Hotline 24/7
08983-08983

Con đường từ nhiễm trùng, nhiễm siêu vi đến viêm cơ tim

Không phải ai nhiễm virus, vi khuẩn nào đó đều gây viêm cơ tim. Nhưng nếu đột ngột suy tim hay rối loạn nhịp mà trước đó tim hoàn toàn bình thường thì có thể bệnh đã diễn tiến tới viêm cơ tim. BS.CK1 Cao Thị Lan Hương giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bệnh này.

1. Bệnh viêm cơ tim là tình trạng như thế nào, do nguyên nhân gì?

Bệnh viêm cơ tim là tình trạng viêm viêm toàn bộ hoặc một phần khối cơ tim khiến cơ tim bị tổn thương và ảnh hưởng tới chức năng co bóp, chức năng dẫn truyền điện của cơ tim. Theo đó, bệnh nhân có biểu hiện đột ngột của suy tim hay các rối loạn nhịp nguy hiểm mà trước đó tim hoàn toàn bình thường về mặt cất trúc và chức năng.

Nguyên nhân gây viêm cơ tim chủ yếu là do virus, trong đó thường gặp nhất là do virus coxsackie B. Một số loại virus khác như virus gây cảm lạnh thông thường (adenovirus), parvovirus B19 (virus gây sốt phát ban), virus herpes (gây bệnh thủy đậu, zona thần kinh), echovirus (virus gây nhiễm trùng đường tiêu hóa), hay virus rubella (gây bệnh sởi) cũng là nguyên nhân tiềm tàng của viêm cơ tim.

Ngoài ra, bệnh viêm cơ tim cũng có thể gây ra bởi vi khuẩn, ký sinh trùng; tiếp xúc với thuốc gây dị ứng, độc hại, thuốc chống động kinh; điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị; mắc bệnh lupus, viêm động mạch...

2. Có virus, vi trùng nào chuyên gây viêm cơ tim không?

Viêm cơ tim là tình trạng tăng các đáp ứng miễn dịch tế bào hoặc thể dịch trong tim, do hậu quả của một bệnh cảnh nhiễm trùng, nhiễm độc, tự miễn... gây nên, chứ không có một loại virus hay vi khuẩn riêng biệt nào là virus viêm cơ tim, vi trùng “ăn tim” cả.

alobacsi BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - Bệnh viện Trưng Vương, viêm cơ timBS.CK1 Cao Thị Lan Hương - Bệnh viện Trưng Vương (TPHCM)

3. Triệu chứng của bệnh viêm cơ tim là gì? Người bệnh có tự nhận biết được không?

Viêm cơ tim có những biểu hiện rất đa dạng, ở nhiều mức độ khác nhau. Bệnh có thể không gây ảnh hưởng gì cho đến gây ảnh hưởng rất nặng nề, thậm chí là đe dọa đến tính mạng.

Nhìn chung, bệnh viêm cơ tim gồm 3 nhóm chính sau:

  • Nhóm không có triệu chứng: Một số trường hợp mắc viêm cơ tim nhưng biểu hiện không rõ ràng, thậm chí không có biểu hiện gì khiến cho bệnh nhân khó phát hiện những thay đổi trong cơ thể. Từ đó, bệnh diễn biến âm thầm, đến khi phát hiện thì bệnh đã trở nên nghiêm trọng, cơ tim có thể bị phì đại hoặc giãn nở. Người bệnh có thể bị chẩn đoán nhầm là bệnh cơ tim do di truyền.
  • Nhóm có triệu chứng điển hình: Một số trường hợp lại xuất hiện những thay đổi bất thường và rất điển hình. Ở thời kỳ khởi phát như sốt cao, đau nhức đầu, mỏi cơ, chảy nước mắt, nước mũi, tiêu chảy, khó thở và ăn uống kém. Tình trạng này khó thở có thể tăng lên sau 1,2 ngày, kèm theo đó là hiện tượng đau ngực, đánh trống ngực và đau tức vùng gan. Đây là nhóm thường gặp trên lâm sàng.
  • Nhóm có triệu chứng nghiêm trọng: Bệnh nhân có tình trạng sốc tim, mạch đập nhanh nhỏ, huyết áp tụt hoặc không đo được, da người bệnh tái. Triệu chứng nặng dần, bệnh nhân không đáp ứng điều trị và dễ dẫn tới tử vong. Bệnh nhân có thể bị chẩn đoán lầm với hội chứng vành cấp hay rối loạn nhịp vô căn vì diễn tiến quá nhanh và không điển hình.

Như vậy, triệu chứng viêm cơ tim có thể từ nhẹ đến rất nặng. Các triệu chứng thường gặp của viêm cơ tim:

Dấu hiệu của nhiễm trùng: sốt, cảm cúm, đau mình mẩy…

  • Đau ngực
  • Khó thở tùy mức độ suy tim
  • Các rối loạn nhịp tim: ngoại tâm thu, nhịp nhanh thất…
  • Trường hợp nặng có dấu hiệu của sốc tim: huyết áp tụt, chân tay lạnh, tiểu ít, khó thở liên tục, có thể phù phổi cấp

Người bệnh có thể tự nhận biết nhưng đôi khi cũng bỏ sót nếu rơi vào nhóm không có triệu chứng.

4. Để chẩn đoán viêm cơ tim, chúng ta có những phương pháp nào?

Để chẩn đoán bệnh viêm cơ tim, ngoài những triệu chứng lâm sàng kể trên, các bác sĩ sẽ thực hiện thêm một số xét nghiệm để đưa ra kết luận chính xác nhất:

  • Sinh thiết nội mạc cơ tim: là phương tiện hữu ích để chẩn đoán, có thể xác định được bằng chứng viêm cơ tim rõ ràng trên mô bệnh học, tuy nhiên chưa được thực hiện tại Việt Nam
  • Siêu âm doppler tim: đánh giá được chức năng tim, các rối loạn vận động vùng do viêm cơ tim, không liên quan đến vùng tưới máu động mạch vành
  • Điện tâm đồ: thường thấy dấu hiệu ST chênh cong lõm ở nhiều chuyển đạo biểu hiện tình trạng viêm cơ tim màng tim, cần tránh nhầm lẫn với biến đổi ST chênh lên trong nhồi máu cơ tim
  • Cộng hưởng từ tim: cũng là phương tiện có giá trị chẩn đoán cao, tuy nhiên ít thực hiện được trong giai đoạn cấp
  • Các xét nghiệm máu: ngoài tình các maker nhiễm trùng, đặc biệt cần chú ý đến Troponin T hoặc Troponin I là dấu chứng của hoại tử cơ tim. Dựa vào đó để chẩn đoán được có sự tổn thương cơ tim. Ngoài ra NT-proBNP, lactat máu cũng cần thiết để đánh giá mức độ suy tim, tưới máu cơ quan.
  • Chụp động mạch vành qua da: ở những bệnh nhân có đau ngực kèm các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành, có tăng men tim, cũng cần chụp động mạch vành để loại trừ nhồi máu cơ tim nếu tình trạng cho phép
  • Kỹ thuật khuếch đại chuỗi polymerase (PCR: Polymerase Chain Reaction) có thể phát hiện được bộ gen của virus trong tế bào cơ tim nhưng không phát hiện được ở máu ngoại vi. Kỹ thuật này xác định được loại virus nào gây bệnh. Tuy nhiên đây là kỹ thuật đắt tiền không phải có sẵn ở các cơ sở y tế và cũng không giúp hỗ trợ điều trị bệnh nên ít làm.

5. Viêm cơ tim nếu không phát hiện và điều trị có thể dẫn tới tình trạng gì?

Viêm cơ tim có thể gây ra hàng loạt biến chứng nghiêm trọng đối với người bệnh:

Suy tim

Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, viêm cơ tim có thể nhanh chóng làm tổn thương cơ tim và dẫn đến suy tim khiến tim không còn chức năng bơm máu để nuôi cơ thể.

Nhịp tim nhanh hoặc rối loạn nhịp tim

Viêm cơ tim cũng là một trong những nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim.

Đột tử

Tình trạng rối loạn nhịp tim nghiêm trọng sẽ khiến cho tim có thể ngừng đập một cách đột ngột và dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời. Theo thống kê ở người trẻ, viêm cơ tim chiếm 20% trong số những nguyên nhân gây đột tử.

Nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ

Trong bệnh viêm cơ tim, cục máu đông có thể hình thành trong tim. Nếu cục máu đông gây bít tắc một trong các động mạch vành, gây ra nhồi máu cơ tim. Hoặc nếu cục máu đông trong tim di chuyển đến một động mạch dẫn đến não có thể gây ra đột quỵ.

Tử vong

Đối với thể tối cấp được biểu hiện bằng tình trạng khởi phát cấp tính và suy sụp tuần hoàn trầm trọng, có nguy cơ tử vong rất cao đến 70% nếu không được điều trị tích cực kịp thời.

6. Bệnh viêm cơ tim được điều trị như thế nào?

Phương pháp điều trị viêm cơ tim trong giai đoạn cấp không có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng. Đa phần viêm cơ tim cấp thường bình phục không biến chứng. Nhưng cũng có một tỉ lệ viêm cơ tim gây suy tim, bệnh cơ tim giãn.

Điều trị viêm cơ tim phụ thuộc vào mức độ nặng và nguyên nhân của bệnh lý này. Việc điều trị chủ yếu dùng thuốc hỗ trợ suy tim, hỗ trợ suy hô hấp, chữa loạn nhịp tim, chống hình thành cục máu đông trong tim và mạch máu, thuốc ức chế miễn dịch, điều trị nhiễm trùng...

Đối với những trường hợp bệnh ở mức độ nặng, tim không thể đáp ứng với những liệu pháp thông thường và khó có thể hoạt động bình thường trở lại, các bác sĩ có thể cần dùng các thuốc vận mạch hỗ trợ, nhưng thường phải cần đến hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO).

Viêm cơ tim cấp có thể ảnh hưởng đến bộ máy dẫn truyền nhịp gây ra các rối loạn nhịp tim nguy hiểm như nhịp nhanh thất, hoặc block nhĩ thất. Những trường hợp này cần đặt máy tạo nhịp tạm thời kết hợp.

7. Viêm cơ tim sau khi điều trị có dễ tái phát không?

Đa phần bệnh nhân viêm cơ tim cấp sau khi hồi phục không để lại di chứng gì và cũng rất ít tái phát. Tuy nhiên, có một số trường hợp bệnh diễn tiến phức tạp đến bệnh cơ tim giãn nở, suy tim nặng đến mức cần phải ghép tim.

Song song đó, một số bệnh nhân sau điều trị viêm cơ tim cấp vẫn có khả năng tái phát, như đối với nhiễm Coxsackievirus B, viêm cơ tim trong bệnh lý tự miễn...Việc xác định nguyên nhân gây viêm cơ tim lúc ban đầu sẽ giúp cho việc tiên lượng bệnh về sau.

8. “Bệnh khớp đớp tim” có phải là viêm cơ tim?

Dân gian có câu “bệnh khớp đớp tim”, bệnh diễn tiến như thế nào?

“Khớp đớp tim” là cách gọi dân gian, muốn nói đến bệnh thấp tim hay còn gọi là thấp khớp cấp hoặc sốt thấp khớp. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi học đường. Nguyên nhân của bệnh là do vai trò gây bệnh của liên khuẩn cầu bê ta máu nhóm A. Những độc tố từ liên cầu nhóm A đã làm tổn thương tổ chức liên kết ở trong tim. Các kháng nguyên streptolysin O, streptokinase tạo kháng thể Aslo gây tổn thương tim. Vì cấu trúc một số thành phần của liên cầu nhóm A và glucoprotein ở van tim người gần giống nhau, cơ thể sinh ra kháng thể chống lại các liên cầu xâm nhập chống lại chính những tổ chức ở tim của mình.

Triệu chứng của thấp tim thường gặp là viêm tim, có thể viêm màng tim, viêm cơ tim hay viêm màng ngoài tim, viêm tim toàn bộ cùng với viêm khớp như sưng, nóng, đỏ và đau khớp vị trí ở các khớp lớn như gối, cổ chân, cổ tay, khuỷu, vai và có tính di chuyển. Do đó, bệnh khớp đớp tim không chỉ là viêm cơ tim mà còn có thể viêm nhiều bộ phận khác của tim nữa.

9. Những người có nguy cơ bị viêm cơ tim

Nguyên nhân viêm cơ tim thường gặp là virus hoặc bệnh lý tự miễn. Như chúng ta thấy, đó là những virus, vi khuẩn rất là quen thuộc, nhưng không phải ai nhiễm virus, vi khuẩn nào đó đều gây viêm cơ tim.

Hơn nữa khi gây bệnh, không phải trường hợp nào cũng diễn biến nguy kịch. Cho nên, thực tế thì không thể nói ai có nguy cơ sẽ bị viêm cơ tim được, vì tùy thời điểm mà “trời kêu ai nấy dạ” thôi.

Nhưng mà, theo thống kê y học hiện nay thì mặc dù bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng gặp nhiều hơn ở người trẻ tuổi (20 - 40), gặp ở nam nhiều hơn nữ; người bị suy giảm hệ miễn dịch, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường có nguy cơ nhiều hơn.

10. Cách phòng ngừa bệnh viêm cơ tim

Hiện nay, chưa có phương pháp phòng ngừa đặc hiệu cho viêm cơ tim, nhưng việc thực hiện vệ sinh tốt sẽ giúp tránh nguy cơ nhiễm trùng cơ tim và hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Tránh tiếp xúc với những người đang bị nhiễm siêu vi hoặc hội chứng giống cảm cúm cho đến khi họ bình phục hoàn toàn.

Nếu bạn đang có những triệu chứng giống nhiễm siêu vi, nên tránh tiếp xúc gây phơi nhiễm cho người khác. Bên cạnh đó, hạn chế tiếp xúc với côn trùng, tiêm vắc xin phòng một số bệnh có nguy cơ gây viêm cơ tim như rubella và cúm.

Đặc biệt lưu ý, nếu gặp phải một số biểu hiện như đau ngực và khó thở, hoặc có biểu hiện nhiễm trùng hoặc nhiễm virus, cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X