Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ chích ngừa lao có phải được miễn nhiễm bệnh lao suốt đời hay không?

Mặc dù đã được chích vắc xin chủng ngừa nhưng trẻ chỉ ngừa được bệnh lao nặng. BS Trương Hữu Khanh nhấn mạnh biểu hiện bệnh lao ở trẻ cần được chú ý phát hiện sớm, không được tự ý ngưng thuốc và phải chú ý tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

1. Số lượng trẻ bị bệnh lao nhiều hay ít?

Thưa BS Trương Hữu Khanh, mỗi năm có khoảng bao nhiêu trẻ bị lao? Có sự khác biệt về số lượng bệnh nhi ở thành phố hay nông thôn không ạ?

BS Trương Hữu Khanh:

Tuy chúng ta đã phòng chống tốt nhưng bệnh lao ở trẻ em vẫn còn. Hằng năm ở Bệnh viện Nhi đồng 1 vẫn có vài chục bé mắc lao. Ở bệnh viện nhi không điều trị lao, chỉ chẩn đoán và chuyển qua Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, sau đó chuyển về địa phương, và điều trị miễn phí.

Tỷ lệ ở nông thôn hay thành thị thì cũng như nhau thôi.

Có một số trẻ phát hiện bệnh lao khá trễ, đặc biệt là lao màng não, lao toàn thân cũng khá trễ thành ra có một số em bé khi phát hiện bệnh lao điều trị xong để lại di chứng. Vì vậy, việc phát hiện bệnh lao sớm cũng khá quan trọng.

2. Bệnh lao được chia thành những loại nào trong đó loại nào là nguy hiểm?

BS Trương Hữu Khanh:

Có nhiều bộ phận dễ bị lao, thông thường nhiều nhất là lao hạch, sau đó là lao phổi. Tất cả cơ quan có thể bị lao, chẳng hạn như lao lá lách, lao xương, lao thận, lao màng não, lao cột sống thậm chí lao toàn thể (lao kê).

Hai nhóm bệnh nặng nhất mà để lâu có thể nguy hiểm đó là lao toàn thể và lao màng não. Hai bệnh đó điều trị không kịp sẽ chết. Lao màng não chữa không kịp có thể dẫn đến tử vong, chữa kịp nhưng hơi chậm thì có thể để lại di chứng rất khủng khiếp.

3. Trẻ trong nhóm đối tượng nào thì nguy cơ mắc bệnh lao sẽ cao?

BS Trương Hữu Khanh:

Trẻ ở mọi lứa tuổi dễ bị mắc lao. Tuy nhiên, những em bé dưới 3 tuổi dễ có nguy cơ mắc lao màng não hơn. Lao có thể gặp ở mọi lứa tuổi.

4. Trẻ bị lao có triệu chứng gì?

Một em bé bị lao sẽ có những triệu chứng gì thưa BS? Ở mỗi độ tuổi sẽ có những triệu chứng khác nhau hay mỗi em bé bị lao đều có những triệu chứng giống nhau ạ?

BS Trương Hữu Khanh:

Lao ở trẻ nhỏ hay người lớn sẽ có triệu chứng giống nhau. Có 2 nhóm triệu chứng: một là triệu chứng lao toàn thân, hai là triệu chứng tại cơ quan bị lao.

Ví dụ như triệu chứng toàn thân là sốt âm ỉ kéo dài nhiều tuần nhiều tháng, sụt cân, biếng ăn, đổ mồ hôi trộm là 3 triệu chứng chính, chúng ta cần chú ý trẻ có thể bị lao

Triệu chứng tại cơ quan bị lao như:

  • Lao phổi sẽ ho kéo dài.
  • Lao hạch thì hạch sẽ nổi lên thành chùm và nó không lành đối với các điều trị thông thường.
  • Lao màng bụng thì bụng sẽ phình to lên, ăn uống kém, đi cầu thay đổi về phân.
  • Lao màng não gây sốt kéo dài, nhức đầu, nôn ói, sau đó chúng ta để lâu rồi co giật hôn mê.

Có rất nhiều bệnh lao ở các cơ quan khác nhau, biểu hiện khác nhau, chúng ta đi khám và phát hiện. Nói chung, nếu có triệu chứng lao chung thì chúng ta cần đi khám bệnh, đặc biệt là khi trong nhà có người bị lao.

5. Bệnh lao sẽ tiến triển thế nào và ảnh hưởng ra sao đến cơ thể trẻ?

Nếu lao ở trẻ không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh lao sẽ tiến triển nghiêm trọng thế nào và ảnh hưởng ra sao đến cơ thể trẻ?

BS Trương Hữu Khanh:

Chắc chắn nó sẽ gây ảnh hưởng bởi vì khi bị lao hạch hay các cơ quan thông thường sẽ gây sụt cân rất nhiều sau đó nó còi cọc nên khó hết. Nếu chúng ta để tình trạng lao phổi kéo dài, nó có thể gây ho ra máu hay giãn phế quản.

Một số em bé sau này bị dính phổi, lúc đó chữa sẽ không hiệu quả.

Một số trường hợp chữa trễ lao màng não sẽ để lại di chứng: động kinh, chậm phát triển tâm thần, vận động hoặc sống đời sống thực vật.

6. Những phương pháp nào để giúp chẩn đoán một em bé mắc bệnh lao?

BS Trương Hữu Khanh:

Thường bác sĩ nhi khoa hay chuyên về lao thấy một em bé chậm lên cân, nổi hạch ở vùng cổ, ho kéo dài, sốt về chiều, sốt dài không giải thích được, bác sĩ sẽ cho đi tầm soát. Thường là sẽ chụp X-quang phổi trước, làm một số xét nghiệm máu, sau đó chúng ta mới đưa ra chẩn đoán lao.

Tuy nhiên, một số trường hợp chẩn đoán lao rất khó. Bác sĩ phải đi tìm trong đàm trẻ có lao hay không, trẻ nhỏ thì chúng ta phải lấy dịch trong dạ dày mỗi buổi sáng. Trong một số trường hợp chúng ta tìm không ra, nhưng do hình ảnh trên X-quang, diễn tiến bệnh, điều trị không hiệu quả... Một số trường hợp chúng ta phải điều trị thử để biết trường hợp này có đúng bị lao hay không.

7. Trẻ bị bệnh lao điều trị ra sao?

BS Trương Hữu Khanh:

Riêng trong bệnh lao, chúng ta điều trị rất lâu, có thể là 6 tháng, có thể là 9 tháng, có trường hợp là 12 tháng. Khi điều trị, nếu có đáp ứng thì mới kéo dài thời gian dùng các thuốc đó, nếu không phải đổi thuốc.

Trong điều trị lao có thời gian tấn công, thời gian duy trì chúng ta phải tuân thủ quy định uống thuốc đúng mới khống chế được bệnh lao, vì nếu bỏ ngang thì vi khuẩn lao có thể tiến triển thành lao kháng thuốc.

Vi trùng lao kháng thuốc rất nguy hiểm vì nó sẽ lây cho những người khác.

Cuộc điều trị kéo dài, điều quan trọng là phụ huynh cần hợp tác và không được tự ý bỏ thuốc.

8. Tác dụng phụ của thuốc điều trị lao với trẻ em có đáng sợ không?

Được biết thuốc lao thường có nhiều tác dụng phụ. Vậy biểu hiện khi trẻ gặp phải tác dụng phụ của thuốc lao là gì? Lúc này bố mẹ cần xử trí thế nào, cha mẹ cần đưa trẻ đến đâu để được hỗ trợ?

BS Trương Hữu Khanh:

Thực ra, khi chúng ta đọc tác dụng phụ của thuốc thì thuốc nào chúng ta cũng không dám uống. Vì nhà sản xuất liệt kê hết tất cả các khả năng có thể xảy ra, nhưng tỷ lệ người sử dụng thuốc gặp tác dụng phụ đó rất thấp.

Khi trẻ uống thuốc, bị tác dụng phụ nhưng vẫn có cách theo dõi và hạn chế tác dụng phụ.

Thứ nhất chúng ta cần uống đúng thuốc, đúng liều. Thứ hai, chúng ta cần phải tái khám đúng. Nếu bác sĩ cảm thấy cần thiết, họ có thể cho xét nghiệm máu lại để xem nó có tổn thương hay ảnh hưởng đến gan hay không.

Ví dụ như chúng ta uống  thuốc điều trị lao thấy da vàng, mệt mỏi nhiều, nôn ói nhiều thì đi khám lại ngay hoặc liên lạc với bác sĩ để được tư vấn thêm. Đừng tự ngưng thuốc khi thấy sức khỏe của bệnh nhân không ổn.

Các em bé uống thuốc kháng lao gặp phải tác dụng phụ cần phải đưa đến ngay các cơ sở điều trị lao để khám, bác sĩ sẽ đánh giá lại. Trong đó, trẻ có thể bị vàng da, yếu tay yếu chân, mệt mỏi quá nhiều, nôn mửa quá nhiều thì đi ngay đến nơi cấp thuốc để bác sĩ khám và đánh giá lại từ đầu.

9. Phòng bệnh lao cho trẻ bằng cách nào?

Nếu trẻ có lỡ tiếp xúc với người bị lao thì sau đó bố mẹ cần xử trí thế nào? Nhiều người vẫn thắc mắc việc tiêm phòng có phải là biện pháp bảo vệ trẻ 100% chống lại bệnh lao đến suốt đời hay không? Đã tiêm chủng rồi thì trẻ không có còn có nguy cơ dù có tiếp xúc với người nhiễm lao đúng không ạ BS?

BS Trương Hữu Khanh:

Trong việc phòng ngừa lao, chúng ta cần ghi nhớ chích ngừa lao. Mũi thuốc mới tiêm ngay khi trẻ sinh ra mà sau này em bé bị sưng ở bên tay trái (có vết sẹo nhỏ), đó là sẹo do chích ngừa lao. Ai không có vết sẹo đó chưa chắc người đó chích ngừa lao hiệu quả.

Chích ngừa lao như vậy sẽ ngừa được các bệnh lao nặng như lao toàn thể hoặc lao màng não. Nếu chúng ta không chích ngừa lao, trẻ sẽ bị lao rất nặng.

Còn biện pháp phòng ngừa lao thứ hai chính là phòng ngừa khi phát hiện trong gia đình có một người bị bệnh lao (thường một gia đình có người bị mắc bệnh lao thì người xung quanh đó có thể mắc lao gấp 5 lần so với những người khác). Hiện nay, trong chương trình phòng chống lao ở nhi khoa họ có uống thuốc dự phòng khi trong nhà có người bệnh lao.

Cho nên nếu chúng ta phát hiện trong gia đình có người bị bệnh lao tiếp xúc gần với em bé thì chúng ta cần mang em bé ra ngay trạm y tế để họ khám, đánh giá về cân nặng để xem em bé bị lây hay chưa. Nếu em bé chưa bị lây, bác sĩ sẽ cho em bé uống thuốc ngừa lao trong vòng 6 tháng. Nếu phát hiện em bé bị lao rồi thì bác sĩ chữa luôn tại đó.

10. Có phải tiêm phòng lao sẽ giúp không bị bệnh lao suốt đời?

Việc tiêm phòng lao có bảo vệ chúng ta đến suốt đời hay không, đã tiêm chủng rồi trẻ không có nguy cơ dù tiếp xúc với người nhiễm lao, đúng hay không, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh:

Điều này hoàn toàn sai, vì vắc xin lao chúng ta sử dụng là vắc xin BCG. Vắc xin này chỉ ngừa được lao nặng: lao toàn thể, lao màng não, còn các lao nhẹ thông thường như lao phổi, lao hạch là không ngừa được. Sau khi chích ngừa lao cũng phải đề phòng bệnh lao, chú ý phát hiện sớm biểu hiện lao ở trẻ nếu trong gia đình chúng ta có một người bị lao.

11. Chăm sóc một em bé bị lao cần lưu ý uống thuốc đều và tăng cường dinh dưỡng

Chăm sóc một em bé bị lao bố mẹ cần lưu ý điều gì? Lời khuyên cho các bậc phụ huynh để phòng trẻ bị bệnh lao.

BS Trương Hữu Khanh:

Khi bị lao, chắc chắn các bậc phụ huynh phải chăm cho trẻ uống thuốc, uống thuốc đúng giờ đúng liều không bỏ ngang thuốc. Điều đó rất quan trọng, chúng ta đi tái khám lấy thuốc đều.

Thuốc lao là thuốc miễn phí cho nên chúng ta cứ đi theo đúng chương trình chống lao quốc gia, họ dặn sao chúng ta làm vậy. Họ dặn tái khám đúng, uống thuốc từng tháng, thuốc nào là tấn công, thuốc nào là duy trì, chúng ta cứ làm cho đúng.

Thứ hai, chúng ta phải tăng cường năng lượng cho trẻ. Trước khi điều trị và điều trị lao lúc ban đầu, em bé rất biếng ăn. Nếu đáp ứng điều trị thì 10 ngày, nửa tháng em bé sẽ ăn ngon trở lại. Lúc đó, chúng ta cần tăng cường dinh dưỡng cho trẻ, ăn nhiều bữa hơn, bổ sung đạm nhiều hơn. Lúc đó, trẻ sẽ có đủ năng lượng để vượt qua bệnh và hồi phục vóc dáng được.

Trọng Dy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X