Hotline 24/7
08983-08983

Người bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ luôn đem theo thuốc gì, có hạn chế vận động không?

Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ sẽ gây ra nhồi máu cơ tim. BS.CK1 Cao Thị Lan Hương đưa ra các phương pháp bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ, bệnh nhân cần ăn uống thế nào, có cần kiêng quan hệ tình dục không…?.

1. Người bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ được điều trị như thế nào?

Hai mục tiêu chính của điều trị bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ là

1. Phòng ngừa nhồi máu cơ tim và tử vong do đó kéo dài đời sống

2. Giảm triệu chứng cơ năng do đó tăng chất lượng cuộc sống

Để đạt mục tiêu này, bên cạnh việc yêu cầu bệnh nhân thay đổi lối sống và áp dụng các phương pháp điều trị không dùng thuốc (tập thể dục, cai thuốc lá, hạn chế bia rượu), bác sĩ sẽ có hai phương pháp điều trị chính cho bệnh nhân, đó là điều trị nội khoa và tái tưới máu cơ tim.

- Điều trị nội khoa: Sử dụng một hoặc kết hợp một vài loại thuốc điều trị đặc hiệu như: Thuốc chống kết tập tiểu cầu (aspirin, plavix), thuốc ức chế thụ thể beta (tenormin, betaloc…), thuốc chẹn kênh calci (amlordipin, tildiazem…), thuốc hạ cholesterol máu (nhóm statin, nhóm fibrat, niacin, omega 3...), thuốc dãn mạch, thuốc chống oxy hóa cơ tim...

Người bệnh cần dùng thuốc theo đơn và tuân thủ chỉ định của bác sĩ đồng thời cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch, điều trị tốt bệnh tiểu đường, tăng huyết áp.

- Tái tưới máu cơ tim: gồm tái tạo động mạch vành qua da hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.

Can thiệp động mạch vành qua da (PCI): Nong đoạn động mạch vành bị hẹp, đặt stent để tái lưu thông máu lại bình thường, giải quyết tình trạng tắc nghẽn do các mảng xơ vữa, giảm đau thắt ngực và nguy cơ nhồi máu cơ tim mà không phải mổ.

Phẫu thuật bắc cầu mạch vành (CABG): Bác sĩ dùng một đoạn động hoặc tĩnh mạch nối từ nguồn cung cấp máu đến đoạn động mạch vành phía sau đoạn động mạch vành bị hẹp. Tĩnh mạch, động mạch ghép có thể lấy ở chân, cổ tay, động mạch vú bên trong thành ngực.

2. Bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ nếu không được điều trị đúng thì dẫn đến biến chứng gì?

Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tới tính mạng người bệnh. Trong đó nhồi máu cơ tim là biến chứng thường gặp nhất. Khi các mảng xơ vữa động mạch bị nứt vỡ sẽ tạo điều kiện hình thành cục máu đông gây bít tắc mạch máu và cản trở hoàn toàn dòng máu tới nuôi tim. Khi đó một vùng cơ tim không có máu tới nuôi dưỡng sẽ nhanh chóng bị hoại tử và chết đi, người bệnh có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời.

Việc giảm lưu lượng máu tới nuôi dưỡng trong một thời gian dài cũng khiến cơ tim dần bị suy yếu và dẫn tới suy tim. Các hoạt động của hệ thống điện tim cũng có thể bị xáo trộn và gây ra nhiều rối loạn nhịp tim nguy hiểm. Theo đó, thiếu máu cơ tim còn là nguyên nhân dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm khác như rối loạn nhịp tim, rung nhĩ

3. Loại thuốc nào thường trực trong tủ thuốc gia đình có người bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ? Loại thuốc nào bệnh nhân thường xuyên mang theo bên người?

Những thuốc thường trực trong tủ thuốc gia đình có người bệnh thiếu máu cơ tim chắc chắn là các thuốc được bác sĩ kê toa hàng tháng rồi. ngoài ra, người bệnh cần chuẩn bị thêm thuốc giãn mạch vành và aspirin trong tủ thuốc và thường xuyên mang theo bên người.

Thuốc giãn mạch vành giúp làm giảm nhanh cơn đau thắt ngực, tim, đồng thời cải thiện lưu lượng máu chảy về tim. Nhóm thuốc giãn mạch vành được sử dụng phổ biến là nitrat (glyceryl trinitrat, isosorbit mononitrat, isosorbit dinitrat). Thuốc có nhiều dạng bào chế, sử dụng như xịt dưới lưỡi, ngậm dưới lưỡi, viên nén...mỗi loại sẽ có tác dụng phụ khác nhau, cho nên người bệnh phải hỏi trước bs đang điều trị cho mình để biết mình phù hợp nhất với loại nào để mà dự trữ sẵn.

Trong trường hợp người bệnh xuất hiện cơn đau thắt ngực không ổn định, đã sử dụng thuốc giãn mạch vành nhưng không hiệu quả, vẫn đau ngực và khó thở nhiều, khi đó khả năng nhồi máu cơ tim cấp rất cao, người bệnh có thể uống ngay 4 viên aspirin 81mg và liên hệ đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp giờ vàng.

4. Chế độ dinh dưỡng phù hợp đối với người bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ?

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh là một phần của quá trình điều trị, giúp hạn chế sự tiến triển của bệnh và giảm thiểu nguy cơ xảy ra biến chứng nhồi máu cơ tim cấp.

Những nhóm thực phẩm mà người có bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim cần hạn chế là:

  • Thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, cholesterol: như các loại thịt đỏ (thịt bò); mỡ, da, phủ tạng động vật; lòng đỏ trứng, gan, đồ ăn chiên xào, nước hầm xương… Đây là nhóm thực phẩm người bệnh mạch vành cần đặc biệt hạn chế bởi chúng có thể làm gia tăng nồng độ cholesterol máu, thúc đẩy sự phát triển của các mảng xơ vữa mạch vành và tăng cao nguy cơ nhồi máu cơ tim.
  • Muối: Chế độ ăn nhiều muối có thể làm tăng huyết áp, tăng gánh nặng cho tim và gia tăng các biến chứng tim mạch. Vì vậy, người bệnh mạch vành cần ăn hạn chế muối, tránh các thực phẩm chứa nhiều muối như dưa muối, hành muối hoặc các thức ăn chế biến sẵn như pate, lạp xưởng,…
  • Đồ ăn hoặc thức uống có chứa nhiều đường: như bánh, kẹo, nước ngọt…
  • Bia, rượu: tránh sử dụng bởi chúng có thể làm tăng huyết áp, tăng triglyceride máu và gây hại cho tim mạch. Mỗi ngày uống không quá 2 lon bia với nam và 1 lon bia đối với nữ.
  • Cafe, trà đặc cũng cần hạn chế đừng lạm dụng.

Những nhóm thực phẩm mà người có bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim cần tăng cường là

  • Thực phẩm nhiều chất xơ: rau xanh, hoa quả tươi và các loại ngũ cốc nguyên hạt.
  • Omega 3: cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi và cá ngừ
  • Sữa ít béo như sữa đậu nành, sữa tươi tách béo, sữa chua không béo và phô mai ít béo.

5. Người bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ có chơi thể thao được không?

Những bệnh nhân thiếu máu cục bộ cơ tim thường e sợ hoạt động thể thao sẽ gây nguy hiểm cho quả tim của họ. Tuy nhiên, tập luyện thể dục thể thao đều đặn lại là một phần của quá trình điều trị. Nó có tác dụng hạn chế sự tiến triển của bệnh thông qua cải thiện các nguy cơ tim mạch khác như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường...

Nhiều nghiên cứu cho thấy vận động thể dục đều đặn và đúng cách cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh, đồng thời giảm tỉ lệ tái phát cơn đau thắt ngực.

Bệnh nhân nên tránh những môn thể thao nặng, đòi hỏi nhiều oxy như chạy bộ, bơi nhanh, quần vợt. Thay vào đó, người bệnh có thể đi bộ, đạp xe, tập yoga, tập thái cực quyền, bơi chậm. Có một số nguyên tắc người bệnh nên tuân theo nếu muốn việc tập luyện thể thao thực sự đem lại lợi ích cho bệnh mạch vành của mình:

  • Cần tư vấn bác sỹ để đánh giá khả năng gắng sức của mình.
  • Tập luyện kiên trì trong thời gian dài.
  • Tập luyện đều đặn tất cả các ngày trong tuần (hoặc ít ra tối thiểu 4-5 buổi một tuần)
  • Mỗi buổi tập kéo dài ít nhất khoảng 30 phút
  • Không cần đến đồng hồ đo nhịp tim, người bệnh có thể canh chỉnh mức độ tập của mình, cường độ vừa đủ là khi nó đủ để làm nóng cơ thể, ra mồ hôi nhẹ. Đừng tập đến mức gây khó thở, nặng ngực, hoa mắt, vã mồ hôi.
  • Tránh những hoạt động thể lực có thể gây tăng áp lực lồng ngực hay áp lực ổ bụng.
  • Nếu mới bắt đầu tập luyện sau thời gian bị bệnh, hãy khởi đầu với cường độ thấp trong thời gian ngắn, sau đó tăng dần mức tập và thời gian tập
  • Ngừng ngay mọi hoạt động thể lực và đến khám bác sỹ nếu có các biểu hiện tức ngực, khó thở, chóng mặt… khi tập thể thao.

6. Người bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ có cần hạn chế quan hệ tình dục?

Người có bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim nói riêng và bệnh nhân có bệnh lý tim mạch mạn tính nói chung, không có chỉ định kiêng quan hệ tình dục nếu như bệnh nhân vẫn đủ khả năng ! Bác sĩ dùng cụm từ "vẫn đủ khả năng" trong việc quan hệ tình dục là bởi vì quan hệ tình dục được xếp vào nhóm hoạt động gắng sức mức độ trung bình đến cao, nên tùy khả năng gắng sức của bệnh nhân mà họ có thể tham gia và kéo dài được bao lâu là tùy khả năng của mỗi người.

Bệnh nhân có bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ nhưng triệu chứng đau thắt ngực ở mức CCS 1-2 thôi thì thường vẫn còn khả năng quan hệ tình dục, nhưng mà những bệnh nhân có triệu chứng đau thắt ngực chưa kiểm soát đầy đủ, mức độ đau thắt ngực ở mức CCS 3-4, tổn thương nhiều nhánh mạch vành, có biến chứng suy tim đi kèm thì thường không đủ sức quan hệ tình dục, nên dù không cấm thì nhóm bệnh nhân này đa phần cũng không có "tham vọng" đó.

Mặt khác, một số thuốc trong điều trị bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ cũng có làm giảm đi ham muốn tình dục, như thuốc chẹn beta. Do đó, bệnh nhân thiếu máu cơ tim cục bộ không phải kiêng quan hệ tình dục, nếu họ vẫn có thể quan hệ tình dục được là một chuyện tốt, chỉ nhớ là đừng có "cố quá" sẽ dễ thành "quá cố" lắm.

Phần 1: Bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ nguy hiểm thế nào, làm sao chẩn đoán?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X