Hotline 24/7
08983-08983

Uống thuốc chống đông máu nên ăn gì và kiêng gì, có ảnh hưởng đến kinh nguyệt không?

Nhiều thắc mắc xung quanh việc uống thuốc chống đông máu được BS.CK1 Cao Thị Lan Hương giải đáp: thuốc chống đông máu có ảnh hưởng đến kinh nguyệt không, có phải máu sẽ loãng hơn không, bệnh nhân nên ăn gì và kiêng gì, thuốc chống đông máu khác với thuốc tiêu sợi huyết thế nào…?

1. Thuốc chống đông máu, thuốc tiêu sợi huyết, thuốc tan máu bầm giống và khác nhau như thế nào?

Thuốc chống đông máu và thuốc tiêu sợi huyết đều là thuốc tác động lên quá trình đông máu của người bệnh.

  • Thuốc tiêu sợi huyết là thuốc làm tan cục máu đông đã hình thành
  • Thuốc chống đông thì không thể phá vỡ các cục máu đông đã hình thành nhưng có thể ngăn cản sự hình thành cục máu đông mới và làm chậm sự phát triển tiếp tục của cục máu đông đã có.

Thuốc tan máu bầm không tác động lên quá trình đông máu, cụm từ này dùng để chỉ các thuốc có tác dụng giảm sưng giảm viêm và thúc đẩy cơ thể tự dọn dẹp, xử lý mảng bầm tím, tụ máu dưới da gây ra do chấn thương.

2. Có phải người đang uống thuốc chống đông máu, khi bị té ngã sẽ không bị bầm tím?

Thuốc chống đông máu tác động lên quá trình đông máu, làm cho cục máu đông khó hình thành hơn, nên làm cho máu loãng hơn, dễ chảy máu hơn và khó cầm máu hơn so với bình thường.

Vì vậy, người đang uống thuốc chống đông máu, khi bị té ngã sẽ bị bầm tím nhiều hơn so với người khác.

3. Phụ nữ uống thuốc chống đông máu có bị ảnh hưởng đến kinh nguyệt không?

Mục tiêu của việc điều trị thuốc chống đông máu là làm sao giảm thiểu nguy cơ hình thành cục máu đông bệnh lý, nhưng vẫn giữ ở mức an toàn cho người bệnh, không phá vỡ cơ chế tự bảo vệ, tự điều hòa của cơ thể trong những tình huống bình thường như chu kỳ kinh nguyệt.

Nghĩa là, không phải phụ nữ uống thuốc chống đông máu thì mặc định là lượng máu kinh sẽ nhiều hơn và hành kinh dài hơn, mà khi có những dấu hiệu này, bạn cần phải báo với bác sĩ điều trị để kiểm tra lại và điều chỉnh thuốc cho phù hợp.

Nếu tuân thủ những chỉ dẫn của bác sĩ, bạn không cần phải lo lắng khi dùng thuốc chống đông. Các tác dụng không mong muốn của thuốc thường ít gặp và có thể xử trí nếu phát hiện sớm. Cần thông báo cho bác sĩ ngay nếu bạn phát hiện một trong các dấu hiệu sau:

  • Nước tiểu đỏ hoặc sậm màu
  • Có những vết thâm tự nhiên xuất hiện trên da, màu đỏ, nâu sẫm, hoặc đen.
  • Chảy máu kinh nguyệt nhiều hay kéo dài một cách bất thường.
  • Đau đầu dữ dội, hoặc đau đầu kéo dài, hoặc đau bụng.
  • Chảy máu (ví dụ chảy máu chân răng, chảy máu cam)
  • Sưng nề, đau các khớp như đầu gối, cổ chân.
  • Có khối cứng, đau xuất hiện ở các vùng cơ như bắp chân, đùi, mông
  • Những bệnh khác mà bạn đang mắc có thể làm giảm khả năng dung nạp thuốc của bạn.

Vì thế, hãy di khám lại nếu bạn bị ốm, cảm thấy mệt mỏi.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - chuyên gia tư vấn bệnh tim mạch của AloBacsi

4. Trong việc sinh hoạt hằng ngày, người uống thuốc chống đông nên lưu ý điều gì, nhờ BS chỉ dẫn?

Khi sử dụng thuốc chống đông máu, người bệnh cần lưu ý những điều sau:

Chăm sóc răng miệng: Luôn thông báo cho bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ là bạn đang dùng thuốc chống đông khi khám bệnh, nhổ răng, phẫu thuật hoặc làm bất cứ thủ thuật nhỏ nào. Chăm sóc răng miệng cẩn thận, nên dùng bàn chải mềm và dao cạo râu điện. Nên đi khám nha khoa định kỳ.

Không tự động uống thuốc: Nhiều loại thuốc có thể ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc chống đông. Không tự động uống hoặc ngừng bất cứ loại thuốc nào khác khi chưa có ý kiến của bác sĩ, dược sĩ.

Một số thuốc có thể làm tăng tác dụng của thuốc chống đông, tăng nguy cơ chảy máu bao gồm:

  • Thuốc kê đơn: Amiodarone (Cordarone), các loại kháng sinh, clopidogrel (Plavix)…
  • Thuốc không kê đơn: Paracetamol; Ibuprofen, Aspirin và các thuốc giảm đau, chống viêm không steroid khác, ranitidine...
  • Một số thuốc có thể làm giảm tác dụng của thuốc chống đông (tăng nguy cơ hình thành cục máu đông) bao gồm:
  • Thuốc bổ vitamin có thành phần vitamin K.
  • Thực phẩm chức năng, thảo dược có chứa vitamin K, dầu cá, Ginkgo, Co-Enzyme Q10, dầu lanh, nhân sâm…

Vận động: Tránh các hoạt động có nguy cơ chảy máu, chấn thương, té ngã, tai nạn, đặc biệt là tai nạn ở vùng đầu. Lập tức đi khám ngay khi bị chấn thương, đặc biệt là tai nạn vùng đầu, và thông báo với nhân viên y tế bạn có dùng thuốc chống đông.

Cần đi khám ngay nếu có các dấu hiệu: Chảy máu kéo dài hơn 10 phút mới cầm; chảy máu chân răng; bầm tím dưới da thường xuyên; chu kỳ kinh nguyệt kéo dài và nhiều hơn bình thường; chảy máu mũi; đi đại tiện phân đen sệt hoặc lẫn máu; nôn ra máu; nước tiểu có máu, màu đỏ, nâu hoặc hồng; chóng mặt; rất mệt mỏi; yếu người; đau đầu nghiêm trọng.

Bệnh nhân nữ nên dùng biện pháp tránh thai khi đang sử dụng thuốc. Không nên có thai hoặc cho con bú khi đang dùng thuốc chống đông. Nếu muốn có thai, cần phải trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ.

5. Chế độ ăn uống của người uống thuốc chống đông cần lưu ý điều gì?

Với những bệnh nhân uống thuốc chống đông kháng vitamin K cần phải đặc biệt chú ý đến chế độ ăn, bởi vì hiện quả của thuốc dao động rất nhiều với thực phẩm ăn cào.

Các thuốc chống đông máu kháng vitamin K ngăn chặn gián tiếp chu trình đông máu bằng cách cạnh tranh với vitamin K, làm giảm lượng vitamin K trong cơ thể. Từ đó ngăn cản quá trình tổng hợp một số yếu tố đông máu phụ thuộc vitamin K ở gan như yếu tố II, VII, IX và X.

Nhưng mà, cơ thể có thể tổng hợp vitamin K và cũng có thể bổ sung từ một số loại thực phẩm. Do đó nếu đột ngột tăng cường những thực phẩm giàu vitamin K trong chế độ ăn cho người uống thuốc chống đông máu, hiệu quả chống đông máu sẽ bị giảm xuống. Ngược lại, nếu đột nhiên thêm những thực phẩm có ít vitamin K vào chế độ ăn cho người uống thuốc chống đông máu, khả năng mắc phải các tác dụng phụ do thuốc kháng kali sẽ lớn hơn.

Như vậy, người bệnh tránh tiêu thụ một lượng lớn thực phẩm giàu vitamin K, bởi chúng sẽ làm giảm hiệu của của thuốc chống đông. Các thực phẩm, thức uống có hàm lượng vitamin K cao bao gồm: cải xoăn, rau bina, bắp cải Brucxen, mù tạt xanh, rau diếp xanh, cải cầu vồng, bông cải xanh, măng tây, mùi tây,... và trà xanh.

Song song đó, những thực phẩm ít vitamin K - có thể làm tăng nguy cơ chảy máu cũng cần chú ý bao gồm: bắp ngọt, hành, bí đao, cà tím, cà chua, nấm, khoai lang, dưa chuột, bắp cải, quả đào, táo, dâu tây, dưa hấu, dứa, chuối,... nước bưởi, nước ép nam việt quất và rượu.

Để cân bằng được điều này, khi uống thuốc chống đông, bệnh nhân cần chú ý là có chế độ ăn đều đặn - ít thay đổi. Ví dụ mỗi ngày ăn 1 tô rau thì mình cố gắng duy trì mỗi ngày như vậy, chứ không nên ngày ăn ngày không, hôm nay không ăn rau rồi hôm sau ăn bù 2 tô rau là hoàn toàn không nên.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X