Hotline 24/7
08983-08983

Béo phì, chấn thương, sai tư thế: 3 “thủ phạm” chính gây thoái hóa khớp gối

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh - Giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch nhận định, ngày nay bệnh thoái hóa khớp gối đang có xu hướng trẻ hóa. Tình trạng béo phì, đứng ngồi sai tư thế, chấn thương gia tăng khiến tình trạng này tăng theo.

1. Khớp gối kêu răng rắc có phải là biểu hiện của thoái hóa khớp gối?

Thưa BS, AloBacsi nhận được một câu hỏi có nội dung sau: “Em mới 25 tuổi nhưng khớp gối em thỉnh thoảng kêu lắc rắc giống như tiếng bẻ tay, như vậy có phải là thoái hóa khớp gối không ạ?” Nhờ BS giải đáp ạ!

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Tình trạng răng rắc do trong khớp gối có dịch khớp. Khi cử động, áp lực trên dịch khớp không đều, có chỗ ít chỗ nhiều. Do đó chỗ nào tăng áp lực lên dịch khớp sẽ tạo tiếng răng rắc giống như tiếng bẻ tay hay lúc bóc miếng xốp. Đây là điều bình thường, bạn không cần quá lo lắng.

2. Thoái hóa khớp gối đang có xu hướng trẻ hóa

Thưa BS, thoái hóa khớp gối là bệnh gì? Những ai có nguy cơ mắc bệnh này ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Thoái hóa khớp gối là tình trạng suy giảm các thành phần của sụn khớp. Cụ thể là suy giảm chất nền hoặc tế bào sụn khớp làm giảm hoặc mất chức năng của khớp. Thoái hóa khớp gối ngày càng trẻ hóa vì tình trạng dẫn đến bệnh lý này ngày càng tăng.

Nguyên nhân đầu tiên gây bệnh là gia tăng áp lực lên khớp, cụ thể là cân nặng. Khi xưa, bệnh thường gặp ở người hay mang vác nhiều. Nhưng ngày nay, chúng ta không mang vác nặng mà mang trọng lượng của cơ thể lớn. Tình trạng béo phì gia tăng khiến bệnh thoái hóa khớp gối ngày càng trẻ hóa.

Nguyên nhân thứ hai do chấn thương. Việc vận động thể thao càng phổ biến khiến chấn thương đầu gối càng tăng. Việc chấn thương sẽ làm yếu dây chằng và cơ xung quanh khớp. Khớp như cột chống nhà, phải có dây chằng xung quanh, nhưng nếu dây chằng yếu, những áp lực lên khớp không đều khiến khớp ngày càng yếu đi.

Bên cạnh đó, thoái hóa khớp gối còn do tư thế. Khi đứng nhiều, ngồi sai tư thế dẫn đến áp lực lên một thành phần khớp nhiều hơn những thành phần kia. Lực phân bổ không đều nên chỗ áp lực nhiều sẽ suy giảm và thoái hóa hơn những chỗ còn lại.

3. Thoái hóa khớp gối làm bệnh nhân không thể đi lại

Thưa BS, thoái hóa khớp gối nếu không điều trị kịp thời và đúng cách sẽ để lại những di chứng gì ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Thoái hóa khớp gối nếu không phát hiện sớm, không điều chỉnh và điều trị phù hợp sẽ làm suy giảm chức năng khớp. Bệnh nhân sẽ thấy đau và hạn chế cử động. Những trường hợp nặng không thể đi lại.

4. Chẩn đoán thoái hóa khớp gối không khó, chỉ cần chụp X-quang

Thưa BS, hiện nay thoái hóa khớp gối được chẩn đoán bằng những phương pháp gì ạ? Những cơ sở y tế nào sẽ đảm nhiệm nhiệm vụ này ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Việc chẩn đoán thoái hóa khớp gối không quá khó khăn. Hiện nay phương pháp chủ yếu chẩn đoán bệnh là hình ảnh học. Đơn giản và phổ biến nhất là chụp X-quang khớp, hầu như cơ sở nào cũng làm được điều này. Một số cơ sở có thể áp dụng phương pháp tiên tiến hơn như CT, MRI. Tuy nhiên những phương pháp này tốn nhiều chi phí và thường áp dụng để nghiên cứu hơn chẩn đoán.

5. Tiết lộ 3 phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối

Thưa BS, hiện nay có những phương pháp nào để điều trị thoái hóa khớp gối và liệu có thể chữa khỏi bệnh này hoàn toàn không ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời:

Phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối được chia thành 3 nhóm:

- Điều trị không dùng thuốc:

Các nước châu Âu và Mỹ rất khuyến khích phương pháp này nhưng khó áp dụng. Phương pháp này chủ yếu thay đổi lối sống, điều này không dễ dàng so với các cách còn lại.

Đầu tiên là giảm cân. BS thấy nhiều bệnh nhân rất cố gắng nhưng không thể giảm cân. Lúc này cần nhiều biện pháp hỗ trợ khác.

Thứ hai là vận động, tập thể dục. Ngày nay, với sự phát triển kinh tế nên chúng ta ít có thời gian chăm sóc bản thân và gia đình. Vì vậy việc tập thể dục cũng không dễ thực hiện. Tuy nhiên, tập thể dục 15-30 phút tại nhà cũng giúp ngăn ngừa thoái hóa khớp.

Ngoài ra có thể ngăn ngừa bệnh bằng cách tránh chấn thương, điều chỉnh tư thế. Tuy nhiên khi đã là thói quen thì việc điều chỉnh rất khó khăn.

Tóm lại, phương pháp điều trị không dùng thuốc là phương pháp tốt nhất nhưng khó áp dụng, đòi hỏi sự hỗ trợ từ nhiều phía.

- Phương pháp điều trị bằng thuốc:

Bệnh nhân có thể uống hoặc tiêm thuốc. Đây là cách đơn giản và phổ biến nhất do dễ sử dụng, chi phí tương đối rẻ.

- Phương pháp phẫu thuật:

Phương pháp này thường áp dụng ở giai đoạn nặng, khi những cách trên không còn hiệu quả. Phẫu thuật có chi phí cao và nhiều người ngại xâm lấn nên thường được áp dụng cuối cùng.

6. Tiêm chất nhờn, tiêm huyết thanh giàu tiểu cầu, tiêm tế bào gốc điều trị thoái hóa khớp gối có thật sự hiệu quả?

Thưa BS, AloBacsi nhận được câu hỏi như sau: “Tôi nghe nói ngày nay có nhiều phương pháp tiêm thuốc vào khớp gối để điều trị thoái hóa khớp gối. BS có thể cho tôi biết hiệu quả của phương pháp này thế nào ạ?”. Nhờ BS giải đáp ạ!

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Phương pháp tiêm thuốc vào khớp gối trên thế giới đã có từ lâu. Hiện nay đã có nhiều loại thuốc và phương pháp mới hơn.

Khi xưa chúng ta thường sử dụng thuốc kháng viêm tiêm trực tiếp vào khớp gối. Đến nay, phương pháp này vẫn được các nước châu Âu và Mỹ khuyến cáo nhiều nhất khi tiêm.

Sau này, chúng ta có thể tiêm axit hyaluronic, còn gọi là tiêm chất nhờn. Sản phẩm này là thành phần của chất nhờn, giống như tiêm thêm chất nhờn vào khớp gối.

Gần đây xuất hiện phương pháp tiêm huyết thanh giàu tiểu cầu. Trong đó có chất mang yếu tố tăng trưởng để các tế bào hoạt động, tái tạo sụn khớp. Bên cạnh đó, tiêm tế bào gốc cũng có chức năng tương tự.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay chưa có phương pháp nào có thể kích thích tái tạo sụn khớp, ngay cả châu Âu và châu Mỹ. Những phương pháp vừa kể rất tốn kém. Nhưng người ta thấy chúng có hiệu quả giảm đau rất tốt, nhiều trường hợp giúp cải thiện hoạt động cho bệnh nhân không thể đi lại.

Ở các nước châu Âu, châu Mỹ kiểm soát rất kỹ nên họ không khuyến cáo những phương pháp mới xuất hiện và chưa rõ ràng. Do đó, họ chỉ khuyến cáo dùng thuốc kháng viêm từ lâu, còn những phương pháp mới sau này chưa có đủ dữ liệu để khuyến cáo mạnh mẽ.

7. Thoái hóa khớp gối - tập thể dục sao cho đúng cách?

Thưa BS, AloBacsi nhận được một câu hỏi có nội dung sau: “Chào bác sĩ, tôi được chẩn đoán thoái hóa khớp gối mức độ trung bình. Có bác sĩ khuyên tôi hạn chế đi bộ, có bác sĩ lại khuyên tập thể dục nhiều như đi bộ, đi xe đạp. Tôi có đi bộ nhưng mỗi khi đi được 100-200m lại bị đau chân. Xin hỏi bác sĩ tôi nên làm thế nào ạ?”. Nhờ BS giải đáp ạ!

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Bệnh nhân thoái hóa khớp gối được khuyến cáo chung là nên tập thể dục. Tuy nhiên, khi đầu gối thoái hóa, việc đi lại cũng đã rất đau huống gì tập thể dục. Ví dụ, trường hợp dư cân đi bộ khiến áp lực khớp gối càng tăng, rõ ràng lại làm bệnh càng nặng hơn. Do đó, khi tập thể dục bệnh nhân nên lựa chọn động tác phù hợp.

Bệnh nhân nên chọn những môn cử động khớp gối nhưng làm giảm áp lực lên khớp gối. Điển hình nhất là đi xe đạp, khi đó trọng lượng dồn lên xe đạp. Bên cạnh đó là các môn như bơi lội, máy tập chân tại phòng gym. Tại nhà, bệnh nhân có thể mua một chiếc xe đạp tại chỗ, có thể vừa xem tivi, vừa đạp xe. Môn này vừa cải thiện khớp gối mà còn giảm cân. Nếu không thể mua xe đạp, bạn có thể nằm ngửa và dơ chân lên đạp, tuy nhiên hơi mỏi chân.

Bơi lội là một trong những môn thể thao giúp cải thiện tình trạng thoái hóa khớp gối (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

8. Glucosamine có tác dụng giảm đau cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối

Thưa BS, AloBacsi nhận được một câu hỏi có nội dung sau: “Tôi năm nay 52 tuổi, bị thoái hóa khớp gối hai bên và tiểu đường. Con tôi có mua Glucosamine từ Mỹ về cho tôi uống. Liệu uống thuốc này có khỏi không ạ?”. Nhờ BS giải đáp ạ!

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Hiện nay, Glucosamine là sản phẩm được sử dụng rất nhiều. Theo nghiên cứu, Glucosamine có tác dụng giảm đau trong trường hợp đau đầu gối do thoái hóa khớp gối. Tuy nhiên, thuốc này không có hiệu quả trong việc dự phòng. Điều đáng nói, trong Glucosamine có đường nên bệnh nhân tiểu đường cần cẩn thận vì có thể tăng đường huyết khi dùng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X