫn bà mẹ cách vệ sinh tay… Qua đó giúp tăng tỷ lệ sữa thô đạt được.
Về quy trình thanh trùng sữa tại bệnh viện, ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù quy trình đảm bảo theo lý thuyết nhưng trên thực tiễn bệnh viện vẫn phải thực hiện giám sát, kiểm soát thường xuyên để điều chỉnh những điều bất hợp lý. Từ đó tỷ lệ sữa mẹ thanh trùng đạt tiêu chuẩn ngày càng tăng, tiết kiệm được nguồn sữa xin mà không sử dụng được.
4. 165 mẹ hiến sữa, thu 6.400 lít sữa, cho 14.400 trẻ trong và ngoài Bệnh viện Hùng Vương
Kể từ khi ra đời, hệ thống ngân hàng sữa mẹ của Bệnh viện Hùng Vương đã có bao nhiêu bà mẹ đã tham gia hiến tặng, với lượng sữa hiến tặng đạt bao nhiêu lít, cung cấp cho bao nhiêu trẻ sơ sinh, thưa BS?
BS.CK2 Bùi Thị Thủy Tiên trả lời: Trong 2 năm qua, Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Hùng Vương đã tiếp nhận 165 bà mẹ hiến tặng sữa, thu được 6.400 lít sữa và cho 14.400 trẻ ở Bệnh viện Hùng Vương và bệnh viện khác sử dụng.
Tại Bệnh viện Hùng Vương, sữa thanh trùng được trao cho đa số các trẻ non tháng, chỉ có một số nhỏ trẻ sử dụng sữa mẹ thanh trùng là con của bà mẹ mắc bệnh lý, không có nguồn sữa sau sinh, trẻ sinh mổ và giai đoạn một ngày đầu mẹ chưa có sữa, những trẻ mồ côi do mẹ mất, những em bé có bệnh lý đường ruột sau hồi phục… Phần lớn là những trẻ dưới 1,5kg và dưới 32 tuần.
5. Sữa mẹ thanh trùng giúp trẻ nhiễm trùng huyết rút ngắn thời gian và chi phí điều trị
Từ những con số cụ thể này, nhờ BS chia sẻ thêm, Ngân hàng sữa mẹ - Bệnh viện Hùng Vương đã đạt được hiệu quả, thành tựu nào trong việc giúp tiết kiệm, giảm chi phí điều trị các bệnh lý gặp phải trên những trẻ nếu không được thụ hưởng nguồn sữa mẹ?
TS.BS Phan Thị Hằng trả lời: Lợi ích về kinh tế khi sử dụng sữa mẹ thanh trùng đã được nhiều nghiên cứu trên thế giới chứng minh. Cụ thể, một nghiên cứu năm 2020 so sánh những đứa trẻ được chẩn đoán nhiễm trùng huyết sử dụng sữa mẹ thanh trùng và sử dụng sữa công thức nhận thấy:
Nhóm sử dụng sữa mẹ thanh trùng tỷ lệ nhiễm trùng huyết chỉ còn 3%, giảm chi phí điều trị giảm đến 20 ngàn đô so với nhóm sử dụng sữa công thức.
Nhóm sử dụng sữa công thức tỷ lệ nhiễm trùng huyết tăng lên 5%.
Chi phí sẽ rẻ hơn rất nhiều nếu ngay từ đầu nhóm trẻ này sử dụng sữa mẹ thanh trùng với khoảng 1,4 triệu/ 1 lít sữa, và một đứa trẻ non tháng cần 0,6 lít trong một quá trình điều trị, tương đương khoảng 900 ngàn/ 1 trẻ.
Còn đối với sữa công thức chi phí này sẽ rẻ hơn, tuy nhiên bệnh tật đi kèm sẽ làm tăng chi phí điều trị, đó là lý do nếu dùng sữa công thức đơn thuần chi phí điều trị sẽ cao hơn 20 ngàn đô so với sữa mẹ thanh trùng.
Vì vậy, lợi ích về kinh tế được chứng minh rất rõ rệt. Tại Bệnh viện Hùng Vương giai đoạn đầu cần tư vấn cho gia đình, cha mẹ của đứa bé hiểu, từ đó mới đồng ý cho sử dụng sữa mẹ thanh trùng. Ban đầu việc giải thích rất khó khăn, họ cho rằng chi phí cao, không đủ tiền để chi trả, và gia đình chọn sữa công thức để chi phí thấp hơn.
Tuy nhiên qua thời gian, nhận thấy những trẻ cùng tuổi thai, cùng bệnh lý sử dụng sữa mẹ thanh trùng thời gian điều trị rút ngắn hơn so với trẻ sử dụng sữa công thức từ 4-7 ngày. Đồng thời chi phí điều trị cũng giảm hơn khá nhiều, lúc này các mẹ mới chấp nhận cho con sử dụng sữa mẹ thanh trùng.
Còn hiện nay khi tư vấn, các mẹ hiểu rõ và được truyền thông rất đầy đủ, tỷ lệ chấp nhận cho con sử dụng sữa mẹ thanh trùng đã tăng cao. Đến nay Bộ Y tế đang vận động, thuyết phục và nhận được sự ủng hộ lớn để có được sự chi trả của BHXH, BHYT dành cho sữa mẹ thanh trùng đối với những trẻ non tháng, cực non. Những trẻ này được chỉ định sử dụng sữa mẹ thanh trùng xem như phương thức điều trị để dự phòng cho những nguy cơ nhiễm trùng.
6. Quy trình tuyển chọn và xử lý sữa tại Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Hùng Vương
Quá trình tuyển chọn và xử lý sữa mẹ hiến tặng của Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Hùng Vương diễn ra như thế nào, thưa BS?
BS.CK2 Bùi Thị Thủy Tiên trả lời: Quy trình tuyển chọn và xử lý sữa mẹ hiến tặng của Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Hùng Vương làm theo quy trình của Bộ Y tế đề ra. Đầu tiên phải tìm nguồn sữa, tại Bệnh viện Hùng Vương sẽ tìm ở những bà mẹ nằm ở khu Kangaroo, các bà mẹ đến tái khám ở phòng khám nhi, từ nhân viên y tế có thai sinh con, đây là 3 nguồn sữa lớn.
Khi đã có nguồn sữa, bệnh viện tiến hành đánh giá bà mẹ có đủ điều kiện để hiến tặng sữa hay không, các điều kiện là mẹ không bị nhiễm khuẩn. Mẹ sẽ được thực hiện xét nghiệm HIV, viêm gan B, C, giang mai… Nếu kết quả âm tính, các mẹ mới được hiến tặng sữa.
Bước tiếp theo là tư vấn cách vắt sữa, cách bảo quản sữa, sau khi vệ sinh đầu vú, vệ sinh dụng cụ, vắt sữa xong sẽ bảo quản tủ lạnh ngăn đông để đảm bảo an toàn.
Sau đó, nhân viên y tế sẽ đến nhà lấy sữa, vận chuyển sữa phải đóng trong các thùng đảm bảo nhiệt độ để đưa sữa về bệnh viện an toàn mà không bị bội nhiễm.
Khi sữa về đến bệnh viện, tiếp tục tiến hành xét nghiệm lại để kiểm tra sữa có bị nhiễm khuẩn hay không. Khi xác định sữa không nhiễm khuẩn, sẽ đến bước thanh trùng.
Sau thanh trùng, sữa tiếp tục được xét nghiệm lại để kiểm tra chất lượng sữa có nhiễm vi khuẩn hay không, khi kết luận không có vi khuẩn, sữa sẽ được bảo quản ngăn đông, khi em bé cần sử dụng sẽ rã động cho bé sử dụng. Toàn bộ quy trình được thực hiện rất nghiêm ngặt.
Phần 1: Sữa mẹ thanh trùng giúp giảm tỷ lệ viêm ruột hoại tử và tử vong ở trẻ sinh non
Phần 3: Điều kiện và quyền lợi khi hiến tặng sữa mẹ tại Bệnh viện Hùng Vương
Chương trình Radar Sản phụ khoa do Bệnh viện Hùng Vương phối hợp cùng AloBacsi thực hiện, phát sóng định kỳ vào thứ 4 của tuần 1 và tuần 3 mỗi tháng trên các nền tảng của AloBacsi và Bệnh viện Hùng Vương.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình