Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim cần lưu ý gì trong thời tiết rét đậm, rét hại?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương đưa ra những điều bệnh nhân rối loạn nhịp tim (rung nhĩ) cần lưu ý trong thời tiết rét đậm, rét hại... và phương pháp điều trị triệt để bệnh rung nhĩ.

1. Rối loạn nhịp tim (rung nhĩ) là tình trạng như thế nào?

Rung nhĩ là rối loạn nhịp tim dai dẳng thường gặp nhất, đây là một rối loạn nhịp nhĩ nhanh và không đều.

Trái tim của chúng ta là một khối cơ rỗng, cơ tim co bóp được là nhờ các xung động điện kích thích đều đặn được phát ra từ chính quả tim. Quả tim chia ra bốn buồng. Hai buồng ở trên là tâm nhĩ. Tâm nhĩ phải nhận máu trở về từ các cơ quan trong cơ thể; tâm nhĩ trái nhận máu từ phổi. Hai tâm thất nằm dưới tâm nhĩ, nhận máu từ các tâm nhĩ tương ứng. Tâm thất phải đưa máu lên phổi để máu trao đổi ôxy. Tâm thất trái bơm máu giàu ôxy (sau khi được tâm thất phải bơm qua phổi để hấp thụ khí ôxy và thải khí cacbonic) đi đến các cơ quan trong cơ thể.

Nút xoang là nút chủ nhịp của quả tim. Nó là một tập hợp các tế bào cơ tim biệt hóa đặc biệt nằm ở phía trên tâm nhĩ phải. Bình thường nút xoang có khả năng đều đặn phát ra các xung động điện. Những xung động này sau đó được dẫn truyền đến các tế bào cơ tim lân cận và theo hệ thống dẫn truyền lan đi, chỉ huy quả tim co bóp nhịp nhàng.

Thông thường mỗi một chu kỳ co bóp của tim, xung động điện lan toả ra tâm nhĩ trước làm cho tâm nhĩ đang chứa đầy máu co lại, tống máu từ tâm nhĩ xuống tâm thất. Sau đó xung động điện lại đi theo một hệ thống dẫn truyền tới tâm thất làm cho hai tâm thất co bóp cùng một lúc, đưa máu lên phổi và đến các cơ quan trong cơ thể.

Những xung động điện này chỉ huy tim đập đều đặn suốt ngày đêm trong cả cuộc đời. Bình thường, tim đập khoảng 60 - 90 lần/phút khi nghỉ và nhanh hơn khi gắng sức.

Trong bệnh lý rung nhĩ, xung động không xuất phát từ nút xoang mà thay vào đó xuất phát từ nhiều vị trí khác nhau trong hai buồng tâm nhĩ sẽ dẫn đến kích thích cơ nhĩ liên tục với tần số rất nhanh > 400 lần/phút và không đều. Với tần số này, hai buồng tâm nhĩ không còn co bóp nhịp nhàng mà “rung lên” nên bơm máu không hiệu quả. Một số (khoảng 1/3) xung động của rung nhĩ qua được để xuống tới tâm thất và làm cho tâm thất đập nhanh và không đều.

alobacsi BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - Bệnh viện Trưng Vương, TPHCMBS.CK1 Cao Thị Lan Hương - Bệnh viện Trưng Vương, TPHCM

2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của bệnh rung nhĩ?

Nguyên nhân gây ra rung nhĩ có thể là bất thường cấu trúc ở nhĩ (xơ hóa, giãn, thiếu máu, xâm lấn, phì đại) và/hoặc do bất thường điện học ở nhĩ (bất thường vận chuyển kênh ion, giảm khả năng dẫn truyền...). Kể cả những người có lối sống lành mạnh và không mắc các bệnh lý nào khác cũng có thể bị rung nhĩ. Nhưng những người sau đây thì có nguy cơ cao hơn bị rung nhĩ, bao gồm:

  • Tuổi trên 60;
  • Tăng huyết áp;
  • Bệnh động mạch vành;
  • Suy tim;
  • Bệnh lý van tim;
  • Tiền sử phẫu thuật tim mở;
  • Ngừng thở khi ngủ;
  • Bệnh lý tuyến giáp;
  • Đái tháo đường;
  • Bệnh phổi mạn tính;
  • Lạm dụng rượu hoặc sử dụng chất kích thích;
  • Tình trạng nhiễm trùng hoặc bệnh lý nội ngoại khoa nặng.

3. Cục máu đông có thể “mắc kẹt” ở những bộ phận nào, gây ra hậu quả gì?

Khi rung nhĩ, tâm nhĩ không co bóp, dẫn đến máu luẩn quẩn trong tâm nhĩ và dễ hình thành cục máu đông, thường là ở nhĩ trái. Nếu cục máu đông ra khỏi nhĩ trái sẽ xuống thất trái và từ thất trái có thể đi đến tất cả các cơ quan trong cơ thể, và tới đoạn hẹp của mạch máu sẽ bị "mắc kẹt".

Cục máu đông kẹt lại ở mạch máu não gây ra đột quỵ não, kẹt lại ở động mạch thận gây nhồi máu thận, kẹt lại ở mạch máu ruột gây nhồi máu ruột, kẹt lại ở động mạch vành gây nhồi máu cơ tim, kẹt lại ở động mạch mắt gây mù đột ngột, kẹt lại ở động mạch chi gây thiếu máu nuôi chi đó... nhìn chung cục máu đông kẹt lại ở động mạch nào thì sẽ gây nhồi máu, thiếu máu nuôi ở cơ quan được động mạch đó cung cấp dẫn đến hoại tử và rối loạn chức năng các cơ quan.

Nhưng mà, rung nhĩ thường là gây đột quỵ não nhiều nhất. Nguy cơ đột quỵ mỗi năm vào khoảng 7% ở bệnh nhân rung nhĩ.

4. Những ai có nguy cơ cao hình thành cục máu đông, và cách phòng ngừa như thế nào?

Trong các bệnh nhân rung nhĩ, những bệnh nhân có nguy cơ cao hình thành cục máu đông, được tính theo thang điểm CHADS-VAS bao gồm: bệnh nhân cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên nguy cơ tăng 1 điểm, từ 75 tuổi trở lên nguy cơ tăng 2 điểm), suy tim sung huyết, tăng huyết áp, đái tháo đường, nữ giới, bệnh lý mạch máu, tiền sử đã từng bị đột quỵ, cơn thoáng thiếu máu não hay thuyên tắc mạch hệ thống. Điểm nguy cơ CHADS-VAS càng cao thì nguy cơ bị đột quỵ càng cao.

Để phòng ngừa nguy cơ này xảy ra, bệnh nhân trước tiên là cần phải thăm khám theo dõi sức khỏe với bác sĩ ck tim mạch định kỳ, để bác sĩ đánh giá nguy cơ và kê thuốc (thuốc kháng đông) theo phân tầng nguy cơ cho bệnh nhân. Theo đó, bệnh nhân uống thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.

Đồng thời, bệnh nhân rung nhĩ cũng cần chú ý:

  • Có chế độ ăn uống lành mạnh: ít muối và hạn chế chất béo bão hòa có trong thực phẩm chế biến sẵn, bánh ngọt, mỡ động vật; ăn nhiều trái cây tươi, rau xanh và hạt ngũ cốc như đậu tương, đậu xanh, đậu đỏ, lạc, vừng…
  • Tập thể dục hàng ngày và tăng cường hoạt động thể chất.
  • Bỏ thuốc lá và tránh xa môi trường khói thuốc.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: do béo phì thừa cân làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim.
  • Kiểm soát tốt huyết áp và mức cholesterol bằng thuốc, chế độ ăn và lối sống.
  • Uống rượu vừa phải: Đối với người lớn khỏe mạnh, phụ nữ và người trên 65 tuổi chỉ nên dùng tối đa một ly rượu nhỏ một ngày; ở nam giới tối đa là hai ly.
  • Theo dõi và khám bệnh định kỳ để phát hiện sớm và kịp thời khi tình trạng bệnh nặng hơn.

5. Khi bị rung nhĩ, bệnh nhân thường có triệu chứng gì?

Rất nhiều bệnh nhân rung nhĩ nhưng hoàn toàn không có triệu chứng, mặt khác nhiều bệnh nhân có triệu chứng ngay từ khi mới mắc. Các triệu chứng của rung nhĩ khác nhau tùy từng bệnh nhân, phụ thuộc vào tuổi, nguyên nhân gây rung nhĩ (do bệnh tim mạch hay bệnh cơ quan khác) và ảnh hưởng của rung nhĩ đến sự co bóp của tim. Các triệu chứng bao gồm:

  • Cảm giác mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng (thường gặp nhất)
  • Nhịp tim nhanh hơn bình thường và không đều (lúc nhanh lúc chậm)
  • Thở nông
  • Hồi hộp trống ngực (cảm giác tim đập nhanh, thình thịch, rộn ràng)
  • Khó khăn trong hoạt động sinh hoạt hàng ngày hoặc giảm khả năng đáp ứng với vận động thể lực
  • Đau hoặc cảm giác tức nặng ngực
  • Tiểu tiện nhiều lần.

6. Rung nhĩ được chẩn đoán bằng cách nào?

Chẩn đoán xác định rung nhĩ bằng điện tâm đồ - đây là một xét nghiệm thường quy.

Ngoài ra rung nhĩ có thể được phát hiện nhờ các thiết bị di động gắn trên người bệnh nhân để theo dõi nhịp tim trong khoảng thời gian dài như holter điện tâm đồ, đặc biệt là ở những bệnh nhân có rung nhĩ cơn chứ không phải liên tục. Bệnh nhân được đeo holter điện tâm đồ theo dõi nhịp tim trong khoảng từ 1-7 ngày có khi vài tuần. Các thiết bị này giúp ghi lại nhịp tim cả ngày lẫn đêm qua đó cung cấp những thông tin chính xác về biến thiên nhịp tim kể cả khi hoạt động lẫn khi nghỉ ngơi.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân làm thêm 1 số xét nghiệm, như:

  • Siêu âm tim: Phát hiện bệnh tim cấu trúc gây ra rung nhĩ.
  • Xét nghiệm máu: Bệnh lý tuyến giáp hoặc các nguyên nhân khác gây ra rung nhĩ,...
  • Nghiệm pháp gắng sức, X-quang ngực: Giúp bác sĩ giải thích các dấu hiệu và triệu chứng.

7. Bệnh rung nhĩ được điều trị bằng những phương pháp nào? Phương pháp nào triệt để nhất?

Điều trị rung nhĩ sẽ nhắm vào 2 mục tiêu chính và luôn đồng hành cùng nhau, đó là:

- Dự phòng biến chứng do rung nhĩ gây ra:

Vì rung nhĩ dễ hình thành cục máu đông trong buồng nhĩ, cục máu đông có thể di chuyển theo dòng máu đi khắp cơ thể và gây tắc mạch, hay gặp nhất là mạch não gây đột quỵ não. Để phòng ngừa hình thành cục máu đông, các bệnh nhân bị rung nhĩ được chỉ định dùng thuốc chống đông máu. Việc sử dụng các thuốc chống đông đã được chứng minh làm giảm có ý nghĩa nguy cơ nhồi máu não.

Tuy nhiên, các bệnh nhân dùng thuốc chống đông phải đối mặt với nguy cơ chảy máu tăng lên do các thuốc này ngăn chặn quá trình đông máu và hình thành cục máu đông. Bên cạnh đó, mỗi loại thuốc chống đông đều có những lợi ích và nguy cơ khác nhau.

Xin mời xem bài: Thuốc chống đông máu có mấy loại? Người bệnh rung nhĩ lưu ý gì khi uống thuốc chống đông?

Do vậy, sự lựa chọn cũng như tính toán lợi ích, nguy cơ của việc sử dụng các thuốc chống đông cần được tính toán kĩ lưỡng dựa trên tuổi, bệnh lý kèm theo (như suy tim, tăng huyết áp, tiểu đường).

- Chuyển về nhịp xoang bình thường và kiểm soát nhịp đập của tâm thất:

Đối với các trường hợp bị rung nhĩ cơn hoặc cấp tính, có thể chuyển về nhịp bình thường nhờ thuốc, sốc điện. Khi bị rung nhĩ mạn tính, việc chuyển về nhịp bình thường khó khăn và hay tái phát nếu chuyển nhịp thành công. Còn đa số bệnh nhân bị rung nhĩ mạn tính được dùng thuốc, nhằm mục đích kiểm soát nhịp thất ở trong giới hạn bình thường, bằng các thuốc có tác dụng ngăn chặn các xung động điện từ nhĩ xuống tâm thất.

Triệt đốt rung nhĩ qua đường ống thông là phương pháp mới được chỉ định cho các bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác hoặc không muốn điều trị nội khoa. Đây là phương pháp dùng năng lượng tạo ra những vết cắt nhỏ lên bề mặt nội mạc nhĩ trái để cô lập các đường xung động bất thường của rung nhĩ gây ra. Đây cũng có thể được xem là phương pháp điều trị rung nhĩ triệt để nhất.

8. Bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim cần lưu ý gì trong thời tiết rét đậm, rét hại?

Thời tiết lạnh làm tăng tiết các Catecholamin trong máu dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp. Nhu cầu oxy của tim cũng tăng lên, tăng số lượng tiểu cầu, tăng hồng cầu và độ nhớt của máu. Tất cả những điều này làm cho người bị rối loạn nhịp tim nói chung và bệnh nhân rung nhĩ nói riêng khó kiểm soát được nhịp tim, huyết áp hơn, dễ xuất hiện tai biến do hình thành cục máu đông hơn.

Do đó, trong thời tiết lạnh, bệnh nhân cần chú ý trước tiên là mặc đủ ấm, tránh ra ngoài thời tiết lạnh khi không cần thiết, nếu bắt buộc phải làm việc khi trời lạnh thì nên mang đầy đủ găng tay, khẩu trang, đồ bảo hộ để tránh nhiễm lạnh.

Khi tắm rửa cần làm ấm phòng bằng đèn sưởi và dùng nước ấm.

Cố gắng duy trì tập thể dục hàng ngày, tốt nhất là vào buổi trưa khi nhiệt độ cao nhất.

Tiếp tục uống thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, tái khám theo hẹn hoặc tái khám sớm khi cơ thể có dấu hiệu bất thường.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X