Từ gan nhiễm mỡ đến viêm gan, xơ gan cách nhau “quãng đường” bao xa?
Nhìn vào sự phát triển của bệnh gan nhiễm mỡ, bạn sẽ thấy mức độ nghiêm trọng của nó: Khi bắt đầu chỉ là gan nhiễm mỡ đơn thuần, theo thời gian sẽ thành viêm gan nhiễm mỡ rồi phát triển thành gan nhiễm mỡ gây xơ hóa, xơ gan và cuối cùng là ung thư gan.
1. Người gầy gò, ốm yếu cũng bị gan nhiễm mỡ
Khi nhắc đến gan nhiễm mỡ, liệu trong đầu bạn có hình dung ngay đến các quý ông “bụng bia”, những người thường ăn nhiều đồ dầu mỡ? Không hẳn thế, thực tế ngay cả những người không uống rượu bia, gầy gò, người ăn chay, người giảm cân quá nhanh cũng góp phần khiến bệnh gan nhiễm mỡ bùng phát.
Đó chính là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Theo thống kê của Đại học Y Harvard (Mỹ), gan nhiễm mỡ không do rượu được hiểu là các tế bào gan chứa trên 5% chất béo. Đây là bệnh gan phổ biến nhất, ảnh hưởng 1/4 người Mỹ trưởng thành. Trong đó, 60% bệnh nhân là nam giới.
Giống như gout, gan nhiễm mỡ xảy ra do rối loạn chuyển hóa lipid hay acid uric trong cơ thể. Uống nhiều rượu là nguyên nhân gây tích tụ chất béo trong gan. Tuy nhiên, ở những người mắc gan nhiễm mỡ không do rượu, thủ phạm đến từ lượng mỡ dư thừa sản sinh từ quá trình bị rối loạn lipid máu, huyết áp cao, tiểu đường.
Với những người có cơ thể gầy yếu đồng nghĩa một số dưỡng chất cần thiết cho quá trình thanh lọc mỡ thừa, đào thảo độc tố mất đi. Dinh dưỡng giống như dầu bôi trơn, nuôi sống bộ máy thải độc, khi mất hoặc thiếu hụt thì nó sẽ là nguyên nhân khiến nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ tăng cao.
Còn ở những người ăn ít hoặc kiêng quá mức, lượng đường trong máu thấp đột ngột. Hiện tượng này khiến cơ thể tự điều chỉnh, tăng hấp thu mỡ để giải phóng thành năng lượng. Nếu lười vận động, mỡ sẽ tích tụ lại và không được chuyển hóa. Axit béo theo đó đi vào máu khiến nó vượt qua nồng độ cho phép và gan nhiễm mỡ.
Tình trạng này lý giải vì sao một số người gầy gò, thường xuyên tập thể dục thể thao nhưng vẫn bị men gan cao, gan nhiễm mỡ.
2. Chỉ mất 5-10 năm, gan nhiễm mỡ chuyển biến thành viêm gan, xơ gan
Do mỡ không phải một chất độc nên trong giai đoạn đầu, khi lượng mỡ trong gan ít, người bệnh thường không có triệu chứng hoặc nếu có cũng chỉ thoáng qua như tức nhẹ vùng gan, khó tiêu, mệt mỏi. Đa phần bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ không do rượu đều chỉ phát hiện khi tình cờ khám sức khỏe định kỳ. Thậm chí, nhiều trường hợp biết điều này khi đã xảy ra biến chứng đáng tiếc.
Mệt mỏi, ăn khó tiêu, tức nhẹ vùng gan là những triệu chứng cảnh báo gan nhiễm mỡ (Ảnh minh họa)
Thời gian đầu, khi gan nhiễm mỡ trong tình trạng đơn thuần, mặc dù chất béo đã xuất hiện trong gan người bệnh nhưng với số lượng ít và gần như là vô hại, nó không gây viêm hoặc tổn thương tế bào gan.
Tuy nhiên, nếu chúng ta để tình trạng này tiếp diễn, không điều trị thì gan nhiễm mỡ đơn thuần sẽ chuyển hóa thành viêm gan do gan nhiễm mỡ. Tiếp tục, nếu viêm gan do gan nhiễm mỡ vẫn không khắc phục được căn nguyên, xơ gan là điều tất yếu. Các chặng đường giữa các giai đoạn tiến triển này chỉ trong vòng 5-10 năm.
Một con số thống kê từ Đại học Y Harvard có thể sẽ khiến bạn giật mình: Có đến 40% người bị gan nhiễm mỡ không do rượu dẫn đến viêm gan. Điều này có thể gây sẹo ở gan (xơ gan), tăng khả năng bị ung thư.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, khi cơ thể có các dấu hiệu bất thường cần đi khám để có hướng điều trị phù hợp. Để xác định gan nhiễm mỡ, bác sĩ có thể dựa vào chẩn đoán hình ảnh, chủ yếu là siêu âm. Tiêu chí để đánh giá như xóa mờ vòng hoành, gan tăng sáng hơn so với thận, xóa mờ các ranh giới các mạch máu trong gan để xác định gan nhiễm mỡ ở mức độ nào. Hoặc một số phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác như FibroScan, IP, đo độ đàn hồi mô gan, sinh thiết gan cũng có thể cần phải thực hiện để các bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng của người bệnh.
3. Giải pháp nào cho người gan nhiễm mỡ sống vui, sống thọ?
Đừng vội nghe đến các biến chứng của gan nhiễm mỡ mà nản chí, bi quan trong cuộc sống. Bạn hoàn toàn có thể đảo ngược lại tình hình bằng việc duy trì chế độ ăn uống hợp lý, luyện tập thể dục thể thao để duy trì cân nặng hợp lý để giúp cơ thể có được sức khỏe tốt và đẩy lùi căn bệnh này.
Một nghiên cứu trên tạp chí JAMA Internal Medicine năm 2016 cho thấy những người giảm 3-6% trọng lượng cơ thể giúp hạ 35-40% lượng mỡ tích tụ trong gan. Ngoài ra, chúng ta nên hạn chế uống rượu, chất kích thích, nạp đủ nước để giảm áp lực lên gan.
Bên cạnh việc luyện tập thể dục thể thao, dung thuốc theo chỉ định, việc bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, ăn nhiều rau xanh, trái cây là bí quyết quan trọng để “hạ gục” gan nhiễm mỡ (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, tùy theo mỗi nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ cũng như mức độ bệnh, việc chỉ định thuốc sẽ khác nhau. Nhưng nói chung về điều trị gan nhiễm mỡ thì chủ yếu là dự phòng, dùng thuốc điều trị bệnh gây ra gan nhiễm mỡ để làm giảm nguy cơ này.
Chẳng hạn như, nếu bạn có bệnh lý rối loạn lipid máu thì sử dụng các thuốc chống tăng mỡ máu như nhóm fibrat (lypanthyl, lipavlon), nhóm lovastatin hoặc simvastati. Vitamin E liều cao cũng có tác dụng góp phần làm giảm tình trạng gan nhiễm mỡ. Hoặc nếu có bệnh lý đái tháo đường, cần tuân thủ chặt chẽ chế độ ăn, chế độ sinh hoạt, làm việc và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Mặt khác, đừng bỏ qua lịch hẹn khám định kỳ để theo dõi tiến triển của bệnh và hiệu quả điều trị.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình