Hotline 24/7
08983-08983

Ưu và nhược điểm, chi phí khi mổ phaco điều trị đục thủy tinh thể

Theo TTƯT.BS CK2 Nguyễn Thế Hồ - Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Trưng Vương TPHCM, phẫu thuật Phaco trong điều trị đục thủy tinh thể đã được đưa vào áp dụng gần 20 năm nhưng cho đến nay vẫn là một kỹ thuật tiên tiến và hiện đại.

1. Đục thủy tinh thể là gì và những phương pháp điều trị?

Đầu tiên xin được hỏi TTƯT.BS CK2 Nguyễn Thế Hồ, bệnh đục thủy tinh thể có diễn tiến như thế nào? Bệnh có tên gọi nào khác không ạ?

Đục thủy tinh thể (hay còn gọi là cataract - cườm khô) được xem là một trong những nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu hiện nay. Phần lớn, đục thủy tinh thể xảy ra là do do quá trình sinh lý của tuổi già. Bệnh tiến triển rất chậm từ ngày này qua ngày khác, sau nhiều năm trở thành đục thủy tinh thể khiến mắt bệnh nhân mờ đi rất nhiều.

Ngoài nguyên nhân về tuổi tác thì đục thủy tinh thể có thể xảy ra do chấn thương hoặc các bệnh lý toàn thân gây ra.

Bệnh đục thủy tinh thể được điều trị bằng những phương pháp nào thưa BS? Trường hợp nào cần phẫu thuật?

Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân đục thủy tinh thể thường sử dụng một số thuốc uống, thuốc nhỏ mắt. Tuy nhiên, việc điều trị nội khoa chỉ làm chậm lại sự tiến triển của bệnh.

Ở giai đoạn cuối gần như tất cả các bệnh nhân đều phải phẫu thuật, như vậy mới đem lại ánh sáng cho người bị đục thủy tinh thể.

Vậy khi nào cần phẫu thuật?

Giảm thị lực là triệu chứng điển hình và quan trọng của bệnh đục thủy tinh thể. Mỗi ngày trôi qua, mắt bệnh nhân trở nên mờ dần. Thông thường, khi thị lực của bệnh nhân còn dưới 3/10 lúc này sẽ có chỉ định phẫu thuật. Trong một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ sẽ có chỉ định phẫu thuật khi thị lực trên 3/10.

Không nên để mắt trong tình trạng đục thủy tinh thể quá lâu (chẳng hạn khi thị lực chỉ còn 1/10), vì như vậy sẽ gây khó khăn trong cuộc phẫu thuật cũng như dễ xảy ra biến chứng ngoài ý muốn.

2. Ưu và nhược điểm của phẫu thuật Phaco điều trị đục thủy tinh thể

Phẫu thuật Phaco được tiến hành như thế nào, trong thời gian bao lâu, thưa BS?

phẫu thuật Phaco (Phacoemulsification: nghĩa là nhũ tương hóa thủy tinh thể) đã được đưa vào áp dụng gần 20 năm nhưng cho đến nay nó vẫn là một kỹ thuật tiên tiến và hiện đại.

Phaco được xem như một “cuộc cách mạng” của ngành nhãn khoa. Nếu các kỹ thuật mổ trước đây kết quả không được khả quan lắm nhưng hiện nay nhờ có Phaco giúp bệnh nhân sau khi mổ có thể nhìn thấy rõ mà không phải mang kính hoặc sử dụng kính nội nhãn.

Kỹ thuật Phaco giúp phá vỡ và hút bỏ thủy tinh thể bị đục, sau đó thay thế bằng một ống kính nội nhãn (IOL), nhờ đó giúp khôi phục thị lực. Phương pháp này được thực hiện trong vòng khoảng 10 phút, rất nhẹ nhàng, bệnh nhân không đau không chảy máu trong quá trình mổ. Tuy vậy với Phaco đòi hỏi sự tinh vi và độ chính xác cao của các bác sĩ.

Những biến chứng ngoài ý muốn của mổ Phaco là gì thưa BS? Làm cách nào để giảm thiểu biến chứng?

Các biến chứng trước phẫu thuật:

  • Nhỏ thuốc tê, chích gây tê cũng có thể gây ra biến chứng; bệnh nhân dị ứng hoặc sốc thuốc, gây tai biến,…

Khi thực hiện phẫu thuật do nhiều yếu tố tác động cũng có thể gây ra các rủi ro như:

  • Không loại bỏ được hoàn toàn thủy tinh thể bị đục.
  • Rách lớp màng nâng đỡ thủy tinh thể.
  • Xuất huyết trong mắt.
  • Một phần thủy tinh thể đã bị đục còn lại lạc về phía sau của mắt.
  • Tổn thương các phần khác của mắt như phù giác mạc.

Biến chứng sau phẫu thuật:

  • Nhiễm trùng
  • Sưng, viêm,…

Sau một cuộc phẫu thành công, bệnh nhân cần lưu ý:

  • Đừng để va chạm chấn thương mắt, vì lúc này mắt đang rất yếu.
  • Tránh để nước dơ, bẩn, bụi khói vào mắt vì sẽ gây nhiễm trùng. Sau phẫu thuật bệnh nhân nên đeo kính bảo hộ để che chắn và bảo vệ mắt.
  • Không nên ra đường, nên nghỉ ngơi và nằm yên tại chỗ.
  • Sử dụng thuốc đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ và vệ sinh sạch sẽ cho mắt.

Là một BS có thâm niên trong lĩnh vực mổ Phaco, BS có thể ước lượng mình đã thực hiện bao nhiêu ca mổ Phaco rồi không ạ? Nhiều bệnh nhân nghe tới mổ mắt thì sợ nguy hiểm và sợ đau, BS sẽ tư vấn với bệnh nhân như thế nào giúp họ bớt lo lắng ạ?

Tôi khoác áo làm bác sĩ nhãn khoa đến nay đã 30 năm, trong đó có 20 năm gắn bó với phẫu thuật Phaco.

Trung bình, mỗi tháng tôi thực hiện khoảng 100 ca phẫu thuật Phaco, vì hiện nay lượng bệnh nhân bị đục thủy tinh thể rất nhiều.

Trước bất kì một ca phẫu thuật nào bệnh nhân đều rất lo lắng, đặc biệt là phẫu thuật nhãn cầu. Nhưng người bệnh cũng đừng quá lo lắng vì mổ Phaco là một phẫu thuật rất an toàn và hiệu quả, phẫu thuật không gây đau, không chảy máu.

Trong phẫu thuật Phaco điều quan trọng nhất là tay nghề của bác sĩ, bệnh nhân cần tham khảo tìm hiểu kĩ trước khi thực hiện phẫu thuật.

Nhiều trường hợp khi kết nối được TTƯT.BS CK2 Nguyễn Thế Hồ khám và điều trị hoàn toàn miễn phí, nhiều bạn đọc hết lòng cảm ơn

3. Cần chuẩn bị gì trước và sau khi mổ Phaco?

Trước khi mổ Phaco, bệnh nhân cần chuẩn bị như thế nào? Với những người có bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường thì có phẫu thuật được không ạ?

Đục thủy tinh thể là một tiến trình sinh lý của tuổi già. Vì thế bệnh thường xảy ra ở độ tuổi trên 50, càng lớn tuổi tỷ lệ đục càng tăng. Nhưng khi ở độ tuổi này, bệnh nhân thường đi kèm các bệnh lý nền như: cao huyết áp, mỡ máu, tiểu đường,…

Phẫu thuật Phaco không có chống chỉ định với bệnh nhân tăng huyết áp, tiểu đường... Tuy nhiên, trước khi thực hiện phẫu thuật Phaco, bệnh nhân cần được khám nội tổng quát (xét nghiệm các chỉ số đường máu, đo huyết áp,…) để chắc chắn rằng sức khỏe đáp ứng được cuộc phẫu thuật.

Sau khi mổ Phaco, bệnh nhân chăm sóc mắt như thế nào, về nhà cần uống những thuốc gì?

Sau khi mổ Phaco:

  • Bệnh nhân sẽ được các bác sĩ hướng dẫn, dặn dò về việc sử dụng thuốc uống (kháng sinh, kháng viêm, giảm đau), thuốc nhỏ mắt; cần tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Bệnh nhân ăn uống bình thường, không phải kiêng cữ. Nhưng đặc biệt cần hạn chế việc uống rượu, bia, hút thuốc lá.
  • Bệnh nhân có thể xem sách báo, tivi bình thường, không nhất thiết phải hạn chế những điều này.
  • Đeo kính bảo hộ thường xuyên kể cả khi ngủ, tránh để nước dơ, nước bẩn văng vào mắt.

Với bệnh nhân ở xa, họ có thể tái khám ở tuyến dưới không, hay nhất định quay lại bệnh viện đã phẫu thuật mắt để tái khám ạ?

Nếu sau khi mổ khoảng 2 - 3 ngày, bệnh nhân cảm thấy mắt đau, rát, nhức… thì cần quay lại cơ sở y tế đã thực hiện mổ hoặc liên hệ trực tiếp đến đội ngũ y bác sĩ có liên quan để được tư vấn và thăm khám. Bởi đây có thể là triệu chứng của viêm nhiễm hoặc kính nội nhãn đặt trong mắt bị cấn - kẹt gây đau nhức khó chịu, hoặc bị dị ứng thuốc,…

Trong trường hợp bất trắc nếu bệnh nhân ở xa có thể liện hệ bác sĩ qua điện thoại để được tư vấn kịp thời hoặc đến cơ sở y tế gần nhất, miễn sao ở đó có bác sĩ chuyên khoa Mắt. Nếu được người bệnh nên tạo điều kiện để bác sĩ ở địa phương và bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật trao đổi với nhau, cùng hỗ trợ để đưa ra phương pháp giải quyết kịp thời.

Trường hợp cần phải mổ Phaco ở bên mắt còn lại thì họ nên đợi thêm bao lâu mới tiến hành ca mổ thứ 2 ạ?

Bất kì phẫu thuật nội nhãn nào cũng vậy, điều cấm kị nhất đó là không mổ 2 mắt cùng lúc, vì nếu chẳng may bạn bị nhiễm trùng cả 2 mắt, điều này cực kì nguy hiểm.

Tuy nhiên, việc phẫu thuật mắt thứ 2 có thể tiến hành rất sớm, đơn cử như hôm trước người bệnh đã mổ mắt bên phải thì qua ngày hôm sau đã có thể mổ mắt còn lại (nếu mắt phải tiến triển bình thường), chỉ là không thể mổ 2 mắt cùng lúc.

4. Cách đăng ký các chương trình mổ mắt miễn phí tại Bệnh viện Trưng Vương

Hiện nay mổ Phaco có chi phí là bao nhiêu ạ? Được biết BS Hồ thường xuyên tham gia các chương trình mổ mắt miễn phí cho bệnh nhân nghèo, BS có thể hướng dẫn bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn cách thức đăng ký các chương trình mổ mắt nhân đạo ở BV Trưng Vương không ạ?

Mổ Phaco có 2 loại:

  • Đặt kính nội nhãn đơn tiêu: dao động từ 10 - 12 triệu đồng, kính này giúp người bệnh nhìn xa rõ nhưng khi nhìn gần cần mang thêm một cái kính có gọng. Hiện nay, đa số bệnh nhân thực hiện phương pháp này.
  • Đặt kính nội nhãn đa tiêu: dao động từ 20 - 30 triệu đồng, loại kính này giúp bạn nhìn xa hay gần đều rõ. Nhưng loại kính này lại không áp dụng cho mọi đối tượng vì còn tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi người.

Tại Bệnh viên Trưng Vương TPHCM một ca mổ thường dao động từ 10 -12 triệu, trường hợp bệnh nhân có BHYT sẽ được chi trả thấp hơn. Đa số bệnh nhân có BHYT vì thế chi phí dao động ở mức từ 3 - 4 triệu/ ca mổ.

Ở các cơ sở y tế tư nhân có thể sẽ cao hơn tùy vào các khoản dịch vụ mà bệnh nhân chọn lựa.

Bệnh viện Trưng Vương TPHCM có 20 năm thực hiện chương trình mổ mắt miễn phí cho bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Rất nhiều các hội từ thiện như Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM, hội Chữ thập đỏ TPHCM, hội từ thiện Giáo hội Công giáo, Phật giáo Việt Nam, hội từ thiện Hy vọng, hội từ thiện An sinh,... đã tài trợ, đồng hành cùng Bệnh viện Trưng Vương thực hiện các ca mổ mắt cho bệnh nhân.

Hiện, Bệnh viện mắt Trưng Vương TPHCM có thể mổ từ thiện lên đến 1.000 ca/ tháng. Mỗi năm có thể mổ 10.000 ca. Vì thế bệnh nhân nào có nhu cầu có thể liên hệ đến các hội từ thiện nêu trên hoặc trực tiếp đến khoa Mắt Bệnh viện Trưng Vương TPHCM; ở đó các nhân viên sẽ sẵn sàng hỗ trợ giúp bệnh nhân được tham gia vào chương trình này. Bà con cứ yên tâm nếu cần hãy liên hệ, chúng tôi sẽ giúp đỡ hết mình.

Xin trân trọng cảm ơn TTƯT.BS CK2 Nguyễn Thế Hồ đã dành thời gian tư vấn cho bạn đọc AloBacsi!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X