Hotline 24/7
08983-08983

Bụi mịn làm tổn hại đường hô hấp và tăng nguy cơ ung thư phổi

Với tình hình siêu ô nhiễm như hiện nay ở nước ta do gia tăng bụi mịn vượt chuẩn trong không khí, ThS.BS Trần Thị Thúy Tường - Khoa Hô hấp, Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh cảnh báo tác hại của bụi mịn PM 2.5 sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, thậm chí có thể dẫn đến ung thư.

1. Những cơ chế tự bảo vệ của cơ thể trước tác nhân bụi bặm ngoài môi trường

Xin hỏi BS, cơ thể sẽ có những cơ chế gì để chống lại sự xâm nhập của bụi bặm ngoài môi trường?

ThS.BS Trần Thị Thúy Tường trả lời: Cơ thể có rất nhiều cơ chế để chống lại bụi bặm từ môi trường. Cơ chế bảo vệ đầu tiên là mũi xoang và hầu họng. Trong niêm mạc mũi có lông, các tế bào nhầy... Do đó, khi bụi xâm nhập theo đường mũi, chúng ta sẽ có phản ứng hắt hơi.

Khi các bụi bẩn kích thích đường hô hấp, chất nhầy sẽ tạo ra phản xạ ho - một phản xạ quan trọng của cơ thể giúp đẩy những dị vật ra ngoài, trong đó có bụi bặm.

Ngoài ra trong các đường dẫn khí như khí quản, phế quản lại có các tế bào lông chuyển, màng nhầy của đường hô hấp. Các tế bào lông chuyển góp phần đáng kể vào việc tiêu diệt bụi bặm. Trong lòng phế quản, tiểu phế quản... đều có phản ứng viêm. Đặc biệt là các loại bụi mịn, siêu mịn còn có thể xâm nhập sâu vào đường dẫn khí ở phế nang. Lúc này, những tế bào viêm của cơ thể sẽ bao lấy bụi bặm, vi khuẩn, từ đó loại bỏ chúng.

Tế bào máu và đường máu cũng có phản ứng viêm để tiêu diệt những loại bụi siêu mịn có khả năng xâm nhập vào máu.

2. Loại bụi nào có thể vượt qua cơ chế bảo vệ để xâm nhập vào cơ thể?

Như BS vừa chia sẻ, cơ thể có những cơ chế để chống lại bụi bặm. Nhưng vì sao vẫn có một số loại bụi bặm có thể len lỏi vào tận bên trong phổi?

ThS.BS Trần Thị Thúy Tường trả lời: Có 3 loại bụi xâm nhập được vào đường hô hấp:

- PM > 10µm bị ngăn cản bởi mũi, hầu họng.

- PM 2.5µm xâm nhập được vào khí quản, phế quản, thậm chí cả phế nang.

- Siêu bụi mịn PM 0,1µm có thể xâm nhập tận vào hàng rào máu.

Với các loại bụi siêu mịn, cơ chế bảo vệ không thể ngăn chặn được từ phía trên.

hS.BS Trần Thị Thúy Tường - Khoa Hô hấp, Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh cảnh báo tác hại của bụi mịn PM 2.5 sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, thậm chí có thể dẫn đến ung thư

3. Tác hại của bụi mịn đối với đường hô hấp

Xin hỏi BS, những tác nhân như bụi, bụi mịn, khói từ môi trường sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta như thế nào?

ThS.BS Trần Thị Thúy Tường trả lời: Bụi mịn là khái niệm được nhắc đến khá nhiều trong thời gian gần đây. Bụi mịn có kích thước khoảng 2,5µm nên có thể xâm nhập vào cơ chế của phế nang, phế quản... từ đó gây ra những phản ứng rất nguy hiểm cho cơ thể.

Trong một số trường hợp, bụi mịn sẽ gây viêm mãn tính đường dẫn khí, dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đồng thời tăng nguy cơ biến đổi, đột biến gen và ung thư phổi.

Bụi mịn còn gây ho mãn tính, viêm phế quản mãn tính cùng nhiều phản ứng khác trên cơ thể, tùy theo loại và kích thước.

4. Bụi mịn xâm nhập vào máu làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ

Bụi, bụi mịn, khói bụi liệu có phải yếu tố hàng đầu dẫn đến ung thư phổi không, thưa BS? Ngoài ra chúng còn dẫn đến những bệnh lý nào khác?

ThS.BS Trần Thị Thúy Tường trả lời: Bụi mịn xâm nhập vào đường hô hấp có thể gây các bệnh lý hô hấp như viêm phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính, các bệnh lành tính gây ho mãn... Bệnh lý khiến bệnh nhân lo ngại nhiều nhất là ung thư phổi.

Bên cạnh đó, bụi mịn và siêu bụi mịn có thể xâm nhập vào đường máu, gây phản ứng viêm trên thành mạch và stress oxy hóa, từ đó tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim và viêm mãn tính đường dẫn khí.

Thời gian gần đây, các nghiên cứu chỉ ra, bụi mịn có liên quan đến tình trạng vô sinh hay bị giảm chất lượng tinh trùng; ảnh hưởng đến tâm lý và thần kinh.

5. Những giải pháp hạn chế bụi mịn xâm nhập vào đường hô hấp

Xin hỏi BS, khẩu trang N95 có phải giải pháp tối ưu nhất trong việc ngăn cản bụi mịn tấn công vào trong cơ thể?

ThS.BS Trần Thị Thúy Tường trả lời: Khẩu trang N95 có thể ngăn đến 95% số bụi mịn vào cơ thể. Tuy nhiên, khá nhiều người dân không sử dụng đúng loại khẩu trang này hay các loại khẩu trang che khít mặt. Ngoài ra, khả năng bảo vệ của sản phẩm còn phụ thuộc vào chất lượng, nguồn gốc và nhiều yếu tố khác.

Bên cạnh việc mang khẩu trang N95, một số phương pháp được khuyến cáo để hạn chể bụi mịn từ môi trường gồm:

- Sử dụng máy lọc không khí vì bụi mịn vẫn có thể xâm nhập vào môi trường bên trong nhà ở.

- Trồng thêm cây xanh xung quanh nhà để hỗ trợ làm trong lành không khí.

- Tải ứng dụng AQI để theo dõi tình trạng ô nhiễm môi trường tại thành phố đang sống. Nếu phát hiện chỉ số bụi mịn cao hay những ngày AQI > 100, nên hạn chế ra đường.

6. Dấu hiệu cảnh báo hệ hô hấp đang bị ảnh hưởng bởi bụi mịn

Việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm tại các đô thị lớn mỗi ngày sẽ tác động đến phổi như thế nào, thưa BS? Những dấu hiệu nào được xem là “lời cảnh báo” khi lá phổi đang bị đe dọa?

ThS.BS Trần Thị Thúy Tường trả lời: Có những người bị ung thư khi tuổi đời còn rất trẻ, có những người bị đột quỵ sớm. Tuy nhiên có những người thường xuyên hút thuốc lá nhưng đến 90 tuổi vẫn chưa phát hiện bệnh lý nào.

7 tỷ người trên thế giới là 7 tỷ gen khác nhau, có tương tác rất khác nhau giữa gen và môi trường.

Những dấu hiệu cho thấy bạn cần đến gặp bác sĩ là:

- Phản ứng viêm mãn tính đường dẫn khí khi tiếp xúc với bụi mịn trong thời gian dài, khởi đầu bằng triệu chứng ho, ho đàm, khó thở, đau ngực...

- Các vấn đề hô hấp như thường xuyên nhiễm trùng phổi tái đi tái lại, ho ra máu...

Khi có các dấu hiệu báo động ở đường hô hấp nêu trên, người bệnh cần sớm đi khám để phát hiện các vấn đề liên quan.

7. Làm xét nghiệm gì để tầm soát ung thư phổi?

Để có thể chẩn đoán đúng các bệnh lý về phổi, đặc biệt là những bệnh lý liên quan đến ô nhiễm môi trường, người bệnh cần thăm khám và thực hiện những xét nghiệm gì?

Tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh có những gói khám sức khỏe, tầm soát nào để phát hiện những bệnh lý này, thưa BS?

ThS.BS Trần Thị Thúy Tường trả lời: Bệnh lý phổi cơ bản gồm rất nhiều nhóm bệnh lý. Với viêm phế quản mãn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh nhân nên chụp X-quang phổi, đo chức năng hô hấp, đo DLCO (đo khả năng khuếch tán khí qua màng phế nang mao mạch)... Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh có thực hiện các thăm dò chuyên sâu về hô hấp.

Ngoài ra, chụp CT phổi được dùng trong tầm soát ung thư phổi bởi nếu để đến khi có thể phát hiện thông qua X-quang thường đã là giai đoạn muộn. Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh có chụp CT từ liều thấp đến liều cao để tầm soát tất cả bệnh lý về hô hấp. 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X