Suy tim do những nguyên nhân gì, dấu hiệu nhận biết ra sao?
Suy tim là con đường chung cuối cùng của các bệnh tim mạch, cũng có thể là hậu quả của thuốc điều trị bệnh hoặc do những bệnh lý khác. BS.CK1 Cao Thị Lan Hương đưa ra cách nhận biết suy tim và những bước thăm khám để chẩn đoán suy tim.
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - Bệnh viện Trưng Vương
1. Suy tim là tình trạng như thế nào, do nguyên nhân gì?
Suy tim là hậu quả của những tổn thương thực thể hay rối loạn chức năng của quả tim dẫn đến tình trạng tim suy giảm chức năng, không thể bơm máu để cung cấp đủ máu đi nuôi các cơ quan trong cơ thể cũng như tiếp nhận máu từ các cơ quan trở về tim.
Suy tim là con đường chung cuối cùng của các bệnh tim mạch như bệnh mạch vành, tăng huyết áp, hẹp hở van tim…Tuy nhiên, suy tim còn có thể là hậu quả của thuốc điều trị bệnh hoặc do những bệnh lý khác như: Bệnh lý liên quan đến đường hô hấp, bệnh lý về tuyến giáp… Trong đó, nguyên nhân gây suy tim hay gặp nhất là tăng huyết áp, bệnh lý van tim, bệnh cơ tim, bệnh động mạch vành làm suy yếu chức năng tim theo thời gian. Các nguyên nhân gây suy tim bao gồm:
- Nguyên nhân do tim: Bệnh động mạch vành, tăng huyết áp, bệnh van tim, bệnh cơ tim, rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim...
- Bệnh tim do phổi
- Bệnh tim do thận
- Bệnh tim do gan
- Bệnh tim do nội tiết (cường giáp, nhược giáp, đái tháo đường, thiếu vitamin B1...)
- Thiếu máu mạn
- Do thuốc, độc chất (rượu, hóa trị, cocain, amphetamine)
2. Những ai có nguy cơ bị suy tim?
Những đối tượng sau có nguy cơ suy tim cao hơn so với người khác trong cộng đồng:
- Tăng huyết áp
- Đái tháo đường
- Thừa cân, béo phì
- Hút thuốc lá
- Nghiện rượu
- Tuổi cao
- Bệnh lí tim bẩm sinh, bệnh lí van tim không được sửa chữa
- Rối loạn nhịp tim kéo dài
- Bệnh cơ tim
- Bệnh phổi tắc nghẽn không được kiểm soát
- Xơ gan giai đoạn muộn
- Suy thận mạn giai đoạn 4-5
- Nghiện ma túy
- Thiếu máu mạn kéo dài
- Rối loạn chức năng tuyến giáp không điều trị
3. Cách nhận biết dấu hiệu cảnh báo sớm của suy tim?
Hội Suy tim Hoa Kỳ đã phát triển một công cụ hữu ích 5 dấu hiệu gồm với từ viết tắt “FACES”.
F (Fatigue) = Mệt mỏi: Khi tim không thể bơm đủ máu giàu oxy để đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể, một cảm giác chung là cảm thấy mệt mỏi. Một cảm giác mệt mỏi tất cả các thời gian trong ngày và khó khăn với các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như mua sắm, leo cầu thang, mang giỏ đi chợ hoặc đi bộ.
A (Activity limitation) = Hạn chế hoạt động: Người bị suy tim thường không thể làm các hoạt động bình thường của họ vì họ trở nên dễ dàng mệt mỏi và khó thở.
C (Congestion) = Ứ trệ, sung huyết: Chất lỏng tích tụ trong phổi có thể gây ho, thở khò khè và khó thở dai dẳng. Ho đi kèm chất nhày màu trắng hoặc máu màu hồng. Đặc biệt bệnh nhân suy tim thường ho về đêm, ho khi nằm đầu thấp, khó thở khi nằm đầu thấp, các triệu chứng này cải thiện khi bệnh nhân ngồi dậy.
E (Edema or ankle swelling) = Phù hoặc sưng mắt cá chân: Khi tim không có đủ sức mạnh để bơm máu trở lại từ các chi dưới, chất lỏng có thể tích tụ gây sưng mắt cá chân, chân, đùi và bụng. Dấu hiệu dễ thấy là người bệnh nhận ra giầy trở nên chật chội. Chất lỏng dư thừa cũng có thể gây tăng cân nhanh chóng.
S (Shortness of breath) = Khó thở: Khó thở khi hoạt động (thường gặp nhất), khi nghỉ ngơi hoặc trong khi ngủ, có thể đến đột ngột và đánh thức người bệnh dậy. Bệnh nhân thường có khó thở khi nằm trên mặt phẳng và có thể cần phải chống đỡ phần trên cơ thể và kê đầu trên hai chiếc gối.
5 dấu hiệu cảnh báo trên không đưa ra chẩn đoán xác định suy tim nhưng các dấu hiệu này cảnh báo có thể bị suy tim, cần đến ngay cơ sở y tế và gặp bác sĩ để được tư vấn.
Ngoài ra, khi bị suy tim, người bệnh cũng có thể có cảm giác ăn không ngon, buồn nôn, đầy bụng hoặc đau dạ dày - Đó là do hệ thống tiêu hóa nhận được ít máu, gây ra các vấn đề tiêu hóa. Người bệnh có thể thấy tim đập nhanh hoặc nhói đau. Những người cao tuổi dễ dàng nhận thấy triệu chứng suy giảm trí nhớ, nhầm lẫn, suy nghĩ chậm chạp… do thiếu máu lên nào và do có sự thay đổi nồng độ của một số chất trong máu, chẳng hạn như natri, gây ra tình trạng trên.
4. Triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân suy tim theo các mức độ?
Có nhiều cách phân loại bệnh suy tim, trong đó cách phân loại của Hiệp hội tim mạch New York (NYHA) được sử dụng nhiều nhất. Theo cách chia này, mức độ suy tim được đánh giá dựa trên khả năng hoạt động thể lực và các triệu chứng cơ năng của bệnh nhân. Cụ thể có 4 mức độ:
Suy tim độ 1
Người bệnh vẫn hoạt động thể lực và sinh hoạt bình thường, không có hiện tượng khó thở, mệt mỏi, hồi hộp. Có thể coi là suy tim độ 1 là suy tim tiềm tàng.
Suy tim độ 2
Người bệnh đã có hạn chế nhất định về các hoạt động thể lực, sinh hoạt hàng ngày bị ảnh hưởng nhẹ. Khi nghỉ ngơi thì không có triệu chứng gì nhưng hoạt động gắng sức nhiều đã thấy khó thở, mệt mỏi, đánh trống ngực. Suy tim độ 2 có thể gọi là suy tim nhẹ.
Suy tim độ 3
Khi tiến triển sang suy tim độ 3, người bệnh bị hạn chế nhiều các hoạt động thể lực, sinh hoạt bị ảnh hưởng mức độ trung bình.
Khi nghỉ ngơi vẫn không có triệu chứng gì, nhưng khi hoạt động gắng sức rất ít đã thấy khó thở, mệt mỏi, đánh trống ngực. Ðây là suy tim mức độ trung bình.
Suy tim độ 4
Ở giai đoạn suy tim độ 4, người bệnh không thể thực hiện bất kỳ hoạt động thể lực nào mà không thấy khó chịu, sinh hoạt bị ảnh hưởng nhiều. Ngay cả khi nghỉ ngơi cũng thấy khó thở, chỉ làm được những việc nhẹ. Suy tim ở đây được coi là nặng.
5. Người bệnh suy tim được thăm khám như thế nào, cần làm những xét nghiệm gì?
Các xét nghiệm được đề nghị bởi bác sĩ khi nghi ngờ bệnh nhân có suy tim là:
- Siêu âm doppler tim: là phương tiện cần thiết để chẩn đoán và tìm nguyên nhân suy tim. Trên siêu âm tim có thể đánh giá được chức năng tim, bệnh lý các van tim, rối loạn vận động vùng trong bệnh mạch vành, áp lực động mạch phổi, bất thường tim bẩm sinh…
- Điện tâm đồ: thường không chẩn đoán được suy tim dựa vào điện tim, nhưng điện tim có thể cho thấy các dấu hiệu gián tiếp về nguyên nhân suy tim như rối loạn nhịp, dày cơ tim, hình ảnh nhồi máu cơ tim cũ.
- X-quang ngực: cũng không đặc hiệu để chẩn đoán suy tim, nhưng có thể thấy bóng tim to nếu suy tim nặng, buồng tim giãn, thấy tăng tuần hoàn phổi thụ động, tràn dịch màng tim.
- Xét nghiệm chất chỉ điểm sinh học của suy tim: NT-proBNP, BNP là các peptid lợi niệu, tăng lên trong máu do sự căng giãn các buồng tim. NT-proBNP tăng cao là một chỉ điểm của suy tim.
- Thông tim: Thăm dò này giúp chụp động mạch vành, xác định có hay không hẹp mạch vành là một nguyên nhân gây suy tim sung huyết.
- Các xét nghiệm khác: HbA1C, cholesterol, LDL-C, HDL-C, chức năng gan, thận... để tầm soát nguyên nhân suy tim và bệnh lý đi kèm.
6. Suy tim nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tình trạng gì?
Tiến triển của bệnh suy tim luôn trầm trọng hơn theo thời gian, cho nên, nếu người bệnh không điều trị kịp thời, bệnh không được kiểm soát, bệnh nhân sẽ gặp phải các biến chứng suy tim nguy hiểm. Gồm:
- Giảm tưới máu các cơ quan do giảm chức năng tim, gây suy thận, suy mạch vành, thiếu máu não, rối loạn tiêu hóa, tổn thương gan.
- Cơ thể suy yếu lại càng dễ bị nhiễm trùng, nhiễm trùng lại càng làm suy tim nặng hơn.
- Phù phổi cấp, tràn dịch màng phổi với khó thở, suy hô hấp cấp
- Rối loạn nhịp tim.
- Đột quỵ
- Ngưng tim ngưng thở đột ngột.
Tiếp theo: Suy tim được điều trị như thế nào? Phẫu thuật có chữa khỏi suy tim không?
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình