Hotline 24/7
08983-08983

Suy tim được điều trị như thế nào? Phẫu thuật có chữa khỏi suy tim không?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương giải đáp về các phương pháp điều trị suy tim, phẫu thuật chữa khỏi tình trạng suy tim nào, và lưu ý quan trọng dành cho người bệnh suy tim khi bị các bệnh cảm sốt, ợ chua, tiêu chảy…

Tiếp theo phần trước: Suy tim do những nguyên nhân gì, dấu hiệu nhận biết ra sao?

1.  Suy tim cấp là gì và nguyên nhân gây suy tim cấp?

Suy tim được chia làm hai thể suy tim cấp và suy tim mạn tính. Suy tim cấp có thể là suy tim mới xuất hiện cũng có thể là đợt tiến triển nặng lên của suy tim mạn tính (gọi là đợt cấp mất bù của suy tim).

Suy tim cấp tính mới xuất hiện thường do:

  • Hở van hai lá cấp, hở van động mạch chủ cấp do viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
  • Nhồi máu cơ tim cấp
  • Biến chứng cơ học của nhồi máu cơ tim cấp: thủng vách liên thất, đứt dây chằng van hai lá, vỡ thành tự do của tim..
  • Hội chứng chèn ép tim cấp
  • Tắc động mạch phổi cấp

Suy tim cấp trên nền mạn tính thường xuất hiện khi có các yếu tố làm mất bù. Các nguyên nhân gây mất bù thường gặp là:

  • Hội chứng vành cấp
  • Cơn tăng huyết áp cấp cứu
  • Rối loạn nhịp tim
  • Bệnh lí nhiễm trùng: viêm phổi, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn
  • Suy thận nặng lên
  • Không tuân thủ chế độ ăn, tự ý bỏ thuốc

Nguyên nhân suy tim cấp ở trẻ em thường khác với người lớn, thường không gặp các bệnh tim thiếu máu cục bộ. Các nguyên nhân thường gặp:

  • Bệnh lí tim bẩm sinh
  • Bệnh cơ tim giãn
  • Bệnh cơ tim phì đại
  • Viêm cơ tim
  • Các rối loạn nhịp tim

alobacsi BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - Bệnh viện Trưng vươngBS.CK1 Cao Thị Lan Hương - Bệnh viện Trưng vương

2.  Các phương pháp điều trị suy tim?

Điều trị suy tim lấy điều trị nội khoa làm nền tảng, kết hợp giải quyết các nguyên nhân suy tim như tái thông mạch vành, phẫu thuật thay van, sửa van, phẫu thuật sửa chữa các bệnh lí tim bẩm sinh… có thể cấy máy tái đồng bộ tim (CRT), máy phá rung (ICD) khi có chỉ định.

Điều trị suy tim bằng nội khoa

  • Thuốc ức chế men chuyển/ức chế thụ thể AT1: là thuốc nền tảng điều trị suy tim, cải thiện được triệu chứng và tỉ lệ tử vong.
  • Chẹn beta giao cảm: ức chế các phản ứng quá mức của hệ giao cảm, cải thiện được tỉ lệ tử vong và nguy cơ đột tử do các rối loạn nhịp, tăng khả năng gắng sức.
  • Lợi tiểu kháng Aldosterone: cũng là thuốc có thể cải thiện được nguy cơ đột tử ở bệnh nhân suy tim.
  • Thuốc lợi tiểu: lợi tiểu quai thường dùng trong suy tim ứ huyết, cải thiện được triệu chứng suy tim
  • Digoxin: không cải thiện được tỉ lệ tử vong nhưng cải thiện được triệu chứng, cẩn thận khi dùng kéo dài, có thể gây ngộ độc
  • Nhóm thuốc kết hợp Valsartan/Sacubitril: đây là thuốc kết hợp được phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, hiệu quả đã được chứng minh vượt qua ức chế men chuyển/ức chế thụ thể đơn thuần trong điều trị suy tim.

Điều trị suy tim bằng can thiệp, phẫu thuật tim

Tùy vào nguyên nhân gây suy tim và tình trạng sức khỏe của từng người bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các can thiệp, phẫu thuật phù hợp.

  • Nong mạch đặt stent hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: áp dụng trong điều trị suy tim do bệnh mạch vành.
  • Sửa chữa hoặc thay thế van tim: dùng trong chữa bệnh suy tim do hẹp, hở van tim.
  • Sửa chữa các khuyết tật tim bẩm sinh
  • Cấy máy tạo nhịp tim trong trường hợp nhịp chậm hoặc cấy máy khử rung tim trong trường hợp loạn nhịp nhanh.
  • Ghép tim trong trường hợp suy tim nặng và không còn đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.

3.  Phẫu thuật có chữa khỏi suy tim không?

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và giai đoạn bệnh suy tim mà bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn hay không. Đối với một số nguyên nhân của suy tim, phẫu thuật đôi khi có thể ngăn ngừa tổn thương thêm và cải thiện chức năng của tim, và thậm chí có thể chữa khỏi suy tim:

  • Phẫu thuật bắc cầu chủ vành: Phẫu thuật thông dụng nhất trong suy tim do nguyên nhân bệnh lý mạch vành khi người bệnh không thể nong và đặt stent mạch vành là phẫu thuật bắc cầu.
  • Phẫu thuật thay van tim. Bệnh van tim có thể điều trị cả bằng phẫu thuật (mổ van tim truyền thống) và can thiệp thay van qua da (TAVI,...).
  • Phẫu thuật chỉnh sửa các khiếm khuyết trong bệnh tim bẩm sinh: nếu điều trị sớm người bệnh có thể phục hồi hoàn toàn.
  • Cấy dụng cụ hỗ trợ thất trái. Dụng cụ hỗ trợ thất trái được biết đến như cầu nối cho thay tim cho những bệnh nhân không đáp ứng với các điều trị khác và nhập viện với suy chức năng tâm thu nặng. Dụng cụ này hỗ trợ tim bơm máu đi nuôi cơ thể. Nó cho phép người bệnh chờ ghép tim. Nó có thể sử dụng như liệu pháp đích cho những bệnh nhân không phù hợp để ghép tim.
  • Ghép tim. Ghép tim được cân nhắc khi suy tim quá nặng, không đáp ứng với tất cả các biện pháp khác, nhưng các vấn đề sức khỏe khác còn tốt. Ghép tim có thể chữa khỏi suy tim, mang lại một trái tim hoàn toàn mới cho người bệnh.

4. Người bệnh suy tim cần lưu ý gì khi bị các bệnh thường gặp: cảm sốt, ợ chua, tiêu chảy?

Bệnh nhân suy tim vẫn có thể gặp các bệnh thường gặp như cảm sốt, ợ chua, tiêu chảy... trong suốt quá trình điều trị bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân đã có bệnh suy tim thì không nên tự mua thuốc không kê toa mà cần đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra và kê thuốc.

Bởi vì rất nhiều các loại thuốc không kê toa người không có bệnh suy tim uống vào thì không sao, nhưng người có bệnh suy tim uống vào thì có thể đẩy vào suy tim mất bù, ví dụ như các thuống giảm đau giảm viêm không steroid. Một số bệnh nhân suy tim có đang sử dụng thuốc kháng đông thì còn cần phải lưu ý rất nhiều loại thuốc ảnh hưởng lên độ loãng của máu.

Mặt khác, một số triệu chứng bệnh nhân nghĩ là bệnh nhẹ thông thường nhưng thực chất có thể là triệu chứng của bệnh suy tim nặng hơn (như ho, rối loạn tiêu hóa...). Đồng thời, các bệnh lý thông thường có thể chuyển biến xấu nhanh hơn ở bệnh nhân đã có bệnh suy tim.

Do đó, tóm lại là người có bệnh suy tim, nên được theo dõi sức khỏe sát sao với bác sĩ chuyên khoa tim mạch, không tự ý mua thuốc không kê toa bên ngoài, nhất là khi gặp các bệnh thông thường.

Bệnh nhân nên tiêm ngừa vắc xin cúm và vắc xin phế cầu định kỳ để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh này.

5. Bệnh nhân suy tim cần lưu ý về các loại thức ăn, thức uống nào?

Chế độ ăn uống đối với bệnh nhân suy tim cần lưu ý:

  • Ăn đủ dinh dưỡng và vitamin
  • Ngưng thuốc lá và các thực phẩm chứa cồn: rượu, bia.
  • Hạn chế muối, nhất là suy tim nặng, thường giới hạn < 2g muối mỗi ngày. Do đó bệnh nhân suy tim cần tránh thực phẩm đã chế biến, thực phẩm đóng hộp hoặc thức ăn nhanh. Tập thói quen đọc hàm lượng Natri (Sodium) ghi trong thành phần trong thực phẩm đóng sẵn.
  • Lượng nước uống tính theo nhu cầu của bệnh nhân và mức độ suy tim. Tránh truyền dịch nếu không có chỉ định của nhân viên y tế. Nếu bệnh nhân phù nhiều thì cần phải hạn chế lượng nước đưa vào cơ thể và ăn nhạt hoàn toàn.
  • Chế biến món ăn dưới dạng mềm, nhừ. Không nên ăn các loại thức ăn lên men như: cải bắp, rau cải, đậu đỗ, dưa muối.
  • Bữa ăn phải xa giờ ngủ ban đêm, sau khi ăn cần phải nghỉ ngơi 30-40 phút.
  • Đối với bệnh nhân suy tim có sử dụng thuốc chống đông: Nên hạn chế ăn các loại rau quả có lá màu xanh sậm màu như: cải bó xôi, bông cải xanh, đậu Hà Lan, đậu xanh, củ cải, mùi tây và rau diếp…

6. Trong sinh hoạt, làm việc, vận động bệnh nhân suy tim cần lưu ý gì?

Bệnh nhân có bệnh suy tim vẫn có thể làm việc, vận động thể lực chứ không phải chỉ nghỉ ngơi tại chỗ, bởi vì hoạt động thể lực mang lại rất nhiều lợi ích:

  • Kiểm soát cân nặng.
  • Ổn định huyết áp và nhịp tim.
  • Ổn định đường huyết và mỡ máu.
  • Giúp thư giãn và cải thiện sức khỏe.

Để đạt được hiệu quả tối ưu trong làm việc, luyện tập, người bệnh cần chú ý:

  • Đặt ra mục tiêu làm việc/tập luyện vừa phải, không quá sức. Khi mới bắt đầu cần tập nhẹ, làm nhẹ, tăng dần cường độ.
  • Tránh những hoạt động nặng như chạy bộ, nâng vác nặng, tránh những động tác làm căng, duỗi, co cơ liên tục.
  • Tránh làm việc/tập luyện ngoài trời khi thời tiết quá nóng, quá lạnh, ẩm ướt: độ ẩm cao làm mau mệt, nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, gây khó thở, đau ngực.
  • Nếu cảm thấy mệt mỏi ngay sau khi làm việc/tập luyện, thì cần giảm bớt cường độ vào ngày hôm sau.
  • Nếu cảm thấy có những triệu chứng như đau ngực, khó thở, hoa mắt, chóng mặt, nôn ói... hoặc bất kỳ triệu chứng bất thường nào thì cần ngưng tập. Nếu triệu chứng không giảm cần đến bác sĩ kiểm tra.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X