Hotline 24/7
08983-08983

Triệu chứng đột quỵ trong mùa nắng nóng có điểm gì đặc biệt?

Nắng nóng, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ gia tăng 20-30% tại các bệnh viện. Căn bệnh này nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa được. ThS.BS Trương Phạm Vĩnh Lễ - Phó khoa Thần kinh đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã đưa ra những khuyến cáo hữu ích nhằm phòng ngừa đột quỵ trong mùa nắng nóng cũng như nhận diện triệu chứng kịp thời.

Nắng nóng bệnh đột quỵ gia tăng đến 30% tại các bệnh viện

Thưa BS, thời tiết nắng nóng làm gia tăng đột quỵ như thế nào ạ?

ThS.BS Trương Phạm Vĩnh Lễ trả lời: Thời gian gần đây, khi thời tiết đặc biệt nắng nóng gay gắt, nhiệt độ trung bình ngoài trời cao, khoảng 34 độ C trở lên.

Tình hình cấp cứu ở khoa cấp cứu tại các bệnh viện cũng gia tăng nhanh chóng, lượng bệnh tăng khoảng 20 - 30%. Một số trường hợp nhập viện do bị sốc nhiệt tăng cao hơn so với khoảng thời tiết trước đây.

Xuất huyết não hay nhồi máu não nhiều hơn trong mùa nắng nóng?

Đặc biệt thời gian gần đây, thời tiết nắng nóng, tỷ lệ nhập viện và điều trị đột quỵ tại S.I.S Cần Thơ có thay đổi so với những mùa khác trong năm?

ThS.BS Trương Phạm Vĩnh Lễ trả lời: Tỷ lệ đột quỵ do nhồi máu não và xuất huyết não không có sự thay đổi nhiều. Thông thường số ca đột quỵ não chiếm khoảng 80% và xuất huyết não là 20%, những con số này sẽ tăng lên do thời tiết thay đổi và trở nên nắng nóng hơn. Đột quỵ xuất huyết não sẽ có tỷ lệ gia tăng cao hơn và thường xảy ra ở người lớn tuổi.

Gần đây, tại S.I.S Cần Thơ cũng ghi nhận nhiều hơn số trường hợp đột quỵ não ở người trẻ tuổi. Với thời tiết nắng nóng kéo dài, tình hình đột quỵ có thể sẽ tăng hơn trong thời sắp tới, do những bệnh nhân đột quỵ đã tiềm ẩn các yếu tố nguy cơ về đột quỵ bên trong cơ thể.

Các yếu tố tác động làm đột quỵ gia tăng trong nắng nóng

Vì sao thời tiết nắng nóng lại liên quan đến tỷ lệ đột quỵ gia tăng, thưa BS?

ThS.BS Trương Phạm Vĩnh Lễ trả lời: Sự thay đổi của thời tiết hay sự chênh lệch nhiệt độ cũng sẽ góp phần làm cho các yếu tố nguy cơ sẵn có của đột quỵ chuyển biến xấu đi, khiến bệnh nhân dễ lên cơn đột quỵ hơn. Bên cạnh đó, có thể khiến cho phần kiểm soát yếu tố nguy cơ của bệnh nhân giảm đi đáng kể, làm cho bệnh đột quỵ xuất hiện nhiều hơn.

Nhiệt độ tăng cao sẽ khiến cơ thể bị mất nước, ra nhiều mồ hôi kèm theo mất chất khoáng. Điều này tương đương với việc mất thể tích máu trong lòng mạch, gây cô đặc máu, dẫn đến việc dễ hình thành cục máu đông và xuất hiện cơn đột quỵ nhồi máu não.

Khi xuất hiện sự chênh lệch nhiệt độ cao, ví dụ khi cơ thể chuyển từ nhiệt độ nóng sang lạnh một cách đột ngột có thể gây ra tình trạng co mạch máu đột ngột, khiến cho huyết áp tăng vọt, dễ dẫn đến xuất huyết não. Hai hiện tượng này chính là nguyên nhân làm cho cơ thể chúng ta dễ rơi vào tình trạng đột quỵ não.

Ngoài ra, khi thời tiết nắng nóng, cơ thể sẽ dễ gặp phải tình trạng sốc nhiệt, nghĩa là khi chúng ta tiếp xúc với nhiệt độ môi trường cao, trong thời gian dài, trung tâm điều nhiệt của cơ thể có thể bị tổn thương, bị rối loạn, từ đó nhiệt độ của cơ thể tăng không kiểm soát, dẫn đến các tổn thương khác về thần kinh.

Ví dụ khi nhiệt độ cơ thể tăng, sẽ xuất hiện triệu chứng nhẹ như có cảm giác buồn nôn, lừ đừ, chóng mặt, cũng có thể nặng hơn như gây hôn mê, co giật…

Đột quỵ có xu hướng gia tăng trong mùa nắng nóng (Ảnh minh họa)

Ai có nguy cơ đột quỵ trong mùa nắng?

Trong thời tiết nắng nóng, những ai và người làm công việc nào có nguy cơ đột quỵ cao ạ?

ThS.BS Trương Phạm Vĩnh Lễ trả lời: Khi sự chênh lệch nhiệt độ cao, các yếu tố nguy cơ đột quỵ có thể chuyển biến nặng hơn, đặc biệt là nhóm đối tượng người lớn tuổi và trẻ em. Thông thường, ở 2 nhóm tuổi này, phần thích ứng của cơ thể về thay đổi nhiệt độ cao sẽ kém hơn người bình thường, dễ bị sốc nhiệt hơn. Ngoài ra, nếu những người này có yếu tố nguy cơ về đột quỵ, nguy cơ gặp tình trạng này sẽ cao hơn.

Triệu chứng đột quỵ trong mùa nắng nóng cần lưu ý

Triệu chứng của đột quỵ trong mùa nắng nóng liệu có khác biệt với các mùa khác trong năm? Làm sao nhận diện rõ biểu hiện của đột quỵ với say nắng, sốc nhiệt, thưa BS?

ThS.BS Trương Phạm Vĩnh Lễ trả lời: Triệu chứng của đột quỵ là những triệu chứng kinh điển và rất đặc hiệu. Đầu tiên là méo miệng, mặt bị lệch về một bên so với bên còn lại. Triệu chứng thứ hai là nói khó, nói không được, khó nghe hoặc không tròn vành, rõ chữ. Thứ ba là cơ thể bị tê, yếu liệt nửa người, nghĩa là một bên cơ thể sẽ bị yếu sức đi hoặc tê và mất cảm giác so với nửa người còn lại.

Đột quỵ cũng có thể gặp các triệu chứng ít đặc hiệu hơn, ví dụ như bị mất thăng bằng, mờ mắt hoặc mất thị lực một cách đột ngột.

Đối với say nắng hoặc sốc nhiệt, thường sẽ có biểu hiện nhẹ hơn như sau khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng ngoài môi trường trong thời gian kéo dài, khi sờ vào cơ thể sẽ cảm thấy thân nhiệt của bệnh nhân rất nóng, kèm theo những triệu chứng như chống mặt, buồn nôn hoặc có thể rơi vào tình trạng hôn mê hay co giật.

Triệu chứng của đột quỵ thường sẽ diễn ra đột ngột, có thể do tác động của việc tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp kéo dài hoặc không. Đối với triệu chứng của người say nắng hay sốc nhiệt, phải có một biểu hiện theo sau ngay khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời một cách trực tiếp và kéo dài.

Những điểm cần lưu ý khi sơ cứu bệnh nhân đột quỵ mùa nóng

Thưa BS, sơ cứu bệnh nhân đột quỵ trong mùa nắng nóng cần chú ý những gì ạ?

ThS.BS Trương Phạm Vĩnh Lễ trả lời: Về vấn đề sơ cứu cho bệnh nhân đột quỵ hay sốc nhiệt, có thể chia ra thành 2 phần. Khi sơ cứu bệnh nhân bị đột quỵ, trong thời phát hiện bệnh nhân có thể thấy hoặc không thấy được diễn tiến.

Tuy nhiên, ngay khi phát hiện bệnh nhân, nếu có triệu chứng nghi ngờ của đột quỵ như miệng méo, nói khó, tê yếu nửa người, ngay lúc này nên giữ an toàn cho người bệnh và liên hệ đến cơ sở y tế gần nhất, có khả năng điều trị đột quỵ để có thể tiếp cận được với việc cấp cứu tốt nhất. Nếu bệnh nhân đến trong giờ “vàng”, từ 3 - 4,5 giờ đầu đối với bệnh nhân nhồi máu não, sẽ có phương pháp điều trị tái thông giúp bệnh nhân có thể hồi phục sau cơn đột quỵ.

Về việc sơ cứu cho người bị sốc nhiệt, nên đưa bệnh nhân đến nơi có bóng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, giữ an toàn, nới lỏng và loại bỏ bớt những loại quần áo gây tăng thêm nhiệt độ cho cơ thể. Tuỳ thuộc vào tình huống, có thể cho uống nước và làm mát da cho bệnh nhân.

TOP sai lầm cần tránh trong mùa nắng nóng

Những sai lầm và thói quen xấu cần tránh trong thời điểm này gồm những gì, thưa BS?

ThS.BS Trương Phạm Vĩnh Lễ trả lời: Những việc cần chú ý khi phòng ngừa sốc nhiệt mùa nắng nóng, việc chúng ta tiếp xúc trực tiếp dưới ánh nắng trong thời gian dài sẽ dễ dẫn đến sốc nhiệt, từ cơ chế này có thể dễ dàng thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Cần hạn chế ra đường hoặc làm việc, tiếp xúc trực tiếp dưới ánh nắng trong thời gian dài.

Nếu có công việc hay có những việc bắt buộc phải ra ngoài và tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, phải chuẩn bị kỹ phần che chắn để giảm thiểu tối đa cơ thể phải tiếp xúc trực tiếp dưới ánh nắng. Nên uống đủ nước, sẽ tốt hơn nếu có thể kèm theo khoáng.

Ngoài ra, cũng nên chú ý một số điều quan trọng sau như là sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại. Ví dụ cần hạn chế việc thay đổi môi trường một cách đột ngột, không nên vào nhà và bật máy lạnh ở nhiệt độ thấp ngay. Cần có một khoảng thời gian chuyển tiếp để cơ thể quen với nhiệt độ.

Bên cạnh đó, không nên tắm ngay sau khi đi nắng về hoặc tắm trễ hay tắm dưới dòng nước lạnh ngay sau khi cơ thể tiếp xúc trực tiếp với thời tiết nắng nóng bên ngoài. Cần lưu ý đến những vấn đề này để nhiệt độ của cơ thể không thay đổi quá đột ngột.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X