Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ mắc quai bị, làm sao phòng ngừa biến chứng vô sinh?

Bệnh quai bị là một căn bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ, rất dễ lây. BS Trương Hữu Khanh lưu ý các bậc phụ huynh về cách điều trị và phòng ngừa đúng cách nhằm tránh để lại biến chứng và gây vô sinh khi trẻ lớn lên.

1. Bệnh quai bị thường xảy ra vào thời gian nào? Độ tuổi nào dễ mắc quai bị?

Thưa BS Trương Hữu Khanh, bệnh quai thường nhắc đến bởi những biến chứng nguy hiểm cho trẻ nam là vô sinh. Xin hỏi, bệnh quai bị thường xảy ra vào thời điểm nào trong năm? Trẻ em ở độ tuổi nào dễ gặp phải nhất ạ?

BS Trương Hữu Khanh:

Bệnh quai bị thường gặp vào mùa đông xuân, thời điểm xuất hiện bệnh cũng giống như bệnh thủy đậu, sởi. Bệnh thường kéo dài từ khoảng tháng 12 cho đến tháng 4, 5, 6 thì biến mất.

Lứa tuổi thường mắc bệnh này là lứa tuổi đi học, giai đoạn này trẻ bắt đầu tiếp xúc với môi trường ngoài nhiều. Những em bé không được chủng ngừa sẽ bị lây. Trong một số trường hợp hiếm gặp ở trẻ nhỏ. Nếu như người mẹ không có được miễn dịch để truyền sang con thì nó có thể xảy ra. Nhưng tình trạng này xảy ra nhiều nhất ở lứa tuổi đi học.

2. Bệnh quai bị lây qua con đường nào, diễn tiến của bệnh ra sao?

Bệnh quai bị lây lan qua đường nào, diễn tiến bệnh ra sao thưa BS? Thời gian ủ bệnh, phát bệnh đến khi khỏi hẳn kéo dài bao lâu?

BS Trương Hữu Khanh:

Bệnh này lây qua đường hô hấp, nghĩa là khi mắc bệnh thì trong vùng hầu họng của họ có rất nhiều virus. Khi họ nói chuyện hay hắt hơi, virus sẽ phát tán ra môi trường xung quanh. Những người chưa mắc bệnh nhưng không có miễn dịch hay chích ngừa hít phải sẽ bị bệnh.

Diễn tiến của bệnh khá dễ nhận biết. Trẻ nhỏ thường có dấu hiệu hành trước khi xuất hiện triệu chứng, nhưng trẻ lớn và người lớn sẽ có cảm giác đau nhức, mệt mỏi, sốt, cảm giác như bị cảm cúm. Sau đó, sẽ bị sưng ở vùng mang tai.

Nhưng có một số trẻ không có dấu hiệu gì, tự dưng sẽ thấy đau, mỏi rồi sưng lên. Chữ quai bị nghĩa là vùng quai hàm to như cái bị, người Việt Nam gọi đó là quai bị. Vùng quai hàm bị sưng lên, nhưng đó là vùng của tuyến mang tai.

Nó có thể làm em bé đau, biếng ăn, có thể sưng một bên rồi sưng hai bên. Trong một số trường hợp, ngoài sưng ở tuyến mang tai mà còn bị sưng ở tuyến dưới hàm, bởi vì nơi nào có tuyến nước bọt thì sẽ bị sưng. Nó sẽ làm cho cổ bạnh ra, nhìn rất đáng sợ.

Một số em bé sẽ bỏ ăn và có cảm giác đau nhức nhưng một số khác vẫn sinh hoạt bình thường. Đa số trường hợp quai bị khá lành tính.

Có một số biến chứng nặng như viêm tụy cấp, viêm não, viêm cơ tim, viêm tinh hoàn. Thông thường, bệnh này sẽ kéo dài từ 7-10 ngày và sẽ tự ổn định.

3. Triệu chứng bệnh quai bị có giống viêm tuyến mang tai?

Triệu chứng này cũng thường gặp ở một số bệnh lý khác như viêm tuyến mang tai, vậy làm thế nào để phân biệt thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh:

Sưng ở vùng tuyến mang tai sẽ có 3 khả năng xảy ra:

  • Thứ nhất là quai bị làm viêm tuyến mang tai,
  • Thứ hai là viêm tuyến mang tai do vi khuẩn không phải do siêu vi quai bị,
  • Thứ ba là do hạch sưng lên mà mình tưởng đó là tuyến mang tai.

Khi mắc quai bị thì có cảm giác đau nhưng không bị nóng đỏ. Nhưng nếu đó là do vi khuẩn thì ta sẽ có cảm giác rất đau và nóng đỏ, nhìn có cảm giác nó căng và có mủ. Còn về hạch thì nó sẽ nổi thành các đốm hạch khi mình sờ vào.

Điều đáng sợ nhất chính là hạch đó có liên quan đến bạch hầu mà lầm tưởng là quai bị, chỉ có bác sĩ chuyên môn khám và nhận biết được. Nếu các bậc phụ huynh thấy em bé lừ đừ, khó chịu thì cần đưa trẻ đi khám để bác sĩ xem đó có phải là quai bị hay không.

BS Trương Hữu Khanh mô tả vị trí bị sưng khi trẻ bị quai bị

4. Bệnh quai bị gây ra những biến chứng nào?

BS Trương Hữu Khanh:

Biến chứng nặng nhất đó là viêm cơ tim, có thể dẫn đến tử vong; nhẹ hơn đó là viêm tụy cấp, viêm màng não, viêm tinh hoàn.

5. Bệnh quai bị được điều trị như thế nào?

BS Trương Hữu Khanh:

Thông thường, bệnh này không cần điều trị và sẽ tự hết. Nếu không có biến chứng, bệnh sẽ tự lui trong vòng 5-7 ngày. Tùy theo biến chứng, bệnh nhân có thể điều trị dài hơn. Hiện nay, quai bị không có thuốc điều trị đặc hiệu.

6. Khi nào cần đưa trẻ mắc quai bị đến cơ sở y tế?

Các bậc phụ huynh nên chăm sóc trẻ bị quai bị như thế nào? Trường hợp nào có thể theo dõi tại nhà, khi nào cần đến bệnh viện?

BS Trương Hữu Khanh:

Nếu cha mẹ nghi ngờ con mình bị bệnh quai bị thì vẫn có thể điều trị tại nhà. Cần lưu ý một số điều: em bé đau thì uống thuốc giảm đau và theo dõi, không được đắp thứ gì lên quai bị. Sai lầm của người dân là lấy cau hay vôi đắp lên, chính điều này đã gây viêm và nhiễm trùng.

Hạn chế để bé chạy nhảy, đặc biệt là em bé ở tuổi dậy thì. Không nên cho trẻ ăn đồ quá chua, vì ăn đồ chua sẽ làm tăng tình trạng tiết nước bọt.

Cha mẹ cần theo dõi trẻ, nếu em bé ói nhiều chắc chắn phải đưa trẻ đến bệnh viện, bởi vì đó có thể là biến chứng viêm màng não hoặc viêm tụy.

Thứ hai, nếu em bé thấy mệt thì phải đưa đến bệnh viện.

Thứ ba, nếu bé bị sưng vùng bìu thì phải đi bệnh viện ngay, bởi vì lúc đó có thể bị biến chứng viêm tinh hoàn.

7. Trẻ mắc quai bị nên kiêng ăn gì?

Nhờ bác sĩ có thể nói rõ là em bé nên ăn gì và không nên ăn gì?

BS Trương Hữu Khanh:

Trẻ không cần phải kiêng ăn khi mắc quai bị. Trẻ chỉ cần không ăn đồ quá chua, vì làm tăng tình trạng tiết nước bọt sẽ gây thêm cơn đau cho trẻ.

8. Nên làm gì để tránh lây lan bệnh quai bị cho người khác?

Bệnh có thể lây lan qua đường hô hấp và đường ăn uống, khi chăm sóc tại nhà cần làm gì để không lây cho người khác?

BS Trương Hữu Khanh:

Bệnh quai bị lây rất mạnh, nếu mình không có miễn dịch thì sẽ bị lây bệnh. Muốn bệnh không lây thì hơi khó, bởi vì trước khi biết người khác bị quai bị thì virus đã phát tán ra ngoài. Ngoài việc người bệnh quai bị phải tự cách ly tại nhà thì những người khác phải được chích ngừa, mới có thể phòng bệnh.

9. Bệnh quai bị có tái phát không?

Trẻ đã bị quai bị, liệu có tái phát không thưa BS? Nhiều bậc phụ huynh lo lắng khi trẻ mắc căn bệnh này cần phải kiêng tuyệt đối việc chạy nhảy, đi lại vì như vậy dễ bị vô sinh, điều này có đúng không ạ?

BS Trương Hữu Khanh:

Bệnh quai bị không tái lại, nếu bệnh tái lại là do mình chẩn đoán sai ở lần trước, có thể lần này chẩn đoán sai hoặc có thể do bệnh khác.

Hạn chế chạy nhảy là đúng vì ở tuổi dậy thì, việc hạn chế chạy nhảy có thể khó dẫn đến biến chứng viêm tinh hoàn.

10. Cách phòng ngừa bệnh quai bị cho trẻ

BS Trương Hữu Khanh:

Cách duy nhất phòng ngừa bệnh quai bị là chích ngừa. Vắc xin quai bị khá phổ biến, nằm chung với vắc xin sởi và rubella. Trẻ có thể chích ngừa từ 12 tháng tuổi, tốt nhất là chích 2 mũi, bởi vì chích một mũi vẫn có khả năng mắc bệnh.

11. Lời khuyên của bác sĩ để ngừa biến chứng của bệnh quai bị

BS Trương Hữu Khanh:

Quai bị là bệnh nếu không được chích ngừa thì sẽ xảy ra ở mọi đứa trẻ. Đây là loại virus lây lan rất mạnh theo mùa. Để phòng ngừa quai bị, chỉ có cách duy nhất là chích ngừa.

Tuy biến chứng bệnh quai bị rất hiếm nhưng nếu xảy ra thì sẽ có một số trường hợp rất nặng. Để phòng ngừa biến chứng ngoài viêm tinh hoàn thì cần hạn chế chạy nhảy. Biến chứng viêm cơ tim hay viêm tụy thì không thể phòng ngừa được vì nó thuộc về cơ địa. Nếu em bé ói nhiều, mệt thì phải đi bệnh viện. Biến chứng viêm tinh hoàn thì phải chữa trị, nếu không sẽ để lại hậu quả là teo tinh hoàn.

Một số phụ huynh lo sợ rằng khi mới mắc quai bị thì có teo tinh hoàn hay không. Tuy nhiên, trẻ chỉ bị teo tinh hoàn khi có biến chứng viêm tinh hoàn. Khi viêm tinh hoàn hai bên nhưng không được điều trị đúng thì nó mới ảnh hưởng đến việc sinh sản của trẻ trai sau này.

Ngoài việc chích ngừa, cha mẹ không được sử dụng các biện pháp dân gian để chữa như đắp lá, đắp thuốc, đắp vôi lên vùng đó. Việc này sẽ không giúp được gì trong việc giảm bệnh và chỉ làm tăng tỷ lệ nhiễm trùng.

Trọng Dy - Minh Huy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X