Hotline 24/7
08983-08983

Phẫu thuật thay van tim có nguy hiểm không?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, Ba em 65 tuổi, được bác sĩ kết luận là hở van 2 lá 1/4 ba lá 2/4 và hở van ĐMC 3.5/4 và phẫu thuật. Cho em hỏi là phẫu thuật có khó và nguy hiểm gì không, cách chăm sóc sau mổ như thế nào? Cảm ơn bác sĩ ạ.

Trả lời
Phẫu thuật thay van tim. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Phẫu thuật thay van tim. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Trường hợp bệnh van tim của ba bạn nếu đã có chỉ định phẫu thuật thì nên tuân thủ theo yêu cầu của bác sĩ và thực hiện sớm. Phẫu thuật thành công có thể giúp kéo dài tuổi thọ hơn nhiều so với điều trị nội khoa. Đây là một phẫu thuật lớn, ba của bạn sẽ cần thay van tim nhân tạo, có thể là van cơ học hoặc sinh học. Các biến chứng có thể gặp trong quá trình phẫu thuật như chảy máu, nhiễm trùng vết mổ, viêm phổi sau mổ…

Với những tiến bộ ngày nay của phẫu thuật tim và gây mê hồi sức, tỉ lệ tai biến và biến chứng trong phẫu thuật van động mạch chủ đã giảm xuống rất thấp, ở mức < 5%. Nếu thay van cơ học, bệnh nhân cần dùng thuốc kháng đông suốt đời nhưng tuổi thọ của van sẽ cao hơn (van sinh học cần phải mổ lại sau 10-15 năm).

Sau mổ cần theo dõi tại bệnh viện trong ít nhất 1 tuần. Bạn sẽ được tư vấn tâm lý và hướng dẫn tập vật lý trị liệu hô hấp sau phẫu thuật. Khi xuất viện, cần khoảng 4 - 6 tuần để hồi phục hoàn toàn bạn nhé!

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Khi van tim bị tổn thương, tim sẽ bơm máu kém hiệu quả hơn, do vậy tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu giàu oxy đi nuôi cơ thể. Khi tim phải làm việc quá nhiều có thể dẫn đến bị suy, gây ra khó thở, đau ngực, mệt mỏi và giữ nước lại trong cơ thể gây phù. Nếu các triệu chứng trên xuất hiện, có thể cần phải nong van, sửa van hay thay van tim.

Các phẫu thuật van tim bao gồm:

- Nong van tim bằng bóng qua da: Khi van hai lá, van động mạch phổi và một số trường hợp van động mạch chủ bị hẹp khít đơn thuần (không kèm theo hở van hay chỉ hở van ở mức độ nhẹ) và không có huyết khối ở trong các buồng tim thì các bác sĩ có thể tách các van bị hẹp này bằng bóng qua da. Bác sĩ sẽ luồn một ống thông có gắn quả bóng ở đầu qua da theo đường động mạch hoặc tĩnh mạch đùi vào tới vị trí van tim bị hẹp. Bóng sẽ được bơm căng lên với kích thước đã được lựa chọn trước làm cho van tim bị hẹp được tách rộng ra. Sau đó các dụng cụ sẽ được rút ra ngoài.

- Phẫu thuật sửa van tim: Khi lá van bị tổn thương, bờ các lá van bị dày lên, co kéo hay khi bị sa lá van làm cho van đóng không kín, hậu quả là làm cho dòng máu có thể phụt ngược trở lại buồng tim. Van hai lá có thể được sửa bằng cách lấy đi phần lá van thừa và khâu phần còn lại với nhau, hoặc bằng cách tạo hình lại các dây chằng. Các phẫu thuật viên có thể đặt thêm một vòng đặc biệt gọi là vòng tạo hình vòng van để làm thu nhỏ lại vòng van bị giãn. Một ưu điểm của phẫu thuật sửa van tim là bệnh nhân vẫn tiếp tục được sử dụng van tim của chính mình.

- Phẫu thuật thay van tim: Nếu van tim của bệnh nhân bị tổn thương quá nhiều không thể sửa được nữa thì cần được cắt đi và thay thế bằng van tim nhân tạo. Các van nhân tạo được chia ra thành 2 nhóm: van sinh học và van cơ học (được làm bằng kim loại, hay các chất tổng hợp khác…).

Sau phẫu thuật, phần lớn người bệnh có sự tiến triển theo chiều hướng tốt, họ có thể làm được những công việc mà trước phẫu thuật không đủ sức làm. Tình trạng sức khỏe có thể được cải thiện tốt lên trong khoảng từ 3 - 6 tháng, một số trường hợp có thể cần tới 1 năm. Sự phục hồi của bạn sẽ phụ thuộc nhiều vào chế độ tập luyện, hoạt động thể lực và sự tuân thủ đúng phác đồ điều trị.



Tìm câu hỏi dịch vụ y

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X