Hotline 24/7
08983-08983

Người bị bệnh mạch vành cần lưu ý gì khi ăn uống, du lịch trong mùa Tết?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương chia sẻ thông tin bệnh nhân bị bệnh mạch vành cần lưu ý gì khi ăn uống trong dịp Tết, và nếu có chuyến đi dài ngày như về quê, đi du lịch thì cần chuẩn bị gì? Bệnh nhân mạch vành có đi máy bay được không?...

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Bệnh mạch vành là bệnh gì?

Động mạch vành là hệ thống mạch máu có chức năng nuôi dưỡng quả tim. Mỗi quả tim của chúng ta có hai động mạch vành: động mạch vành phải và động mạch vành trái, các động mạch vành này xuất phát từ gốc động mạch chủ qua các trung gian là các xoang Valsalva và chạy trên bề mặt quả tim. Động mạch vành trái chạy một đoạn ngắn (1 - 3cm) sau đó chia thành 2 nhánh lớn là động mạch liên thất trước và động mạch mũ, đoạn ngắn đó được gọi là thân chung động mạch vành.

Như vậy, hệ thống động mạch vành có ba nhánh lớn làm nhiệm vụ nuôi dưỡng tim là: động mạch liên thất trước, động mạch mũđộng mạch vành phải. Từ ba nhánh lớn này cho ra rất nhiều các nhánh động mạch nhỏ hơn như các nhánh vách, nhánh chéo, nhánh bờ… sẽ có nhiệm vụ mang máu giàu oxy từ động mạch chủ đi nuôi dưỡng tất cả các cấu trúc trong quả tim.

Khi động mạch vành “có bệnh”, còn gọi là bệnh lý động mạch vành, hay thường gọi tắt là bệnh mạch vành, thì dòng máu từ động mạch vành tới cơ tim giảm sút, khi đó cơ tim không nhận đủ oxy và xuất hiện triệu chứng cơn đau thắt ngực.

2. Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh mạch vành?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh mạch vành, thường gặp nhất là xơ vữa động mạch vành gây nên bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Nhưng ngoài ra, bệnh mạch vành còn bao gồm các nguyên nhân khác như dị tật bẩm sinh động mạch vành, nghẽn động mạch vành do thuyên tắc (cục máu, khí, mảnh sùi...), cầu cơ động mạch vành hay cầu cơ tim (myocardial bridging), viêm động mạch vành do bệnh hệ thống (bệnh Kawasaki, bệnh Takayasu, bệnh Lupus ban đỏ...), tổn thương động mạch vành do xạ trị.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - Bệnh viện Trưng Vương

3. Những ai có nguy cơ bị bệnh mạch vành?

Khi nói đến yếu tố nguy cơ bị bệnh mạch vành, thì mặc định chúng ta đang muốn nói đến bệnh mạch vành do xơ vữa động mạch, chứ không phải bao quát hết tất cả nguyên nhân của bệnh mạch vành kể trên (như viêm, dị tật...).

Theo đó, yếu tố nguy cơ bị bệnh mạch vành chính là yếu tố của xơ vữa động mạch. Yếu tố nguy cơ là các yếu tố liên quan với sự gia tăng khả năng bị mắc bệnh. Một người mang một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ nào đó có nghĩa là có sự gia tăng khả năng mắc bệnh của người đó chứ không phải bắt buộc là chắc chắn sẽ bị bệnh.

Thường thì các yếu tố nguy cơ hay đi kèm nhau, thúc đẩy nhau phát triển và làm nguy cơ bị bệnh tăng theo cấp số nhân. Các yếu tố nguy cơ bị bệnh mạch vành là:

- Các yếu tố nguy cơ không thay đổi được:

  • Tuổi tác: Động mạch ở người lớn tuổi rất dễ bị tổn thương và trở nên hẹp hơn.
  • Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành cao hơn nữ giới.
  • Tiền sử gia đình: Nếu có người thân mắc bệnh tim mạch, đột quỵ thì nguy cơ bạn cũng mắc các bệnh này cao hơn.

- Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được:

  • Cao huyết áp.
  • Hút thuốc, rượu bia.
  • Tăng cholesterol máu (lượng mỡ trong máu cao).
  • Tiểu đường, kháng insulin.
  • Thừa cân, béo phì.
  • Lười vận động.

4. Cơn đau của bệnh mạch vành có đặc điểm như thế nào, có dễ nhầm với bệnh khác không?

Cơn đau do bệnh mạch vành gây ra được gọi là cơn đau thắt ngực.

Cơn đau thắt ngực điển hình biểu hiện bằng cảm giác khó chịu ở ngực, hàm, vai, lưng hoặc cánh tay, triệu chứng gia tăng khi gắng sức hoặc stress tình cảm, biến mất khi ngậm nitroglycerin.

Cơn đau thắt ngực gọi là ổn định khi các đặc điểm của cơn đau (tần suất, độ nặng, thời gian đau, giờ xuất hiện và yếu tố làm nặng) không thay đổi trong 60 ngày trước. Bệnh nhân có thể không có cảm giác đau, mà mô tả cảm giác khác ở ngực như: đè nặng, bóp nghẹt, khó chịu, nóng bỏng, khó tiêu, xiết chặt, tức, đầy đầy, nặng ngực…

Vị trí đau thường ở sau xương ức hay ngực trái, có thể kèm hoặc chỉ đau thượng vị, có thể lan tới cánh tay, ít hơn tới 2 vai, hàm dưới, bụng nhưng không lan xuống dưới rốn.

Cơn đau thường xuất hiện ban ngày, lúc gắng sức hoặc xúc động, đang ăn hoặc thời tiết lạnh, kéo dài vài phút đến 10-15 phút, hiếm khi trên 30 phút.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cơn đau thắt ngực cũng điển hình như vậy, mà thường gặp hơn là những cơn đau thắt ngực không điển hình, và những triệu chứng tương đương với cơn đau thắt ngực.

Theo đó, bệnh nhân có thể chỉ có cảm giác khó thở khi gắng sức, rất giống với bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính; hay đau thượng vị khi gắng sức, rất giống với cơn đau dạ dày, và có khi chỉ là cảm giác mệt, giảm dung nạp với gắng sức. Hoặc như, bệnh nhân bị đau dây thần kinh liên sườn nhưng lại có cảm giác giống với cơn đau ngực không điển hình do tim.

Cho nên, cơn đau thắt ngực do bệnh mạch vành có khi nằm lẫn trong các bệnh lý khác, và các bệnh lý khác lại có khi cho triệu chứng bị nhầm lẫn với cơn đau thắt ngực do bệnh mạch vành. Cách duy nhất là khám tim mạch, đo điện tim, siêu âm tim và đôi khi cần phải làm xét nghiệm men tim thì mới phân định được.

5. Cần làm gì khi thấy người bệnh mạch vành lên cơn đau tim?

Đau tim là tình trạng y tế khẩn cấp, các cơ tim có thể đang chết đi từng phút và không thể hồi phục được. Do đó, người bệnh cần được điều trị khẩn trương để tăng cơ hội sống và giới hạn tình trạng tổn thương tim.

Khi thấy một người lên cơn đau tim, người xung quanh cần nhanh chóng gọi tổng đài cấp cứu 115 là việc làm cần thực hiện đầu tiên. Khi đó, nhân viên y tế sẽ hỏi bạn về vị trí, tình hình hiện tại của người bệnh (tỉnh hay mê), cơn đau tim xảy ra từ lúc nào và diễn tiến ra sao để hướng dẫn bạn làm những gì cần thiết để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và cả cho bạn.

Bệnh nhân khi đó sẽ cần nới rộng quần áo ở cổ, ngực, bụng, ngồi hoặc nằm ở tư thế thoải mái, đầu và vai được nâng đỡ, đầu gối gấp để giảm gánh nặng cho tim.

Nếu tìm thấy trong người bệnh nhân có chai Nitroglycerin xịt, hãy xịt 2-3 nhát dưới lưỡi cho họ, nếu là Nitroglycerin dạng viên, hãy cho họ ngậm 1 viên dưới lưỡi; thuốc này giúp giảm co thắt động mạch vành.

Trong tình huống bệnh nhân nguy kịch, bệnh nhân lay gọi không trả lời, theo khuyến cáo của các hội hồi sức hiện tại, người xung quanh cần tiến hành hồi sinh tim phổi (CPR) cho bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện tại nước ta chưa có máy khử rung tim tự động đặt ngoài công cộng, và rất ít người dân được huấn luyện hồi sinh tim phổi cơ bản. Vì vậy, nếu bạn biết cách và đã được huấn luyện hồi sinh tim phổi cơ bản thì hãy thực hiện để giúp bệnh nhân trong thời gian xe cấp cứu đến. Nếu bạn không biết cách hay chỉ "xem trên tivi", thì đừng nên làm, sẽ có hại hơn là có lợi cho bệnh nhân, bạn chỉ cần di chuyển bệnh nhân tới 1 chỗ an toàn, thoáng khí và cho bệnh nhân nằm nghiêng đầu sang 1 bên là được.

Khi cơn đau tim xảy ra, sẽ rất khó để lên kế hoạch phải làm gì để sơ cứu người bị đau tim, do đó nếu bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch và đã từng có những cơn đau thắt ngực trước đó, nên chuẩn bị các phương án trước khi cơn đau tim xảy ra như: Số điện thoại cấp cứu của cơ sở y tế gần nhất, số điện thoại người thân sẽ hỗ trợ, các thuốc điều trị luôn cần mang theo bên người,...

6. Những biện pháp nào để xác định, chẩn đoán bệnh mạch vành?

Những biện pháp giúp xác định, chẩn đoán bệnh động mạch vành thường quy hiện nay là:

  • Đo điện tim
  • Siêu âm tim
  • Định lượng men tim trong máu
  • Chụp CTscan động mạch vành không cản quang đo độ vôi hóa, chụp CTscan động mạch vành có tiêm thuốc cản quang, chụp động mạch vành xóa nền (DSA) và can thiệp mạch vành qua da.

7. Các phương pháp điều trị bệnh động mạch vành hiện nay?

Điều trị bệnh mạch vành có 2 phương pháp:

- Điều trị nội khoa:

Sử dụng một hoặc kết hợp một vài loại thuốc điều trị đặc hiệu như: Thuốc chống kết vón tiểu cầu (aspirin, plavix), thuốc ức chế thụ thể beta (tenormin, betaloc…), thuốc chẹn kênh canxi (amlordipin, tildiazem…), thuốc hạ cholesterol máu (nhóm statin như zocor, crestor, lipitor…), nhóm fibrat (như lipanthyl, lopid…).

Người bệnh cần dùng thuốc theo đơn và tuân thủ chỉ định của bác sĩ, đồng thời cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch, điều trị tốt bệnh tiểu đường, tăng huyết áp.

- Điều trị can thiệp: gồm can thiệp qua da hoặc phẫu thuật.

Can thiệp động mạch vành qua da (PCI): Nong đoạn động mạch vành bị hẹp, đặt stent để tái lưu thông máu lại bình thường, giải quyết tình trạng tắc nghẽn do các mảng xơ vữa, giảm đau thắt ngực và nguy cơ nhồi máu cơ tim mà không phải mổ.

Phẫu thuật bắc cầu mạch vành (CABG): Bác sĩ dùng một đoạn động hoặc tĩnh mạch nối từ nguồn cung cấp máu đến đoạn động mạch vành phía sau đoạn động mạch vành bị hẹp. Tĩnh mạch, động mạch ghép có thể lấy ở chân, cổ tay, động mạch vú bên trong thành ngực.

8. Liệu có phải sau khi can thiệp, phẫu thuật xong là đã chữa khỏi bệnh mạch vành?

Khi mạch vành bị hẹp do mảng xơ vữa hay cục máu đông làm nghẽn dòng máu đến nuôi dưỡng tim, đặt stent mạch vành là bước đột phá trong tim mạch can thiệp giúp điều trị phục hồi khả năng tưới máu đến vùng cơ tim bị thiếu máu cục bộ và người bệnh sẽ giảm được các triệu chứng đau ngực, khó thở, mệt mỏi và cải thiện chất lượng sống.

Vì lý do trên, bệnh nhân thường cho rằng đặt stent giúp khỏi vĩnh viễn bệnh mạch vành. Đây là nhầm lẫn tai hại vì can thiệp chỉ giải quyết vị trí tắc nghẽn của dòng máu mạch vành, chứ không điều trị bệnh nền là xơ vữa động mạch đã có từ trước.  Tắc nghẽn có thể xảy ra ở những vị trí khác trên động mạch vành. Nếu bệnh nhân không dùng thuốc theo đúng chỉ định của Bác sĩ, bệnh có thể tái phát chỉ sau 6 tháng - 2 năm đặt stent.

Và nguy hiểm hơn là khi bị tái hẹp hoặc tắc stent gây nhồi máu cơ tim, bệnh nhân buộc phải thực hiện can thiệp tim mạch lần 2 với kỹ thuật phức tạp và chi phí tốn kém hơn như đặt stent trong lòng stent, hoặc phẫu thuật bắc cầu và tất nhiên, thời gian hồi phục sẽ lâu hơn.

9. Bệnh nhân đã mổ hay can thiệp mạch vành có được đi máy bay không?

Sau mổ hay can thiệp, bệnh nhân vẫn có thể đi được máy bay nhưng cần phải đi khám sức khỏe trước khi lên máy bay. Nếu bác sĩ điều trị chuyên khoa khẳng định tình trạng hiện tại của bạn có thể đi máy bay thì bạn có thể lên lịch cho chuyến đi sắp tới, đồng thời phải tuân thủ theo những chỉ định, dặn dò của bác sĩ.

Các trường hợp lưu ý không được đi máy bay:

  • Bệnh nhân nhồi máu cơ tim, mới xuất viện chưa quá 2 tuần.
  • Bệnh nhân được đặt stent hoặc nong mạch vành mới xuất viện chưa quá 2 tuần.
  • Bệnh nhân làm phẫu thuật bắc cầu mạch vành mới xuất viện chưa quá 3 tuần.
  • Người có tiền sử cơn đau thắt ngực không ổn định, đau ngực ngay cả khi nghỉ ngơi và cơn đau thường xuất hiện bất ngờ, không có dấu hiệu báo trước nào.
  • Bệnh nhân bị suy tim nặng, khó kiểm soát.
  • Bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim nặng đặc biệt là rối loạn nhịp thất và trên thất chưa kiểm soát được.
  • Bệnh nhân có vấn đề về hô hấp thường xuyên phải hỗ trợ thở oxy.

Trong chuyến bay dù mọi thứ đã được chuẩn bị đầy đủ nhưng các tai nạn về sức khỏe vẫn có thể xảy ra ngoài dự kiến, khi đó, điều cần thiết là phải bình tĩnh, tránh hoảng loạn tinh thần sẽ khiến cho bệnh tình diễn biến xấu hơn đồng thời ảnh hưởng đến cả những hành khách khác trên cùng chuyến bay.

10. Khi mắc bệnh động mạch vành, nên luyện tập thể dục sao cho vừa sức?

Những bệnh nhân bệnh mạch vành thường e sợ hoạt động thể thao sẽ gây nguy hiểm cho quả tim của họ. Tuy nhiên, tập luyện thể dục thể thao đều đặn lại là một phần của quá trình điều trị. Nó có tác dụng hạn chế sự tiến triển của bệnh thông qua cải thiện các nguy cơ tim mạch khác như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường... Nhiều nghiên cứu cho thấy vận động thể dục đều đặn và đúng cách cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh, đồng thời giảm tỉ lệ tái phát cơn đau thắt ngực.

Bệnh nhân nên tránh những môn thể thao nặng, đòi hỏi nhiều oxy như chạy bộ, bơi nhanh, quần vợt. Thay vào đó, người bệnh có thể đi bộ, đạp xe, tập yoga, tập thái cực quyền, bơi chậm. Có một số nguyên tắc người bệnh nên tuân theo nếu muốn việc tập luyện thể thao thực sự đem lại lợi ích cho bệnh mạch vành của mình:

  • Cần tư vấn bác sỹ để đánh giá khả năng gắng sức của mình.
  • Tập luyện kiên trì trong thời gian dài.
  • Tập luyện đều đặn tất cả các ngày trong tuần (hoặc ít ra tối thiểu 4-5 buổi một tuần)
  • Mỗi buổi tập kéo dài ít nhất khoảng 30 phút

Không cần đến đồng hồ đo nhịp tim, người bệnh có thể canh chỉnh mức độ tập của mình, cường độ vừa đủ là khi nó đủ để làm nóng cơ thể, ra mồ hôi nhẹ. Đừng tập đến mức gây khó thở, nặng ngực, hoa mắt, vã mồ hôi.

Tránh những hoạt động thể lực có thể gây tăng áp lực lồng ngực hay áp lực ổ bụng.

Nếu mới bắt đầu tập luyện sau thời gian bị bệnh, hãy khởi đầu với cường độ thấp trong thời gian ngắn, sau đó tăng dần mức tập và thời gian tập.

Ngừng ngay mọi hoạt động thể lực và đến khám bác sỹ nếu có các biểu hiện tức ngực, khó thở, chóng mặt… khi tập thể thao.

11. Bệnh nhân bị bệnh mạch vành cần lưu ý gì khi ăn uống trong dịp Tết?

Tết cổ truyền là những ngày quan trọng và có ý nghĩa nhất trong năm, bởi vậy trong mỗi dịp tết, các bữa cơm trong gia đình thường rất giàu dinh dưỡng, nhiều mỡ, nhiều thịt. Chính điều này cùng với chế độ sinh hoạt, tập luyện không điều độ, là nguyên nhân gia tăng các rủi ro cho người bệnh tim mạch, đặc biệt là người bệnh mạch vành, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ…

Bởi vậy chế độ ăn uống trong ngày tết cho người bệnh mạch vành cần hết sức cẩn thận, cụ thể nên hạn chế những loại thực phẩm sau:

  • Thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, cholesterol: như các loại thịt đỏ (thịt bò); mỡ, da, phủ tạng động vật; lòng đỏ trứng, gan, đồ ăn chiên xào, nước hầm xương… Đây là nhóm thực phẩm người bệnh mạch vành cần đặc biệt hạn chế bởi chúng có thể làm gia tăng nồng độ cholesterol máu, thúc đẩy sự phát triển của các mảng xơ vữa mạch vành và tăng cao nguy cơ nhồi máu cơ tim.
  • Muối: Chế độ ăn nhiều muối có thể làm tăng huyết áp, tăng gánh nặng cho tim và gia tăng các biến chứng tim mạch. Vì vậy, người bệnh mạch vành cần ăn hạn chế muối, tránh các thực phẩm chứa nhiều muối như dưa muối, hành muối hoặc các thức ăn chế biến sẵn như pate, lạp xưởng,…
  • Đồ ăn hoặc thức uống có chứa nhiều đường: như bánh, kẹo, nước ngọt…
  • Bia, rượu: tránh sử dụng bởi chúng có thể làm tăng huyết áp, tăng triglyceride máu và gây hại cho tim mạch. Mỗi ngày uống không quá 2 lon bia với nam và 1 lon bia đối với nữ.

Bên cạnh đó, người bệnh mạch vành cũng cần có thêm một số lưu ý trong dịp tết đó là: duy trì luyện tập điều độ, ngủ đúng giờ, tránh căng thẳng, tránh xa khói thuốc lá, dự trữ đủ lượng thuốc trong dịp tết và tự theo dõi trị số huyết áp - mạch thường xuyên.

12. Người bệnh mạch vành cần chuẩn bị gì khi đi du lịch?

Nếu bệnh nhân có chuyến đi dài ngày như về quê, du lịch, cần chuẩn bị những điều sau để đảm bảo an toàn cho bản thân mình:

  • Khám kiểm tra sức khỏe và lấy đủ thuốc theo bên mình.
  • Phân ra thuốc dùng hàng ngày và thuốc dùng khi khẩn cấp (theo lời dặn của bác sĩ chuyên khoa tim mạch).
  • Ghi chép thông tin cá nhân và điện thoại người thân sẽ hỗ trợ, để ở nơi dễ lấy khi cần trong tình huống khẩn cấp.
  • Báo với người đồng hành về sức khỏe của mình và cách hỗ trợ khi gặp sự cố.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X