Thuốc chống đông máu có mấy loại? Người bệnh rung nhĩ lưu ý gì khi uống thuốc chống đông?
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương giải đáp thắc mắc của người bệnh rung nhĩ: Thuốc chống đông máu có mấy loại? Với những người đang uống thuốc chống đông, có nhất thiết phải uống đúng giờ hay không? Nếu lỡ quên một liều thì nên uống bù như thế nào?...
Để phòng ngừa hình thành cục máu đông, các bệnh nhân bị rung nhĩ được chỉ định dùng thuốc chống đông máu. Thuốc chống đông còn gọi là thuốc làm loãng máu ngăn chặn quá trình hình thành cục máu đông. Việc sử dụng các thuốc chống đông đã được chứng minh làm giảm có ý nghĩa nguy cơ nhồi máu não.
Tuy nhiên, các bệnh nhân dùng thuốc chống đông phải đối mặt với nguy cơ chảy máu tăng lên do các thuốc này ngăn chặn quá trình đông máu và hình thành cục máu đông.
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - Bệnh viện Trưng Vương
Các loại thuốc chống đông gồm: Thuốc kháng vitamin K - Ở nước ta thường sử dụng 2 loại: Sintrom (acenocoumarol) và Coumadin (warfarin); Thuốc kháng đông mới (ức chế trực tiếp Thrombin, thuốc ức chế yếu tố Xa). Mỗi loại thuốc chống đông đều có những lợi ích và nguy cơ khác nhau.
Bệnh nhân đang uống thuốc chống đông cần lưu ý:
- Uống đúng liều lượng theo toa của bác sĩ, các thuốc kháng vitamin K đều có thể bẻ nhỏ để tiện cho việc chia liều.
- Nên uống thuốc kháng vitamin K vào một giờ nhất định trong ngày
- Nên uống thuốc liên tục đến ngày tái khám.
- Nếu quên < 8 giờ thì uống ngay khi nhớ ra, theo liều cũ
- Nếu quên > 8 giờ thì bỏ qua liều này, chờ liều tiếp theo. Không được uống gấp đôi liều để bù lại.
- Nên thông báo với bác sĩ liều thuốc quên khi đến tái khám.
- Nếu quên liên tiếp 2 lần nên hỏi ý kiến hướng dẫn của bác sĩ.
- Khi có dự định mang thai hay đang mang thai thì phải báo với bác sĩ
- Khi nhổ răng, thủ thuật, phẫu thuật phải khai báo việc sử dụng thuốc chống đông
- Tái khám ngay khi có chảy máu chân răng, bầm da không do va chạm, rong kinh, tiểu máu, đi cầu phân đen, đi cầu ra máu, chảy máu trong mắt, ho ra máu, nôn ra máu hay dịch đen.
Người uống thuốc chống đông nên lưu ý gì trong việc ăn uống hằng ngày?
Với những bệnh nhân uống thuốc chống đông kháng vitamin K cần phải đặc biệt chú ý đến chế độ ăn, bởi vì hiện quả của thuốc dao động rất nhiều với thực phẩm ăn cào.
Các thuốc chống đông máu kháng vitamin K ngăn chặn gián tiếp chu trình đông máu bằng cách cạnh tranh với vitamin K, làm giảm lượng vitamin K trong cơ thể. Từ đó ngăn cản quá trình tổng hợp một số yếu tố đông máu phụ thuộc vitamin K ở gan như yếu tố II, VII, IX và X.
Nhưng mà, cơ thể có thể tổng hợp vitamin K và cũng có thể bổ sung từ một số loại thực phẩm. Do đó nếu đột ngột tăng cường những thực phẩm giàu vitamin K trong chế độ ăn cho người uống thuốc chống đông máu, hiệu quả chống đông máu sẽ bị giảm xuống.
Ngược lại, nếu đột nhiên thêm những thực phẩm có ít vitamin K vào chế độ ăn cho người uống thuốc chống đông máu, khả năng mắc phải các tác dụng phụ do thuốc kháng kali sẽ lớn hơn.
Như vậy, người bệnh tránh tiêu thụ một lượng lớn thực phẩm giàu vitamin K, bởi chúng sẽ làm giảm hiệu của của thuốc chống đông. Các thực phẩm, thức uống có hàm lượng vitamin K cao bao gồm: cải xoăn, rau bina, bắp cải Brucxen, mù tạt xanh, rau diếp xanh, cải cầu vồng, bông cải xanh, măng tây, mùi tây, ... và trà xanh
Song song đó, những thực phẩm ít vitamin K - có thể làm tăng nguy cơ chảy máu cũng cần chú ý bao gồm: bắp ngọt, hành, bí đao, cà tím, cà chua, nấm, khoai lang, dưa chuột, bắp cải, quả đào, táo, dâu tây, dưa hấu, dứa, chuối,... nước bưởi, nước ép nam việt quất và rượu.
Để cân bằng được điều này, khi uống thuốc chống đông, bệnh nhân cần chú ý là có chế độ ăn đều đặn - ít thay đổi. Ví dụ mỗi ngày ăn 1 tô rau thì mình cố gắng duy trì mỗi ngày như vậy, chứ không nên ngày ăn ngày không, hôm nay không ăn rau rồi hôm sau ăn bù 2 tô rau là hoàn toàn không nên.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình