Hotline 24/7
08983-08983

Trời nắng nóng, chăm sóc trẻ bị rôm sảy thế nào?

Thời tiết nắng nóng, trẻ nhỏ sẽ dễ bị rôm sảy do ứ đọng mồ hôi. Vậy các bậc phụ huynh cần chăm sóc trẻ như thế nào để giúp trẻ thoải mái, mau khỏi? Để hiểu rõ hơn về rôm sảy, mời quý vị khán giả cùng nghe chia sẻ của BS. Trương Hữu Khanh.

1. Nguyên nhân khiến trẻ bị rôm sảy

Trong thời tiết nắng nóng hiện nay, không ít bậc phụ huynh bận rộn tìm cách đối phó với nhiều sẩn nhỏ lấm tấm màu hồng hay còn gọi là rôm sảy trên người trẻ. Xin hỏi BS, nguyên nhân nào khiến trẻ bị rôm sảy, mẩn ngứa vào mùa hè?

BS Trương Hữu Khanh:

Tình trạng rôm sảy xảy ra vì tuyến mồ hôi bị tắc. Mùa nắng nóng, tuyến mồ hôi tiết ra nhiều nên dễ bị tắc hơn. Da của trẻ em không giống người lớn, da nhạy cảm nên dễ bị dị ứng, ứ mồ hôi, tắc tuyến mồ hôi và bị nổi sảy.

2. Đặc điểm của rôm sảy ở trẻ em: độ tuổi nào, vị trí nào?

Rôm sảy thường xảy ra ở độ tuổi nào?

BS Trương Hữu Khanh:

Người lớn ít bị rôm sảy vì da tốt. Độ tuổi thường bị rôm sảy là dưới 3 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi. Rôm sảy rất dễ nổi và nổi theo mùa, đến mùa nóng, rôm sảy sẽ nổi lên.

Rôm sảy nổi ở vị trí nào trên cơ thể trẻ? Khi đó trẻ có bị sốt không?

BS Trương Hữu Khanh:

Thông thường rôm sảy sẽ nổi ở các nếp gấp, vùng da rộng, ngực, vùng bụng, lưng, khủy tay. Khi nổi rôm sảy nhiều, trẻ sẽ bị ngứa, bứt rứt và khó ngủ. Nếu cha mẹ không biết xử lý, rôm sảy có thể gây nhiễm trùng da và hóa mủ. Khi hóa mủ, nó sẽ làm trẻ càng khó chịu hơn, không ngủ được vì gây ngứa và ăn không ngon.

3. Phân biệt rôm sảy và sốt phát ban

Tình trạng mẩn đỏ của rôm sảy rất dễ nhầm lẫn với bệnh sởi, sốt phát ban, hăm da, dị ứng da… vậy có triệu chứng điển hình nào để phân biệt các tình trạng này?

BS Trương Hữu Khanh:

Biểu hiện của sốt phát ban sẽ khác hoàn toàn, bởi vì sau khi sốt, ban mới nổi lên và nổi khắp cơ thể. Rôm sảy sẽ nổi theo mùa và nổi thành từng mảng. Dị ứng sẽ khởi phát sau khi ăn thức ăn lạ, chơi với thú cưng hay đi vào bụi rậm. Dị ứng là nổi mảng sẩn, còn rôm sảy là nổi những nốt nhỏ li ti những nếp gấp sẽ đổ nhiều mồ hôi.

4. Điều trị rôm sảy ở trẻ nhỏ có cần đưa đi bệnh viện không?

Rôm sảy có thể điều trị tại nhà không?

BS Trương Hữu Khanh:

Đa số trường hợp rôm sảy có thể tự điều trị tại nhà. Nếu bệnh rôm sảy gây khó chịu thì phải điều trị bằng cách rửa sạch vùng da đó, mình có thể bôi các dung dịch như nabica. Mình phải pha đúng cách rồi bôi vào vị trí bị rôm sảy, tình trạng rôm sảy sẽ giảm đi.

Cho trẻ ở môi trường thoáng sẽ giảm tình trạng rôm sảy. Cha mẹ phải biết cách ngừa rôm sảy trong mùa nắng nóng, cho em bé mặc áo vải cotton dễ hút mồ hôi và lau khô vùng hay đổ mồ hôi. Nếu không lau mồ hôi thì rôm sảy sẽ nổi nhiều hơn trong mùa nắng nóng.

Trường hợp nào mình không thể điều trị tại nhà?

BS Trương Hữu Khanh:

Đa số trẻ bị rôm sảy được điều trị tại nhà, nghĩa là mình bôi thuốc giữ ẩm hoặc các dung dịch nabica. Trong trường hợp vết mủ lan rộng ra xung quanh thì mới phải đi khám bệnh. Nhưng phải cố gắng điều trị rôm sảy nhanh chóng, khi thấy em bé không ngủ được, bứt rứt, bỏ ăn.

5. Chăm sóc trẻ bị rôm sảy: có nên dùng phấn rôm và kiêng ăn không?

Khi trẻ bị rôm sảy, phụ huynh nên lưu ý tắm rửa, vệ sinh cơ thể sao cho đúng cách? Phụ huynh có cần cho trẻ kiêng ăn tôm, cua, hải sản…?

BS Trương Hữu Khanh:

Cha mẹ không cần cho trẻ kiêng ăn hải sản vì rôm sảy không phải do thức ăn. Rôm sảy là do thay đổi thời tiết và da của trẻ không thoát mồ hôi tốt. Cha mẹ không cần cho trẻ kiêng ăn và cho trẻ tắm rửa bình thường.

Phải sử dụng các loại dầu tắm phù hợp với con nít và giữ cho trẻ đừng đổ mồ hôi nhiều, sử dụng áo hút ẩm tốt thì sẽ bớt bị rôm sảy. Còn phương pháp kiêng ăn thì sẽ không hiệu quả.

Những thói quen và sai lầm cần tránh khi trẻ bị rôm sảy?  Vì nhiều phụ huynh thắc mắc rằng vì sao khi bôi phấn rôm cho trẻ bị rôm sảy thì thấy đỏ. Trong một số trường hợp không đỏ và một số bậc phụ huynh sử dụng lá dân gian (các phương pháp dân gian) để tắm cho trẻ, các trường hợp này ta cần xử lý sao, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh:

Có một phương pháp dân gian tốt để giảm rôm sảy chính là tắm lá khổ qua. Lá khổ qua sẽ trung hòa chất tiết ra từ mồ hôi nhưng phải đảm bảo lá phải sạch.

Phấn rôm tùy theo trẻ, Sử dụng phấn rôm sẽ tùy vào mỗi đứa trẻ, cơ thể trẻ hợp với phấn rôm thì sẽ tự hết. Có trẻ không hợp với phấn rôm thì sẽ làm tắc thêm tuyến mồ hôi. Việc sử dụng dầu tắm hay lá tắm, thuốc bôi thì cha mẹ phải tìm hiểu, có trẻ sẽ phù hợp với loại này nhưng nó không phù hợp với loại khác. Quan trọng nhất là giữ cho da không bị ẩm trong thời gian quá lâu thì sẽ giảm bớt rôm sảy.

6. Các loại thuốc bôi trị rôm sảy ở trẻ

Các loại thuốc bôi nào không cần kê toa, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh:

Các dạng thuốc bôi dạng giữ ẩm thì hoàn toàn không cần kê toa. Quan trọng là loại thuốc bôi phải có nguồn gốc từ thiên nhiên, được sử dụng cho làn da của em bé và thuộc nhóm giữ ẩm thì có thể dùng được.

7. Lưu ý khi tắm và chọn quần áo cho trẻ bị rôm sảy

Khi trẻ bị rôm sảy, nhiều bậc phụ huynh lấn cấn trong việc mặc quần áo cũng khi tắm thì có nên tắm xà-phòng cho trẻ.

BS Trương Hữu Khanh:

Đối với trẻ em từ 1 tuổi rưỡi trở lên mình có thể cho trẻ tắm xà-phòng như người lớn. Đối với trẻ dưới 6 tháng, mình cần chọn loại sữa tắm chuyên cho trẻ em thì sẽ phù hợp hơn. Việc vệ sinh da trong mùa nắng nóng khá quan trọng trong việc giảm rôm sảy.

Nếu mình không tắm cho trẻ, trẻ sẽ bị rôm sảy nhiều. Nhưng nếu tắm nhiều quá thì trẻ sẽ bị bệnh. Vì vậy, mình cần phải cân bằng tắm rửa cho trẻ và chọn loại vải thoáng mát, lau khô các vùng dễ bị đổ mồ hôi.

8. Phòng ngừa rôm sảy ở trẻ em

Thưa BS, trong mùa nắng nóng trẻ rất khó tránh rôm sảy. Phương pháp phòng ngừa là gì?

BS Trương Hữu Khanh:

Có 3 cách phòng ngừa:

  • Tạo không gian vui chơi cho trẻ không quá nóng để trẻ không tiết mồ hôi nhiều
  • Cho trẻ mặc đồ thoáng mát thì sẽ bớt rôm sảy
  • Phải lau mồ hôi và chọn vải hút mồ hôi tốt để giảm rôm sảy

9. Những lưu ý giúp trẻ giảm bị rôm sảy

Cuối chương trình, nhờ BS chia sẻ một số lưu ý để bé không bị rôm sảy trong thời tiết nắng nóng?

BS Trương Hữu Khanh:

Nhìn chung, rôm sảy sẽ xuất hiện vào mùa nắng nóng, đặc biệt là trẻ nhỏ bị rôm sảy đặc biệt là trẻ nhỏ. Đến mùa nắng nóng, cha mẹ phải xem trẻ có bị rôm sảy hay không. Bởi vì, rôm sảy sẽ khiến trẻ không ngủ được, biếng ăn hoặc có thể  nhiễm trùng da.

Do đó, đến mùa nắng nóng, cha mẹ cần chọn không gian đủ thoáng mát cho trẻ chơi. Chọn loại dầu tắm hay lá tắm phù hợp với trẻ. Phải chọn áo loại vải hút ẩm tốt và thường xuyên theo dõi trẻ để lau khô các vùng mồ hôi ứ đọng. Như vậy, rôm sảy sẽ giảm dần dần.

Trọng Dy - Minh Huy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X