Hẹp van tim, hở van tim, khi nào cần điều trị?
Hở van tim, hẹp van tim là 2 bệnh van tim mà bạn đọc AloBacsi gửi câu hỏi rất nhiều. BS.CK1 Cao Thị Lan Hương có buổi chia sẻ chi tiết về bệnh lý này, giúp bạn đọc nắm rõ hướng điều trị của mình.
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương Bệnh viện Trưng Vương chuyên gia tư vấn bệnh tim mạch cộng tác với AloBacsi trong 6 năm qua
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Trái tim có những van tim nào? Nhiệm vụ của van tim là gì?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Van tim của con người giống như van một chiều trong hệ thống máy bơm, giúp máu lưu thông theo một chiều, máu từ tĩnh mạch về tim và từ tim đi ra động mạch mà không thể chảy theo chiều ngược lại. Nếu không có van tim, máu sẽ lưu thông hai chiều và tim không thể đẩy máu đi nuôi cơ thể.
Có 4 loại van tim chính là:
- Van 2 lá: nằm giữa tâm thất trái và tâm nhĩ trái. Van hai lá mở ra cho phép máu đi một chiều từ nhĩ trái xuống thất trái và đóng lại khi dòng máu được bơm từ thất trái qua van động mạch chủ vào động mạch chủ để đưa máu đi nuôi toàn cơ thể.
- Van 3 lá: nằm giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải của tim. Van ba lá mở ra cho máu đi một chiều từ nhĩ phải xuống thất phải và đóng lại khi dòng máu được bơm từ thất phải qua van động mạch phổi vào động mạch phổi đưa máu lên phổi để trao đổi oxy.
- Van động mạch phổi: nằm giữa tâm thất phải và động mạch phổi. Bình thường van động mạch phổi gồm 3 lá van thanh mảnh đóng mở nhịp nhàng theo hoạt động của tim cho phép dòng máu chạy theo một chiều từ tâm thất phải vào động mạch phổi.
- Van động mạch chủ: nằm giữa tâm thất trái và động mạch chủ. Van động mạch chủ gồm 3 lá van đóng mở nhịp nhàng theo hoạt động của tim cho phép dòng máu chạy theo một chiều từ tâm thất trái ra động mạch chủ.
2. Hẹp van tim, hở van tim là tình trạng như thế nào, gây ra hậu quả gì?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Có hai dạng thường gặp trong bệnh van tim, đó là bệnh hở và hẹp van tim.
Hẹp van tim: Khi các van tim trở nên dày và cứng hoặc dính các mép van làm hạn chế khả năng mở của van tim, gây cản trở sự lưu thông của máu qua đó. Tim phải bơm mạnh hơn để nén dòng máu qua chỗ hẹp.
Hở van tim: Khi các van tim đóng lại không kín do giãn vòng van, thoái hoá, dính, co rút hoặc các dây chằng van tim quá dài... làm cho dòng máu có thể trào ngược lại trong thời kỳ đóng van gây ra hiện tượng này gọi là hở van tim. Khi hở van, tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp khối lượng máu bị thiếu hụt do trào ngược.
Bất kỳ van tim nào cũng có thể bị hẹp van hay hở van. 1 người có thể có bệnh lý ở 1 van hay nhiều van tim. Và một số trường hợp có thể gặp cả hẹp van tim và hở van tim trên cùng 1 van, như hẹp hở van hai lá, hẹp hở van động mạch chủ nguyên nhân thường gặp nhất là bệnh van tim do thấp tim.
3. Những nguyên nhân gây ra bệnh van tim là gì ạ?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Bệnh van tim có thể xảy ra do những nguyên nhân sau:
- Do bẩm sinh: Điều này có nghĩa là van bị lỗi ngay khi còn ở bào thai, thường gặp ở van động mạch chủ. Khuyết tật van tim bẩm sinh thường được chẩn đoán giai đoạn sơ sinh.
- Do bệnh cơ tim: Bệnh lý này có thể mắc từ trước khi sinh hoặc là biến chứng của bệnh khác trong quá trình phát triển. Bệnh cơ tim làm thay đổi cấu trúc tim làm ảnh hưởng đến hoạt động của van tim.
- Nhồi máu cơ tim: Nhồi máu cơ tim làm tổn thương dây chằng van tim và gây hở van tim cấp, thường gặp ở van hai lá và van động mạch chủ.
- Do tuổi cao: Khi có tuổi, van tim trở nên kém linh hoạt, dễ bị rách, dễ bị mảng bám canxi tại van (vôi hóa van tim) làm van bị dày lên và xơ cứng, hạn chế lưu lượng máu đi qua.
- Do bệnh thấp tim: Tổn thương van tim do liên cầu khuẩn còn được gọi là bệnh thấp tim, thường gặp ở trẻ nhỏ từ 5-15 tuổi và cũng là nguyên nhân thường gặp nhất gây bệnh van tim ở nước ta. Thấp tim làm cho van bị dày dính, co kéo hoặc vôi hóa hay khít hẹp lâu ngày dẫn đến đóng không kín gây tình trạng hẹp hở van, thường gặp nhất là van hai lá và van động mạch chủ. Tuy nhiên, các triệu chứng của tổn thương van tim thường chỉ xuất hiện khi trẻ đã ở tuổi trưởng thành. Sử dụng kháng sinh đúng và đủ liều để điều trị viêm họng ở trẻ, có thể ngăn ngừa bệnh này.
- Do sa van: Sa van hai lá xảy ra khi van nằm giữa buồng tim trên và buồng tim dưới bên trái đóng không đúng cách, nó lồi lên vào trong buồng tim phía trên (nhĩ trái). Nguyên nhân do tổn thương dây chằng van.
Một số bệnh khác: Bệnh động mạch vành, tăng huyết áp, phình động mạch chủ, hoặc một số thuốc, phương pháp điều trị (bức xạ) cũng có thể gây hẹp, hở van tim.
4. Dấu hiệu, triệu chứng của bệnh van tim?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Đa số các bệnh lý van tim đều tiến triển từ từ, giai đoạn đầu thường không có triệu chứng gì. Những trường hợp bệnh van tim giai đoạn sớm triệu chứng lâm sàng thường ít ỏi. Đôi khi bệnh nhân biểu hiện bằng tức ngực, cảm giác trống ngực, khó thở khi gắng sức, hay đôi khi được mô tả bằng cảm giác hụt hơi. Khi có bất cứ biểu hiện bất thường trên, bệnh nhân nên đi khám bác sĩ để kiểm tra xem mình có bệnh lý van tim gì hay không?
Một số trường hợp biểu hiện đầu tiên của bệnh nhân là liệt nửa người, méo miệng, hoặc đau dữ dội một chân, đó là các biểu hiện của tắc mạch cấp do cục máu đông từ tim trôi vào các mạch máu nhỏ gây tắc mạch. Các cục máu đông này thường được hình thành trong trường hợp bệnh nhân có hẹp khít van hai lá, tim đập loạn nhịp khiến dễ hình thành cục máu đông trong buồng tim.
Người có bệnh van tim mà chờ đến khi có biểu hiện lâm sàng thường là giai đoạn muộn, đã có suy tim hoặc biến chứng khác. Do đó, khám sức khỏe định kì là biện pháp tốt nhất để phát hiện các bệnh lý tim mạch nói chung cũng như bệnh van tim nói riêng.
5. Để thăm khám bệnh van tim, bệnh nhân cần làm những gì?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Khi nghi ngờ có bệnh van tim có rất nhiều phương pháp để xác định từ đơn giản đến các xét nghiệm kỹ thuật cao giúp bác sỹ xác định chính xác bệnh nhân có bệnh van tim hay không ? Mức độ tổn thường các van tim, cũng như ảnh hưởng của nó đến hoạt động của quả tim
- Ống nghe: Phần lớn các trường hợp van tim có thể phát hiện bằng ống nghe tim. Dòng chảy bất thường của máu thường tạo ra 1 âm thanh: tiếng thổi. Đối với 1 bác sỹ có kinh nghiệm, việc nghe tim có thể đem lại nhiều thông tin hữu ích cho chẩn đoán.
- Điện tim đồ: Đường ghi lại hoạt động điện của tim nhưng nhiều trường hợp có ít giá trị trong chẩn đoán bệnh van tim (đặc biệt giai đoạn sớm).
- X-quang: Là 1 xét nghiệm đơn giản có thể đem lại các thông tin về tổn thương giãn buồng tim, bằng chứng của suy tim ứ huyết và các tổn thương khác phối hợp.
- Siêu âm tim: Là 1 phương pháp rất có giá trị trong các bệnh van tim. Đây là phương pháp thăm dò không chảy máu có thể cho thấy hình ảnh các van tim, cơ tim thông qua nguyên lý siêu âm. Siêu âm tim có thể cho thấy hình ảnh rõ về các van tim cũng như giúp đánh giá mức độ hẹp, hở van trong nhiều trường hợp với độ chính xác cao.
- Thông tim: Được chỉ định trong 1 số trường hợp để đánh giá 1 cách chính xác tổn thương van tim, cơ tim, các mạch máu.
Siêu âm tim là xét nghiệm hình ảnh học thông dụng nhất, cung cấp được nhiều thông tin và chi phí vừa phải, mà lại không phải kỹ thuật xâm lấn. Do đó, bệnh nhân muốn khám kiểm tra bệnh van tim thì cần đăng ký khám chuyên khoa tim mạch và tối thiểu là phải làm siêu âm tim. Siêu âm tim có thể tiến hành bất kỳ lúc nào trong ngày và không cần phải nhịn ăn.
6. Hở van tim có những mức độ nào, khi nào cần điều trị?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Quy ước trên siêu âm tính độ hở của van tim gồm có 4 mức là 1/4, 2/4, 3/4 và 4/4.
- Hở van tim 1/4, được coi là mức độ nhẹ, chỉ cần điều trị khi có biểu hiện mệt mỏi, khó thở
- Hở van tim 2/4 là mức độ trung bình
- Hở van tim 3/4 là mức độ nặng
- Hở van tim 4/4 là mức rất nặng
Đối với hẹp van tim thì được chia làm 3 mức, hẹp nhẹ, trung bình và nặng.
Bệnh van tim trở nên nguy hiểm, khi tình trạng hẹp, hở van tim tiến triển nặng hơn và gây rối loạn chức năng bơm máu của tim. Hậu quả của bệnh van tim là rối loạn nhịp tim, suy tim, đột quỵ não, nếu không được điều trị tốt.
7. Điều trị bệnh van tim gồm những phương pháp nào?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Hầu hết các vấn đề về van tim có thể được điều trị bằng thuốc, can thiệp hay phẫu thuật sửa chữa, thay thế. Tùy vào nguyên nhân gây hở van, các triệu chứng của bệnh (mệt mỏi, khó thở, đau tức ngực), mức độ ảnh hưởng của van đến chức năng co bóp của tim, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với từng người bệnh cụ thể.
a. Điều trị bằng thuốc
Thuốc điều trị không làm cho van tim hết hẹp, hở nhưng có thể kiểm soát hoặc làm giảm các triệu chứng, giảm gánh nặng cho tim và làm chậm tiến triển của bệnh. Một số thuốc thường được sử dụng là thuốc lợi tiểu, thuốc giãn mạch, thuốc chống đông...
b. Can thiệp hoặc phẫu thuật
Phẫu thuật tim mở hay can thiệp tim qua da, sẽ được bác sỹ quyết định dựa trên mức độ tổn thương van. Phẫu thuật thường được áp dụng với các trường hợp van tim cần thay thế. Can thiệp qua da được áp dụng với các trường hợp van bị lỗi hoặc khuyết tật van tim bẩm sinh.
Sửa chữa van tim đơn giản hơn thay van tim vì tổn thương ít hơn, chi phí điều trị thấp hơn và hạn chế được nguy cơ bị nhiễm trùng sau phẫu thuật. Sửa chữa có thể liên quan đến việc mở rộng một van tim bị thu hẹp bằng cách loại bỏ cặn canxi hay củng cố van không đóng đúng cách được áp dụng trong điều trị hẹp hở van 2 lá, van 3 lá. Sửa chữa cũng được sử dụng để điều trị các khuyết tật tim bẩm sinh và khuyết tật của van hai lá. Tuy nhiên, không phải tất cả các van có thể sửa chữa được.
Thay thế van tim: Khi không còn khả năng sửa chữa, các bác sỹ sẽ thay chúng bằng van tim cơ học hoặc van tim sinh học.
Van cơ học được làm bằng vật liệu tổng hợp, thiết kế để kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, máu có xu hướng dính vào van cơ học và tạo ra các cục máu đông. Nếu bạn có một van cơ học, bạn sẽ cần sử dụng thuốc chống đông suốt đời.
Van sinh học được làm từ mô tim động vật mô tim của người hiến tặng hoặc sử dụng mô của chính người bệnh. Van sinh học, có thể không cần dùng thuốc làm loãng máu suốt đời. Tuy nhiên, tuổi thọ của nó kém hơn van cơ học nên thường được sử dụng cho người lớn tuổi.
8. Sau khi điều trị bệnh van tim, người bệnh cần lưu ý gì trong ăn uống, sinh hoạt?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Bệnh nhân có bệnh van tim hoặc đã được sửa chữa hoặc thay thế với một chiếc van mới, điều quan trọng nhất là để bảo vệ mình khỏi các vấn đề tim trong tương lai. Dưới đây là một số lời khuyên:
- Biết mức độ và tình trạng hiện tại của van tim
- Nói với bác sĩ điều trị và nha sĩ về bệnh van tim của mình trong mỗi lần khám chữa bệnh
- Khi xuất hiện các triệu chứng của nhiễm trùng như viêm họng, sốt, đau nhức cần đến khám bs sớm để điều trị chống nhiễm trùng tốt, tránh biến chứng viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.
- Vệ sinh răng miệng thường xuyên, loại bỏ cao răng, chăm sóc tốt răng và nướu răng.
- Dùng thuốc kháng sinh trước khi làm các thủ thuật có thể gây chảy máu.
- Thuốc được sử dụng để kiểm soát các triệu chứng của bệnh và giúp tim bơm máu hiệu quả hơn, cho nên người bệnh cần tuân thủ việc uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Tái khám định kỳ theo chỉ dẫn của bác sỹ.
- Kiểm tra, theo dõi huyết áp thường xuyên và điều trị tăng huyết áp (nếu có) vì huyết áp cao làm tim phải gắng sức nhiều hơn.
- Nên ăn nhạt, ăn ít muối, ăn thức ăn ít chất béo và kiểm tra nồng độ mỡ trong máu thường xuyên để phòng ngừa bệnh mạch vành; không uống cà phê, không uống rượu vì có thể làm nặng thêm rối loạn nhịp (nếu có); tránh để thừa cân vì tình trạng quá cân là một gánh nặng cho tim khi co bóp; tập thể dục mỗi ngày và sinh hoạt điều độ, tránh hoạt động gắng sức.
9. Môn thể dục nào phù hợp với người bị bệnh van tim?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Tập thể dục không chỉ khắc phục được lối sống tĩnh tại, ít hoạt động của cuộc sống bộn bề ngày nay mà hơn thế nữa còn giúp phòng và chống được các biến chứng nguy hiểm của bệnh tim mạch như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành…
Nếu đã sẵn có bệnh tim mạch như bệnh van tim thì người bệnh cần tham khảo ý kiến của các bác sỹ chuyên khoa tim mạch trước khi lựa chọn một hình thức tập luyện thể dục thể thao phù hợp cho mình.
Hiện nay, tại các trung tâm tim mạch đa phần đếu có thành lập 1 khoa gọi là phục hồi chức năng tim mạch, giúp tư vấn hướng dẫn hỗ trợ cho người có bệnh tim mạch, mọi mức độ, đã phẫu thuật hay chưa, cách tập thể dục tương đương với khả năng của mỗi người. đặc biệt là những bệnh nhân bị bệnh van tim nặng, hay sau phẫu thuật sửa chữa/ thay van tim thì nên đến khám tại các trung tâm phục hồi chức năng tim mạch để được bs đánh giá và hướng dẫn cách tập thể dục cho phù hợp.
Những trường hợp bệnh van tim nhẹ, bệnh nhân có thể tập luyện thể lực mức độ trung bình mỗi ngày nửa giờ. Nếu người bệnh không thể sắp xếp thời gian để có thể giành riêng ra mỗi ngày nửa giờ đồng hồ cho việc luyện tập thì có thể bắt đầu bằng những hình thức hết sức đơn giản chẳng hạn như tự leo cầu thang bộ ở cơ quan hay ở khu tập thể thay vì đi thang máy hoặc cố gắng đi bộ để đi chợ mua sắm hay tới nơi làm việc (nếu gần) thay vì đi xe máy. Cố gắng thu xếp những khoảng thời gian ngắn cỡ chừng 10 phút để vận động chân tay trong lịch làm việc hàng ngày của mình.
Khuyến cáo của Hội Tim Mạch Học Việt Nam nêu rõ: Mỗi người lớn cần/nên tham gia chơi thể thao, tập thể dục hoặc vận động chân tay ở mức độ vừa phải ít nhất 30 phút mỗi ngày đối với tất cả các ngày trong tuần. Hoạt động thể lực ở mức độ vừa tương đương với việc đi bộ với tốc độ trung bình (6-7 km/giờ) hoặc các công việc khác nhau như lao động ngoài đồng, làm việc nội trợ, đi xe đạp, bơi …
10. Cách phòng ngừa bệnh van tim?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Bệnh van tim là căn bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, chỉ cần biết được biện pháp phòng ngừa đúng cách, bạn hoàn toàn bảo vệ mình khỏi căn bệnh này. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả cũng như dễ dàng thực hiện nhất:
- Chế độ ăn uống khoa học
- Luyện tập thể thao thường xuyên
- Thường xuyên kiểm tra huyết áp tại nhà
- Không hút thuốc lá
- Kiểm tra sức khỏe tim mạch định kỳ, ít nhất là 1 lần mỗi năm
Xin cảm ơn bác sĩ đã trả lời phỏng vấn của AloBacsi!
~~~~~~~
CÂU HỎI CỦA BẠN ĐỌC
- Thu Thảo - email: thaol13...@gmail.com
Thưa bác sĩ,
Em năm nay 25 tuổi. Em bị hở van tim 2 lá và đã được phẫu thuật thay van tim bằng van 2 lá nhân tạo sinh học. Hiêṇ giờ sức khoẻ em tốt và vẫn đang uống thuốc chống đông và bị rung nhĩ nhẹ.
Vậy nếu sau khi em không dùng thuốc nữa em có thể sinh con không? Và có ảnh hưởng gì không ạ? Mong bác sĩ tư vấn giúp em!
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Thu Thảo thân mến,
Việc mang thai và sinh con trong trường hợp của em đúng là khó khăn và nguy hiểm hơn người bình thường khác.
Mặc dù bác sĩ đã lựa chọn phương pháp phẫu thuật thay van tim sinh học cho em để tránh việc em phải dùng thuốc chống đông sau này thuận lợi cho việc mang thai và sinh nở hơn, nhưng việc này cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận việc phẫu thuật thay van lần 2, do van sinh học thì tuổi thọ ngắn hơn so với van nhân tạo.
Thế nhưng, sau phẫu thuật em vẫn còn rung nhĩ và phải sử dụng thuốc chống đông vì rung nhĩ, chứ không phải vì van tim sinh học.
Người có bệnh rung nhĩ và dùng thuốc chống đông như em, khi mang thai sẽ đối diện với 1 số nguy cơ tim mạch, như rung nhĩ nặng hơn, xuất huyết bất thường hoặc huyết khối bất thường có liên quan giữa liều kháng đông... nhưng mà, em không nên tự ý ngưng thuốc chống đông.
Nếu em có ý định lập gia đình, mang thai và sinh con, em cần báo với bác sĩ chuyên khoa tim mạch để bác sĩ sắp xếp lộ trình theo dõi phù hợp nhất và an toàn nhất cho em, phải phối hợp chặt chẽ giữa tim mạch và sản khoa, em nhé!
- FB Lien Nguyen
Dạ em có câu hỏi này ạ,
Ba em mới phẫu thuật sửa van tim và phải dùng thuốc chống đông máu. Em muốn mua những loại thuốc bổ cho ba như Ích Tâm Khang... nhưng em thấy các loại thuốc này ghi chú là không dùng cho người chậm đông máu.
Vậy ba em có dùng được loại thuốc nói trên không ạ? Em cảm ơn bác sĩ!
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:
Chào em,
Ba em đang dùng thuốc chống đông máu, do đó ba em không dùng được thuốc Ích Tâm Khang thêm vào nữa, em nhé.
Ba em chú ý uống thuốc theo toa của bác sĩ tim mạch, không nên tự ý sử dụng thêm các thuốc thực phẩm chức năng nếu chưa thông qua ý kiến của bác sĩ điều trị, vì thuốc kháng đông rất nhạy với nhiều dòng thuốc, dẫn đến biến đổi hiệu quả của thuốc, máu đặc quá hay loãng quá đều nguy hiểm cho ba em.
Thân mến!
Thực hiện: Hồng Nhung
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình