Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh lao kháng thuốc điều trị thế nào, có khỏi bệnh được không?

Bệnh lao kháng thuốc là nỗi lo lắng không chỉ với người bệnh lao mà còn của các bác sĩ khi điều trị cho bệnh nhân của mình. ThS.BS Võ Thị Tố Uyên cho biết vì sao có tình trạng lao kháng thuốc, điều trị thế nào, bệnh lao kháng thuốc khỏi bệnh được không?...

1. Tình trạng như thế nào gọi là lao kháng thuốc?

Kháng thuốc kháng sinh là khả năng của vi khuẩn chống lại được các tác dụng của thuốc làm giảm hoặc mất hiệu quả của các thuốc trong điều trị bệnh. Từ đó, vi khuẩn vẫn tồn tại, tiếp tục nhân lên, gây ra nhiều tác hại.

Bệnh lao kháng thuốc là bệnh gây ra do vi khuẩn lao có khả năng kháng với một hoặc nhiều thuốc trong phác đồ chống lao.

Lao kháng thuốc có thể nguyên phát, tức là xuất hiện ngay từ lúc bắt đầu điều trị hoặc thứ phát sau 1 thời gian điều trị, do vi khuẩn có khả năng biến đổi để đề kháng lại kháng sinh.

Bệnh lao kháng thuốc có thể phân thành kháng đơn thuốc, đa kháng thuốc (kháng nhiều thuốc)siêu kháng thuốc.

Vi khuẩn lao kháng thuốc có thể gặp ở lao phổi hay bất kỳ bệnh lao ở cơ quan nào khác.

alobacsi ThS.BS Võ Thị Tố Uyên bài lao kháng thuốcThS.BS Võ Thị Tố Uyên - giảng viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ tại khoa Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất

2. Nguyên nhân gây ra tình trạng lao kháng thuốc là gì?

Về mặt vi sinh, kháng thuốc xảy ra khi vi khuẩn có khả năng tự biến đổi để có thể tồn tại, nhân lên và gây bệnh ngay cả khi dùng thuốc kháng lao. Các tình huống thuận lợi thường dễ gây phát sinh ra chủng vi khuẩn kháng thuốc bao gồm:

  • Người không hoàn thành phác đồ điều trị lao, dùng thuốc không đều hoặc bỏ cữ
  • Sử dụng sai phác đồ, bao gồm sai thuốc hoặc sai liều lượng hoặc sai thời gian
  • Không thể sử dụng phác đồ tốt nhất trong điều trị lao
  • Thuốc chất lượng kém

3. Khi bệnh nhân có những dấu hiệu nào thì nghi ngờ lao kháng thuốc?

Các tình huống cần nghi ngờ lao kháng thuốc và tầm soát bao gồm:

  • Người bệnh lao thất bại phác đồ điều trị lao, các triệu chứng không thuyên giảm hoặc xét nghiệm đàm không âm tính trở lại sau 2 hoặc 3 tháng điều trị hoặc có tiền sử dùng thuốc lao trên 1 tháng
  • Người bệnh lao mới có tiếp xúc với người bệnh lao đa kháng
  • Người bệnh lao tái phát
  • Người bệnh lao bỏ trị
  • Người bệnh lao có HIV (+)

Tuy nhiên bệnh lao kháng thuốc có thể được chẩn đoán ở người chưa bao giờ mắc lao và triệu chứng lâm sàng của lao đa kháng có thể không khác biệt so với bệnh lao thông thường.

4. Người bệnh thăm khám, làm xét nghiệm gì để có kết luận lao kháng thuốc?

Khi nghi ngờ lao kháng thuốc, người bệnh sẽ được lấy mẫu bệnh phẩm như đàm, dịch rửa phế quản, dịch dạ dày, dịch màng phổi, dịch mủ vết thương, dịch não tuỷ... tuỳ theo thể bệnh lao; để thực hiện nuôi cấy làm kháng sinh đồ hoặc các xét nghiệm chẩn đoán nhanh được WHO chứng thực (Hain test, Xpert MTB/RIF…)

5. Phác đồ dành cho bệnh lao kháng thuốc như thế nào?

Việc điều trị lao kháng thuốc khá phức tạp, cần lựa chọn loại thuốc và thời gian dùng thuốc dựa trên mức độ kháng thuốc.

Phác đồ nhẹ nhàng nhất có lẽ là với bệnh nhân kháng isoniazid đơn thuần (kháng 1 thuốc), có thể điều trị 6 tháng với phác đồ 2 tháng tấn côgn gồm 5 loại thuốc kháng lao và 4 tháng duy trì với 3 loại thuốc.

Với bệnh lao đa kháng, có hai phác đồ là phác đồ điều trị chuẩn ngắn hạn từ 9 -11 tháng có giai đoạn tấn công 4-6 tháng và phác đồ điều trị chuẩn 20 tháng có thời gian tấn công kéo dài 8 tháng. Hầu hết phác đồ lao đa kháng đều có thuốc tiêm và người bệnh lao kháng thuốc phải tới cơ sở y tế hàng ngày để dùng thuốc.

Những trường hợp kháng thuốc phức tạp sẽ sử dụng phác đồ riêng cho từng cá nhân với thời gian sử dụng của từng loại thuốc thay đổi tùy thuộc vào kết quả kháng sinh đồ, đáp ứng điều trị, tiền sử điều trị và khả năng dung nạp thuốc của bệnh nhân. Phác đồ cụ thể sẽ do một chuyên gia về điều trị lao kháng thuốc quyết định.

6. Thuốc điều trị có tác dụng phụ gì? Có cách nào hạn chế tác dụng phụ không?

Thuốc điều trị lao thường có nhiều tác dụng phụ, đặc biệt là phác đồ lao kháng thuốc, tỷ lệ gặp tác dụng phụ khá cao.

Các biến cố bất lợi thường được ghi nhận bao gồm độc tính trên thận hoặc rối loạn điện giải, suy giáp do PAS hoặc ethionamid/prothionamid, viêm gan do thuốc do pyrazinamid, PAS; độc tính trên tai do aminoglycosid hoặc capreomycin, rối loạn tâm thần và trầm cảm có thể dẫn đến ý nghĩ tự tử, rối loạn nhịp tim, bệnh thần kinh ngoại biên, các tác dụng phụ trên đường tiêu hoá, dị ứng thuốc, đau khớp, nhìn mờ, suy tuỷ...

Trong điều trị lao kháng thuốc, việc gặp phải tác dụng phụ là khó tránh, do đó, cách tốt nhất là tái khám định kỳ, theo dõi sát ở cơ sở y tế chuyên khoa để phát hiện sớm, xử lý kịp thời bằng cách điều chỉnh liều lượng, cách dùng thuốc hoặc đổi loại thuốc tuỳ theo loại phản ứng bất lợi và mức độ nặng.

Ví dụ đối với biến cố bất lợi viêm dạ dày, bệnh nhân thường tới với than phiền đau thượng vị. Bác sĩ chuyên khoa sẽ làm các xét nghiệm để tầm soát nguyên nhân, nếu nghi ngờ viêm dạ dày do thuốc, có thể chỉ định thêm thuốc điều trị bệnh và điều chỉnh thời gian dùng thuốc sao cho ít ảnh hưởng tới dạ dày nhất mà vẫn đảm bảo hiệu quả điều trị.

Trong trường hợp đau bụng trầm trọng hoặc có xuất huyết tiêu hoá nghi do loét dạ dày, có thể xem xét ngừng thuốc nghi ngờ gây ra triệu chứng 1 vài ngày hoặc ngừng hoàn toàn nếu không ảnh hưởng tới phác đồ.

Nhìn chung, biến cố bất lợi do thuốc chống lao, nhất là phác đồ lao kháng thuốc rất đa dạng và tuỳ từng tình huống cụ thể để quyết định hướng xử trí. Người bệnh cần tuân thủ y lệnh của bác sĩ điều trị và tránh tự ý dùng thêm thuốc, kể cả thực phẩm chức năng để hạn chế tương tác thuốc làm giảm hiệu quả hoặc tăng tác dụng phụ.

7. Người bệnh lao kháng thuốc cần lưu ý gì trong sinh hoạt để giúp bệnh mau cải thiện?

Trong điều trị lao kháng thuốc, quan trọng nhất là bệnh nhân phải dùng đúng và đủ thuốc theo chỉ định. Nếu bệnh nhân ngừng dùng thuốc quá sớm, bệnh có thể tái phát trở lại; nếu bệnh nhân không dùng thuốc đúng cách, vi khuẩn còn hoạt động có thể kháng các loại thuốc này. Khi đó, bệnh lao sẽ kháng thuốc nhiều hơn, khó điều trị hơn và tốn kém nhiều hơn.

Người bệnh cần đảm bảo quy tắc cách ly, xử lý tốt chất tiết, đàm nhớt.

Nên xây dựng môi trường sống lạnh mạnh, trong lành, thông thoáng, sinh hoạt khoa học, điều độ, nghỉ ngơi, dinh dưỡng và tập luyện hợp lý để tăng cường sức đề kháng, giúp chống lại bệnh lao kháng thuốc hiệu quả hơn.

8. Có phải lao kháng thuốc khả năng lây lan sẽ cao hơn? Người bệnh lao kháng thuốc điều trị trong bao lâu sẽ hết lây?

Đường lây truyền của lao kháng thuốc và lao nhạy thuốc là tương tự nhau và tỷ lệ lây nhiễm cũng không khác biệt. Vi khuẩn lao sẽ đi vào không khí khi người bệnh lao ho, khạc đàm, hắt hơi, nói chuyện. Vi khuẩn lao có thể tồn tại nhiều giờ trong không khí, tuỳ vào điều kiện môi trường. Người hít phải vi khuẩn lao với số lượng đủ nhiều sẽ nhiễm lao.

Thời gian cách ly người bệnh lao kháng thuốc trong quá trình điều trị chưa được công bố rõ ràng, thời gian này sẽ thay đổi tuỳ theo cơ địa người bệnh và mức độ đáp ứng với phác đồ. Thông thường nếu lâm sàng đáp ứng, bệnh nhân đạt mục tiêu âm hoá đàm, ít nhất là 6-8 tuần sau khởi động dùng thuốc có thể xem như đã không còn lây nhiễm và đưa về cộng đồng sinh hoạt bình thường.

9. Bệnh lao kháng thuốc có chữa khỏi được không? Có dễ tái phát không?

Tỷ lệ chữa khỏi lao kháng thuốc tuỳ vào mức độ kháng và khác nhau ở các quốc gia và vùng lãnh thổ. Đối với lao kháng thuốc, tỷ lệ chữa khỏi vào khoảng 50-60% so với tỷ lệ chữa khỏi 95-97% của lao nhạy thuốc; lao siêu kháng thuốc có tỷ lệ chữa khỏi vào khoảng 30-50%.

Nếu không điều trị, lao kháng thuốc rất dễ dẫn tới tử vong, thời gian từ lúc tiếp xúc tới lúc qua đời trung bình từ 2-7 tháng.

Tỷ lệ tái phát bệnh lao sau khi hoàn thành phác đồ điều trị là từ 0-4%, thường xuất hiện trong khoảng 2 năm đầu tiên.

10. Người điều trị bệnh lao cần làm gì để tránh tình trạng kháng thuốc?

Để phòng tránh phát triển chủng lao kháng thuốc, quan trọng nhất là bệnh nhân phải dùng đúng và đủ thuốc theo chỉ định.

Nếu bệnh nhân ngừng dùng thuốc quá sớm, bệnh có thể tái phát trở lại; nếu bệnh nhân không dùng thuốc đúng cách, vi khuẩn còn hoạt động có thể kháng các loại thuốc này. Khi đó, vi khuẩn lao sẽ trở nên kháng thuốc, khó điều trị hơn và tốn kém nhiều hơn.

Người bệnh cần đảm bảo quy tắc cách ly, xử lý tốt chất tiết, đàm nhớt.

Nên xây dựng môi trường sống lạnh mạnh, trong lành, thông thoáng, sinh hoạt khoa học, điều độ, nghỉ ngơi, dinh dưỡng và tập luyện hợp lý để tăng cường sức đề kháng, giúp chống lại bệnh lao kháng thuốc hiệu quả hơn.

Nên tái khám định kỳ và thực hiện xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để phát hiện sớm và xử trí kịp thời tình trạng kháng thuốc.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X