Tại sao chỉ dùng thuốc chống loãng xương tối đa 5 năm?
ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan - Trưởng Đơn vị Chuyển hóa Cơ Xương Khớp, Trung tâm nghiên cứu Y sinh, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, sử dụng thuốc chống loãng xương trong thời gian quá dài có thể ảnh hưởng đến chất lượng xương, trong khi khối lượng xương tiếp tục tăng cao. Do vậy, các khuyến cáo đã chỉ rõ, bệnh nhân chỉ dùng thuốc trong 3 hoặc 5 năm, sau đó ngưng lại để vừa tối đa hóa hiệu quả, vừa giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn.
1. Lạm dụng corticoid gây loãng xương sớm
Việc điều trị loãng xương ở những độ tuổi 40, 50, 60, 70... khác nhau như thế nào, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời: Chúng ta cần phải chia mọi người thành 2 nhóm: chưa bị loãng xương và đã bị loãng xương. Những người chưa bị loãng xương cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Nếu đã bị loãng xương thì cần phải điều trị, không kể độ tuổi.
Loãng xương xảy ra ở phụ nữ sau mãn kinh và ở nam giới từ sau 70 tuổi. Từ các độ tuổi này, bác sĩ mới khuyến cáo nên đo mật độ xương để phát hiện loãng xương sớm. Loãng xương do tuổi tác, do thiếu hụt estrogen được gọi là loãng xương nguyên phát.
Ngoài loãng xương nguyên phát, còn có tình trạng loãng xương thứ phát do bệnh nhân có bệnh lý nào đó ảnh hưởng đến sự chuyển hóa của xương, ảnh hưởng đến chu trình hủy xương - tạo xương. Các bệnh lý có sự rối loạn chuyển hóa như suy thận mãn, gan mãn tính, bệnh lý tuyết giáp, bệnh lý tuyến phó giáp... sẽ ảnh hưởng đến quy trình chu chuyển xương này và dẫn đến việc mất xương sớm hơn bình thường, ở bất kỳ độ tuổi nào.
Một số loại thuốc cũng có thể gây mất xương sớm hơn, chẳng hạn như thuốc kháng đông, thuốc PPI (thuốc ức chế bơm Proton), thuốc chống trầm cảm và corticoid. Rất nhiều người Việt Nam đang lạm dụng corticoid.
Chúng tôi đã thực hiện nghiên cứu tại TPHCM và ghi nhận tần suất loãng xương rất cao. Hơn 28% phụ nữ và 10% nam giới trên 50 tuổi bị loãng xương. Ở nhóm có sử dụng corticoid, con số này càng cao hơn.
Loãng xương thứ phát có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào và và quan trọng nhất là phải điều trị tốt bệnh chính, bệnh loãng xương sẽ được cải thiện theo. Đái tháo đường là một bệnh lý chuyển hóa phổ biến và tình trạng loãng xương xảy ra khá sớm trên những bệnh nhân đái tháo đường.
Đặc biệt, với những người có bệnh rối loạn chuyển hóa, rối loạn nội tiết, dù kết quả đo mật độ xương bình thường nhưng họ vẫn có khả năng gãy xương vì các rối loạn làm thay đổi cấu trúc xương, chất lượng xương suy giảm nhanh.
2. Tăng cường bổ sung canxi trong khi dùng thuốc chống loãng xương
Thưa BS, đối với một người bị loãng xương, việc điều trị có thể lấy lại một hệ xương chắc khỏe như ban đầu không, hay chỉ có tác dụng ngăn chặn không để tình trạng xương diễn tiếp xấu hơn?
ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời: Xin nhắc lại rằng mất xương, loãng xương hoàn toàn không có triệu chứng, gãy xương là tiếng còi báo động khi tình trạng loãng xương đã trở nặng.
Mục tiêu hàng đầu của điều trị loãng xương là ngăn ngừa gãy xương. Mục tiêu thứ hai mới là cân bằng hoạt động chu chuyển xương, làm mật độ xương trở về bình thường, không bị giòn, xốp, rỗng, dễ gãy.
Việc uống sữa để điều trị loãng xương là hoàn toàn sai. Sữa chỉ có tác dụng cung cấp canxi phòng ngừa loãng xương. Bệnh nhân loãng xương bắt buộc phải dùng thuốc chống loãng xương như thuốc uống Alendronat (Fosamax Plus có thêm vitamin D).
Người bị thiếu xương phải tăng cường cung cấp canxi và vitamin D để phòng ngừa loãng xương. Người đã bị loãng xương phải sử dụng thuốc chống loãng xương liên tục trong 5 năm.
Loãng xương có kèm gãy xương hay loãng xương kèm với tình trạng mất xương quá nhiều (hơn 3 độ lệch chuẩn) được gọi là loãng xương nặng, khuyến cáo sử dụng thuốc chống loãng xương loại truyền Zoledronic acid mỗi năm 1 lần. Trường hợp chưa bị gãy xương thì dùng liên tục 3 năm, đã gãy xương thì dùng liên tục 5 năm.
Chức năng của các loại thuốc này là đưa canxi vào xương để làm xương chắc trở lại. Vì vậy, dù sử dụng thuốc chống loãng xương dạng uống hay dạng truyền, bệnh nhân vẫn phải bổ sung thêm canxi. Nếu không, hiệu quả của thuốc bị giảm đi đến 50% và vẫn có nguy cơ gãy xương.
Quay lại nguyên nhân gây bệnh, loãng xương xảy ra do tuổi tác tăng, sự xuống cấp của cơ thể. Sau 3 năm, 5 năm sử dụng thuốc, tình trạng xương có sự cải thiện và ổn định. Nhưng khi ngưng thuốc, ngay lập tức, tình trạng của bệnh nhân trở lại lúc ban đầu, xương dần dần bị mất đi theo thời gian, theo tình trạng thiếu hụt estrogen.
Bệnh nhân phải theo dõi tình trạng xương thường xuyên, đo mật độ xương sau 2 năm để phát hiện tình trạng tái loãng xương, lặp lại nguy cơ gãy xương ở người lớn tuổi.
3. Sử dụng thuốc chống loãng xương trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến chất lượng xương, dù khối lượng xương tăng cao
Bệnh nhân loãng xương phải uống thuốc trong 3 năm hoặc năm 5 sau đó dừng. Việc này khiến xương quay trở về tình trạng ban đầu. Vậy, tại sao chúng ta không để bệnh nhân uống thuốc lâu dài như trong điều trị các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, huyết áp...?
ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời: Lấy ví dụ, đối với phụ nữ mãn kinh, tình trạng mất estrogen sẽ kéo dài suốt và không cải thiện được, như vậy, nguy cơ loãng xương vẫn tồn tại suốt đời. Vậy tại sao chúng ta chỉ dùng thuốc trong 3 năm hoặc 5 năm?
Các loại thuốc điều trị chủ yếu của bệnh loãng xương là nhóm thuốc chống hủy xương. Để xương cũ được thay thế bằng xương mới, hoạt động hủy xương bắt buộc phải diễn ra. Khi sử dụng thuốc chống hủy xương, tình trạng hủy xương bị dừng lại, chỉ còn quá trình tạo xương hoạt động khiến xương đặc lại.
Sử dụng thuốc chống loãng xương trong thời gian quá dài có thể ảnh hưởng đến chất lượng xương, trong khi khối lượng xương tiếp tục tăng cao. Xương sẽ đặc nhưng không có chất lượng. Như đã biết, xương khỏe phải đáp ứng đủ cả 2 yếu tố khối lượng và chất lượng. Nếu chất lượng không tốt, xương vẫn có thể bị gãy, không phải vì mật độ xương thấp mà vì giảm chất lượng xương.
Zoledronic acid có thể được dùng để điều trị ung thư xương di căn. Nhưng sử dụng thuốc chống hủy xương quá lâu với liều cao, đặc biệt là loại truyền tĩnh mạch, trên các bệnh nhân ung thư sẽ dẫn đến tình trạng hoại tử xương hàm vô trùng.
Dù tỷ lệ xảy ra rất thấp nhưng để tránh các biến chứng, nhất là với các nhóm đặc biệt cần lưu ý, các chuyên gia khuyến cáo về các khoảng nghỉ. Sau 3 - 5 năm, bệnh nhân sẽ ngưng sử dụng thuốc để quá trình hủy xương hồi phục, xương cũ được thay bằng xương mới.
Khi lại xảy ra tình trạng mất xương nhiều đáng báo động, bệnh nhân sẽ bước vào đợt điều trị kế tiếp.
4. Lứa tuổi nào cũng cần phòng ngừa loãng xương
Việc phòng ngừa loãng xương ở từng độ tuổi có khác nhau không, thưa BS? Điều quan trọng nhất cần làm để không bị loãng xương là gì?
ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời: Loãng xương đưa đến một loạt các hệ quả nghiêm trọng nhưng may mắn là chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa loãng xương bằng lối sống lành mạnh.
Lời khuyên đầu tiên là chúng ta cần có chế độ ăn đầy đủ canxi và vitamin D. Nếu chế độ ăn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, có thể sử dụng thêm các loại viên bổ sung.
Bất kỳ lứa tuổi nào cũng cần phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa loãng xương về sau bằng cách vận động phù hợp. Theo khuyến cáo, cần phải vận động toàn thân có yếu tố trọng lực như đi bộ, chạy bộ, leo núi, khiêu vũ, bóng rổ, bóng đá, bóng chuyển... để tác động lên các mô xương, kích thích sự tạo xương.
Bơi lội, đạp xe tốt cho sức khỏe nói chung nhưng lại không có yếu tố trọng lực, do đó không đem lại hiệu quả phòng ngừa loãng xương.
Bên cạnh làm những việc tốt cho sức khỏe xương, chúng ta cũng phải tránh những yếu tố có ảnh hưởng xấu như hút thuốc, uống rượu bia, ăn mặn hay sử dụng các thực phẩm có thể tăng tình trạng viêm mãn tính trong cơ thể như đường, chất ngọt, chất béo bão hòa.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình